Phía sau những hiện tượng mạng V-POP

"Độ ta không độ nàng" đã khuấy đảo showbiz Việt trong suốt tháng sáu vừa qua. Chưa bao giờ, một ca khúc nhạc Hoa lời Việt lại được nhân bản nhiều đến thế, thu hút lượt nghe và xem nhiều đến thế.

Bản cover Độ ta không độ nàng của Thiên An dẫn đầu với 43,3 triệu views trên Youtube.
Bản cover Độ ta không độ nàng của Thiên An dẫn đầu với 43,3 triệu views trên Youtube.

Và cũng chưa bao giờ, công luận phải loay hoay đến thế, để đi tìm lời giải đáp thấu đáo cho câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: phía sau những hiện tượng mạng V-Pop là gì?

Những con số khó tin

Với cái tên thoạt tiên nghe rất khó hiểu, Độ ta không độ nàng đã nhanh chóng chiếm vị trí quán quân trong làng nhạc Việt, khi có tới hàng trăm bản cover khác nhau (hoặc chuyển ngữ hoặc thay lời mới) chỉ sau một tuần xuất hiện. Ngoài những cái tên lạ lẫm nhạy bén đón đầu trào lưu như Ôn Vĩnh Quang, Đường Hưng, Thiên An, Hương Ly, Anh Duy, Huy Vạc..., đây cũng là ca khúc hiếm họi khiến cả những nghệ sĩ tên tuổi (Phương Thanh, Kasim Hoàng Vũ, Trấn Thành...) lẫn những giọng ca đã thành danh (Quách Tuấn Du, Khánh Phương, Hamlet Trương, Minh Vương M4U...) cũng không thể thờ ơ đứng ngoài.

Có lẽ Anh Duy, người tiên phong cover ca khúc gốc của Cô Độc Thi Nhân (với phần lời Việt của Hy Di) cũng không thể tưởng tượng nổi, phiên bản mà anh tự phối beat rồi đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút tới 30 triệu lượt nghe trên Zing MP3, 12 triệu lượt xem trên Youtube. Thậm chí phiên bản remix mà anh kết hợp cùng với DJ Đinh Long cũng đạt tới 8,5 triệu lượt xem và lọt Top 2 Trending Youtube Vietnam chỉ sau vài ngày ra mắt. Và có lẽ cô gái xinh xắn Thiên An cũng chẳng dám mơ tới con số kỷ lục 43,3 triệu lượt xem trên Youtube dành cho video Duyên kiếp trong nước mắt cùng 5,2 triệu lượt nghe trên Zing MP3 cho bản audio mà cô thể hiện. Với cả hai gương mặt lạ lẫm, chưa từng một lần đứng trên sân khấu lớn như Anh Duy và Thiên An, sự quan tâm đặc biệt của công chúng dành cho những sản phẩm âm nhạc phái sinh ấy mang hơi hướng một phép màu.

Không chỉ thu hút lượt nghe - lượt xem khổng lồ, đây cũng là hiện tượng mạng V-Pop" đầu tiên trong lịch sử có tới 12 phiên bản cùng lọt Top100#Zingchart, trong đó có tận ba bản audio cùng lúc hiện diện trong Top10#Zingchart real-time. Lập tức leo tới vị trí số hai trong bảng xếp hạng ngay tuần đầu xuất hiện là phiên bản của Thái Quỳnh, với 38 triệu lượt nghe. Nhiều người còn tiếc nuối, rằng nếu khán giả chỉ tập trung thưởng thức một bản duy nhất, thay vì chia nhỏ mối quan tâm cho cả 12 dị bản thì Độ ta không độ nàng chắc chắn không có đối thủ, trong cuộc tranh đua ngôi vị đứng đầu.

Chỉ từ đầu tháng bảy, cơn sốt cover ca khúc này mới chững lại, không phải vì sức nóng tự thân đã hạ nhiệt mà bởi đơn vị nắm giữ bản quyền ca khúc đã siết chặt vấn đề tác quyền (với yêu cầu cụ thể năm triệu đồng cho một lần cover và 33% doanh thu mà nghệ sĩ thu được từ mỗi tác phẩm phái sinh). Kết quả là có những người không mua bản quyền và chấp nhận gỡ bỏ sản phẩm như Anh Duy. Có nghệ sĩ tạm ẩn bản video và audio trước khi đưa ra quyết định chính thức như Trấn Thành, Tuấn Trần. Và cũng có người đồng ý nộp phí, để tiếp tục khai thác như Thái Quỳnh. Nhưng dù họ có chọn cách thức nào, Độ ta không độ nàng đã trở thành "hiện tượng mạng" đình đám nhất, thu hút sự quan tâm và chú ý của công luận lớn nhất trong lịch sử nhạc số Việt Nam.

Bí ẩn mang tên "hiện tượng mạng"

Tái hiện câu chuyện tình trái ngang giữa một tiểu hòa thượng và cô bạn thủa ấu thơ, Độ ta không độ nàng được đánh giá là có đề tài lạ, ca từ đậm chất ngôn tình, giai điệu bắt tai nên dễ nghe, dễ thuộc. Nhưng đánh giá một cách công tâm, ca khúc nhạc phim này có chất lượng chỉ đạt mức trung bình.

Phía sau những hiện tượng mạng V-POP ảnh 1

Ca khúc Bạc phận của Jack và K-ICM trở thành hiện tượng mạng với 149 triệu
lượt nghe.

