Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

Tôi đã sút bao nhiêu quả 11 mét lên trời...

Người đọc trìu mến gọi ông là “Hoàng tử bé” trong thế giới trẻ thơ. Còn trong thế giới người lớn, tôi thấy ông là một nhà văn hài hước, tinh tế, cẩn trọng, khiêm nhường và rất yêu con trẻ. Hằng năm, sách của ông ra đều đều. Đặc biệt những năm gần đây, nhiều cuốn sách của ông xuất bản lần đầu với số lượng hơn 100 nghìn bản - con số gần như không tưởng ở thời điểm hiện tại. Rồi những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông cũng mang lại doanh thu “khủng”, gần đây nhất là Mắt biếc cỡ gần 200 tỷ đồng. Tóm lại, đây là cuộc trò chuyện văn chương với một nhà văn đang giữ nhiều kỷ lục, chưa biết đến bao giờ mới bị xô đổ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh | VIỆT KHÔI
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh | VIỆT KHÔI

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Nhiều độc giả tò mò: ông đã trở thành nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (NNA): Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách, yêu văn chương. Sở thích này được gieo mầm từ những lần tôi nghe bà tôi, ba tôi và chú tôi ngâm thơ, kể chuyện. Hồi đó tôi cứ nghĩ nhà văn là thần thánh, nếu không thì trong trí tưởng tượng của tôi nhà văn cũng giống như suy nghĩ ngây ngô của bé Su trong truyện Ngày xưa có một chuyện tình: “Con nghĩ nhà văn có hai cái đầu. Nếu chỉ có một cái đầu thì cái đầu đó chắc phải rất to. Như vậy họ mới chứa được nhiều câu chuyện đến thế”.

Yêu văn chương rồi tập tành sáng tác thế thôi, chứ tôi không biết mình có thể trở thành nhà văn hay không, thậm chí cũng không nghĩ đến chuyện đó vì nhà văn là một danh xưng rất mông lung. Một đứa trẻ ôm mộng trở thành bác sĩ hay kỹ sư thì đơn giản hơn. Cố học thật giỏi, thi đỗ vào trường Y khoa, Kỹ thuật thì mộng ước sẽ thành. Còn làm thế nào để trở thành nhà văn là chuyện rất tù mù. Trên thế giới không có nơi nào đào tạo nhà văn. Những trường như Học viện viết văn Gorky (Nga) hay Viết văn Nguyễn Du của ta trước đây thực tế là những nơi bồi dưỡng, cung cấp kiến thức liên quan đến nghề văn chứ không phải đào tạo nhà văn. Vì vậy, làm thế nào để viết thành công một bài thơ, một truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, là những câu hỏi mà mọi nhà văn khi khởi nghiệp đều tự mình mò mẫm, khám phá, thử đi thử lại hàng trăm lần để tìm đáp số. Cũng có những cuốn sách bàn về kinh nghiệm viết văn, nhưng theo tôi sáng tác là lĩnh vực cá nhân đến mức kinh nghiệm của người này thường không giúp ích gì cho người kia, thậm chí con đường thành công của anh X rất có thể dẫn tới thất bại cho chị Y. Nói một cách ví von, tập viết văn cũng giống như cầu thủ tập sút phạt đền. Mọi chỉ dẫn đều vô nghĩa khi anh đứng trước chấm đá phạt với trái tim đánh lô tô trong ngực. Thoạt đầu anh không biết bóng bay đi đâu, phải rất lâu sau đó anh mới dần dần tự mình tìm ra cách đặt quả bóng, cách lấy đà, cách lăng chân, cách lựa chọn lực sút và góc sút phù hợp với đặc điểm cơ thể của mình.

Tôi không nhớ rõ cho đến khi mọi người gọi tôi là nhà văn, tôi đã sút bao nhiêu quả 11 mét lên trời. Chắc là nhiều lắm!

HV: Đi - hay nói cách khác là sự dịch chuyển có vai trò như thế nào với nhà văn bên cạnh cặp phạm trù Đọc - Viết?

