Hàng quà bà Tách

Ðó là món quà vặt bán ở cổng Trường trung học cơ sở Lê Quý Ðôn hồi TP Lào Cai vẫn còn là thị xã. Thị xã buồn và vắng. Món quà vặt ấy gồm hai món là tiết lợn luộc và đuôi lợn luộc do một bà già bán vào lúc sẩm tối. Bà già ấy là bà Tách. Bà Tách chưa già lắm hay già lắm rồi thì khó ai mà đoán tuổi được. Mặt bà Tách chằng chịt nếp nhăn nhưng tóc bà thì búi tó đen nhánh.

Bà Tách hay mặc áo cánh tím, đứa thì bảo tím Huế, đứa lại nói tím hoa cà rồi cãi nhau chí chóe như hai con sẻ vẫn hay chòng ghẹo trên cành bàng bên ngoài cửa sổ lớp học…

Bà Tách đã ra kia rồi, chúng tôi mừng rỡ. Bà ngồi dưới cây cột điện vuông có những lỗ thủng như cột điện trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trên cái cột điện ấy treo bóng đèn dây tóc lắp chao tròn xoe như đĩa men sứ tỏa ánh sáng vàng vọt như nắng chiều của một ngày sắp tắt. Trước mặt bà là cái bàn gỗ bày dăm ba chiếc bát nhựa cũ xỉn. Phải là bát nhựa vì bán hàng cho trẻ con, có trót nhỡ tay đánh rơi cũng không vỡ được.

Dưới gầm bàn là hai cái nồi nhôm to đen và một cái vại sành da lươn sứt mẻ. Chung quanh bàn là ba cái ghế băng đã lên mầu thời gian bóng loáng. Quang gánh phía sau lưng. Bà Tách ngồi cạnh cái bàn gỗ - thân quen và độ lượng, bàn tay gầy guộc luôn cầm sẵn nắp vung để chuẩn bị mở ra bao điều bí mật cất giấu trong những cái nồi của bà. Úm ba la một cái nồi mở ra toàn tiết lợn luộc. Chẳng biết bà Tách cho gì vào nồi tiết luộc mà nước dùng cứ ngọt lừ như đường cát, đường phèn, chắc là bỏ tôm nõn, sá sùng giống quán phở. Lấy thìa xúc một miếng tiết, miếng tiết mềm mướt quyện với hành khô giòn rụm tan ra trong miệng. Ôi, nhớ quá cái nồi nước dùng leo lẻo đầy những miếng tiết vuông cành cạnh lẫn với lá hành, lá dăm xanh ngăn ngắt múa lượn theo từng nhịp muôi. Khói cõng mùi thơm bay lên, náo nức và mê say.

Vừng ơi một cái nồi mở ra đầy đuôi lợn luộc tròn trịa và nõn nà tăm tắp. Thôi khỏi cần ước ao đến Tết đụng lợn mới được ăn đuôi. Cứ đến hàng bà Tách thì chiều nào cũng như Tết. Chấm một khoanh đuôi vào bát muối ớt vắt tí quất, rồi bỏ vào miệng nhai chầm chậm sẽ thấy giòn giòn sần sật của đuôi lợn luộc vừa chín tới. Nhai xong nuốt rồi mà vài sợi thịt còn vương tơ nơi kẽ răng. Ăn phải miếng ớt cay xé, nước mắt chảy như mưa. Và hai đứa bạn thấy vậy hỏi có sao không trong khi chúng nó tay không ngừng bốc, miệng không ngừng nhai vì vừa ngon lại vừa sợ đứa kia ăn hết phần.

Món tiết lợn luộc và đuôi lợn luộc của bà Tách muốn ăn đúng điệu là phải kèm cà muối trong vại sành. Cà phơi cho héo rồi muối cùng tỏi, riềng. Lúc bà Tách đon đả nhấc vỉ tre múc cà tôi nhìn thấy cả miếng riềng hồng ửng như son, miếng tỏi trắng ngần như phấn. Cắn miếng cà muối thấy nổ đốp một cái giòn như tiếng pháo đêm giao thừa xưa cũ, hèn gì mà người ta gọi là cà pháo. Tôi nhớ bà tôi kể rằng bữa cơm đầu tiên về nhà chồng, có cô con dâu gắp một quả cà và cắn một miếng rõ nhỏn nhẻn, thế mà hạt cà vẫn bắn thẳng vào mặt mẹ chồng.

Nhưng bà mẹ chồng không giận, không trách, còn thương vì cô đã chọn món đầu tiên là cà - món ăn bình dân bao đời, tức là cô không chê đạm bạc, chẳng khinh nhà chồng nghèo khó. Vả lại quả cà cô cắn kêu giòn như tiếng pháo báo hiệu sự khởi đầu ấm no, hạnh phúc. Một đứa vừa cắn đôi quả cà muối liền kêu lên: Cà mặn quá bà ạ. Bà Tách ngừng tay múc tiết luộc cho khách ngẩng lên ngâm một câu, giọng êm như mây trôi: "Kiều càng sắc sảo mặn mà. So về bề mặn thì cà mặn hơn" làm cho bọn trẻ cười nghiêng ngả vì bà Tách ngoài tài luộc tiết, luộc đuôi thì còn có giỏi lẩy Kiều. Tôi về khoe với mẹ là bà Tách muối cà ngon lắm mẹ ạ, lại còn không tính tiền cà nữa.

Bóng đèn trên cột điện không đủ soi sáng nên khi trời nhá nhem tối và muỗi bắt đầu vo ve thì bà Tách thắp một cái đèn dầu đặt trên bàn gỗ. Ánh sáng leo lét xua đi bóng tối dày đặc bao phủ không gian. Sau này học truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam không hiểu sao tôi hay liên tưởng ngọn đèn của bà Tách giống như ngọn đèn của chị Tí, chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, nhưng ngọn đèn ấy dù le lói nhưng chưa lụi tắt bao giờ. Ngọn đèn ấy là biểu tượng sức sống mãnh liệt, tiềm tàng của những người phụ nữ đảm đang, tần tảo, khó nhọc vì mưu sinh cơm áo nhưng không tắt ước mơ, hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Tôi lớn lên, đi học rồi ra trường đi làm. Bao thịt cá ê hề của khách khứa triền miên làm tôi quên đi món quà vặt của một thời thơ bé. Một hôm, lái xe đi ngang cổng trường cũ, bao nhiêu ký ức chợt ùa về chật kín tâm hồn. Tôi về nhà hỏi mẹ có nhớ bà Tách bán tiết lợn luộc, đuôi lợn luộc không, con muốn hỏi xem giờ hàng quà của bà ở đâu để đến ăn. Mẹ tôi đưa mắt nhìn ra xa xôi rồi nói bà Tách mất lâu rồi con ạ... Gió trút lá bàng đỏ ối như than lửa cời xuống lòng tôi đau nhói.