Biên cương sương muối

Nghĩ về mùa đông, tôi thường dẫn dụ tâm trí mình tìm về miền biên viễn với những chuyến thiện nguyện. Xã A Mú Sung (huyện Bát Xát - Lào Cai) là địa chỉ lý tưởng, không chỉ bởi nơi đó có người bạn tôi là cán bộ biên phòng, mà còn có bản Lũng Lô - điểm cực bắc của tỉnh Lào Cai, nơi có thể nhìn thấy con sông Hồng chảy vào đất Việt. Những cung đường tôi đã vượt qua so với mười năm trước đã thay đổi. Bao bản làng, nếp nhà đã có sắc diện mới.

Đến vùng biên cương mùa này thể nào cũng gặp hoa lau phơ phất trong gió đông buốt lạnh. Nhiều nơi có hoa lau, nhưng hoa lau ở miền biên giới A Mú Sung có một vẻ đặc trưng. Lau không trắng mà phơn phớt tím. Thân và cành hoa cao lớn, khóm rộng, như thể lau đã bao tháng ngày ngậm sương núi, ngấm gió biên thùy. Đến độ thì phun sắc thắm ngạo nghễ trên nền trời biên giới. A Mú Sung chỉ cách Y Tý vài chục cây số đường rừng, nhưng khí hậu lại khá khác biệt. Sương mù phủ trùm lên Y Tý gần như cả mùa đông. Còn A Mú Sung vào những ngày lạnh, tuy ít sương mù, nhưng sương muối phủ lên cây, bờ nương, mảnh vườn. Sương muối làm tê cóng những bước chân trâu chậm chạp. Khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất, nhưng người dân vẫn cần mẫn lao động, sinh sống, giữ gìn từng tấc đất Tổ quốc. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung vẫn kiên trung làm nhiệm vụ, canh giữ đất trời, dẫu trải qua bao gian khó, hiểm nguy rình rập. Người dân và các chiến sĩ biên phòng là biểu tượng của tình đoàn kết quân dân nơi biên giới, cùng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, thực thi nhiệm vụ.

Đứng dưới cột cờ Lũng Pô, nhìn sông, núi và bạt ngàn rừng nguyên sinh, tôi nhớ những câu thơ đầy tự hào của một nhà thơ quân đội: “Dưới bóng vàng sao đầu biên giới/ Đá cũng là dân đất nước tôi/ Chiều xuống sương bò ra mặt đá…”. Đọc và thấm. Thấm từ cách cảm của nhà thơ xúc động trước cảnh và người vùng biên cương, lòng trào sôi những nỗi niềm, để thêm yêu từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sông Lũng Pô chảy từ Bát Xát, ngược lên gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đứng từ đây nhìn rõ được ngã ba sông, một dòng đậm, một dòng nhạt cùng hòa vào nhau. Theo tiếng địa phương Lũng Pô là đầu rồng. Sông Hồng còn được gọi là sông Mẹ. Từ đầu rồng Lũng Pô, dòng sông như được phun ra từ miệng rồng, để bao đời dòng nước cứ thao thiết chảy như lời hát trữ tình trùng điệp, bồi đắp phù sa cho lúa thơm trên nương, hoa nở trên đồi, cho mùa màng dưới vùng châu thổ thêm nặng hạt. Đây cũng là nơi thi sĩ Dương Soái đã viết thơ và nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài: “Gửi em ở cuối sông Hồng” bao năm ăn sâu vào tiềm thức người dân, với lời hát tha thiết, thân thương: “Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không, hỡi anh yêu, người chiến sĩ biên thùy...”.

Đầu nguồn sông Hồng cỏ cây thắp màu nhớ. Anh bạn tôi cùng các đồng đội nhớ con sông quê mình mùa cạn nước. Nhớ thành phố mến yêu mùa này “cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ”. Nhớ người vợ vẫn tần tảo công việc, chăm lo dạy dỗ con cái để chồng yên tâm công tác. Để mầu áo xanh thắp sáng nơi núi rừng, ngọn lửa tin yêu của các anh thắp sáng đường tuần tra biên cương. Để nếp nhà được dựng nên, lớp học rộn ràng tiếng học bài con trẻ và cho lúa mẩy hạt, cá đầy sông suối.

Biết bao trai gái đã đến mảnh đất này, trải nghiệm “đặc sản” sương muối. Họ mang trong mình tinh thần thiện nguyện và tri ân. Họ đến và cảm nghiệm. Họ mang về xuôi hình ảnh đẹp của vùng biên cương thiêng liêng, khí hậu khắc nghiệt nhưng con người vẫn sinh sống và làm việc, mùa màng vẫn tốt tươi, hoa vẫn nở bốn mùa. Nhiều người đã thay đổi tích cực cách nhìn về đời sống, con người, giá trị của sức lao động và hạnh phúc. Một mai tôi lại về thành phố, nơi đô hội đông đúc, rực rỡ đèn mầu, sẽ lại nặng lòng nhớ những đêm lửa bập bùng trong bếp của đồng bào, cố thắp ấm trong màn đêm sương muối giăng phủ.

Rồi lại muốn lên đường với những cảm nghiệm mới.