Nhà văn Lê Minh Khuê:

“Phải biết kiêu ngầm để tự tin, vững vàng trước sóng gió”

Ở tuổi 70, nhà văn Lê Minh Khuê vẫn được coi là cây bút truyện ngắn sung sức. Gần 50 năm tuổi nghề, với khoảng 15 đầu sách đã từng làm nên một “hiện tượng Lê Minh Khuê” trong thời kỳ đổi mới văn học. Bên cạnh số lượng tác phẩm là số lượng giải thưởng đáng mơ ước với nhiều người cầm bút: Ba giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1987, 2000, 2016), Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (2012), Giải thưởng văn học mang tên văn hào Byeong-ju Lee của Hàn Quốc (2008)... Tác phẩm của bà được đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn trong nước, là đối tượng nghiên cứu của nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh.

Nhà văn Lê Minh Khuê (trái) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Lê Minh Khuê (trái) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, bà từng làm báo. Bà chủ động chọn nghề báo hay chỉ là sự xô đẩy ngẫu nhiên của cuộc đời?

Nhà văn Lê Minh Khuê (LMK): Ngẫu nhiên thôi. Năm 1969, tôi đang là thanh niên xung phong, bị ốm, phải nằm điều trị một thời gian dài trong quân y viện. Tôi nghĩ, mình không thể nằm không mãi thế này, phải làm một cái gì đấy, thế là bắt đầu cầm bút viết. Viết được cái nào, nhờ anh em lái xe trên đường ra bắc gửi đến báo Tiền Phong. Giờ đọc lại thấy nó trẻ con, ngô nghê nhưng ngày ấy những bài bút ký rừng rực lửa khát vọng của tuổi trẻ. Cuối năm 1969, thời gian đi nghĩa vụ hết. Có anh cán bộ báo Tiền Phong đi xe đạp vào tận cầu Hàm Rồng đón mình ra Hà Nội. Bấy giờ công tác ở báo có nhà thơ Ngô Thế Oanh và Từ Quốc Hoài, hai người đều rất mê thơ Ê-xê-nhin, thường xuyên đọc cho mình nghe. Có thể nói, nghề văn mình được học đầu tiên từ hai anh ấy.

HV: Nhân nói chuyện học, theo bà, người viết văn nên học cái gì và như thế nào?

LMK: Tôi đang học dở cấp ba thì đi thanh niên xung phong, sau đó về làm báo luôn, được học hành gì đâu! Khi còn nhỏ thì đọc sách. Bố tôi là giáo viên, nhà có tủ sách to lắm. Tôi đọc hết, có thể nói là thiên kinh vạn quyển. Những gì mình đọc vẫn còn nhớ đến tận bây giờ. Có lần ngồi nói chuyện với anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh về việc tiếp tục đi học. Anh Vũ bảo, tôi cũng có học đại học đâu? Còn chị Quỳnh nói, tao chỉ học hết lớp 6, nhưng làm việc vẫn tốt. Bây giờ bỏ ra mấy năm đi học thì mất thời gian lắm, nên mày phải tự học thôi! Cả cuộc đời cầm bút tôi chỉ học lớp Bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá tám tháng và trường Viết văn Gorky ở Mát-xcơ-va ba tháng. Còn thì tự học là chính.

HV: Nhà văn Đỗ Chu có lần nói với tôi: Tự học là cách học cao nhất vì nó tự nguyện vô tư, không vì bằng cấp, không phải quay cóp, gian dối khi thi cử. Nhưng tự học thì vất vả, như người đi tu, phải vượt qua cô đơn, tẻ nhạt, cám dỗ... Người viết học trong trường lớp thì có thể trở thành học giả, tự học ngoài trường đời mới thành nhà văn.

LMK: Nói cho cùng, được học vẫn tốt hơn. Ở Quảng Bá, các thầy Chế Lan Viên, Đoàn Giỏi, Xuân Diệu... dạy nhiều kinh nghiệm sáng tác rất hay. Ba tháng ở trường Viết văn Gorky, nghe các giáo sư Nga truyền đạt kiến thức và xúc cảm văn chương, tôi như bị mê hoặc. Sau này phải tự học là do không có điều kiện đi học thôi. Còn người viết, đạt đến độ thành công nào đấy là do cái tuổi thu nạp đời sống mà thành. Tuổi nghề và kinh nghiệm sống rất quan trọng với người cầm bút.

