Đề tài khó đến đâu cũng bị khuất phục bởi tài năng

Khi chiến tranh đã lùi xa, liệu số phận người lính thời hậu chiến cũng như những vấn đề của lịch sử cách mạng có còn nhận được sự quan tâm của người viết và người đọc? Nhà văn - Thượng tá NGUYỄN ĐÌNH TÚ, sinh năm 1974, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội chia sẻ cùng chúng tôi quanh vấn đề này.

Đề tài khó đến đâu cũng bị khuất phục bởi tài năng

Sự phát triển tất yếu

- Những nhà văn quân đội hôm nay cũng mở rộng phạm vi sáng tác của mình ra các vấn đề khác được xã hội quan tâm hơn. Theo anh, liệu điều này có ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sức sống của mảng đề tài về chiến tranh cách mạng?

- Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính từng là dòng chủ lưu của văn học cách mạng Việt Nam và đạt được nhiều thành tựu trong suốt nửa cuối thế kỷ 20. Để trở thành dòng chủ lưu, nó phải hội tụ được cả hai yếu tố, đó là có một đội ngũ sáng tác đông đảo, sung sức, tài năng và có một lượng công chúng lớn luôn dõi theo ủng hộ. Nhìn lại thì dễ dàng nhận thấy đội ngũ sáng tác ấy chủ yếu là các nhà văn quân đội hoặc ít nhiều gắn bó với quân đội, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Còn hiện nay, dòng chủ lưu đó đang nhường dần “thị phần” cho các dòng khác cùng xuất hiện như văn học về đề tài công nhân, đề tài tam nông, công an, trinh thám, lịch sử, ngôn tình, giới tính… Các nhà văn quân đội hiện nay cũng mở rộng đề tài sáng tác của mình ra chứ không chỉ “chuyên chú” cho mảng đề tài ruột của mình là chiến tranh cách mạng và người lính nữa. Tôi nghĩ đó là sự phát triển tất yếu.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh ở quan điểm: đời sống hôm nay đặt ra nhiều vấn đề cho cả người viết và người đọc, do đó việc chia sẻ “thị phần” với những mảng đề tài khác là điều tất yếu của văn học trong thời bình. Song điều này liệu có dẫn đến nguy cơ văn học chiến tranh cách mạng trở nên èo uột và dần biến mất trong đời sống văn học khi mà nó dường như đang thiếu cả hai yếu tố: đội ngũ và sự quan tâm của công chúng?

- Biến mất thì không nhưng nó không còn đóng vai trò chủ lưu nữa, cũng như nhân vật người lính sẽ phải nhường dần vai trò là “nhân vật trung tâm trong văn học” một thời cho các kiểu nhân vật khác. Số lượng tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính sẽ ít đi nhưng nếu tác phẩm có giá trị thì nó vẫn được ghi nhận và tự nó sẽ đóng đinh thành tựu của nó vào nền văn học nước nhà. Song, phải thẳng thắn mà nói rằng, cùng với sự định hình của thế hệ nhà văn 8x, 9x thì mảng đề tài này sẽ thưa hiếm dần trên các kệ sách ngoài thị trường.

- Nếu như trước đây, khi nói về nhà văn quân đội là bạn đọc nghĩ đến những người từng lăn lộn trên chiến trường, trưởng thành từ người lính rồi viết văn và trở thành nhà văn. Nhưng đến hôm nay “nhà văn quân đội” có khi chỉ giản dị là nhà văn đang công tác trong quân đội. Anh nghĩ gì về sự khác biệt này? Nếu thiếu sự trải nghiệm mà chỉ là sự biên chế cơ hữu vào quân đội có khiến cho những tác phẩm của “nhà văn quân đội” hôm nay thiếu đi hơi thở thật sự?

- Đúng là các nhà văn quân đội trước đây chủ yếu xuất thân từ người lính - theo một cách đúng nghĩa nhất. Còn ngày nay, các nhà văn quân đội có thể xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, tức là những người có khả năng văn chương ngoài quân đội, khi đầu quân vào ngành là trở thành “nhà văn khoác áo lính”. Đa số họ thiếu sự trải nghiệm thao trường, vì thế đề tài “ruột” của họ đôi khi lại không liên quan đến chiến tranh cách mạng và người lính. Điều này cũng dễ hiểu và chấp nhận được vì các nhà văn quân đội (dù làm báo, điện ảnh, truyền hình…) thì cũng đều là làm công tác văn nghệ trong quân đội. Mà công tác văn nghệ trong thời bình có những điều khác thời chiến, cần phải có những món ăn tinh thần mới, đa dạng cho bộ đội thưởng thức ngoài món ăn truyền thống là các tác phẩm văn học chuyên chú đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Hơn nữa, nhân vật người lính hôm qua chủ yếu đặt trong mối quan hệ với chiến trường, với kẻ thù, với sự sống chết ngoài mặt trận, còn nhân vật người lính hôm nay đặt trong mối quan hệ với những vấn đề phức tạp của xã hội thời bình, của kinh tế thị trường, của đất nước thời hội nhập, mở cửa... Cho nên nhà văn quân đội hôm nay không chỉ cần trải nghiệm thao trường mà cũng cần trải nghiệm nhiều mặt của đời sống nữa thì mới có thể có những sáng tác tốt, đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc là những người lính hôm nay. Nói như thế để thấy rằng, để đưa được hơi thở của đời sống vào tác phẩm, dù lĩnh vực nào cũng đều là thách thức đối với mỗi nhà văn.

