Sinh tử

Trong nghệ thuật có một đề tài thường dễ bị hiểu lầm, hiểu sai, hoặc bị suy luận méo mó do khả năng cảm thụ thẩm mỹ thấp, đó là đề tài sex và khỏa thân. Nói cách khác do kiến thức về nền văn hóa, về nghệ thuật thấp nên những tác phẩm về đề tài này thường bị coi là loại nghệ thuật thấp kém hoặc bị nhận định là không phù hợp với quan niệm Á Đông nói chung và của người Việt nói riêng. Chẳng biết tâm lý tự sợ của công chúng, của cả một số người làm công tác quản lý văn hóa có từ bao giờ, tại sao có và tại sao đến tận hôm nay vẫn còn tâm lý đó. Đáng lý ra người Việt hôm nay phải có suy nghĩ ngược lại là thích thú, thậm chí tự hà

Thạp đồng Đào Thịnh.
Thạp đồng Đào Thịnh.

Thạp đồng Đào Thịnh, một tác phẩm tiêu biểu của văn minh Đông Sơn cách nay khoảng 2.500 năm. Chiếc thạp được tìm thấy ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1961, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trên nắp thạp có bốn đôi trai gái đang làm tình, được thể hiện ở dạng tượng tròn, khối đơn giản nhưng rõ ràng, nam trên nữ dưới, nam đóng khố, nữ mặc váy ngắn, tức là không khỏa thân hoàn toàn, cánh tay của người nam và người nữ cuốn vào nhau. Nhấn mạnh vẻ đẹp của tự nhiên, của cuộc sống, của sinh sôi nảy nở thông qua vẻ đẹp của dục. So sánh cách thể hiện, cách điêu khắc hình ảnh các nhân vật với những họa tiết khác trên thân thạp cũng như rộng ra toàn bộ nghệ thuật Đông Sơn thì thấy các nhân vật được miêu tả rất hiện thực. Trong khi những hình thuyền, người chèo thuyền, chiến binh, chim, cá ở thân thạp lại thiên về miêu tả ước lệ, kỷ hà hóa. Hoặc có thì cũng sẽ không dám điêu khắc một cách hiện thực như vậy. Vẻ đẹp độc đáo của thạp đồng Đào Thịnh chính là vẻ đẹp sex của bốn đôi nam nữ trên nắp thạp, còn các hoa văn khác thì đâu chỉ thạp Đào Thịnh mới có.

Có một điểm độc đáo nữa chưa được giới nghiên cứu quan tâm, đó là chiếc thạp này thực chất là một “mộ thạp”, một quan tài (hoặc tiểu). Trong thạp có xương người và đồ tùy táng. Tại sao người ta lại cho bốn đôi đang làm tình trên “nắp ván thiên” mà đúng ra chỉ nên là những hoa văn chim bay, cá lượn, hoa lá cành. Trên những đồ vật khác như vũ khí, trống đồng, hộ tâm phiến không thấy (hoặc đến nay chưa thấy) hình ảnh sex?

Con người thời Đông Sơn coi dục là đẹp, coi dục là sống. Ít nhất thì họ nói về dục mà không tục, bây giờ thì hễ nhìn thấy dục là tự sợ, và coi dục đồng nghĩa với tục. Người Đông Sơn ngay cả khi chết vẫn coi trọng dục, không có dục sẽ không có cuộc sống, không có sinh sôi, không có nhiều con cái. Sinh tử thay nhau luân chuyển, giao hòa, sinh tử là một, không có cái này sẽ không có cái kia. Ý nghĩa của những đôi trai gái đang làm tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh thật đẹp. Chết không phải là chết, chết là sống một cuộc sống khác. Hết tử sẽ sinh. Kết thúc điều này để mở ra điều khác. Cách nhìn của con người Đông Sơn về sinh tử rất biện chứng, cách hiểu của con người Đông Sơn về cái chết rất lạc quan thông qua hình ảnh tình dục, thông qua hiểu về tình dục. Vẻ đẹp và độc đáo là ở chỗ những lý lẽ, lý thuyết sinh tử đó, luân hồi đó lại được người Đông Sơn trình diễn bằng nghệ thuật, nghệ thuật tình dục. Xin được nói thêm, cách nói đối lập, nói ngược qua thạp đồng Đào Thịnh, dùng tử để đề cao sinh, đề cao tình dục và ngược lại rất hiện đại. Người Việt đã hiện đại, đã mới, đã cách tân (trong nghệ thuật) cách đây 2.500 năm rồi.

Lời cầu chúc của người sống dành cho người chết chả gì đẹp bằng trên nắp thạp mộ có hình ảnh làm tình. Đời sống này chấm dứt thì một đời sống khác lại bắt đầu, bắt đầu bằng một cuộc làm tình mê đắm. Đó cũng là lời nguyện cầu cho người chết được sống mãi.