HV: Sáng tác của Lê Minh Khuê có thể tạm chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là “Những ngôi sao xa xôi”, “Một chiều xa thành phố”... trong trẻo, lãng mạn và rất đẹp. Nhiều bạn đọc, trong đó có tôi rất thích giai đoạn này. Còn giai đoạn sau bắt đầu từ thời kỳ đổi mới, xuất hiện một Lê Minh Khuê khác hẳn, một Lê Minh Khuê của văn học hậu chiến.

LMK: Nghĩ lại, tôi thấy những “tín hiệu” giai đoạn sau này xuất hiện từ năm 1975, tức là thời điểm đất nước thống nhất. Lúc ấy bọn tôi đang ở Đà Nẵng, đi B dài, trên đường đi thì giải phóng, ta đã làm chủ thành phố nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Những con người ở rừng trong sáng, lãng mạn, hừng hực khát vọng tuổi trẻ đẹp như một bài ca, thế mà khi xuống thành phố, có người nhìn thấy vài cái rổ rá bằng nhựa, bàn là, xe đạp, ti-vi thì cái dục vọng vật chất đã bộc lộ ra, biến thành người hoàn toàn khác. Chán thế. Ông đoàn trưởng bảo, nhà tao ở trong kia có nhiều cái hay lắm, mày đi vào đấy, tao sắm sửa cho mà đem ra Hà Nội. Tôi từ chối, bảo thôi, anh cho em quay ra bắc. Vả lại, trong linh cảm của người viết, tôi nghĩ mọi thứ tiếp theo sẽ không được như ý, nên muốn về Hà Nội. Rồi Sài Gòn giải phóng, tôi quay ra bắc. Cứ tưởng về nơi mình quen thuộc sẽ tìm lại được cảm giác bình yên, nhưng ra đến Hà Nội, tôi như rơi vào một nồi nước sôi. Bên cạnh không khí hân hoan chiến thắng, có người nhao nhao tìm cách đi vào miền nam để kiếm chác thêm cái gì đó. Ngay cả người đàn ông thân thiết nhất của tôi ngày ấy, suốt cuộc chiến tranh chả đi đâu, nhưng mình vừa về thì thấy ông đóng va-li chuẩn bị lên đường. Ông ấy bảo, lâu lắm cứ ru rú ở nhà, bây giờ phải đi một chuyến Sài Gòn xem sao... Tất cả những điều ấy tác động đến tôi kinh khủng, khiến tôi không thể viết được như trước nữa. Người ta đã thay đổi rồi. Nhân vật văn học cũng thay đổi...

Quãng hơn 10 năm sau đó tôi viết rất ít, viết những cái đèm đẹp để chơi thôi. Phải đến lúc “ngấm” hết cái sự “nhếch nhác” của con người thì sáng tác của tôi mới thật sự chuyển. Tôi viết về cái xấu, để tất cả mọi người thấy nếu mọi thứ đều đánh đổi bằng đồng tiền, vật chất chiếm ngôi vị độc tôn trong đời sống thì tương lai sẽ đi về đâu? Đấy là vấn đề của văn học không chỉ thời hậu chiến.

HV: Phải chăng khi ấy luồng gió của văn học đổi mới đã tác động đến bà?

LMK: Thú thật, tôi ít bị tác động từ bên ngoài lắm, những điều mình dự định sẽ viết đã nung nấu từ lâu rồi. Quãng đầu những năm 1990, tôi trò chuyện với ông Phillip Caputo, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ trong một lần ông phỏng vấn tôi. Các câu hỏi của ông rất giỏi, nó gợi ý cho tôi nảy ra hướng viết tiếp cái gì, thế nào. Truyện Cơn mưa cuối mùa viết sau đó chính là bị ảnh hưởng từ cuộc phỏng vấn này.

HV: Trong một xã hội văn hóa Á Đông, người đàn bà viết văn khác với đàn ông thế nào?

LMK: Người đàn bà viết văn cũng không khác đàn ông, cái quan trọng nhất là phải độc lập, không độc lập thì không thể phát biểu những vấn đề của mình được. Nếu còn phải dựa dẫm, nép vào cái gì đấy thì sẽ không làm gì được đâu. Độc lập thì mới có tự do mà giữ được tự do thì mới viết được. Cái tự do ấy mỗi người cầm bút phải tự tìm lấy, không ai cho mình được cả.

