Thấp thoáng những nét Xuân

Ngày Xuân vốn dĩ là ngày khởi tạo của những điềm lành. Tết nhất càng lúc càng no hơn, càng ấm hơn. Cho dù phong vị Tết bây giờ đã không hẳn giống xưa nhưng về đại thể vẫn giữ được nhiều nét đẹp cũ.

Minh họa | Phạm Bình Chương
Minh họa | Phạm Bình Chương

Vào những ngày sát Tết, một cái thú được đông người Hà Nội có tuổi cũ kỹ vẫn níu giữ, đó là đến Thư viện Quốc gia ngồi đọc báo xuân. Tất nhiên vẫn có người đọc sách và không hiểu sao thường đấy là những cuốn nặng dày triết học. Mùa xuân ở đây rất đặc biệt, thời gian như chạy bằng một thứ đồng hồ riêng, nó chầm chậm trôi đến mức cứ như là chạy ngược. Nó kiêu bạc nhìn cái siêu thị đối diện bên đường đang ngồn ngộn các quý bà quý ông dư dật đang hớt hải mua sắm. Phòng đọc thanh thản mênh mông đã vắng đi những sinh viên ngoại tỉnh, chỉ còn thu lu dăm bảy trung niên tóc muối tiêu. Và tự nhiên nó sẽ sáng bừng nếu như có một chàng trai hay một thiếu nữ nào đấy lãng mạn cùng ngồi đọc. Bọn họ chắc nhà ở quanh Bờ Hồ, ăn mặc tao nhã sạch sẽ. Từ tốn mơ mộng họ lật sách. Cái chầm chậm của những trang chữ làm tiết xuân trinh bạch tần ngần chẳng dám trôi. Và không cần tinh tế lắm cũng thấy được mầu của Tết, mùi của Tết. Đấy là cái mầu nóng ấm của hồng đào được hắt lên qua cửa sổ từ khuôn viên thư viện. Đấy là cái mùi nhè nhẹ lá gội đầu hương nhu có từ thuở các bà các cô Hà Thành còn chưa biết dùng dầu gội lờ lợ mùi mỹ phẩm, nó thanh và thơm đến vô cùng. Cô bé thủ thư nhìn đồng hồ thấy quá giờ, nhưng khác thường lệ cô không bấm chuông giục. Mùa xuân đã làm người Hà Nội trở về với thong thả thanh lịch.

Mùa xuân là mùa của bay bay mưa phùn liêu xiêu, của ngòn ngọt có gió lành lạnh rét. Ở cái tiết trời này, con người ta khai mở phóng khoáng và dễ dàng chóng đói thích ăn ngon. Không phải ngẫu nhiên mùa xuân là mùa của lễ hội, của tiệc tùng, của cỗ bàn. Tất cả món ăn đều quyến rũ, đều đậm, đều béo. Bánh chưng rán để cạnh thịt đông, giò thủ để cạnh vịt nướng. Người ta miệt mài dưỡng sinh nín nhịn yoga quanh năm, cốt dồn sức cho tiêu hóa thật thăng hoa trong những ngày tết. Chiều muộn trừ tịch giao thừa là cỗ tất niên. Sáng mùng Một chúc tụng người trên ông bà bố mẹ là cỗ tân niên. Xâm xẩm tối muộn, anh chị em “kiến giả nhất phận” bỗng vui vẻ đoàn viên ngồi xếp mâm bày cỗ. Cả ba ngày Tết liên miên chỉ ăn và uống. Mùng năm đang ngất ngư ngây ngấy thì nhiều nhà đã làm sớm hóa vàng. Từ quan đến dân, từ công chức lương thưởng hành chính cho đến doanh nghiệp tư gia, bụng người nào người nấy đều óc ách những là gà quay, ngan hầm, hạnh nhân xào, xúp lơ xào, canh măng lưỡi lợn nấu chân giò rồi bóng thả mọc miến thả lòng gà. Đám dư dật đại gia thì phát ốm vì lo lắng, âm thầm thở dài nhìn bụng mình đang ì ạch với các món tinh hoa khó tiêu như bào ngư, như vi cá, như tay gấu. Khắp thiên hạ đi đâu cũng thấy bóng nhẫy hạnh phúc, nam thanh nữ tú phong độ sung túc tròn căng. Có phải thế chăng mà những Tết gần đây, những gia đình có tiền thường du xuân ra ngoài nước.

