Nhà văn Hữu Mai

Sừng sững một lựa chọn

Mấy mươi năm qua, đọc sách của nhà văn Hữu Mai, từ “Cao điểm cuối cùng”, “Vùng trời”, “Ông cố vấn”, “Đêm yên tĩnh”..., thấy ông đúng là một người độc hành lặng lẽ, người chiu chắt hơn nửa thế kỷ làm chứng nhân khiêm nhường và sáng suốt cho những cuộc chiến tranh thần thánh của toàn dân tộc. Thế nhưng, phải đến mùa thu 2018, Hữu Mai toàn tập xuất bản, dù mới chỉ là 4 trong 7 cuốn sách, các tác phẩm của ông được hệ thống lại, đặt cạnh nhau, thì tầm vóc Hữu Mai trở nên rõ ràng, mạch lạc, ông sừng sững vị thế độc tôn trong lãnh địa văn chương, một nhà văn trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng, kiêu hãnh với lựa chọn của đời người: “Tôn trọng sự thật

Nhà văn Hữu Mai (1926-2007).
Nhà văn Hữu Mai (1926-2007).

Năm 2016, Nhà xuất bản Trẻ in lại tiểu thuyết Những ngày bão táp sau gần 60 năm kể từ lần đầu xuất bản. Cuốn tiểu thuyết có số phận không mấy bình lặng, được viết năm 1956, ra mắt lần đầu tiên năm 1957, về một đề tài vốn luôn được coi là nhạy cảm đối với văn học nghệ thuật tới tận bây giờ: Cải cách ruộng đất. Ngay ở cuốn tiểu thuyết mở đầu sự nghiệp, dù không nằm trong mạch về đề tài chiến tranh, Những ngày bão táp vẫn nhất quán phong cách: Lối viết bình thản, tỉnh táo, và dù đi vào cái khốc liệt của hiện thực thì vẫn luôn hồn hậu, một sự hồn hậu, tử tế đã thành căn cốt văn chương Hữu Mai. Đó có thể là tấm thông hành để Những ngày bão táp được đón nhận nồng nhiệt sau hơn nửa thế kỷ, ngay khi mà sách thời kỳ đó không còn là cấm kị và những tư liệu lịch sử giai đoạn cải cách ruộng đất đã được công khai, minh bạch hơn nhiều.

Bốn tập chừng xấp xỉ 4.000 trang in, trong toàn tập 7 cuốn (Nhà xuất bản Văn học ấn hành - 3 tập tiếp theo sẽ in trong năm 2019), chỉ chứa đựng được một phần trong số khoảng hơn 40 đầu sách của nhà văn Hữu Mai. Khác với lập ngôn của nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ, cùng thời, Hữu Mai trước sau chỉ một đức khiêm nhường khi suy nghiệm về nghề, về văn chương và sứ mệnh của nhà văn trong dòng chảy thời cuộc: “Thực tình mà nói, tôi không dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi những cái mới trong nghệ thuật, tôi không có nhiều tham vọng văn chương, vì tôi biết rất rõ thế hệ chúng tôi không có nhiều thời gian để làm công việc này. Tôi chỉ mong ghi lại thật nhiều về một giai đoạn lịch sử tôi cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, mà tôi đã có may mắn được chứng kiến”. Lựa chọn của Hữu Mai không phải vô tình, và có thể ở thẳm sâu khát khao sáng tạo nào đó, sẽ ít nhiều thiệt thòi cho chính ông, nhưng lại là may mắn cho hiện thực, cho đất nước và các thế hệ độc giả, khi có người tự nguyện dành cả cuộc đời mình để “ghi chép lại lịch sử” một cách “khoa học, chân xác” bằng tâm tài và sức hấp dẫn của nhà văn chứ không phải nhà sử học. Bởi vậy, có thời gian và sự tĩnh tại để đọc lại Những ngày bão táp, Đất nước (Tập 1),

