Chuyện về một lần bị thương nặng của vị Đại tướng

Đó là câu chuyện của Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông bị thương tháng 11 năm 1966, tại tỉnh Vĩnh Long. Khi ấy ông là trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn 309, trung đoàn 1 U Minh.

“ … Mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1966, tiểu đoàn 309 (trung đoàn 1 U Minh) chúng tôi cùng với tiểu đoàn 306 và 307 tiến đánh chi khu Ngang Dừa ở Vĩnh Long. Bị bất ngờ và bị thiệt hại nặng, số sống sót trong chi khu Ngang Dừa cầu cứu viện binh. Ngay sáng hôm sau, địch huy động máy bay ném bom, pháo từ các chi khu gần đó bắn cấp tập, rồi trực thăng đổ quân đánh vào vườn dừa mà đơn vị chúng tôi đang ém quân. Đây là lực lượng của tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 31, sư đoàn 21 quân ngụy Sài Gòn. Càn quét vùng lân cận, tối đến, địch co cụm lại trong vườn dừa. Đơn vị chúng tôi được lệnh tập kích tiêu diệt lực lượng này của địch. Sau một đêm cùng tổ trinh sát của tiểu đoàn điều nghiên vị trí đóng quân của địch, hai giờ sáng hôm sau các mũi tiến quân của tiểu đoàn đã nổ súng dũng mãnh xung phong tiêu diệt địch. Trận tập kích không gọn, một số anh em đã hy sinh hoặc bị thương. Địch phản kích dữ dội.

Trời sắp sáng, hội ý chóng vánh với tập thể chỉ huy tiểu đoàn, anh Sáu Hà - Tiểu đoàn trưởng phân công tôi ở lại giải quyết thương binh, liệt sĩ, còn đại bộ phận lực lượng của tiểu đoàn nhanh chóng rời khỏi địa bàn.

Trời sáng bạch. Máy bay từ sân bay Cần Thơ, pháo từ chi khu Vị Thanh thi nhau oanh kích dọc các tuyến lô, tuyến kênh mà chúng cho là Việt cộng đang ở đó. Và thật không may cho tôi, một mảnh pháo đã găm vào chân. Vết thương không trầm trọng, nhưng mảnh đạn đã làm mẻ một mảnh xương ở cổ chân khiến tôi đau đớn không tài nào đi được. Trong bom đạn ngút trời, anh em từng người cố tìm cách thoát nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Người còn lại bên tôi lúc này là cậu chiến sĩ liên lạc. Cậu ta cố dìu tôi ra giữa đồng, xa trục lộ, xa con kênh. Mặt trời đã lên cao, nắng nóng, vết thương đau buốt đến tận óc. Tôi nói với cậu liên lạc rằng: địch đang lùng sục ráo riết, không thể ở đây chịu chết cả hai. Tôi sẽ ẩn mình trong ruộng lúa, còn cậu phải nhanh chóng bí mật rời khỏi đây về đơn vị báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn, chờ đến tối quay lại tìm tôi. Cậu liên lạc lừng chừng. Có thể cậu ta nghĩ, bỏ tôi mà đi trong lúc này là có lỗi. Vì rằng tôi khó thoát khỏi sự lùng sục của địch. Nhưng nghe tôi nói như ra lệnh, cậu ta lầm lũi quay đi, vừa chạy vừa lấy tay lau nước mắt.

Cậu liên lạc vừa đi khuất, tôi cắn răng lết thêm một quãng, tránh xa trục lộ và bờ kênh. Đang là mùa khô, mặt trời dần đứng bóng, cộng với vết thương đang rỉ máu, làm tôi khát cháy cổ. Lần tìm đến một vũng nước vốc mấy ngụm cho đỡ khát, tôi cố lết về phía một ấp trước mặt. Chừng quá trưa, đau đớn, đói khát làm tôi mệt lả. Đang suy tính làm sao vượt qua lần lâm nạn này, tôi bỗng thấy từ trong ấp, một bé trai đang theo lối bờ ruộng tiến về phía mình. Chờ cậu bé tới gần, tôi nhỏm dậy và gọi to. Cậu bé giật mình, tiến thêm mấy bước, nhìn chằm chằm vào tôi, rồi quay đầu chạy như “ma đuổi” về phía ấp. Tôi nghĩ sẽ có hai khả năng xảy ra. Trường hợp xấu, cháu sẽ báo ngay cho lính ngụy ra bắt tôi. Ngược lại cậu bé sẽ là “Thần hộ mệnh” của tôi. Đề phòng bất trắc, tôi kiểm tra lại khẩu súng ngắn và lựu đạn bên người, sẵn sàng “tử chiến” với địch. Tôi chờ đợi trong căng thẳng và mệt mỏi.

Chừng hai tiếng sau, mặt trời xế bóng, từ xa, tôi thấy một mình cậu bé xuất hiện, ngang hông cắp một chiếc thúng nhỏ. Lại gần cách tôi chừng chục mét, cậu bé khẽ đặt chiếc thúng xuống vệ cỏ rồi lẳng lặng quay về. Đợi cậu bé đi một quãng xa, tôi lết đến. Và tôi không tin vào mắt mình: Trong thúng có một đĩa xôi to, nửa con gà đã luộc chín và một bình nước. Thật chẳng khác gì chuyện cổ tích, Bụt hiện lên cứu giúp người lành gặp nạn. Nước mắt tôi cứ thế trào ra vì xúc động. Tôi gắng ăn mấy miếng để lấy sức.