Mỗi nhà văn phải “tự đầu tư” cho tác phẩm của mình

- Từng thử sức ở nhiều mảng đề tài và đều gặt gái được thành công, với anh, đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng có ý nghĩa như thế nào?

- Chiến tranh là đề tài lớn, vừa hấp dẫn, vừa thách thức, vừa như không thể chạm tới lại vừa như có sẵn trong người rồi. Vì thế dù có thử sức ở nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng hễ có cơ hội là tôi lại tìm đến mảng đề tài chiến tranh. Có lẽ được sinh ra trong một đất nước có quá nhiều chiến tranh, lại đang là “lính” của một quân đội cũng từng trải qua quá nhiều đạn bom, khói lửa nên đề tài này luôn nằm đâu đó trong máu thịt, cứ có dịp là lại bật lên, thôi thúc sự sáng tạo trong tôi.

- Trong những tác phẩm viết về người lính của mình, tác phẩm nào để lại trong anh dấu ấn sâu sắc nhất?

- Tiểu thuyết Xác phàm. Chưa bao giờ tôi lại viết một cuốn sách với tâm thế là có thể sẽ không được in. Nhưng tôi nghĩ là mình cần phải viết, vì nếu không viết, cứ mỗi khi có dịp đi công tác dọc các tuyến biên giới phía bắc, nhìn những vệt lau trắng, nghĩ rằng dưới đó còn nhiều hồn cốt của những người lính còn đang nằm lại, tôi lại không chịu được. Hoặc mỗi khi có dịp tiếp xúc với những cựu binh từng tham gia chiến tranh biên giới phía bắc, thấy trong mắt họ có sự buồn bã, tôi lại thấy mình phải làm một điều gì đó để chống lại sự lãng quên lịch sử của bạn đọc đương thời. Rồi mỗi khi đến ngày 17-2, từng nhóm cựu chiến binh nhỏ lại tự tổ chức các buổi tưởng nhớ lặng lẽ khiến tôi muốn dùng một cuốn sách, một câu chuyện để tưởng nhớ thay cho họ vào cái ngày khởi chiến nghiệt ngã ấy mỗi năm. Tôi nghĩ tôi sẽ còn quay trở lại với đề tài này vì nó còn nhiều vỉa tầng mà tôi chưa “đào” hết.

- Từ những tác phẩm đầu tiên viết về người lính, cho đến Xác phàm, tác phẩm mới đây nhất của anh về mảng đề tài này, tự anh thấy sự thay đổi lớn nhất của bản thân trong lao động văn chương là gì?

- Là tác phẩm của tôi ngày càng đạt đến độ phổ quát hơn, tức là tìm được nhiều đối tượng bạn đọc cùng quan tâm. Tôi cũng nhận ra rằng, đề tài lớn thì chạm đến được công chúng lớn. Chạm đến đã khó rồi nhưng ở lại trong lòng bạn đọc còn khó hơn nhiều lần. Tuần trước tôi vừa nhận được email của một Việt kiều ở Đức, anh là người miền nam, sang Đức định cư từ 1969, hiện là chuyên gia vận hành cao cấp của Tập đoàn dầu khí ENI Deutschland, đang có những hoạt động tư vấn về dầu khí ở Việt Nam. Trong thư anh tỏ ý thích thú khi đọc Xác phàm và ngỏ ý tháng 5 này về nước muốn mời tôi nói chuyện vài buổi về cuốn sách cho những cộng sự của anh. Điều này cho thấy, đề tài chiến tranh biên giới phía bắc (hay chiến tranh nói chung) rõ ràng vẫn có sức hấp dẫn nhất định với nhiều độc giả, nhưng làm thế nào để công chúng tiếp cận được tác phẩm mình viết ra, tức chống lại độ ỳ của văn hóa đọc hiện nay, thì một mình nhà văn quả là khó làm nổi.

- Nhiều năm ngồi ghế biên tập, phát hiện và “đỡ đầu” cho nhiều tác giả trẻ, đặc biệt cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội 2013-2014 có những tác phẩm của người viết trẻ đã đoạt giải cao ở mảng đề tài này. Anh có nhận xét gì về sáng tác của những người trẻ khi viết về chiến tranh và người lính?

- Tôi nhận ra rằng đề tài dù khó đến đâu thì cũng đều bị khuất phục bởi các tài năng. Vì thế sự trải nghiệm không nên hiểu một cách giản đơn là “trải qua”, các cây bút trẻ hoàn toàn có thể viết về những điều họ không trải qua mà vẫn hay, đó chính là bí ẩn muôn đời của văn chương. Tuy nhiên đề tài này đang gặp phải sự “thờ ơ” của bạn đọc nói chung nên nếu tính theo thu nhập từ nhuận bút thì đây cũng là một thách thức cho những tác giả nào tâm huyết với đề tài này.

- Theo anh, về phía người cầm bút cũng như cơ quan quản lý cần làm gì để mảng đề tài này thật sự sinh động, hấp dẫn, có vị trí quan trọng trong lòng độc giả?

- Tôi nghĩ, đòi hỏi Nhà nước đầu tư thì bao nhiêu cũng không đủ, cái cần ở đây là mỗi nhà văn phải tự “đầu tư” cho tác phẩm của mình. Còn về phía Nhà nước hay các hội đoàn, nếu có thể thì hãy lo cho “đầu ra” của tác phẩm, trong khi văn hóa đọc đang thê thảm như hiện nay thì giúp nhà văn đưa được tác phẩm đến tay người đọc là sự giúp đỡ thiết thực nhất.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!