Thắp sáng vỉa hè

Theo ý kiến của vài nhà xã hội học, đệ tử của sinh vật gia lỗi lạc người Anh là Darwin (1809-1882), thì con người ta là một loài rất yêu lao động. Đại loại, nhờ lao động mà dần dần qua thời gian con người được hoàn thiện. Thậm chí, thuyết tiến hóa của ông Darwin còn cho rằng, lao động đã tạo ra con người. Những hình minh họa cho cái thuyết này luôn vẽ đám đàn ông cởi truồng, nguyên thủy bắt đầu lông lá giống như cơn đười ươi vụng về hái lượm, rồi lúc biết cầm công cụ lao động lần hồi kiếm ăn thì bỗng thăng hoa đẹp đẽ cả về trí óc lẫn hình thể, nhang nhác hoàn hảo như những nam diễn viên điện ảnh lừng danh. Tuy nhiên, muốn lao động được hiệu quả, tất yếu phải biết cách nghỉ ngơi. Bởi chính nhờ sự thư giãn đó, n

Thắp sáng vỉa hè

Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước đang phát triển, du lịch đã trở thành một mũi nhọn của cả nền kinh tế. Ở ta cũng vậy thôi. Nhất là trong bối cảnh một số ngành kinh tế, cả công nghiệp lẫn nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại. Thật ra, khoảng mươi năm gần đây, du lịch Việt đã đạt được nhiều thành tựu. Mới nhất như tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Award - WTA) vừa diễn ra ở Oman, lần đầu tiên chúng ta được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019”. Mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế của cả năm, coi như cũng tròm trèm gần hoàn thành. Tuy nhiên vẫn có nhiều du khách tử tế, đặc biệt đến từ các nước Âu-Mỹ, công khai phát biểu trên nhiều diễn đàn chính thống, rằng “sẽ chỉ tới một lần và không quay trở lại”. Tại sao? Loại đi những lý do chủ quan và khách quan theo kiểu các công ty lữ hành ở ta nghiệp vụ kém hoặc sự cạnh tranh thiếu lành mạnh... thì một trong vài nguyên nhân chính được các chuyên gia chỉ ra. Đó là chúng ta chưa biết cách tận dụng hết thế mạnh du lịch ở các đô thị Việt.

Trong khi các thành phố lớn trên thế giới đã thu về hàng tỷ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch thì ở Việt Nam, kinh tế ban đêm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có chiến lược bài bản do vướng nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý. Rõ nhất là chuyện xử lý vỉa hè ngoài giờ hành chính.

Vỉa hè ở các đô thị lớn luôn có một lịch sử của riêng nó. Ví như Hà Nội chẳng hạn. Từ xa xưa, Hà Nội đã có phố và tất nhiên không hẳn các phố đã có vỉa hè. Theo cuốn “Thượng Kinh ký sự” của cụ Lãn Ông thì Thăng Long thời chúa Trịnh vỉa hè cũng đã có, nhưng ngắn ngủi cập kênh và rải rác. Lòng đường phố lớn ở thời ấy thường lát đá hộc, đại loại để cho voi ngựa đi được. Còn vỉa hè chỉ là những doi đất cứng, được san phẳng chắc, sát vào cửa nhà. Vỉa hè Hà Nội giống như bây giờ là do người Pháp, đặc biệt là công của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897-1901), một ông Tây thực dân khá tham lam nhưng yêu sự ngăn nắp. “Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3-1897 thì khu phố của người An Nam vốn là những cửa hàng lấn ra tới tận đường. Phố xá không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó là những thứ đích thực của Hà Nội” (Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm). Paul Doumer bắt tòa thị chính phải lát vỉa hè ở những phố “tây” trước tiên như Gambetta (Trần Hưng Đạo), Carreau (Lý Thường Kiệt), Bobillot (Lê Thánh Tông)... bằng loại gạch vuông rạch khía viền bờ bằng đá đẽo. Đều đặn cứ hơn hai chục mét là đủ loại cây trồng, nhiều loài không xuất xứ bản địa như xà cừ, long não, sao, cơm nguội… Cho đến giờ, đây vẫn là những vỉa hè lãng mạn tuyệt vời đẹp nhất của Hà Nội. Chỉ cần đêm muộn đi dạo trên mấy đường đấy thôi, tự nhiên thấy thanh thản thăng hoa, vừa quý phái vừa sang trọng.