HV: Nhưng trong cuộc sống đời thường, người đàn bà bận bịu hơn đàn ông nhiều lắm. Người trong giới trước gọi bà là “bà mẹ chu đáo”, thì nay lại tiếp tục gọi là “bà ngoại chu đáo”...

LMK: Vì tôi nghĩ, đấy là thiên chức của đàn bà, là cái mình phải làm chu đáo với con với cháu. Việc chăm sóc một đứa trẻ lấy đi rất nhiều thời gian vốn đã eo hẹp của mình, nhưng mà vui. Lúc còn nuôi con, vất vả nên không để ý, bây giờ nuôi cháu mới thấy thích làm sao! Mỗi đứa trẻ là một thế giới.

HV: Gần 50 năm cầm bút, xuất bản hàng chục đầu sách, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, Đức, I-ta-li-a, Thụy Điển, Hàn Quốc... cùng nhiều giải thưởng văn chương danh giá. Thật khó hình dung một bà mẹ và bà ngoại chu đáo” có thể thực hiện được khối công việc khổng lồ như vậy.

LMK: Tối đến cháu ngủ thì mình ngồi viết. Ban ngày cháu đến tuổi đi học rồi thì mình mới được đi chơi. Cứ sống một cách tự nhiên, đừng bị sốc, đừng tự cảm thấy mình ghê gớm, quan trọng. Và đã là người sáng tác thì cũng phải biết kiêu ngầm! Bao nhiêu lao động, tích lũy mới thành một nhà văn, rồi đã từng làm được cái này, giành cái kia bằng mồ hôi, nước mắt của mình thì phải biết kiêu, để tự trọng, tự tin, vững vàng trước tai họa, sóng gió, thiên chức nghề nghiệp... Kiêu ngầm rất khác với kiêu ngạo, phách lối, mục hạ vô nhân, coi thường người khác.

HV: Nếu chọn ra một truyện ngắn thích nhất của mình, hội đủ những điều bà mong muốn về tư tưởng và nghệ thuật thì đó là truyện nào?

LMK: Có lẽ là Cơn mưa cuối mùa, Ga xép và một vài cái nữa. Nhưng cũng lạ. Truyện Những ngôi sao xa xôi tôi viết từ năm 69, khi vừa tròn 20 tuổi. Truyện in ra, đọc lại tôi thấy không thích lắm nên quên nó đi. Nói chung tôi rất ngại đọc lại những cái mình đã viết. Nhưng không ngờ sau này, trong cuốn Nghệ thuật truyện ngắn thế giới xuất bản tại New York, in tác phẩm của những tác gia lớn như Tôn-xtôi, Sê-khốp, Hê-minh-uây... và hàng trăm cây bút truyện ngắn cứng cựa của thế giới, thế mà Những ngôi sao xa xôi cũng có mặt.

HV: Đôi khi vẫn xảy ra tình trạng đánh giá của tác giả và các nhà chuyên môn khác nhau. Theo quan niệm của bà, thế nào là một truyện ngắn?

LMK: Tôi rất phục người làm thơ, cả đời tôi chưa làm nổi một câu thơ nào cả. Tôi dành cho truyện ngắn. Viết truyện ngắn khó lắm, vì truyện ngắn rất gần với thơ... Truyện ngắn bắt người viết phải kìm nén, không nói lan man, nói ra tất cả mọi thứ, để hướng người đọc vào một quan điểm, một tư tưởng của người viết, nên không được viết dài sẽ làm nó loãng ra, mất đi hiệu quả.

HV: Dường như đến bây giờ bà vẫn đang kiên quyết đóng cửa với internet?

LMK: Tôi chỉ không tham gia mạng xã hội thôi, chứ vẫn thường xuyên sử dụng internet để đọc sách, báo. Công việc của mình thì mình phải đọc. Đọc để biết thế giới. Đọc để biết những gì mình không biết.

HV: Bà có nghĩ đến lúc nào đó sẽ kết nối mạng xã hội, chơi FB chẳng hạn?

LMK: Tôi chả kết nối.

HV: Vì sao?

LMK: Tôi thấy người viết không nên nạp quá nhiều những thứ lặt vặt vào đầu, cho dù nó hấp dẫn thật. Tôi cũng từng nhiều lần khuyên những người viết trẻ đừng nên mất thời gian vào những chuyện như thế, những chuyện hấp dẫn mà chả cho mình một chút cảm xúc nào.