Hy vọng vào những cây bút mới

Sau gần ba năm diễn ra (bắt đầu từ ngày 31-12-2015 đến hết ngày 31-5-2018), cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 vừa có buổi công bố 20 tác phẩm vào chung khảo, trên tổng số gần 500 tác phẩm gửi về.

8X và 9X cùng thi tài

Ðược tổ chức lần đầu vào năm 1995, Văn học tuổi 20 (VHT20) trở thành cuộc thi uy tín về văn chương hiện nay. Sau 5 lần tổ chức, cuộc thi đã phát hiện ra nhiều cây bút mới, bổ sung vào đời sống văn chương nước nhà như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Trương Anh Quốc, Võ Diệu Thanh… Ðến lần 6, cuộc thi nhận được 458 tác phẩm, trong đó có 347 truyện dài và 111 truyện ngắn.

Ðặc biệt, trong 20 tác phẩm vào chung khảo, có không ít các tác giả đã là những tên tuổi được định danh trên văn đàn, hoặc từng xuất bản sách như Cao Nguyệt Nguyên, Nguyễn Thị Kim Hòa, Bùi Tiểu Quyên, Ðinh Phương, Hiền Trang… Nói về việc tham gia VHT20 khi đã là một tác giả thành danh, Nguyễn Thị Kim Hòa cho biết: “Có thể nói VHT20 giống như “giấc mơ thời con gái” của đời văn mà tôi hằng ấp ủ cho đến lúc này. Hai mùa thi trước, vì nhiều lý do nên tôi phải lỗi hẹn. Cũng gần chín năm rồi, tôi nghĩ chắc cũng không nên để “giấc mơ thời con gái” của mình dở dang thêm nữa. Tham gia VHT20 lần 6 là cách tôi trả nợ cho giấc mơ mình”.

Với chủ đề “Viết về cuộc sống, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay”, vậy nên không khó để lý giải khi các tác giả tham dự lần này chủ yếu thuộc thế hệ 8X và 9X. Trong 20 tác giả vào chung khảo, có đến 13 người thuộc lứa tuổi 9X, người nhỏ tuổi nhất là 21 tuổi. Dù là những người trẻ, hầu hết đều là tác phẩm đầu tay nhưng họ ít nhiều cho thấy đam mê và nỗ lực lớn dành cho văn chương. Có thể kể đến như Hiền Trang, Phạm Thúy Quỳnh, Phát Dương, Phạm Thu Hà, Vũ Tùng Lâm…

Trăn trở và hy vọng

Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều tác phẩm bộc lộ những tâm hồn rất đẹp, tươi tắn và luôn trăn trở để đi tìm một ý nghĩa sống, một con đường thực hiện những hoài bão, khao khát gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, yêu quý và tự hào về cội nguồn dân tộc. Một số tác giả không ngại đối diện và đau đáu trăn trở với những vấn đề lớn trong xã hội. Các tác giả được chọn vào chung khảo đều tìm được cho mình một giọng điệu riêng hiện đại, mới mẻ để kể về câu chuyện mà mình ôm ấp và tin tưởng.

Ðang là sinh viên năm 3 Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Phạm Thu Hà gửi đến cuộc thi truyện dài Sau những ngày mưa. Tác phẩm là câu chuyện của Huyên, cô gái 21 tuổi là thành viên của đoàn hội chợ rong ruổi từ nam ra bắc. Chính những ngày rong ruổi với rất nhiều va đập trong cuộc sống là cơ hội giúp cô trưởng thành, giúp cô biết mở rộng lòng mình để đón nhận những điều tốt đẹp ở phía trước. Ðặc biệt, trong những trang viết tả cảnh tả tình đẹp đẽ, Phạm Thu Hà còn gửi vào đó niềm trăn trở dành cho môi trường theo xu hướng văn học sinh thái hiện nay. Ðó là những “vết thương” của thiên nhiên ở những nơi tác giả đã sống và trải nghiệm.

Còn Phát Dương (sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên năm thứ tư Trường đại học Cần Thơ) mang đến tập truyện ngắn Tự nhiên say. 11 truyện ngắn viết về miền Tây sông nước, ngợi ca tình người, tình làng nghĩa xóm trước những xô bồ, toan tính và hào nhoáng mà cuộc sống hiện đại đang hối hả tràn qua. Không riêng Phát Dương mà có lẽ với hầu hết các cây bút trẻ đến từ miền Tây, dù vô tình hay hữu ý, những sáng tác của các cây bút trẻ nơi đây luôn chịu sự so sánh với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - cũng là một tên tuổi bước ra từ cuộc thi. Vậy nên, để vượt qua cái bóng quá lớn của tác giả Cánh đồng bất tận là điều không dễ dàng.

Ðược hỏi về vấn đề này, Phát Dương thể hiện bản lĩnh của mình khi cho biết: “Với một người viết trẻ, được so sánh với nhà văn tên tuổi, thì đó cũng là một vinh dự. Còn việc có tạo được sự khác biệt trong sáng tác văn học hay không, em nghĩ nên để thời gian trả lời...”.

Với 20 tác phẩm trong khuôn khổ của một cuộc thi, công chúng yêu văn chương hoàn toàn có thể hy vọng về sự xuất hiện của những tác giả mới, mang đến nhiều đột phá trong nội dung cũng như hình thức.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 sẽ công bố kết quả và trao giải vào tháng 1 năm 2019 với thành phần Ban giám khảo gồm: PGS, TS Nguyễn Thành Thi, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và nhà văn Phan Hồn Nhiên. Cuộc thi sẽ trao một giải nhất: 70 triệu đồng, một giải nhì: 50 triệu đồng, một giải ba: 30 triệu đồng, bốn giải khuyến khích: mỗi giải 20 triệu đồng cùng một giải dành cho tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất: 20 triệu đồng.