NNA: Đi đến nơi này nơi khác, theo nghĩa dịch chuyển trong không gian, có thể là yếu tố then chốt đối với các thể loại “phi hư cấu” (non-fiction) như du ký, hay phóng sự tiểu thuyết. Còn với tôi, xét từ góc độ làm nghề, đi đến một nơi nào đó thường chỉ có mục đích kiểm tra vài chi tiết hay bổ sung vài chất liệu cho trang viết, hoặc chỉ đơn giản để làm mới cảm xúc của mình. Tất nhiên không có một công thức chung trong chuyện này. Tùy vào sở trường và phương pháp sáng tác mà sự đi có ý nghĩa và vai trò khác nhau với mỗi nhà văn.

HV: Nhà thơ Lê Đạt từng nói với tôi rằng, sự “du hành” trong thời gian (với nghĩa trải nghiệm, tích lũy vốn sống) quan trọng hơn rất nhiều sự dịch chuyển trong không gian với nghĩa thuần vật lý...

NNA: Thật ra, chúng ta đã và đang “đi” không ngừng nghỉ cuộc đời mình. Tôi nghĩ đó là “chuyến đi” quan trọng nhất với một người viết. Từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, chúng ta đã đối diện, ứng xử, quan sát, trải nghiệm vô số những tình huống, những cảnh đời, những số phận, những va đập trong cuộc sống. Nếu nhà văn sống thật sâu cái hiện thực mà anh ta nhúng mình trong đó, sống tận cùng những cảm xúc anh ta đã nếm trải khi phản ứng với thế giới chung quanh, anh ta sẽ tích lũy được những chất liệu phong phú và có được những gợi ý tuyệt vời cho trang viết.

HV: Với một tác giả giữ nhiều kỷ lục “trăm nghìn bản” cho mỗi lần xuất bản tác phẩm mới như ông, thì nội dung sách quyết định hoặc độc giả“ định hướng” cho nhà văn hay ngược lại?

NNA: Mỗi nhà văn đều có “vùng sáng tạo” của mình. “Vùng sáng tạo” đó được tạo nên từ những gì nhà văn cảm thấy máu thịt nhất, ám ảnh nhất. Nói khác đi, đó là thiên hướng sáng tác. Thiên hướng sáng tác bao giờ cũng nằm ngoài ý chí của con người, do đó không thể “định hướng” được bởi bất kỳ thế lực nào. Tất nhiên bằng kỹ thuật, một nhà văn lành nghề cũng có thể chiều theo khẩu vị của người khác, nhưng những trang văn không xuất phát từ gan ruột chỉ có thể sản sinh ra những cuốn sách thứ phẩm.

HV: Là tác giả của hơn 100 đầu sách và chắc chắn con số đó chưa dừng lại. Ông có nghĩ đã tới lúc mở rộng đối tượng độc giả, thay đổi cách viết hay ít nhất cách cấu trúc những cuốn sách trong tương lai?

NNA: Chuyện đó rất khó nói, bởi tôi không rõ viết khác mình là điều tốt hay điều xấu, và nhất là tại sao phải làm thế? Nhà văn thường viết giống mình hơn là khác mình. Bởi họ đâu có lý do nhờ ai khác đóng thế cuộc đời mình? Bạn thử đọc Hemingway hay Marquez đi, và vô số những nhà văn khác, dù họ có thay đổi đề tài theo kiểu nào thì độc giả vẫn nhìn thấy dấu vân tay của họ trên từng trang viết. Tóm lại, họ vẫn là họ. Vẫn văn phong đó, vẫn cảm hứng sáng tạo đó, có khi vẫn không gian đó. Đó chính là căn cước của nhà văn. Và người đọc cần họ, vì họ là họ chứ không phải là người khác. Để độc giả đọc một trang văn, thậm chí vài dòng, có thể nhận ra ngay được phong cách tác giả, nhà văn phải mất rất nhiều thời gian, vì vậy anh ta không có lý do gì để phi tang dấu vết cá nhân trong tác phẩm. Khi viết Tôi là Bêtô, Chúc một ngày tốt lành, Ngày xưa có một chuyện tình, là tôi đã muốn làm mới mình. Nhưng “làm mới” không có nghĩa “làm khác”, bởi con người ta không ai có thể chống lại chính mình. Nếu cảm xúc phản ánh con người bạn thì cảm xúc văn chương tất yếu phản ánh con người của nhà văn.