Nhìn vào những sản phẩm tương đồng được gọi là "hiện tượng mạng" trong nửa đầu năm 2019 như Bạc phận (Jack&K-ICM) hay Cục sì lầu ông bê lắp, thật khó để lý giải chúng hấp dẫn giới trẻ đến thế nhờ lý do gì. Bạc phận trở thành MV cán mốc 100 triệu lượt xem chỉ sau 47 ngày, nhanh thứ hai trong lịch sử V-Pop. Trước đó, sản phầm Hồng nhan cũng của bộ đôi này cũng đạt kết quả tương tự, chỉ sau hai tháng lên mạng. Còn bản remix nhạc nền cho các clip cover dance có cái tên tức cười Cục xì lầu ông bê lắp (bản gốc là ca khúc Pump It Up của Danzel nổi tiếng từ 15 năm về trước) cũng kéo theo cơn sốt làm clip "chế", với vài trăm phiên bản lồng ghép giai điệu tạo cơn sốt tìm nghe phiên bản audio với sự tham gia của cả triệu cư dân mạng.

Còn có thể kể đến Hongkong1 của Nguyễn Trọng Tài (với 49 triệu lượt xem) cùng Đừng yêu nữa, em mệt rồi của Min (thu hút 67 triệu lượt xem) trên Youtube và Người âm phủ của OSAD, một bản rap đã lọt tới Top10 ca khúc được tìm kiếm tại Việt Nam trên Google năm 2018. Điểm chung giữa những cái tên kể trên là sản phẩm đều có chất lượng vừa phải, không quá đầu tư về cả nội dung lẫn nghệ thuật, cả chất xám lẫn bạc tiền. Thậm chí Hongkong1, thuộc dòng nhạc Lofi (chất lượng âm thanh thấp, không trau chuốt) vốn ra đời ngẫu hứng trong cơn say của tác giả còn lập kỷ lục leo lên vị trí đầu bảng Zingchart chỉ sau 52 phút phát hành. Nếu so với những sản phẩm trau chuốt được đánh giá là thành công mới đây của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh (với 21 triệu lượt xem sau ít ngày phát hành) hay Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP (100 triệu lượt xem sau 59 ngày)... thì việc sản phẩm đầu tay của những "tân binh" được công chúng lập tức săn lùng kể trên cho thấy thị hiếu dễ dãi của khá đông người trẻ hôm nay. Khi sản phẩm ồ ạt lên mạng mỗi ngày và đối tượng tiếp nhận cũng ồ ạt tìm nghe, chạy theo trào lưu bề nổi thì những "hiện tượng mạng" kể trên sẽ kéo lùi thẩm mỹ đám đông, thay vì làm phong phú về lượng và nâng cao về chất cho thị trường âm nhạc.

Đừng để "sớm nở, tối tàn"

Mạng internet hiện đang được xem là nhịp cầu hữu hiệu giúp sản phẩm âm nhạc của mọi nghệ sĩ đến được với công chúng nhanh nhất, dễ tạo hiệu ứng lan tỏa nhất. Vì thế, không thể phủ nhận, tạo hit là cách thức hiệu quả nhất biến một cái tên vô danh trở nên nổi bật, chỉ sau một thời gian ngắn.

Chỉ chục ngày sau cơn sốt Độ ta không độ nàng, Anh Duy tuyên bố sẽ "tấn công showbiz", sẽ "trau dồi khả năng thanh nhạc và sáng tác", sẽ "đầu tư bài bản để thoát khỏi cái bóng chuyên cover nhạc Hoa như trước" vì "đây là một cơ hội hiếm có". Bạc phận, Sao em vô tình cũng là bước đi nhanh nhậy của bộ đôi Jack&K-ICM, sau thành công ngoài dự kiến của Hồng nhan. Cả hai không giấu giếm tham vọng "chuyên nghiệp hóa hơn, để không còn dừng lại ở hiện tượng mạng mà có thể phát triển theo con đường chuyên nghiệp". Ở chiều ngược lại, Nguyễn Trọng Tài nhanh chóng có sản phẩm kế tiếp Ngừng mơ, sau thành công bất ngờ của Hongkong1. Nhưng sự thờ ơ của công chúng, với một sản phẩm na ná màu sắc nhưng đã mất đi chất lạ lẫm ban đầu cũng khiến giấc mơ showbiz của giọng ca underground tạm thời dừng bước.

Mạng xã hội sinh ra hiện tượng nhưng cũng nhanh chóng lãng quên, bởi trào lưu cùng nhân vật mới được sản sinh ồ ạt mỗi ngày. Với những cá nhân may mắn có được bệ phóng này, việc tận dụng hiệu quả viral quý giá cùng nỗ lực hết sức để khẳng định mình mới có thể giúp họ tồn tại, trong vòng quay nghiệt ngã của ngành công nghiệp giải trí. Bài học kinh nghiệm từ những hiện tượng mạng đình đám một thời như Don Nguyễn - Vĩnh Thuyên Kim -
Vân Navy - Phương My... hay hành trình vất vả bao năm tìm chỗ đứng của những Mr Siro, Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh, Bích Phương, Phạm Hồng Phước... cho thấy mọi số liệu thống kê trên mạng chỉ tồn tại như một thước đo mang giá trị ảo. Đằng sau mỗi hiện tượng mạng đều là con đường rất đỗi gian khổ, gập ghềnh. Khán giả tiếp tục "độ ta" hay "độ người", hoàn toàn trông chờ vào tài năng và lao động nghệ thuật nghiêm túc của mỗi cá nhân. Đó là một quy luật, hiển nhiên, mà ai ai cũng hiểu!