Tôi chọn nơi này là quê hương

“Tôi trở lại Việt Nam sau hơn năm thập niên rời xa và lập tức thấy như đang ở nhà. Đây chính là quê hương, nơi tôi được sinh ra và luôn hướng về trong suốt tuổi thơ qua những lá thư cha gửi từ mặt trận dân tộc giải phóng miền nam” - George Burchett bắt đầu câu chuyện.

Nhà báo Wilfred Burchett trong một lần tác nghiệp tại miền bắc năm 1966.
Nhà báo Wilfred Burchett trong một lần tác nghiệp tại miền bắc năm 1966.

65 tuổi, sống tại Hà Nội từ 2011, George kỷ niệm mười năm gắn bó với nơi đây bằng một tin vui. Tháng 10-2020, sau khi triển khai dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, ông cùng một nhóm nghệ sĩ được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Việc làm. 
 
 
 “Kẻ thù số một” 
 
 Cái tên Burchett có gợi nên điều gì ở những người Việt Nam lớn tuổi?
 
 Câu trả lời: George chính là con trai của Wilfred Burchett, nhà báo quốc tế hiếm hoi từng đứng cạnh Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của thế kỷ 20. Với hàng trăm bài viết và tám cuốn sách về Việt Nam trong gần ba thập niên từ 1954, ông từng được coi là người “mở mắt” cho phương Tây về một thế giới vốn ít được biết tới: Thế giới của những người Cộng sản.
 

Tôi chọn nơi này là quê hương -0
George Burchett bên tác phẩm của mình tại Phúc Tân. 


 Và cũng bởi thế, ngay cả sau khi qua đời năm 1983, những gì mà Wilfred viết về Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản vẫn khiến ông là phóng viên nổi tiếng và gây tranh cãi nhất trên đất nước Australia của mình.
 
 George không bao giờ phán xét cha, dù lựa chọn của Wilfred Burchett đã gián tiếp mang đến cảnh tha hương của gia đình. Năm 1955, khi cùng đoàn đại biểu Việt Nam trở về từ hội nghị Bandung, hộ chiếu của Wilfred bỗng biến mất một cách khó hiểu và chính quyền Australia lập tức từ chối xác nhận quyền công dân của ông trong 12 năm tiếp theo. Vài tháng sau đó, cậu con trai George Burchett của ông ra đời tại Hà Nội.
 
 “Tôi sinh ra mà không có những quyền cơ bản của một đứa trẻ Australia bình thường, còn cha phải sử dụng một loại giấy thông hành đặc biệt do Việt Nam cấp. Trong một thời gian dài, chúng tôi không là công dân của một nước nào cả” - George kể.
 
 Năm 1957, George cùng gia đình chuyển sang Moscow, rồi sau đó là Phnompenh, Paris rồi Sofia. Ông trở về định cư tại Australia ở tuổi 28, khi đã là một họa sĩ và có gia đình. Sống tại Sydney, vẽ tranh và tổ chức triển lãm, cuộc sống cứ thế trôi đi với ông trong gần 20 năm kế tiếp.
 
 “Thời gian ấy, tôi cũng đọc một số thứ mà người ta viết về cha. Có những lời ca ngợi, nhưng cũng không thiếu câu chuyện tệ hại được dựng lên” - George nhớ lại - “Tôi chỉ biết nghĩ: Hãy để các nhà sử học phán xét, còn ông luôn là cha tôi”.
 
 Cũng bởi tâm lý ấy, George từng không quá tha thiết với Public enemy number one (Kẻ thù số một của công chúng) - bộ phim tài liệu về Wilfred Burchett, do đạo diễn từng đoạt giải Oscar David Bradbury dàn dựng. Cho đến khi vào năm 2006, George được mời sang Hà Nội nhân dịp công chiếu bộ phim.
 
 Trở về nơi ra đời sau gần nửa thế kỷ, ngồi cùng những khán giả Việt Nam để xem lại hình ảnh về cha mình, đó là một trải nghiệm mà người đàn ông 50 tuổi này chưa từng gặp.
 
 “Tôi nhìn lên màn ảnh, xem cảnh những người dân Hà Nội hò reo và ôm lấy cha rồi lại nhìn sang sự hồ hởi và xúc động của những khán giả ngồi cạnh” - ông kể, với đôi mắt long lanh - “Trong khoảnh khắc đáng nhớ ấy, tôi hiểu hơn về cha, hiểu về bài học mà ông để lại: hãy tin vào bản thân, thay vì hồ nghi và lo sợ”.
 
 Sau chuyến đi, George tìm đọc lại tất cả những gì mà cha từng viết. Ông trở lại Việt Nam hai lần nữa - trong đó, hành trình năm 2011 gắn với một sự kiện đặc biệt: Tổ chức cuộc triển lãm ảnh Wilfred Burchett với Việt Nam nhân kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của cha. Như lời kể, khi ngồi xem lại và chọn lựa những bức ảnh, ông nhận ra thêm một điều đặc biệt: Đằng sau bề ngoài trầm tĩnh và điềm đạm, Wilfred tràn đầy sự trìu mến và yêu thương với Việt Nam từ những góc máy của mình. Để rồi, sau triển lãm, George đi tới một quyết định quan trọng: Thay vì trở về Australia, ông đón gia đình sang Hà Nội để tiếp tục một cuộc sống mới: “Cuối cùng, tôi cũng biết mình thuộc về đâu. Cha đã đưa tôi tới mảnh đất này, nhưng tôi sẽ nhìn mọi thứ bằng con mắt của mình”.
 
