Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:

Sự cứu rỗi nhiệt thành của số phận

Đùng cái nhà văn Nguyễn Văn Thọ giở giói ra vẽ. Cũng chả phải hùa theo trend "nhà văn vẽ" hay gì nữa, mà chỉ đơn giản là những thét gào nội tâm, những giằng xé âm ỉ, những bão dông cuồn cuộn phải có nơi chốn để xả ra cho dịu bớt.

Ký họa chân dung nhà văn Nguyễn Văn Thọ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung nhà văn Nguyễn Văn Thọ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Cách 60 năm mới lại cầm đến cọ, kể từ thuở lên mười, mười một, được cha là họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Thiệu bắt tay bắt chân rèn cặp kỹ lưỡng, giờ tận ngoài 70 ông nhà văn một đời ngược xuôi sấp ngửa ở rịt trong ngôi nhà đầy mầu xanh tít cùng ngõ phố ngoằn ngoèo Hoàng Hoa Thám, thức tỉnh mối tình si đã say ngủ sáu thập niên ròng...

Mới rồi Nguyễn Văn Thọ gây choáng dư luận khi chia sẻ trên facebook cá nhân chuyện chia tay với người vợ trẻ - người vợ thứ ba. Buồn, tiếc nuối, nhưng chấp nhận, nợ duyên đến đâu hưởng đến đấy, chả trách mình, trách người chỉ thương thôi đã xót xa đau đáu cả cõi lòng: Chẳng kinh nghiệm cá nhân nào truyền được vào với cá nhân nào, nhiều khi mỗi cá thể đã là một khối tự mâu thuẫn, hai cá thể tự mâu thuẫn chính mình ấy áp vào nhau, tác động nên những hiệu ứng không như mơ mộng, thì thôi âu cũng là số phận: "Không ai là người có lỗi, bởi tự bào thai, ta đã xa nhau quá, khi lá xanh sinh ra từ gốc mà không qua hết nỗi đau của gốc, khi đóa hoa sớm nay nhiều sắc mầu, không hiểu sao mầu gốc xù xì... Chia tay nhau, như một chiều đông gió cuốn, thêm chiếc lá lìa cành, và, đau đớn cái mầm xanh, còn tơ non, mọc lên từ gốc"...

Bắt đầu trở về tháng ngày cơm niêu nước lọ, chén bát một mình, hỏi có biết nấu ăn không, trả lời biết chứ gì chả biết, cả tuổi hoa niên xông pha trận mạc vào sinh ra tử, ngày 30-4-1975 ngơ ngác giữa Sài Gòn vừa im tiếng súng, anh lính trẻ quen mỗi việc đánh trận đã thần người, hoang mang trước thực tại: Từ ngày mai, mình sẽ làm gì để sống... Đi qua chiến tranh, qua thời hậu chiến, qua những tháng năm bao cấp khốn khó thành nhân viên Tổng công ty muối, nên sau này có biệt danh Thọ "muối", riết róng cái nghèo đến độ khi viết văn có truyện ngắn xuất sắc "Nhà ba hộ" ai đã đọc một lần đều dễ ngộp thở vì hồi tưởng tới những ám ảnh một thời thiếu thốn, qua cả cái đoạn lang bạt kỳ hồ kiếm sống ở châu Âu, những kỹ năng sinh tồn đã thành bản năng thuần thục. Trở lại cuộc đời độc thân ngoài ý muốn, Nguyễn Văn Thọ dùng hội họa như một môn phái thiền, nhằm thoát ra những u ám thực tại. Hóa ra những chỉ dạy của cha thuở ấu thơ vẫn yên ổn đó, chỉ là cậu con trai bướng bỉnh hay cãi lời cố tình gạt sang bên để thể hiện cái tôi ngang ngạnh, chứ trước sau gì kiến thức vẫn ghi giữ trong mình.