Không phải huyền thoại (Tập 2), Người lữ hành lặng lẽ (Tập 3), trọn bộ Vùng trời (Tập 4)... trong Hữu Mai toàn tập sẽ phần nào lý giải được tại sao nhiều nhà văn, nhà sử học nước ngoài đã đọc, nghiền ngẫm sách của Hữu Mai để nghiên cứu về Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhà văn Mỹ Linda Garrett viết: “Tôi tin chắc rằng đã đến lúc một cuốn sách như Ông cố vấn được xuất bản tại Mỹ. Đây là một tài liệu vô cùng quan trọng để cuối cùng rồi người Mỹ cũng phải chấp nhận bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc về lịch sử cuộc chiến và xem xét lại sự can thiệp của Mỹ một cách kỹ lưỡng trong bối cảnh ít điên cuồng chống Cộng hơn trước đây... Cuốn sách này viết rất hay, theo kiểu tiểu thuyết nên sẽ rất hấp dẫn cho độc giả Mỹ về mặt văn học cũng như về nội dung. Cuốn sách này đòi hỏi phải nghiên cứu cả ở Việt Nam và Mỹ để có được những chú giải toàn diện cho độc giả Mỹ”...

Sừng sững một lựa chọn ảnh 1

Nhà văn Hữu Mai để lại một di sản khổng lồ, cả những kỷ lục mà rất lâu sau này cũng khó cuốn sách nào có thể phá vỡ (hơn 400 nghìn bản Ông cố vấn trong một năm), hơn hết ông còn dành cho hậu thế bài học về lao động văn chương: Thời gian ông tiếp cận hồ sơ, tài liệu, tiếp cận với hiện thực, nhân chứng, vật chứng... để bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết mới khó mà có thể định lượng. Đấy cũng chính là sự hy sinh, ông cũng là một “người lữ hành lặng lẽ”, một nhà văn thực hiện sứ mệnh với con chữ của mình, một công dân thực hiện sứ mệnh với đất nước, một đảng viên thực hiện sứ mệnh với sự nghiệp Cách mạng của Đảng trước cả khi nghĩ tới danh tiếng cá nhân. Tuy nhiên, thời gian vốn công bằng, lịch sử luôn công bằng, cả văn chương và độc giả cũng công bằng hơn tất thảy, nên độ lùi quá khứ càng xa, nhà văn Hữu Mai càng được đương thời yêu mến, trọng thị và ghi nhận tài năng cũng như những cống hiến của ông. Không có Hữu Mai, sẽ khó có thể có những trang viết về lực lượng tình báo chiến lược hay và chân thật đến thế. Không có Hữu Mai, sẽ khó để có những trang viết về Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng xúc cảm, tươi sáng đến ngay cả những người trong cuộc cũng luôn rưng rưng. “Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nhận xét nhân dịp Vùng trời tái bản lần thứ ba: «Gần hai chục năm sau chiến tranh, đọc lại Vùng trời, những tình cảm của tôi đối với bộ sách khi ra mắt lần đầu vẫn còn nguyên vẹn. Giá trị của bộ tiểu thuyết sử thi này chính là tính chân thật lịch sử, từ những chất liệu trong đời sống, những sự kiện, những con người thật, nhà văn đã tạo thành hệ thống hình tượng văn học đầy sức truyền cảm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ không quân đã coi cuốn sách như một pho sử sống động về đơn vị mình”. Và chắc chắn, không có Hữu Mai, không thể nào người dân Việt Nam có được cơ hội “làm quen” “gặp gỡ”, thấu hiểu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cả con người chiến trận và con người đời thường như đã từng trong những cuốn sách nhà văn thể hiện...

Sinh năm 1926, mất năm 2007, nhà văn Hữu Mai là một số phận đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Là một trong những nhà văn tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng dường như ông lại không dành cho mình vị thế công thần, mà luôn đứng lùi sang bên để không ngừng lao động, không ngừng cống hiến, cống hiến cả ở địa hạt văn chương và điện ảnh. Những danh hiệu, giải thưởng mà ông nhận được (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017) chỉ là sự ghi nhận chính danh (tuy muộn màng), còn sự ghi nhận nữa, là sách của ông vẫn được in ra, độc giả vẫn tìm đọc và cả những người ở nhiều nơi trên thế giới, muốn hiểu về Việt Nam qua những năm tháng chiến tranh sẽ chắc chắn phải tìm đến nhà văn Hữu Mai, như một nguồn trữ lượng tri thức chưa hề vơi cạn.