Chiều tắt nắng, hoàng hôn buông xuống trên đồng, cậu bé ban nãy cùng mẹ ra dìu tôi về nhà. Đưa tôi vào trong nhà, mẹ cậu bé nói trong xúc động:

- Cán bộ xá lỗi cho, biết ông đau, chờ đợi, nhưng má con tôi không thể làm khác được. Lính “quốc gia” nhan nhản từ đầu đến cuối ấp, ban ngày, đón ông làm sao che mắt được họ.

Tôi cảm ơn mẹ con chị đã cưu mang và xin chị đừng gọi bằng “ông”. Chị cười, ánh mắt hiền lành. Nhà không thấy bóng đàn ông, nhưng vì tế nhị, tôi không dám hỏi. Biết đâu anh chồng đi lính ngụy thì thật khó xử cho tôi, cho chị và cho cháu bé.

Để tránh phiền hà, liên lụy cho gia đình đã cưu mang mình, tôi nhờ chị giấu tôi ở một nơi nào đó, không ở trong nhà. Chị trả lời rành rọt.

- Không được, ra khỏi nhà tôi bây giờ, anh sẽ bị lính bắt ngay. (Chị chuyển cách xưng hô gọi tôi bằng anh). Tôi sẽ giấu anh trong buồng, trong hầm tránh đạn pháo. Nhà tôi nấu rượu, lính đồn vào ra mua rượu liên tục, nhưng anh đừng sợ, chúng vào đây chẳng quan tâm gì khác ngoài xị rượu đâu. Vả lại anh bị thương, biết đơn vị ở đâu mà tìm.

Tôi đành phải nghe theo chị. Năm ngày ở nhà chị, tôi luôn trong tâm trạng nơm nớp, lo lắng. Thỉnh thoảng nghe vọng lại từ xa tiếng một tràng liên thanh, một loạt đạn pháo nổ… tôi càng bồn chồn nhớ về đơn vị. Mặc dù hằng ngày chị chủ nhà vẫn rửa vết thương, đắp một vài thứ thuốc gì đó, nhưng đến ngày thứ sáu, vết thương của tôi bị nhiễm trùng nặng, đã có dòi. Lính đồn thì suốt ngày ra vào rượu chè nhí nhố. Tôi rất lo là mình bị lộ. Đặc biệt nhiều lúc mắc ho, tôi phải úp mặt xuống đất để không phát ra tiếng.

Thấy nằm ở đây bất lợi đủ điều, tôi đề nghị chị Sáu (mấy hôm ở trong nhà, tôi nghe mọi người gọi chị là chị Sáu) đưa tôi đi.

Biết không thể giữ tôi lại, chị Sáu phân bua:

- Anh bỏ qua cho, bây giờ tìm “Đốc tờ” làm thuốc cho anh, chắc vết thương sẽ ổn. Nhưng như thế khác nào giao anh cho lính đồn. Vả lại, bây giờ biết đưa anh đi đâu?

- Chị hãy đưa tôi đến nơi nào mà pháo và máy bay bên kia bắn phá, đó là khu du kích. Đến đó tôi sẽ lần tìm đơn vị. Hoặc, chị hỏi đơn vị U Minh đóng ở vùng nào, đó là đơn vị tôi. Mà hễ nói đến bộ đội U Minh thì nhiều người biết.

Chị cười, vẻ nhân nhượng:

- Tôi chịu mấy anh giải phóng! Bom đạn thì đầy trời, đơn vị không biết đang ở đâu mà cứ nằng nặc ra đi.

Không thuyết phục được tôi, chị đã âm thầm chuẩn bị, nhờ thêm người thân, mờ sáng hôm sau cáng tôi ra bến xuồng.

Vì chị nấu rượu, quen biết khá nhiều lính đồn, chị lại giả vờ đưa em trai ốm nặng đi nhà thương, nên tôi đã qua được trạm gác của lính đồn một cách dễ dàng và được đưa về vùng du kích ở Long Mỹ. Từ đó tôi được đưa về đơn vị không mấy khó khăn.

Sự xuất hiện đường đột của tôi làm mọi người trong tiểu đoàn vô cùng ngỡ ngàng và vui. Anh Sáu Hà, anh Tư Bằng (chính trị viên tiểu đoàn) mừng quýnh, bởi gần một tuần các anh không có tin tức gì về tôi. Ai cũng nghĩ tôi đã hy sinh hoặc bị địch bắt. Liền sau đó, đơn vị chuyển tôi về bệnh xá quân khu ở vùng U Minh Thượng để điều trị vết thương. Dẫu vết thương bị nhiễm trùng nặng, nhưng vẫn còn kịp. Các thầy thuốc ở đây đã chữa lành vết thương, giúp cho tôi đi lại bình thường, để sau đó, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Trong suốt cuộc đời quân ngũ, có biết bao người dân đã giúp đỡ che chở và cưu mang tôi, nhưng lần bị thương ở Vĩnh Long, được mẹ con chị Sáu đã cứu giúp tôi là kỷ niệm sâu sắc nhất.

Chiến tranh qua đi, đã nhiều lần tôi trở về miền quê ấy để nói lời cảm tạ với mẹ con chị Sáu, nhưng gia đình chị đã chuyển đi vùng kinh tế mới, không chỉ một nơi, mà do hoàn cảnh khó khăn, di chuyển mấy chỗ.

Rồi công việc níu kéo, trận mạc liên miên, hết Cam-pu-chia rồi biên giới phía bắc, tôi vẫn không có điều kiện để tìm gặp được mẹ con chị Sáu. Mỗi khi nhớ lại, tôi không thể nào quên ánh mắt của cậu bé nhìn tôi giữa cánh đồng năm đó. Ánh mắt ngỡ ngàng, trong sáng, tin yêu và máu thịt đến vậy …”.

Tháng 6 năm 2018

Ghi chép của Bùi Anh Đức