Giấc ngủ lâm tuyền

Thiên Thọ lăng là một quần thể di tích nổi tiếng của đất cố đô. Mưa bay ngút ngàn, đò ngược dòng Hương lên phía nguồn xa. Mưa mù phủ bạc bến bờ, đò cô lẻ phiêu diêu giữa làn thủy mặc. Tôi ngắm mưa chan chứa nỗi niềm kim cổ. Một hành trình xa lăn tăn khói sóng, người ngây ngất cái dư vị ngàn năm ủ mật dòng cổ sử.

Giấc ngủ lâm tuyền

Kia bến đò Kim Ngọc, bóng dáng làng Định Môn hiện ra, nằm êm đềm bên tả ngạn sông Hương, vẻ chân quê và mộc mạc như thuở trăm năm còn lưu dấu. Tôi sững sờ trước ngôi làng mướt mát mầu xanh, núp dưới những đám cây chen nhau, những ruộng lúa, nương ngô kín lối con đường ngoằn ngoèo chạy qua bao ngõ xóm. Ngôi đình làng dõi hướng nhìn ra sông, cách không xa cổng làng đề rõ ba chữ lớn: làng Định Môn. Gió sông tràn lên, mang bao cô tịch của một vùng quê xa xôi, nơi năm nao đấng quân vương chọn làm chốn an giấc nghìn thu. Tháng 7 đương mùa thanh trà, Định Môn trĩu trịt quả như khoe khéo sự màu mỡ của vùng đất bồi phù sa sông Hương. Thời các vua Nguyễn, thanh trà là một thứ quả thời trân được chọn để tiến vua. Tôi chẳng am tường mấy về thứ quả đặc sản này nên hỏi anh Trường, bạn đồng môn thời đại học, là người làng Định Môn. Anh cho biết thanh trà vốn thuộc họ bưởi nhưng quả bé hơn, da xanh, vỏ mỏng, múi dày. Điểm khác là vỏ thanh trà có mùi tinh dầu thơm nhẹ rất đặc trưng, múi thanh trà nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quýt. Trái thanh trà chín vào mùa thu, cho quả trong vòng hai tháng. Từ xưa đến nay, thanh trà chẳng cần chất bảo quản vẫn có thể để đến cả tháng trời. Kinh nghiệm của người dân làm vườn là chỉ cần đừng để quả chạm đất, sẽ để được lâu. Lúc vỏ càng héo quắt, quả thanh trà ăn lại càng ngon. Ngon nhất là thanh trà Lương Quán, Nguyệt Biều, Lại Bằng… Và nay tôi được thưởng thức thứ quả đặc sản ấy nơi sát lăng vua Gia Long. Ăn múi thanh trà mọng nước, vị ngọt thanh, pha chút the the, cảm nhận cả cuộc đất Định Môn, gió núi Thiên Thọ, nước sông Hương thấm mênh mang đầu lưỡi. Có lẽ vì thế mà hương vị thanh trà đã đi vào văn thơ xứ Huế.

Giấc ngủ lâm tuyền ảnh 1



Theo đường làng xanh mướt cây, chúng tôi hướng về lăng, mưa lất phất trên đầu, những cánh cò buồn bã bay qua rặng thông già. Vượt lên con dốc nhỏ, thấp thoáng đây đó đền đài và một mầu xanh biếc nước non diễm tuyệt hiện lên nhòa bóng dưới cơn mưa chiều. Một khung cảnh nên thơ và hùng vĩ hiếm thấy của những ngọn đồi nhuộm mầu đại ngàn trải ra trước mắt. Vùng sơn cước núi non điệp trùng, rừng thông trên đồi xa, hồ nước đầy hoa nở, những bãi cỏ xanh mướt và đền đài, lăng tẩm ẩn hiện sau bóng cây xanh thắm.