Thời trong trắng vất vả bao cấp, khi chưa có internet, chưa có các trò chơi điện tử, đến xem ti-vi cũng là thứ xa xỉ hiếm thì vỉa hè là thiên đường của bọn nhóc được sinh ra từ phố. Những đứa con gái hoặc chơi nhảy dây chun, chơi ô ăn quan chơi chuyền. Những đứa con trai hoặc chơi bắn bi, hoặc chơi khăng chơi đáo (hai trò này hình như được đem về từ nơi sơ tán). Ngày ấy, đất nước gian lao thiên tai địch họa nên những người lớn bận lắm. Không kể thời chiến khắc nghiệt bom đạn, mà ngay cả thời hậu chiến an lành hòa bình thì người lớn cũng có không biết bao nhiêu công việc đòi hỏi sự tận tụy tử tế. Hầu hết bọn trẻ con đều được thả rông ra đường lê la nghịch ngợm, hiếm hoi mới có đứa bị nhốt trong nhà. Có gì khó hiểu đâu khi vỉa hè sẽ là nơi dung dưỡng tuổi thơ của chúng. Đương nhiên lúc đó, vỉa hè chưa hề có khái niệm “mặt tiền” nồng nặc mùi tính toán. Trừ vài phố đã có truyền thống buôn bán tấp nập như Hàng Đào, Hàng Ngang..., thì đa phần mọi người đều thích bình yên sinh hoạt sau cánh cửa nhà với chế độ tem phiếu. Thậm chí khi có tiêu chuẩn phân nhà thì những người có đôi chút chức vụ với bản chất rụt rè lương thiện từ thời đại, luôn chọn những ngôi nhà bình dị bên trong, “cho nó đỡ ồn”. Có lẽ thí dụ khiêm nhường nhất, chính là phố “nhà binh” Lý Nam Đế. Cư dân tướng tá thường lùi tít vào phía sâu, mấy ông lái xe hoặc công vụ bất đắc dĩ đành ở ngoài. Chao ơi, những ngày xa xưa vị tha trong veo tần tảo ấy, biết đến bao giờ mới có lại.

Có phải vậy chăng mà vỉa hè ở thời bao cấp luôn thoáng đãng mênh mông rộng. Ở đấy, trò chơi thời thượng số một là chơi bi. Con giai thì bi bắn, con gái thì bi gẩy. Mỗi một thằng nhóc mặc quần “viện trợ” thủng đít thường sở hữu một khoảng vỉa hè của riêng mình. Chúng nó thuộc từng vệt nứt của từng xăng-ti-mét vuông trên từng viên gạch. Ngoài nghệ thuật cầm rồi bắn bi, thì độ nảy quen thuộc của viên bi luôn quyết định sự thắng bại. Được chơi trên sân nhà hiển nhiên là lợi thế. Ở phố Nhà Chung có thằng Đạt “điếc” bắn bi “mả” vô song. Đứa nào bị nó dụ ngon dụ ngọt tới chơi trước cửa số nhà 28 thì coi như là sạch bách. Trước mùa Xuân bẩy nhăm, thằng Đạt xung phong đi bộ đội, không ngẫu nhiên trở thành lính bắn tỉa khét tiếng. Nó hy sinh trong một lần cận chiến dữ dội lúc đang bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Đồng đội những khi thắp hương nhớ nó, thường thả vào bát hương của người lính phố cổ ấy vài hòn bi ve.

Ngoài những trò chơi ầm ĩ linh hoạt cơ bắp như trốn tìm, như nhảy ngựa..., thỉnh thoảng trên vỉa hè cũng yên tĩnh, đó là lúc bọn nhóc tụ nhau rồi bắt một thằng có vẻ đọc nhiều, ngồi quanh cột đèn kể chuyện. Thằng này gầy gò học giỏi, nổi tiếng “mọt sách”. Thằng này sẽ kể lại “Tam Quốc”, “Tây du” qua những lần đọc trộm nhẩy cóc từ tủ sách của bố nó mà ông ấy cẩn thận giữ hơn giữ vàng. Có buổi những buổi tối mất điện, hứng lên, thằng này còn liều lĩnh kể cả mấy phim chiến đấu Liên Xô đang chiếu ngoài rạp mà chính nó cũng chưa bao giờ được xem, chỉ hóng hớt lại từ anh từ chị. Chính vì thế nên nó luôn phải thêm thắt bịa đặt cho câu chuyện được liền mạch sinh động. Rồi khi từng trải thăng trầm có tuổi, cái thằng đấy sẽ loay hoay lớn thành nhà văn nhà báo hay đạo diễn phim truyện. Lạy giời, không biết bao lần vỉa hè Hà Nội đã âm thầm nuôi dưỡng cho văn nghệ Thủ Đô những khuôn mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Hà Nội hôm nay vẫn có vỉa hè và nó thường đẹp nhất là vào các đêm muộn. Trong vắng lặng của một thành phố đã bớt sôi động, nó luôn thầm thì tự kể lại từng nỗi nhớ mà nó đã từng trân trọng giữ. Giờ đây, những người đang loay hoay làm kinh tế đêm bằng du lịch, liệu có nghe nổi tiếng vọng ấy chăng. Ừ, thì đành mở thêm tiệm ăn. Ừ, thì đành mở thêm quán nhậu. Nhưng hãy thắp sáng vỉa hè Hà Nội bằng những cao cả ký ức. Hình như đấy mới là một cách làm du lịch bền vững.