Ăn no xong rồi thì những người có tuổi hoặc lim dim đi ngủ hoặc chơi bài hoặc khai bút làm thơ. Đám trẻ tung tăng nhựa sống rủ nhau “bát phố”, quần là áo lượt thơm mùi hàng hiệu, nồng nàn hẹn hò tình yêu. Phố rộng mưa giăng mờ mờ thấp thoáng mấy ghế đá công viên thiêm thiếp mơ màng tím mầu chung thủy. Đường phố thanh bình thưa vắng, ngoài nô nức một vài vũ trường thì quán xá đều đã đóng cửa từ lâu. Họa hoằn còn sót lại dăm ba nhân viên chưa kịp về quê, nghẹn ngào ngồi uống rượu tha hương ngắm Tết, hoặc lướt facebook hoặc xem ti-vi. Chương trình truyền hình Tết dù trực tiếp hay đã làm đông lạnh từ trước Chạp, nhà đài liên miên phát trò vui, xem thích lắm. Tấu hài là đương nhiên, phim hài là hiển nhiên rồi kịch hài xiếc hài ca nhạc hài. Người xem hoan hỉ rũ rượi cười cả tuần, bỗng thành một thói quen như phản xạ có điều kiện. Đến nỗi có một giáo sư đạo mạo hiện hình lên nghiêm túc giảng những thuyết lý cao cả văn chương, thì người xem vẫn nghiêng ngả khanh khách cười vì tưởng đấy là một danh hài.

Nhưng một thú vui Xuân đặc biệt đáng kể là được thong thả nhâm nhi ngồi uống rượu. Tết ở Việt Nam là khoảng thời gian phóng khoáng trôi chậm nhất thế giới, và Hà Nội là vô địch. Có được sự giảm tốc đáng yêu đấy là nhờ những bữa cỗ tràn ngập đủ kiểu người thích uống. Nào nam phụ lão ấu, nào rể thảo dâu hiền. Ngày xưa hồi bao cấp rượu mạnh chỉ có “Lúa mới”, rượu nhẹ chỉ có “Mơ” có “Chanh”, nếu là “Thanh mai” thì sang quá. Ngày nay thì đủ loại thương hiệu Pháp, Mỹ, Tầu. Bữa tối mùng hai bạn mời, bữa sáng mùng ba mời bạn. Tết mà, phải dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho người thân. Nhiều phố cổ như đứng yên trong màn mưa phùn luênh loang mùi men bàng bạc ấm nồng tửu khí, ai ai mặt cũng náo nức đào hoa tương ánh hồng. Tất cả thăng hoa thành một vòng tròn phê phê lừ đừ quay dìu dịu. Ngày Tết ngày nhất đi đâu mà vội. Vì thế lịch xuất hành chúc Tết của đa số đàn ông hoặc ham uống hoặc cả nể thường đứt đoạn. Tất nhiên, vợ con khó tính có thể cáu, người yêu quen “chảnh” có thể hờn. Có điều ngày Tết là ngày của cao cả vị tha, chẳng ai nỡ làm mất vui người khác.

Có lẽ vì thế mà có những ông mang vẻ đứng đắn, vừa sáng ra thì ân cần dự định sẽ đến nhà ông này chú kia, còn chiều sẽ đi cùng vợ con tới thăm cô này dì nọ. Tết nhất kiêng gõ cửa nhà người ta sớm, nên tới nhà đầu tiên cũng chừng hơn mười giờ. Chủ nhà cũng “com lê com táo” chuẩn bị đi, gặp khách ngay cửa thì kêu may quá, hớn hở quay vào bày đôi chén, gọi là tí ti chúc nhau sức khỏe. Chén đầu thì cắt khoanh giò, chén sau hô con gái lớn múc thêm bát măng. Khách tỏ ra lịch sự, thôi nốt chén này nhé, còn phải sang bên nhà ông cậu ruột ở Hàng Trống. Chủ khe khẽ nài, từ đây sang đấy có bao xa, tôi cũng phải đi chúc Tết ông nhạc dưới tận Giảng Võ. Chợt có khách đến thêm mà lại là bạn chung, lại là người nức tiếng có tửu lượng hào sảng. Chủ nhà phi như bay vào buồng trong, nơi giấu một chai “độc nhất vô nhị”. Hiền thê đang uốn éo trước gương là lượt quần áo xong rồi, hốt hoảng nhẹ nhàng nhắc, “ông bà ngoại chờ cơm bố đấy”. Chủ nhà nghiêm mặt toát ra vẻ chính khí kinh người, thì Tết bạn bè ngồi với nhau một lúc. Và một “lúc” của Tết luôn dài bằng thế kỷ. Chênh chếch quá ngọ, mâm uống đã phình ra hơn sáu. Mà vui nhất là có cả bố vợ của chủ nhà. Biết tính la cà của thằng con rể, nên đầu giờ chiều chủ động cụ tới, mừng tuổi cho mấy đứa cháu ngoại. Thế là ngồi cùng mâm, thế là ngồi một “lúc”. Đám đàn bà trẻ con ở những nhà còn giữ được cốt cách phương Đông, nể cha chiều chồng, đành đem bộ “tú lơ khơ” hay “tam cúc” ra chơi ăn tiền mừng tuổi. Chiều xuân sầm sậm mưa, thời gian lững lờ hạnh phúc trôi, mim mỉm cười ủng hộ.

Tết Nguyên đán được gọi là Tết “nhất”, vì đấy là cái Tết quan trọng hàng đầu. Còn “ăn uống”, theo “folklore” là đệ nhất trong tứ khoái. Với hầu hết người Việt, nó đã trở thành nét văn hóa độc đáo của muôn đời trong mỗi dịp Xuân về.