Chuyện đời - Chuyện nghề

Vợ chồng “nhân dân”

Khi viết về đạo diễn điện ảnh - NSND Nguyễn Thanh Vân tôi luôn có cảm giác thiếu hụt. Sự thiếu hụt này có nguyên cớ, bởi lý do không thể không nhắc tới người vợ của anh - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.
Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang.Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang.Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Cùng công tác tại Hãng phim Truyện Việt Nam, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng sở hữu những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng và cũng được phong danh hiệu NSND, chỉ sau chồng có một kỳ. Trong giới nghệ thuật, đây là một cặp vợ chồng khá đặc biệt. Họ gần như là một chỉnh thể thống nhất, dù vẫn có nhiều nét khác biệt. Quãng chục năm về trước, tôi từng viết về cặp vợ chồng nổi tiếng này, từng gọi họ là “vợ chồng vàng bạc” để nói đến vô số giải thưởng lớn mà cả hai sở hữu. Lần này, tôi quyết định đặt tên bài là Vợ chồng “nhân dân” dù tâm ý tôi muốn viết riêng về Vân. Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao quý mà Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang được Nhà nước phong tặng. Hiếm có cặp vợ chồng nghệ sĩ nào cùng được nhận vinh dự đó.

Làm nghề biên kịch phim truyền hình, dĩ nhiên tôi có những quan hệ ở các cung bậc khác nhau với khá nhiều đạo diễn điện ảnh. Ở ta chưa tách bạch giữa điện ảnh và truyền hình nên mọi thứ chỉ khác nhau ở chất liệu phim chiếu rạp của điện ảnh và phim phát sóng của truyền hình, còn thì mọi sinh hoạt nghề nghiệp đều chung hết. Với Nguyễn Thanh Vân, không chỉ là đồng nghiệp, chúng tôi còn là những người bạn ngoài đời với những sẻ chia thân tình. Vân vốn gắn kết khá chặt với các nhà văn nên hiếm dịp tụ họp quan trọng nào, chúng tôi lại không có mặt cùng nhau.

Năm 2000, tên tuổi Nguyễn Thanh Vân lừng lẫy khi bộ phim nhựa “Đời cát” anh làm đạo diễn đoạt giải Phim xuất sắc nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội. Bản thân Nguyễn Thanh Vân đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Giải thưởng kép này đưa vị thế của anh lên một vị trí đặc biệt trong giới điện ảnh. Khi đó Vân mới 38 tuổi và trước đó từng đạo diễn ba phim truyện nhựa. Những phim trước, dù đều có cá tính, đều tạo được dư luận nhưng phải đến “Đời cát”, Vân mới thật sự gặt hái được thành công vang dội.

“Đời cát” sau đó tiếp tục được vinh danh trong LHP Việt Nam lần thứ 13, tổ chức ở Vinh năm 2001, với một loạt giải thưởng dành cho phim, biên kịch, đạo diễn và diễn viên. Một thắng lợi gần như tuyệt đối. Lần đó tôi cũng đại diện cho Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) mang phim “Ba lẻ một” do NSND Khải Hưng làm đạo diễn đi dự liên hoan và rinh về được Bông sen vàng. Tất nhiên Bông sen vàng của phim truyền hình chả thấm tháp gì so với “Bông sen vàng” của phim điện ảnh. Cứ nhìn thành phần của họ tham dự liên hoan mà khiếp. Đoàn VFC nhõn có tôi và nhà văn Bảo Ninh trong vai trò biên kịch, dẫu có bốc đồng đến mấy vẫn có cảm giác lơ ngơ, côi cút giữa những tinh hoa điện ảnh. Trong khi đó đoàn “Đời cát” đi đến đâu sáng choang đến đó. Diễn viên Hồng Ánh lộng lẫy cùng các em xinh đẹp xúm xít quanh đạo diễn, quay phim. May là trong bữa tiệc mừng chiến thắng, Nguyễn Thanh Vân đầy trọng thị giới thiệu hai thằng nhà văn với các diễn viên xinh như mộng. Tôi quen và thân với Hồng Ánh chính từ dịp đó. Sau này nhờ “Đời cát”, tôi được khối phen mát mặt. Có lần tôi cùng đoàn cựu chiến binh vào thăm chiến trường cũ được vợ chồng Hồng Ánh đãi đằng. Đích thân cặp đôi diễn viên xinh đẹp và tài năng Hồng Ánh - Mai Hoa của “Đời cát” đến tận bàn nâng ly uống và chụp ảnh kỷ niệm với từng cựu binh khiến mấy anh lính già cảm động uống đến say khướt. Có người mang ảnh chụp cùng minh tinh màn bạc về nhà treo đến tận bây giờ.