Trong trí tưởng tượng của tôi, vua Gia Long là một ông vua có số phận khá long đong, nhiều bất trắc. Thuở thiếu thời gia tộc Nguyễn Ánh bị họa binh đao, ly tán khắp nơi. Năm 1780, xưng vương, 22 năm sau lên ngôi hoàng đế. Chính vị vua này và triều đại của ông ta đã khiến sử học Việt Nam tốn không ít giấy mực tranh luận công, tội. Một sự nghiệp chính trị nhiều uẩn khúc. Khi chết, vị vua này đã kiến thiết cho mình một khu lăng tẩm thuần chất mỹ học phương Đông, với nét đẹp khiến ngay cả người đời sau cũng bị mê hoặc.

Lăng Gia Long nằm giữa một quần thể 42 ngọn núi to nhỏ, điều đã làm nên sự khác biệt kỳ vĩ so với các lăng khác. 14 ngọn ở bên trái, 14 ngọn ở bên phải tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Hậu án là 7 ngọn núi nhỏ ở phía sau lăng và ngọn Đại Thiên Thọ uy nghi nổi lên giữa điệp trùng núi non được chọn là tiền án của phần đất an địa. Chính dòng Hương và núi Thiên Thọ đã tạo nên thế phong thủy “đầu gối đại sơn, chân đạp đại giang”, phù hợp nhất cho mơ ước của bậc đế vương hướng vào cõi vĩnh hằng. Mới hay, con mắt của nhà địa lý Lê Duy Thanh (con ruột Lê Quý Đôn) cũng thật tinh tường hiếm có khi chọn được cuộc đất này. Thành quả ấy là công sức tìm tòi gian khổ sau nhiều ngày lặn lội giữa núi rừng để rồi kiến thiết lên một ngôi lăng trác tuyệt, lưu danh hậu thế.

Lăng Gia Long tạo nên một không gian yên ả. Cuộc đời vươn lên từ gian khổ, sống trong thù hận, thấm đầy khói lửa chiến chinh, thế mà cuối đời nhà vua đã chọn cho mình chỗ an nghỉ gần gũi thiên nhiên, quên đi hết thảy mọi sự lo phiền của trần ai.

Hai trụ biểu chính phía xa, dưới chân Thiên Thọ báo hiệu đã đi đến khu vực lăng. Hai trụ này theo tôi được biết cao đến 37 m và đang được phục hồi nguyên dạng. Ngày trước có đến 85 trụ nhưng thời gian và biến động đã quật ngã chúng, vùi lấp đâu đó bên ngọn Thiên Thọ. Mùi hương nhẹ từ đâu đó làm chúng tôi chững lại. Long Trì (hồ Rồng) thơm ngát đến lạ. Hồ tượng trưng cho 9 con rồng, bao quanh lăng như dải yếm quàng vào cổ ngọn Thiên Thọ. Sen, súng đua nhau nở bông nhập nhòe. Lạ rằng có loài bông súng con, mầu trắng dịu, gợi vẻ thi tao của gã thư sinh giữa trùng trùng non nước cũng dám tranh phần khoe sắc tinh khôi trong bát ngát hoa nước mênh mang. Tôi nhớ năm nào tết Trùng Cửu, lên đây rót những giọt rượu làng Chuồn hiếm hoi chảy thấm trong cuống họng, thanh tao như mầu nước man mác trời xanh. Chất men nồng hương nếp ngào ngạt xộc lên tận mũi, vị tết Trùng Cửu ngấm lặng trong tôi. Tôi đã ngồi bên hồ súng rất lâu, ngắm những nét hoa khai ngộ ngày Trùng Cửu rồi chọn lấy một đóa gói vào trong tấm khăn tay.