 Cuộc đồng hành của hai thế hệ
 
 George kể lại câu chuyện của mình với người viết tại một bãi đất trống cạnh sông Hồng. Chỉ hơn một năm trước, đó là nơi tập kết rác và chất thải khổng lồ của phường Phúc Tân và cả chợ Long Biên bên cạnh. Còn bây giờ, rác biến mất để nhường chỗ cho một không gian sinh động và đa màu sắc, với 16 tác phẩm được làm từ... phế liệu.
 
 “Khi tới đây lần đầu, chúng tôi không thấy gì ngoài rác và bụi. Nhưng cạnh bãi rác ấy là dòng sông Hồng và cây cầu Long Biên. Đó là một phần của lịch sử Hà Nội, nơi mà vào tháng 10-1954, cha tôi đã theo những người lính Việt Nam đầu tiên vào tiếp quản thành phố” - George nhớ lại.
 
 Chú voi của George trông giống một món đồ chơi gấp giấy ngộ nghĩnh của trẻ em, với kích thước vừa phải và có thể kéo, đẩy khi tương tác. Đặc biệt, tác phẩm bằng sắt này cũng được đục nhiều lỗ nhỏ khiến người ta liên tưởng tới những chiếc đinh tán rive trên chiếc cầu sắt Long Biên cận kề.
 
 Đó không chỉ là sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ của Hà Nội mà còn của chính những ký ức trong George. Ông kể, đầu thập niên 1960, khi vượt Trường Sơn vào vùng giải phóng phía nam, Wilfred Burchett vẫn đều đặn viết thư. Như một món quà đặc biệt gửi tới các con, Wilfred kể rất nhiều về rừng rậm và những loại động vật nhiệt đới mà ông gặp trên đường - đặc biệt là voi. Để rồi, những chú voi ấy đã trở đi trở lại nhiều lần, trong những tác phẩm của George sau này.
 
 Mười năm qua, George sống tại một phố nhỏ ở Hồ Tây và chỉ về Australia đúng một lần. Như lời ông, Hà Nội đẹp, bởi ở đó lịch sử luôn hiện hữu và sống động. “Tại Hà Nội, quá khứ là một phần của cuộc sống hằng ngày với những kiến trúc cũ, tập quán sinh hoạt hay cách mà mỗi người dân luôn hướng về gia đình, tổ tiên” - ông cười - “Và nữa, với tôi, đây là một trong những thành phố cuối cùng mà người ta có thể dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt đầy biểu cảm của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, thay vì sự vô hồn và lạnh nhạt bên cao ốc, cửa kính, biển quảng cáo... của một thế giới đang bị chi phối bởi nhịp sống công nghiệp”.
 
 Cuộc sống tại Hà Nội như mang đến cho George nguồn năng lượng mới, thỏa mãn mọi say mê: làm phim, vẽ tranh, viết lách. Trong đó, phải kể đến bộ phim tài liệu ba tập về Wilfred Burchett với cái tên Việt Nam chiến thắng (phát sóng trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Hoặc, một loạt vở diễn của đạo diễn Trần Lực và đoàn kịch LucTeam mà Burchett là họa sĩ thiết kế sân khấu. Rồi, cũng phải kể đến một dự án mà Burchet ấp ủ: thăm lại những nơi mà Wilfred Burchett đã đi qua trong quãng đời làm báo tại Việt Nam, với những thước phim được quay bởi thành viên thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình - cậu con trai Graham Burchett, vốn là một nhà quay phim chuyên nghiệp.
 
 “Những khi muốn thư giãn, tôi vẫn tới đây, ngồi cạnh tác phẩm của mình, nhìn lên cầu Long Biên và nhớ về bước chân của cha năm 1954” - ông nói - “Với tôi, đó là một cây cầu đẹp vô cùng, đẹp hơn cả cây cầu sắt nổi tiếng tại cảng Sydney nơi tôi từng sống. Bởi nhìn cây cầu sắt tại Hà Nội, trong một khoảnh khắc, tôi cảm nhận rất rõ sợi dây liên kết suốt hai thế kỷ giữa cha, tôi và mảnh đất này”.
 
 

 “Bởi chúng ta yêu nhau đến thế, và cũng bởi các con đang được sống bình yên và hạnh phúc đến thế, cha càng thêm quyết tâm giúp nhân dân Việt Nam có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc, để cho con cái họ được sống với bố với mẹ và được hạnh phúc như chúng ta” - Thư Wilfred Burchett từ vùng giải phóng miền nam gửi con trai ngày 3-1-1964.