Từ con giun tới hộp nhựa trong lò vi sóng

Từ một loài giun

Ngày 1-2-2003, khi quay về lại với trái đất, tàu con thoi Columbia đã nổ tung, giết chết toàn bộ bảy phi hành gia; 80 thí nghiệm khoa học có trên tàu cũng tiêu tan theo. Một thời gian sau, khi lục lại đống đổ nát, các nhà khoa học đã sửng sốt khi thấy đám giun tròn mang theo làm thí nghiệm vẫn còn sống, và căn cứ theo vòng đời ngắn ngủi của loài này thì đây hẳn phải là đời “chút chít”.

Từ con giun tới hộp nhựa trong lò vi sóng

Cùng với chuột bạch, ruồi dấm, men bánh mì, giun tròn (có tên khoa học là Caenorhabditis elegans) là một sinh vật mẫu không thể thiếu của các phòng nghiên cứu sinh học. Bé chừng 1mm, sống độc lập không thèm ký sinh “ai”, dễ ăn dễ đẻ vì hầu như tất cả đều là con cái lưỡng tính (1.000 con mới có 1 con đực) có thể tự túc mà đẻ 1.000 trứng mỗi ngày. Đời lại ngắn, chỉ khoảng hai tuần, nên theo dõi “một đời giun” cũng tiện. Thân mình lại trong veo veo, xem xét dưới kính hiển vi rất dễ. Nhưng đặc biệt nhất là trông đơn giản thế nhưng giun tròn C. elegans lại có rất nhiều gien tương đồng với con người, thế là người ta càng quý nó hơn do thấy đây chính là một sinh vật mẫu vô cùng hữu dụng để nghiên cứu các bệnh ở người như ung thư, tiểu đường, lão hóa...

 Giun cũng khổ vì nhựa

Nói về lợi ích của nhựa thì rất nhiều. Nhựa có trong gần như mọi thứ vật dụng của đời sống hiện đại, từ vỏ bọc dây điện, ổ điện, tới nhựa đường, lốp xe, túi đựng... Nhựa càng dẻo thì càng dễ ứng dụng. Để làm nhựa dẻo được, người ta dùng một hợp chất phthalate có tên là DEHP.

Từ vài năm nay, các nhà khoa học bảo tiếp xúc nhiều với DEHP là không tốt cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến sinh non hoặc sinh con dị tật. Nhiều bang ở Mỹ đã thông qua một số luật hạn chế tỷ lệ các chất phthalate có trong đồ chơi trẻ con, trong túi đựng thực phẩm, chai đựng nước uống, v.v. Dùng chữ “hạn chế” có nghĩa là DEHP vẫn hiện diện, dù ít, do nhựa mà không dẻo thì dùng làm sao! Vả lại, người ta vẫn không biết chính xác DEHP làm hại cơ thể theo cơ chế nào và tiếp xúc với chất DEHP trong nhựa bao lâu thì mới bị ảnh hưởng.

Để trả lời được câu hỏi này, giáo sư di truyền học Monica Colaiácovo của Khoa Y, Trường Harvard và các cộng sự đã phải “nhờ đến” giun tròn C. elegans. Và ngày 9-1-2020, họ thông báo đã “bắt quả tang” chất DEHP làm gián đoạn quá trình giảm phân của tế bào, khiến việc hình thành trứng giun và quá trình phát triển phôi giun bị lệch lạc.

Mấy năm trước, cũng chính giáo sư Colaiácovo đã nghĩ ra cách khiến cho trứng giun C. elegans ánh lên mầu xanh nếu bên trong chứa các nhiễm sắc thể bất thường. Các bất thường kiểu này sẽ gây ra hơn 35% các ca sảy thai, thai chết lưu, cũng như vô sinh và hội chứng Down ở người. Đến 2019, Colaiácovo “mượn” giun C. elegans để thử tác hại của khoảng một chục hóa chất thông dụng, xem cách chúng biến đổi nhiễm sắc thể của trứng giun, từ đó suy ra cách chúng sẽ tác động tới cơ thể người. DEHP đứng gần đầu danh sách độc hại ấy, cùng với nhiều chất làm dẻo phthalates khác.