Cha bảo ban nghiêm khắc, bài bản, cậu con trai hiếu động chăm chỉ dùi mài. Rồi một lần khắc tranh sơn mài giúp cha kịp bán, lơ đễnh bị dao xiến vào tay chảy máu, giận dỗi buông tay bỏ vẽ từ bấy giờ. Biết tính con mình, họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu cũng đành thôi, không ép. Bản năng hội họa khuất lấp bởi đủ những vật vã suốt cuộc đời, bỗng trỗi dậy đúng thời điểm nhà văn cần sự trợ giúp. Ào ào vẽ trong vài tháng ròng, ra một loạt chân dung bạn bè. Tự biết đấy chỉ là những chấm phá chân thành, lưu tại tình cảm bạn bè, một cách bày tỏ ân tình quý mến của lão nhà văn thường ngày vốn ồn ào bụi bặm, tưởng như nóng tính, đâu đâu cũng vẫn một kiểu điếu thuốc trên môi, trọc đầu oang oang nói, nhưng thật ra dễ trắc ẩn, dễ mủi lòng. Không tự nói được ra lời tiếng yêu người, yêu đời, thì thôi mượn tranh pháo nói hộ. Cả cuộc đời sôi động của mình, ông có nhiều, vô cùng nhiều những khoảnh khắc bạn bè... Làm gì cũng say sưa nồng nhiệt, yêu ai ghét ai cũng rành mạch rõ ràng, tam phen tứ phen dính thị phi vì những bốc đồng tăng động chỉ để bênh vực bạn bè, lên án cái xấu hay đơn thuần là bày tỏ quan điểm về một vấn đề xã hội đang thu hút sự chú ý, nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người trước sau trung thực với chính cá tính của mình, mà ít đoái hoài đến hệ quả.

Đông bạn nhiều quan hệ, lắm chỗ nghĩa tình, nên tranh ông vẽ ra đưa lên facebook khoe, hay người này người kia truyền tai nhau, bạn bè biết đến, cũng lại người này người kia đánh tiếng mua tranh. Hào hứng khoe tranh bán được giá phát, khoe được cả ông bạn thân bậc nhất - họa sĩ Thành Chương khen tranh, khen có nghề đấy chứ không phải nghiệp dư amateur đâu nên Nguyễn Văn Thọ cũng hào hứng tự tin hơn hẳn. Họa sĩ Thành Chương từng phát biểu rằng, có mũi súng nào chĩa về phía ông, hẳn chỉ có bạn ông Nguyễn Văn Thọ sẵn sàng giơ lưng ra đỡ. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đi qua nhiều ngoắt ngoéo số phận, vẫn nhiệt thành hăm hở như thuở thanh xuân. Tuổi Mậu Tý sinh năm 1948, vào nghề văn muộn, nhưng Nguyễn Văn Thọ tạo ấn tượng ngay bởi những truyện ngắn đầy khí chất. Đầu những năm hai nghìn mười mấy, thời gian ngoái trước ngó sau mà đã sắp chẵn một thập niên tròn, Nguyễn Văn Thọ trình làng tiểu thuyết Quyên, cô lại nỗi đau của những người Việt tha phương kiếm sống ở Đông Âu trong một quãng dài. Kiểu ngang tàng bạo mồm bạo miệng, lại xốc vác nhiệt thành, văn chương của ông cũng ào ào dữ dội y như thế. Có điều, ẩn sâu dưới lớp vỏ xù xì gai góc là một gã đàn ông sở hữu nụ cười hiền, cả nội tâm cũng hiền hơn thể hiện. Dù đang cáu bẳn gì, lớn tiếng gì đi nữa, nhoẻn cười là lão Thọ "muối" lập tức trở về bản nguyên cốt yếu của mình...

Hằng ngày ở nhà vẽ, viết, đọc, chăm chó chăm chim, cuối tuần luôn luôn là thời điểm hạnh phúc nhất của Nguyễn Văn Thọ. Ông được ở cùng cậu con trai ngoan ngoãn đang tuổi tiểu học, được đưa con đi chơi, bi bô chuyện trò với con đủ thứ trên trời dưới biển. Học làm gà rán, tập nấu mì spaghetti, tập cả dẫn cậu con nhỏ đi chơi, cha cha con con líu lô chốn đông người mà không cảm giác ngượng ngùng e ngại, Nguyễn Văn Thọ luôn tích lũy niềm vui và cả sự bằng an cho cá nhân, cho con cái, cho cả những người đàn bà từng đầu gối tay ấp đã đi qua cuộc đời. Riêng ông chỉ có nỗi buồn thăm thẳm, sự cô đơn tột cùng như bức tự họa ông thể hiện mình bên chú chó trung thành. Thơ, văn hay hội họa, là sự cứu rỗi may mắn với Nguyễn Văn Thọ, một tín chỉ tin cậy mà số phận trao gửi, như sự tưởng thưởng với người đàn ông luôn sống bằng trái tim thắp lửa của một người lính từng xông pha trận mạc...

NGÔ HƯƠNG SEN