Trước thềm Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21

Ưu thế đang thuộc về người trẻ

Đến hẹn lại lên, LHPVN lần thứ 21 - ngày hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần của những người làm điện ảnh Việt Nam sẽ tưng bừng diễn ra từ ngày 23 đến 27-11-2019 tại thành phố biển Vũng Tàu. Tổng cộng 31 phim truyện được tuyển chọn dự thi và trình chiếu trong chương trình toàn cảnh chỉ khiêm tốn chiếm 1/3 số lượng tác phẩm ra đời trong hai năm qua. Nhưng chúng được kỳ vọng sẽ mang lại cho khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy một cái nhìn tổng quan về dòng chảy điện ảnh đương đại nước nhà, nơi những người trẻ đang dần khẳng định ưu thế vượt trội.

Ưu thế đang thuộc về người trẻ ảnh 1

Cảnh trong phim Song Lang.

Ưu thế đang thuộc về người trẻ ảnh 2

Cảnh trong phim Hai Phượng.

Những tín hiệu vui

Ít năm trở lại đây, sự vắng bóng của dòng phim Nhà nước đã trở thành điệp khúc than thở quen thuộc của báo giới, trước mỗi kỳ cuộc kiếm tìm chủ nhân xứng đáng cho những Cánh diều, Bông sen. Bởi những cánh chim đầu đàn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện I, Hãng phim Giải phóng... đều “án binh bất động” hoàn toàn, sau khi hoàn tất tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp vì không còn được rót kinh phí sản xuất phim. Đó cũng là quãng thời gian mà LHPVN, Giải thưởng Cánh diều, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) nối nhau ngậm ngùi trở thành sân chơi dành riêng cho những đơn vị làm phim tư nhân so tài, tranh giải.

Rất may, thực trạng đáng buồn đó đã chấm dứt tại LHPVN kỳ này, khi dòng phim thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đã chính thức trở lại. Bên cạnh bộ phim với đề tài hậu chiến Nơi ta không thuộc về của Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Hãng phim Giải phóng trở lại với tác phẩm được Nhà nước đặt hàng sản xuất mang tên Hợp đồng bán mình. Và sau thành công đáng khích lệ của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, mô hình Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác sản xuất (với tỷ lệ đầu tư 70-30) đã xuất xưởng hai sản phẩm mới là phim chiến tranh Truyền thuyết về Quán Tiên (Công ty truyền thông Nam Phương - HONGNGAT FILM) và phim dành cho tuổi mới lớn Thạch Thảo (Công ty TNHH Fortune Project).

Những đơn vị sản xuất tư nhân đã dụng công bày biện một thực đơn khá đa dạng, hấp dẫn trong 12 tác phẩm dự thi còn lại. Ngoài dòng phim dễ xem, dễ cảm, dễ hút khách theo công thức quen thuộc kiểu rom - com, chick - flick như 100 ngày bên em, Cua lại vợ bầu, Thạch Thảo... hay kinh dị, giả tưởng (Người bất tử, Lật mặt: Nhà có khách), phim tôn vinh những giá trị gia đình bền vững (Khi con là nhà, Hạnh phúc của mẹ, Thưa mẹ con đi, Hai Phượng) hay phim khai thác đề tài thể thao (11 niềm hy vọng), phim Việt hóa hoặc làm lại từ kịch bản nước ngoài (Anh thầy ngôi sao, Tháng năm rực rỡ) hay khẳng định sự trường tồn của qua bao biến thiên thời cuộc của nghệ thuật truyền thống (Song Lang)... cũng được các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư.

Nhìn vào danh mục 31 tác phẩm dự thi và góp mặt trong chương trình toàn cảnh, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Chánh Phương, Hoan Khuê (HK Film), Thiên Ngân (Galaxy), Ân Nam, Phim Studio68, Tincom Media... đã xuất hiện hàng loạt đơn vị sản xuất phim mới như ABC Pictures, Mễ Tân, Song Ngư, Diệp Cơ, Hổ Cáp, Bản đồ xanh, Live On, Nhật Hoa Lê, Tầm nhìn Việt... Trong đó, những hãng phim có tới hai tác phẩm lọt qua vòng sơ tuyển khắt khe không ít. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2017 đã có tới 450 đơn vị tư nhân có chức năng sản xuất phim. Sự tăng vọt cả về chất và lượng của những chủ đầu tư dám mạo hiểm bước chân vào lĩnh vực phim ảnh này cho thấy một tín hiệu đáng mừng.