Bản mô tả của Colaiácovo về cách thức DEHP gây hại trong tế bào giun tròn rất chi tiết và... phức tạp, có lẽ ta không cần đi sâu vào, chỉ cần biết DEHP làm cho các chuỗi DNA của trứng giun dễ đứt gãy, thành trứng “có tật”, đến khi thành phôi thì phôi không đạt chuẩn giun.

Chưa hết, Colaiácovo lại cho đám giun tròn tiếp xúc với các nồng độ DEHP khác nhau, và họ thấy, ngay cả ở nồng độ rất thấp thì DEHP cũng vẫn có thể can thiệp vào quá trình sinh sản ấy.

Một thói quen xấu

Tuy nhiên, khoa học là cẩn trọng. Những người thực hiện đề tài vẫn phải nói dè dặt rằng tác động của chất DEHP trong nhựa thay đổi khác nhau trên mỗi con giun, không phải con nào cũng bị ảnh hưởng, và ảnh hưởng thì cũng con ít con nhiều. “Nhưng đó vốn là một đặc điểm của thí nghiệm”, Colaiácovo nói. Chúng ta cũng thế, “mọi người chuyển hóa DEHP cũng khác nhau. Còn tùy vào đường tiếp xúc với DEHP, thời gian tiếp xúc, rồi tuổi tác, chế độ ăn...” dẫn đến việc với cùng một chất hóa học mà người này phản ứng nhiều, người khác phản ứng ít.

Đây là một phát hiện hoàn toàn mới và vẫn cần phải thí nghiệm nhiều hơn nữa để xác định bước tiếp theo, là liệu những gì xảy ra với giun có xảy ra với người không (mặc dầu như đã nói, giun C. elegans có 35% gien tương đồng với gien... người). Tuy nhiên, phụ nữ ở tuổi sinh nở vẫn rất nên lưu tâm khi dùng các hộp nhựa đựng thức ăn, đồ uống và nhất là thói quen xấu là bỏ cả hộp thức ăn vào hâm trong lò vi sóng.

Chuyện dùng lò vi sóng lợi hay hại thì cũng chín người mười ý, nhưng trong thời đại vừa lười vừa thiếu thời gian này, cái tiện lợi của lò vi sóng đã lấn át. Thức ăn thừa mứa, nhiều người cứ bỏ vào hộp nhựa, hôm sau lại cũng nguyên cái hộp đó cho vào lò hâm nóng rồi xoa tay bảo là quá tiện. Nếu có ai góp ý thì lại bảo “hộp nhựa đó loại tốt mà!”. Chuyên gia dinh dưỡng Gavin Van De Walle có một bài rất sáng sủa về vấn đề này. Xin được lược dịch lại.

Ta đang dùng loại nhựa nào

Nhựa là một chất gồm các chuỗi polymer dài chứa nhiều ngàn đơn vị lặp đi lặp lại có tên là monomer. Nhựa chủ yếu làm từ dầu hỏa và khí tự nhiên nhưng cũng có thể kết hợp với những chất có thể tái tạo như vụn cotton, bột gỗ, bột ngô để dễ phân hủy.

Tùy theo công dụng nào mà người ta dùng loại nhựa nào, thí dụ như với lốp xe thì phải dùng loại nhựa bền chắc chứ không thể dùng loại có pha bột ngô như với túi đựng thực phẩm. Lý tưởng ra thì lật mỗi cái ghế, cái chậu hay cái hộp nhựa... lên ta sẽ phải thấy một tam giác tái chế, giữa có đánh số từ 1 đến 7 gọi là “code nhận diện nhựa”. Con số ấy cho ta biết mình đang dùng loại nhựa nào.