Trong làn mưa mỏng, tôi kịp thấy lại cung điện ẩn sâu dưới những bóng cây cổ thụ: Minh Thành điện. Lối mái trùng thiềm điệp ốc cuồn cuộn như mây khiến cho ngôi điện nổi bật trên đồi thông phía trái lăng, thu hút ánh mắt người thưởng ngoạn. Minh Thành điện vừa là nơi thờ tự, vừa là nhà lưu giữ những kỷ vật gắn với sự nghiệp chiến chinh hai mươi mấy năm trời của vua Gia Long. Cái nghĩa của “sự hoàn thiện rực rỡ” hay “hoàn thành vào ngày mai” đều đem lại cảm giác chiêm hưởng nghệ thuật hướng đến nốt trầm u tịch khi đứng trước Minh Thành điện. Nhà nghiên cứu người Pháp L.Cadière có phần nào đó đúng khi cho rằng điện này chưa thật sự hoàn thành khi “sườn của điện chưa sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản”. Cái đẹp của một công trình kiến trúc đôi khi không cần đến vẻ đẹp hoàn thiện, một chút khuyết nhỏ cố ý ấy lại là cả một triết lý sâu xa, ý nghĩa hơn cái đẹp của con mắt thường. Nay điện được trùng tu lại, sắc đỏ giữa rừng xanh u tịch.

Hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên vùng Thiên Thọ, sự phô phang không phù hợp buộc phải san sẻ bớt cho sự nhỏ bé khôn khéo trong việc thiết kế các công trình kiến trúc. Một người gây dựng nên đế nghiệp, biết bao chiến công lẫy lừng ấy vậy mà chỉ xây một cái lăng nhỏ, ẩn khuất sau núi rừng, không khoa trương, không cầu kỳ. Ngay cả bi ký cũng đặt khiêm tốn ở một góc bên trái lăng. Bi Đình trổ hổng bốn cửa, tấm bia lớn mang tên Thánh Đức Thần Công nằm ở chính giữa, chạm trổ tinh vi. Ngày xưa thếp vàng từng chữ một nay chỉ còn thân đá cẩm thạch, sáng lên những khắc khoải của thời gian.

Men theo lối nhỏ đầy lá thông dẫn lối lên ngọn Thiên Thọ Hữu nơi có phần lăng của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Cháu nội Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) đã rất hiểu ý khi an táng bà gần với tiên vương Gia Long năm 1846. Công đức bốn chữ “mẫu nghi thiên hạ” lo cho chồng, cho con, cho cháu cũng xứng với lâm tuyền Thiên Thọ. Mới hay, ngoài sự chung thủy với người vợ yêu, lăng Gia Long còn hướng đến sự vẹn toàn của tình vợ chồng với người lỡ mang chân mệnh thiên tử. Điện Gia Thành chỉ còn là đống đá gạch tàn hoang năm xưa, để lại nỗi xao lòng cho người hoài cổ lặn lội đường xa tới thăm cố tích. Sự đổ vỡ không hẳn đã làm phai hết cái đẹp của cảnh sắc Thiên Thọ lăng. Tôi sờ tay lên đống gạch vụn, bắt gặp đây đó những chiếc ghế đá hình trụ chạm trổ tinh vi, có lẽ các cung nữ ngày xưa đã từng ngồi nhìn thời gian trôi trong những ngày tháng ở chốn trùng sơn này. Tiếng chim trời vỗ cánh chao liệng trên ngọn núi trước mặt, như mang những thanh âm xa xôi của quá khứ dội về, lòng người trải ra, hoàng hôn đã nhuốm vàng những cánh rừng âm u nghìn cội.

Cơn mưa chiều tiễn người về phố thị. Dọc đường về, tôi còn ngồi lại dưới quán nước bên rìa làng Định Môn và được anh Trường mang biếu thanh trà về làm quà. Chiều muộn, đất Định Môn yên bình đón những chiếc lá của cội nguồn Hương Giang đổ về. Qua đò, tôi nhắm mắt lại, hiển hiện ánh trăng thơ, huyền ảo soi sáng xuống hàng thông già, lặng trôi trên mặt nước Long Tuyền rồi rơi chơi vơi đâu đó bên ngọn Thiên Thọ ngày ấy. Vầng trăng thuở nguyên trinh.