Cay mắt mẫu rừng

Gọi là những cuộc sáng tác ảnh nghệ thuật cũng được mà những cuộc đổ bộ chụp ảnh cũng không sai. Bởi động cơ thực dụng thì cao mà mỹ cảm và nhân văn lại thấp. Vì lẽ đó, có những cú lia máy mang sắc thái lạnh lùng vô cảm từ những người mang danh nghệ sĩ nhưng hao khuyết tình người. Chẳng ai muốn so đo nhỏ mọn với những hành xử đó, nhưng đó là sự thật mà nghĩ đến thấy cay cay con mắt. Những hành xử không tạo nên tội ác nhưng đôi khi thật bạc bẽo, bẽ bàng…

Các nhiếp ảnh gia rất biết cách chọn nhân vật cho ý tưởng sáng tác của họ. Đó là những cụ bà nhỏ thó, yếu ớt, cơ thể thì gầy đét nhưng nếp nhăn xếp dày trên khuôn mặt già nua vẽ những đường chằng chịt khô khốc như rừng xanh núi đỏ bị thời gian tàn phá nham nhở. Những cụ ông ngồi ủ rũ ngậm tẩu thuốc phả khói mù trời bên bảy bậc cầu thang nét mặt u buồn đang nghĩ điều gì mà như không nghĩ gì. Những em bé bụng ỏng đít beo vì thiếu sữa thiếu thịt nhưng ánh mắt hồn nhiên trong veo như suối lững lờ lượn qua ghềnh đá. Những người đàn ông đóng khố cởi trần cầm xà gạt trên tay phô diễn thiếu tự nhiên màn kịch hoang dã. Những người phụ nữ teo tóp vú ngực với dáng người nhẫn nại chịu đựng nhưng ít nhiều vẫn biểu cảm âm hưởng của cây cối, suối thác… Tất cả họ đều có thể trở thành người mẫu bất đắc dĩ giữa rừng già Tây Nguyên trong những cuộc săn lùng giải thưởng của vô số các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Họ trở thành nhân vật của nghệ thuật. Họ chuyển tải những thông điệp không cần phải diễn tả bằng lời. Họ làm người mẫu ảnh mà không ý thức lắm về việc đang làm người mẫu. Họ cũng không cần biết người ta chụp những bức ảnh về họ để mang đi đâu hay để làm gì. Những tay máy thì khác. Các nhiếp ảnh gia tìm kiếm có chủ đích rồi khoái trá khoe nhau về ý tưởng sáng tạo, về mỹ cảm, về bố cục, về ánh sáng. Không gian nghệ thuật trong con mắt họ thật tuyệt vời, một không gian còn có đôi chút tự nhiên và cơ bản nhất là mang nét khác biệt - nhân chủng chủ thể giữa không gian sinh tồn ngàn đời của cư dân miền núi. Với nhiều nhiếp ảnh gia, chỉ thế thôi là đủ. Rồi rất nhiều giải thưởng, rất nhiều tước hiệu trong nước và quốc tế, những ACCU, những FIAP, những AFIAP và vô số tài trợ máy móc và tiền bạc, rồi sau đó đắt sô chụp quảng cáo cho các hãng thương mại lớn…

Những tôn vinh đó được bắt đầu từ các cuộc “đổ bộ” có chủ đích giữa rừng già của những nhà săn ảnh. Những chuyến xe bất ngờ đổ xuống buôn làng với máy móc lỉnh kỉnh, ống kính dài ngoằng, những gương mặt hầm hố và khinh khỉnh. Với vài thùng mì ăn liền, dăm ba bộ quần áo cũ, ai đó đổi tờ bạc mệnh giá vài trăm ngàn ra tiền lẻ mười ngàn, hai mươi ngàn để trả “cát-xê” cho một mẫu rừng. Và rồi, với con mắt tinh đời, họ “bắt” ra trước ống kính những “nhân vật” theo trúng ý đồ sáng tác. Những khẩu lệnh ngắn gọn, vô cảm, không có đại từ nhân xưng trong xưng hô được cất lên dù nhân vật đáng tuổi ông, tuổi bà của mình: “Nhìn nghiêng ra suối!”; “Ngước mắt về phía cánh rừng bị phá!”; “Cầm cái xà gạt lên và bước đi!”; “Đeo cái gùi lên chứ!”… Và máy ảnh giương lên như súng, những cú bấm máy liên thanh như lẫy cò bắn vào bia từ hàng chục cái máy ảnh hiện đại to sù sụ. Họ thao tác rất nhanh, tranh thủ thời gian, tranh thủ sự thuận lợi của thời tiết. Cuộc sáng tác ồn ào và lạnh lùng như có trước kịch bản sắp đặt. Mỗi người, theo ý đồ của mình, cứ thế bấm máy xoành xoạch. Không có một biểu cảm giữa người cầm máy với người trước máy. Không ai hỏi thăm nhân vật lấy một lời, rằng ốm đau thế nào, rằng no đói ra sao. Có người thậm chí chẳng cần hỏi tên nhân vật, bởi sau khi những bức ảnh đã in, những cụ ông K’Đơm, Ha Siêng đã trở thành “Dáng núi”, những cụ bà Ka Đos, Liêngsar Hihn đã trở thành “Chiều về trên buôn Lạch”, những em bé Hơ Linh, Ka Nur đã trở thành “Hồn nhiên trẻ thơ”, những chị Ya Om, H’Lơng đã trở thành “Bình yên bến nước”, những anh Y Thương, K’Thế đã trở thành “Nỗi nhớ rừng già”…

Những người mẫu rừng già không biết hình ảnh của họ đã đi đến đâu, những phòng trưng bày sang trọng ở các thành phố lớn, những triển lãm khắp đất Á, trời Âu. Ở những nơi đó, hình ảnh teo tóp kia, hoang dã này, ủ rũ nọ, hồn nhiên ấy… nói lên tất cả những điều mà các nghệ sĩ đã mang họ đến. Con mắt tinh tường của các chuyên gia, các nhà phê bình, các vị giám khảo tha hồ lật nghiêng, nhìn ngửa để tôn vinh lao động nghệ thuật. Chỉ có điều, ngay cả các vị cầm cân ấy cũng không cần hoặc là không thể cảm nhận về những số phận phía sau bức ảnh, những số phận mà ngay cả người cầm máy cũng quên béng đi mất sau một đợt sáng tác ầm ĩ rồi lên xe rời rừng về phố.

Tôi nghe một đồng nghiệp kể lại, chỉ sau ngày các nghệ sĩ từ TP Hồ Chí Minh lên Bảo Lộc và “bắt” bà Ka Ơng ở buôn Ka Dung ra diễn trước ống kính có một tuần, cụ bà hiu hắt già gần trăm tuổi ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Bà từng là một người mẫu ảnh rừng già nổi tiếng, được nhiều nhiếp ảnh gia tìm kiếm, hình ảnh của bà đã xuất hiện trên rất nhiều triển lãm, rất nhiều tạp chí và góp phần làm cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, trong đám tang của cụ bà Ka Ơng không hề có một bức chân dung ảnh để thờ, chứ nói chi là có bước chân đưa tiễn của các nhiếp ảnh gia từng “ăn giải” nhờ bà!...