Số 1 - nhựa PET hay PETE: chai đựng dầu ăn, chai nước ngọt...

Số 2 - nhựa HDPE: can đựng thuốc giặt tẩy, can đựng sữa, hộp đựng bơ...

Số 3 - nhựa PVC: ống nước, dây điện, màn nhà tắm, ống dịch truyền, da nhân tạo...

Số 4 - nhựa LDPE: túi nhựa, màng bọc thức ăn, các loại chai bóp được (để đựng xốt chà chua chẳng hạn)...

Số 5 - nhựa PP: nắp chai, hũ đựng sữa chua, hộp đựng thức ăn, bình sữa cho em bé...

Số 6 - nhựa PS: ly dĩa dùng một lần rồi bỏ.

Số 7 - các loại khác như nhựa PC, sợi thủy tinh, nylon...

Từ con giun tới hộp nhựa trong lò vi sóng -0
 

Thường các sản phẩm nhựa sẽ có thêm phụ gia như chất ổn định, chất kết dính, chất tạo dẻo, tạo mầu để có được hiệu quả mong muốn. Các chất này thường là độc, và đáng nguy nhất là BPA - một chất trong nhóm phthalates, chuyên để tăng độ dẻo bền của nhựa.

Nếu như “người anh em” DEHP trong dòng họ phthalate làm hỏng trứng giun tròn, thì BPA làm rối loại các hormone, là “nghi can” góp phần gây ra tiểu đường, béo phì và rối loạn sinh sản.

BPA có nhiều trong loại nhựa PC thuộc nhóm số 7. Loại nhựa này được dùng rất phổ biến từ những năm 1960 để làm hộp đựng thức ăn, cốc uống nước và bình sữa. Theo thời gian, chất BPA có trong các đồ nhựa này tẩm vào thức ăn, đặc biệt khi được hâm nóng. Chính vì thế ngày nay nhiều nhà sản xuất đã thay thể bằng chất nhựa khác không có BPA, đặc biệt là trong các thứ đựng thức ăn cho em bé.

Thế nhưng các nhà khoa học vẫn phát hiện ra, ngay cả các đồ nhựa KHÔNG chứa BPA cũng vẫn tiết vào thức ăn các hóa chất khác làm rối loạn hormone. Do đó theo họ tốt nhất là không bỏ hộp nhựa vào lò vi sóng để hâm nóng, trừ phi cái hộp đó có ghi rõ là “dùng an toàn trong lò vi sóng”.

Có hại  ngay cả bên ngoài lò vi sóng

Không phải đợi đến lúc bỏ vào lò hâm nóng thì các hộp nhựa mới tiết ra các chất như BPA hay DEHP và thấm vào thức ăn. Các trường hợp khác có thể gây độc là:

- Đựng thức ăn đang nóng vào hộp (rất nhiều người hay mua cháo, phở đựng trong túi nilon nóng rẫy, hay mua cơm hộp mang về nhà còn nóng hổi).

- Dùng miếng xơ mà rửa các hộp khiến chúng trầy xước.

- Dùng hộp nhựa quá lâu, rửa đi rửa lại nhiều lần.

Nhựa rồi cũng như người, có bền lắm rồi cũng gãy hỏng, nứt vỡ. Do đó ta nên thỉnh thoảng thay một loạt hộp nhựa ở nhà, bằng đồ thủy tinh, đồ sứ, hoặc không thì hộp nhựa mới loại không BPA. Và nếu phải mua hộp nhựa, bạn nên tìm xem có cái tam giác định dạng bên dưới với số 5 ở giữa không.

Thế còn muốn hâm nóng thức ăn thì sao? Thì bạn cho vào bát sứ, hoặc bọc vào giấy nến mà hâm lại. Chúc bạn ăn nóng trong an toàn.

MẠCH NHA

(Tổng hợp và lược dịch từ The Harvard Gazette, Healthline...)