Đôi mắt sông Côn

An Vinh nép mình bên sông Côn yên bình. Những chiều bình dị trong nắng nhẹ, tôi vẫn về nghe sông Côn và những trảng cây hai bên bờ cùng hát, quyện vào tiếng chim trời trong ngần tha thiết. Cây cũng làm dáng cho khúc sông quê đã trở thành huyền thoại miền đất võ. Làng tôi cổ kính đã sinh ra bao chàng trai tuấn tú, sức vóc, nhập ngũ, lên đường bảo vệ đất nước, những người phụ nữ đảm đang ở nhà làm lụng, miệt mài trên cánh đồng, nuôi dưỡng những đứa con. Sông Côn nghe có vẻ khô cứng, chắc nịch, nhưng lại hiền hòa đi qua biết bao ngôi làng ở huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn (Bình Định), mang nước nuôi bao cánh đồng xanh nằm xen

Quê tôi từng là một thị trấn cổ, có bề dày lịch sử. Trong tầng tầng lớp lớp những huyền thoại, có câu chuyện về người thầy dạy võ đầu tiên của anh em vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cuốn Võ nhân Bình Định đã ghi chép chi tiết nơi luyện võ là một bãi đất rộng ngoài bãi sông, giờ trai gái trong làng vẫn dùng làm nơi luyện tập, đi quyền. Từ nơi này, tôi ngẫm nghĩ về thời bà Nguyễn Thị Cảng, dân làng thường gọi là bà Tám Cảng, một người phụ nữ giỏi võ nghệ, xinh đẹp, nết na, nức tiếng trồng dâu nuôi tằm. Bà khiến nhiều chàng trai ngỡ ngàng bởi những đường quyền vừa mềm mại, vừa dứt khoát trong các hội Đổ Giàn. Ngày xưa cha bà dùng võ thuật để kén rể. Những cụ già gần trăm tuổi vẫn kể cho con cháu nghe biết bao chàng trai giỏi quyền đã từng thi thố nhưng đều thua tài năng của bà. Sau đó bà làm vợ một võ sư ngang tài, ngang sức. Khi làm vợ, làm mẹ, bà về với bãi dâu biêng biếc bên sông, lại nền nã, dịu dàng. Bà nội tôi thuộc thế hệ bà Tám Cảng, cũng giỏi võ, nết na. Nhưng nội tôi sống khép mình hơn, thích sống lặng lẽ bên dòng Côn, nuôi con, chờ chồng đi kháng chiến. Người làng kể rằng nội tôi có đôi mắt tuyệt đẹp. Đen và tròn. Phụ nữ làng tôi ai mắt cũng đẹp. Mắt phụ nữ luyện võ càng tinh anh. Nội có quyền kén chọn cho mình người chồng con nhà khá giả, gia giáo, nhưng bà đã yêu chàng trai làm ruộng, sức dài vai rộng trong một lần đi hội, người trai An Thái ở bờ bắc sông Côn. Chuyện tình của ông bà thấm đẫm lãng mạn và được thắp bởi nhiều đêm trăng dát vàng trên mặt nước. Trai gái bên sông ngày ấy đều biết võ, biết hát. Mãi đến sau này, bến sông vẫn là nơi thuyền qua lại để trai bên này cưới gái bên kia. Các câu chuyện tình lãng mạn chưa bao giờ dứt. Ông tôi mất trong trận tiến công giải phóng Bình Định. Năm đó cô tôi mới được ba tuổi. Cô gội tóc và tắm nước dòng Côn, uống những lời hát của nội, nên tóc đen tuyền, đôi mắt đẹp mê mẩn. Càng lớn lên cô càng giống bà. Trước khi bà theo ông về thiên cổ đã dặn cô phải lấy một tấm chồng đàng hoàng. Sau ba mùa thu, cô đã lấy được người ưng ý. Chú là võ sư mở võ đường, môn sinh có cả nam và nữ. Nhiều người thành tài giúp sức truyền dạy cho người khác nữa. Những người con đất võ tiếp nối truyền thống cha ông, học võ, rèn đức để lập nghiệp. Mỗi người đều nỗ lực mang tiếng thơm về làng, chung tay phát triển tinh hoa cổ truyền. Tôi vẫn thấy những nữ võ sinh sau giờ luyện võ, ngồi ngơi nghỉ bên bến sông này, dõi mắt về dòng sông lịch sử. Họ gửi gắm gì vào sông mà dáng vẻ trầm tư?

Ngày mai tôi lại về thị trấn làm việc, lại tiếp xúc với nhiều người trong nhịp sống chảy trôi. Hễ gặp người làng mình là tôi nhận ra ngay bởi đôi mắt. Đó là một thứ “đặc sản” để mỗi người nhận ra vẻ đẹp của quê mình, để thêm yêu quê và rộng lòng gìn giữ vẻ đẹp ấy.