HV: Có hàng triệu trẻ em là “fans ruột” của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng cũng có những em mà tôi từng làm sơ-vây (thăm dò ý kiến) thẳng thắn nói là đọc sách của ông không hợp, không vào...

NNA: Chúng ta thường gọi sách là món ăn tinh thần. Dù là tinh thần thì nó cũng mang đặc điểm của các món ăn nói chung, tức là có thể hợp khẩu vị người này nhưng không hợp khẩu vị người kia. Đó là chuyện bình thường. Trên thực tế, có rất nhiều nhà văn viết khác nhau và có nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Chính điều đó tạo nên sự đa dạng, phong phú, lành mạnh và dân chủ trong sáng tác và thưởng thức văn chương. Vì lẽ đó, tôi không bao giờ mơ mộng sẽ viết ra một cuốn sách được 100% độc giả yêu thích. Bởi nếu vậy, cả thế giới chỉ cần một nhà văn là đủ. Và đó sẽ là thảm họa của văn chương.

HV: Một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh khi chuyển sang phim truyện điện ảnh đã lập kỷ lục doanh thu trăm tỷ. Gần đây nhất phải kể đến Mắt biếc. Khi viết sách, ông có nghĩ đến một ngày sẽ có thêm những đứa con “phái sinh” là điện ảnh không?

NNA: Khi viết, dĩ nhiên tôi không nghĩ gì đến chuyện phim ảnh, càng không hề nghĩ đến những con số. Nhà văn, xét ở khía cạnh sáng tác, là một loại người ích kỷ. Khi ngồi vào bàn, anh chỉ cốt làm sao thỏa mãn cảm hứng sáng tác của mình, ngoài ra không quan tâm gì khác. Nhà văn đích thực khi đang viết cũng không nghĩ đến độc giả, huống gì là khán giả ngoài rạp. Tất nhiên rồi anh sẽ mong đợi phản ứng của người đọc, nhưng đó là khi cuốn sách đã viết xong, đã được in ra. Còn ngồi vào bàn viết mà đầu óc bận bịu đến những thứ ngoài văn chương, 90% cuốn sách sẽ hỏng. Nếu chủ định viết sách để chuyển thể thành phim thì thà anh dành thời gian ngồi viết kịch bản phim ngay từ đầu. Còn chuyện phim trăm tỷ từ tác phẩm của tôi, hiển nhiên là do tài năng của các đạo diễn. Họ mới là tác giả chân chính của bộ phim.

HV: Trong nhiều tác phẩm của ông hiện lên rất rõ chất thơ, nhân vật làm thơ, có những bài thơ và những câu thơ hay. Và tôi cũng biết, ông từng là một nhà thơ...

NNA: Dĩ nhiên tôi luôn luôn yêu thơ. Vì thơ là tôi viết cho mình. Cuốn sách đầu tiên của tôi là một tập thơ. Thơ đã ở bên cạnh tôi, đã an ủi tôi rất nhiều trong thời tuổi trẻ gian lao lận đận: “Anh nợ em những ngày yêu. Nợ công viên những buổi chiều cỏ xanh. Đi qua gian khó đời mình. Nợ câu thơ bắc qua nghìn nỗi đau”. Bây giờ tôi dành thời gian cho văn xuôi nhiều quá nên ít làm thơ. Tôi luôn có cảm giác mình mắc nợ thơ. Đôi khi nghĩ tới thơ, tôi thấy mình giống như một người tình phụ bạc. Đó là lý do tôi tìm cách đưa nhiều thơ vào truyện, như một cách tạ lỗi.