Ngoài đời, Nguyễn Thanh Vân là người giản dị, khiêm nhường. Trong các cuộc giao tiếp, bao giờ anh cũng ngồi lặng lẽ, kiệm lời. Chỉ khi đụng đến nghề nghiệp, tôi mới thấy một Nguyễn Thanh Vân khác. Sôi nổi, nhiệt huyết không né tránh bất cứ vấn đề gì. Tranh luận đến cùng và để bảo vệ quan điểm thì quyết liệt không sợ đụng chạm. Nhớ khi phim “Sống cùng lịch sử” của Vân ra rạp, đây là bộ phim đặt hàng của Nhà nước mà số phận của dòng phim này, luôn tréo ngoe là nó rất kén khán giả. Tôi, nhân dịp này có một bài viết về phim đặt hàng, phân tích tại sao khán giả ít đón nhận hơn các dòng phim khác. Vân hiểu nhầm tôi phê phán tác phẩm của mình nên gọi điện, bảo anh chưa xem phim sao lại có những phát biểu như thế được. Tất nhiên, tôi phải thanh minh, phải giải thích và thừa nhận là chưa xem phim thật. Cái kết của nó dĩ nhiên không nặng nề, bởi với tôi, Vân đủ thân và đủ rộng lòng để chấp nhận sự khác biệt.

Tính cách Vân vốn thế, nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt. Gần đây khi lộ trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam diễn ra đầy tai tiếng, Vân trong cương vị Phó Giám đốc nghệ thuật đã dũng cảm cùng mọi người phản ứng đến cùng để đòi lại công bằng. Cuối cùng việc cổ phần này cũng được thanh tra và quyết định lại.

Trong các cuộc hội họp, liên hoan có tính nghề nghiệp, vợ chồng Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang luôn sát cánh bên nhau. Cặp đạo diễn “nhân dân” này là một ảnh hình trọn vẹn của cặp đôi nghệ sĩ lý tưởng và thành công. Nếu như Nguyễn Thanh Vân có “Đời cát”, “Trái tim bé bỏng”... thì Phạm Nhuệ Giang không kém cạnh ở “Thung lũng hoang vắng’, “Tâm hồn mẹ”... Họ đoạt hầu hết những giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan có phim tham gia. Thế nhưng, trong quan hệ giao tiếp ngoài đời, Nguyễn Thanh Vân “đơn độc” một cách trường kỳ. Vân uống được và cũng thích uống, cũng là phù hợp với tính cách của một người thích di chuyển. Khác với Phạm Nhuệ Giang thường chọn cách ẩn mình ở nhà, sau những đợt làm phim để viết để đọc, Nguyễn Thanh Vân luôn có mặt ở mọi vùng đất nước và không mấy khi vắng mặt ở những cuộc nhậu của cánh văn chúng tôi. Tính tình khác biệt nhau nhưng có lợi thế về sự chia sẻ, cảm thông khi đã quá hiểu và chấp nhận nhau, họ vẫn là một cặp đôi đẹp.

Nguyễn Thanh Vân hay mời bạn bè về ngôi nhà ấm cúng của vợ chồng anh ở số 5 ngõ Phan Chu Trinh. Những lần thử tài cao thấp trí tuệ (chứ không phải sát phạt), chúng tôi vừa uống rượu vừa đánh bài. Đa phần tôi thua vì không lại với cánh điện ảnh. Nguyễn Thanh Vân phấn chấn ra mặt bảo rằng trí tuệ văn chương chỉ để mò chữ thôi nhé, đừng đùa với tầm cao của nghệ thuật thứ bảy. Tôi ngờ rằng, những lúc rảnh rỗi ở phim trường, họ hay đánh bài tiêu khiển nên mới cao thủ cỡ đó. Những lần như vậy, sau khi thu xếp cho chồng và bạn bè đồ ăn, thức uống, Giang thường ngồi kiên nhẫn đọc sách, bất chấp sự ồn ã của “đám giặc nhậu”.

Vân và Giang đều là con nhà nòi điện ảnh. Bố Phạm Nhuệ Giang là đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Còn bố của Nguyễn Thanh Vân là đạo diễn, NSND Hải Ninh. Cả hai đều là những cây đa, cây đề của làng điện ảnh Việt với những tác phẩm kinh điển, khỏi cần liệt kê vì những ai yêu điện ảnh đều thuộc nằm lòng. Cùng chung gốc gác và nền tảng gia đình, đôi bạn Vân - Giang có nhiều điểm chung. Cùng học kiến trúc, cùng bỏ nghề theo học Sân khấu điện ảnh và cùng về công tác tại Hãng phim truyện với cương vị đạo diễn. Hiện, Giang đã nghỉ hưu còn Vân vẫn còn trong biên chế Hãng phim Truyện Việt Nam. Ở Hội Điện ảnh Việt Nam, Nguyễn Thanh Vân tham gia ban chấp hành, là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật kiêm Giám đốc Hãng phim của hội.

Cặp vợ chồng Vân - Giang luôn được coi như mẫu mực về tình yêu, sự chung thủy cũng như gắn kết nghề nghiệp, gia đình. Những đứa con - những tác phẩm điện ảnh để đời - là hạnh phúc lớn nhất của họ, cặp vợ chồng “nhân dân” hiếm hoi của điện ảnh Việt.