Luồng gió mới đến từ những người trẻ

Cũng từ danh mục này, có thể nhận ra đội ngũ các nhà làm phim đang dần được trẻ hóa. Bên cạnh những tên tuổi có bề dày cống hiến: như các đạo diễn Lê Cung Bắc, Trần Ngọc Phong; bên cạnh những gương mặt từng là bảo chứng cho doanh thu phòng vé như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, Dustin Nguyễn; bên cạnh những đạo diễn trẻ đã kịp định hình phong cách như Đặng Thái Huyền - Đinh Tuấn Vũ - Đỗ Đức Thịnh, chúng ta được chứng kiến những bước đi khởi đầu ấn tượng của khá nhiều “tân binh”, trong khi những cái tên vừa liệt kê ở trên đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại hoặc xuống sức, thoái trào. Bằng chứng là hầu hết tác phẩm mà họ mang tới LHPVN lần này đều không tạo được dấu ấn đậm nét về cả chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu.

Đội ngũ đạo diễn trẻ khá hùng hậu này có nhiều điểm chung. Họ đều được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, đều dũng cảm làm phim sau khi đã thử sức hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, thường cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò trong một bộ phim (biên kịch/ đạo diễn/ diễn viên chính/nhà sản xuất) và thu được thành công nào đó ngay trong lần đầu chạm ngõ làng điện ảnh. Có thể kể tới những cái tên mới như Robie Trường của 11 niềm hy vọng, Trịnh Đình Lê Minh của Thưa mẹ con đi, Leon Quang Lê của Song Lang, Mai Thế Hiệp của Thạch Thảo, Lê Hà Nguyên của Tháng 5 để dành, Luk Vân của Thật tuyệt vời khi ở bên em, Cao Trung Hiếu của Truyện ngắn, Khương Ngọc của Chị Mười Ba, Thủy Trần của Tìm chồng cho mẹ...

Những kỷ lục phòng vé liên tiếp bị xô đổ, những tác phẩm đoạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước đã trở thành điểm nhấn ấn tượng của đời sống điện ảnh hai năm qua. Và tất cả đều là sản phẩm của những người trẻ, tính theo tuổi đời hoặc tuổi nghề. Và nội lực sáng tạo tràn trề của họ đã thổi một luồng gió mới mát lành cho đời sống điện ảnh nước nhà.

Hai Phượng đã trở thành một hiện tượng của năm 2018. Không chỉ xác lập kỷ lục doanh thu phim Việt cao nhất mọi thời đại (với 200 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 3-2019), bộ phim mới nhất của đạo diễn Lê Văn Kiệt còn có cơ hội được phát hành rộng rãi tại nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Trung Quốc, được Netflix mua bản quyền trình chiếu trên phạm vi toàn cầu. Còn Song Lang, dự án phim đầu tay được Leon Quang Lê ấp ủ trong nhiều năm đã 20 lần được vinh danh cho cả tác phẩm và cá nhân, tại nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín ở cả trong và ngoài nước như LHPQT Tokyo, LHP Sharm El- Sheikh Asian Film, Giải của Hiệp hội đạo diễn hình ảnh Australia, Giải Cánh diều... Cả hai đều “dán nhãn” Phim Studio68 và đều đứng tên nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Không chỉ là một diễn viên tài năng chuyên vào vai đả nữ, Ngô Thanh Vân còn chứng tỏ là bà đỡ mát tay khi tác phẩm chị đứng tên nhà sản xuất đều có sức hút khán giả và đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Cũng cần phải nhắc tên Cua lại vợ bầu với kỷ lục doanh thu gần 192 tỷ đồng tại thị trường nội địa, Thưa mẹ con đi - phim độc lập đầu tay nhận được phản hồi rất tích cực từ công chúng của Trịnh Đình Lê Minh hay loạt phim Lật mặt của đạo diễn, ca sĩ Lý Hải liên tục lọt top những bộ phim ăn khách nhất... Dù chất lượng nghệ thuật trồi sụt khác nhau nhưng sự đón nhận nồng nhiệt của thị trường cho thấy tư duy làm phim mới mẻ cùng góc nhìn trẻ trung, hiện đại của đội ngũ này đã giúp họ chiếm ưu thế vượt trội, trong đời sống điện ảnh đương đại.

Phải chờ tới đêm bế mạc, LHPVN lần thứ 21 mới có thể tìm được chủ nhân xứng đáng của những Bông sen Vàng. Nhưng nhìn vào mặt bằng phim truyện điện ảnh dự thi kể trên, tên tuổi một đạo diễn trẻ cùng tác phẩm của họ sẽ được xướng tên trong phút tôn vinh hạng mục giải cao nhất, là dự đoán có nhiều cơ sở.