Hỏi xem điệu múa dâng Bà...

Chiều. Nắng xuộm vàng trên dòng sông mơ màng. Mấy rặng tre trĩu ngọn la đà trên sông nước. Sông Cái Nha Trang lặng lẽ uốn mình giữa đôi bờ trù phú làng mạc, ruộng đồng. Chúng tôi xuôi ghe từ cầu Vĩnh Phương ra cửa biển. Hoàng hôn buông xuống. Nước sông như đen hơn, đầy bí hiểm.

Tháp Bà Ponagar, cầu Xóm Bóng và một góc Xóm Bóng.
Tháp Bà Ponagar, cầu Xóm Bóng và một góc Xóm Bóng.

Trước mặt, đã thấy núi Cù Lao và Tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh, huyền hoặc. Bóng núi uy nghi. Dáng tháp trầm mặc. Dường như khung cảnh đã chạm tới một nỗi niềm sâu xa nào đó, anh Nguyễn Tứ Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, người rất tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân gian Khánh Hòa cất tiếng hát: Ai về Xóm Bóng thăm nhà

Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?

Thế thường tre lụn còn măng

Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành... (Ca dao)

Một người bạn chợt hỏi: - Xóm Bóng ở đâu, và có liên quan gì tới điệu múa dâng Bà? Mà Bà ở đây là ai vậy? Anh Hải thôi hát. Một câu hát cứ ngỡ bâng quơ, mà hàm chứa bao nhiêu câu chuyện, về một vùng đất, về một dáng nét văn hóa độc đáo của cả người Chăm lẫn người Việt. Chúng tôi thả ghe trôi, thật chậm. Nước triều sắp lên. Chốc nữa, ghe chúng tôi không ra cửa biển mà sẽ đứng yên hoặc trôi nhẹ về phía thượng nguồn. Câu chuyện về xứ sở, về vùng đất này đượm màu huyền thoại của cả cộng đồng dân cư. Hàng trăm năm nay, tâm thức người dân Nha Trang, Khánh Hòa vẫn cứ tinh khôi những dòng chảy văn hóa lịch sử, tâm linh mà làm nên dáng nét, phong cách rất riêng của mình. Trong đó có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt-Chăm rất độc đáo. Tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đây có sự giao thoa, tiếp biến mà tạo nên hình tượng Bà, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, Bà hết mực thương yêu, bao bọc dân lành. Người dân ở đây thờ Bà nghiêm cẩn lắm. Và những lúc bất an, những khi hoạn nạn họ luôn đến nhờ Bà giúp đỡ. Thiêng lắm! Tên gọi Nha Trang cũng là một trong những thí dụ sinh động về sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm ấy. Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn cứ ngâm ngợi mấy câu thơ cổ: Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải Tứ biên hoàng diệp dục vi thu (Tạm dịch: Đôi bờ lau sậy vươn tới biển / Bốn bề lá vàng gọi thu sang).

Người Chăm gọi con sông ấy là Yjatran, có nghĩa là dòng sông có nhiều lau lách. Người Việt, theo cách phát âm ấy, gọi luôn là sông Cái Nha Trang. Rồi, tên gọi ấy được định danh cho thành phố có dòng sông Cái đi qua: Nha Trang. Ôi, sông Cái Nha Trang, dòng sông gắn cùng tuổi thơ tôi trong trẻo và dịu mát! Lớn lên một chút, đọc bài thơ Trên đường về của Chế Lan Viên, tôi như thấy có hình bóng mảnh đất Nha Trang của mình: Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành Nha Trang, bây giờ, trên đồi Cù Lao, trải bao mưa nắng, thời gian, Tháp Bà Ponagar vẫn đứng uy nghi, đầy trắc ẩn. Đây là một trong những lưu tích quan trọng của tiểu quốc Kauthara, thuộc Chămpa ngày nào. Như trên đã nói, Bà là hiện thân Mẹ xứ sở của người Chăm, cũng là Mẫu của người Việt. Bà là Mẹ của muôn dân nơi này.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Lễ hội Tháp Bà Ponagar hằng năm diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch. Các hoạt động chính diễn ra trong lễ hội gồm: Lễ thay y: Lễ thả hoa đăng; Lễ cầu Quốc thái dân an; múa bóng, hát văn... Đây là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc trên dải đất miền trung. Lễ hội đã trở thành nơi hội tụ của các tộc người Kinh, Chăm, Raglai và các cộng đồng tộc người khác ở miền trung và Tây Nguyên. Hiện nay, mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây dự lễ, dâng hương. Được coi là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất ở Khánh Hòa, năm 2012, Lễ hội Tháp Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia...

Thêm một chút rượu cho vừa tình sông nước, và đang tâm đắc với câu chuyện về điệu múa dâng Bà, anh Nguyễn Tứ Hải khẳng định, múa bóng là một trong những nét đặc sắc của Lễ hội Tháp Bà. Ông dẫn lời thi sĩ Quách Tấn, tác giả cuốn sách Xứ Trầm Hương nổi tiếng: “Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, nhịp nhàng dưới ánh đuốc, ánh đèn lừng lẫy. Họ múa rất khéo và rất tài. Chẳng những đôi tay đôi chân luôn luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình nâng đỡ. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục”.

Cũng theo anh Nguyễn Tứ Hải, múa bóng là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tín ngưỡng này, khi đến vùng đất Khánh Hòa đã có sự giao thoa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm. Sự giao thoa đó chính là nét đồng điệu trong tâm hồn giữa người Việt và người Chăm, từ đó tạo nên sự đồng điệu trong âm nhạc, văn hóa. Múa bóng là một trong những hình thức thể hiện sự tôn vinh, thành tâm của người dân đối với ân đức, công lao của Mẫu. Điều này lý giải vì sao nghệ thuật múa bóng đều được cả người Việt lẫn người Chăm quan tâm tập luyện và biểu diễn.

Ngay dưới chân ngọn Tháp Ponagar có một cộng đồng người dân chuyên làm nghề múa bóng. Ngày nay, vẫn còn một số ít người làm nghề này. Tôi đã nhiều lần xem chính những người Xóm Bóng biểu diễn ở lễ hội. Những cô gái tuổi trăng tròn thướt tha trong xống áo, chân vờn theo nhịp phách sáo trúc, song loan. Lời ca mông lung mây trời, mênh mang sóng nước. Những đôi tay uyển chuyển như gấm vóc, lụa là. Và những bước chân phiêu bồng, quấn quýt. Thần thái liêu trai. Đầy mê hoặc. Và mộng mị.

Trải đã mấy trăm năm, người dân Xóm Bóng, một số ở đồi Cù Lao, một số lênh đênh trên thuyền đánh cá đã cùng nhau múa bóng. Múa bóng để dâng Bà. Và múa bóng cũng để giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình đối với Mẫu, đối với quê hương, đất nước. Chính những điệu múa bóng, chính những người múa bóng ấy đã định danh cho một Xóm Bóng bây giờ, ngay dưới chân đồi Cù Lao, Tháp Thiên Y Ana Thánh Mẫu. Trong cuốn Xứ Trầm Hương, thi sĩ Quách Tấn lý giải: Sở dĩ có tên Xóm Bóng là xưa kia vào ngày lễ vía Bà thường có những buổi tổ chức múa Bóng do người trong xóm phía dưới chân Tháp Bà phụ trách. Những vũ nữ phần nhiều là người trong xóm. Trường dạy múa cũng ở trong xóm. Cho nên xóm được mệnh danh là Xóm Bóng, thuộc làng Cù Lao.

Hỏi xem điệu múa dâng Bà... ảnh 1

Lễ hội Tháp Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngay sát đồi Cù Lao, có một cây cầu được gọi là cầu Xóm Bóng. Cầu do người Pháp xây dựng vào những năm 1925, có chiều dài hơn 300 mét. Đứng ở cầu Xóm Bóng, ngước ống kính tôn vinh, Tháp Bà trong khung ảnh đẹp cổ kính, uy nghi. Còn đứng trên Tháp Bà, hướng nhìn xuống cầu Xóm Bóng, hiện ra một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải, ước tính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 50 đoàn múa bóng với khoảng 1.000 người. Số lượng như vậy là không ít. Tuy nhiên, tính độc đáo như xưa của múa bóng đã giảm nhiều; số nghệ sĩ giỏi ngày càng ít. Đến thời điểm này, số người thật sự nắm được những điểm cốt yếu của nghệ thuật múa bóng trên toàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà tất cả họ nay tuổi đã cao, sức đã kiệt. Cho nên cần sớm có giải pháp sưu tầm, lưu trữ những vốn hiểu biết của lớp nghệ sĩ lớn tuổi mà lưu truyền cho hậu thế. “Để hoạt động múa bóng lành mạnh theo đúng nghĩa của một loại hình nghệ thuật, tỉnh Khánh Hòa cần có biện pháp hạn chế tối đa hoạt động của các đoàn múa bóng tự phát. Bên cạnh đó, nên thành lập các câu lạc bộ hát chầu văn, múa bóng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, có nghiệp vụ tốt, góp phần bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Tháp Bà”, anh Nguyễn Tứ Hải chia sẻ.

Múa bóng vẫn đang diễn ra, trong lễ hội, cũng như trên các sân khấu du lịch. Và, đâu đó, có những đội múa bóng chưa đạt yêu cầu về nhiều mặt vẫn cứ hát, cứ múa theo cách làm dịch vụ. Rồi hồn vía múa bóng sẽ ra sao khi lớp người xưa đã khuất? Câu hát nghe trĩu nặng ưu tư: Thế thường tre lụn còn măng Mà sao: Tham đó, bỏ đăng...

Nha Trang, tháng Giêng - Kỷ Hợi 2019