Nhà văn Cao Duy Thảo:

“Ở tôi, truyện và ký bổ sung cho nhau”

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ở ngõ nhỏ thành phố biển Nha Trang là một ông lão ngoài bảy mươi, cao lớn, dáng đi nhanh nhẹn, nét mặt nghiêm nghị - nhà văn Cao Duy Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, một trong những nhà văn viết truyện - ký tiêu biểu ở khu vực miền trung. Thoạt tiên câu chuyện hơi rời rạc, có vẻ như ông không muốn nói nhiều về mình. Nhưng khi sự bỡ ngỡ ban đầu qua đi, ông là người mặn chuyện, nhã nhặn, am hiểu và thẳng thắn.

Nhà văn Cao Duy Thảo (trái) và nhà thơ Hữu Việt.
Nhà văn Cao Duy Thảo (trái) và nhà thơ Hữu Việt.

Nhà văn Cao Duy Thảo (CDT) kể: Mình quê Bình Định, ra bắc tập kết từ năm 11 tuổi. Học sinh miền nam ngày ấy nổi tiếng ngang bướng, đánh nhau lộn lạo, riêng nhóm mình gồm Thanh Quế, Lương Lu, Ngô Thế Oanh... lại thích chơi nhởi, làm bích báo, viết thơ, văn. Tốt nghiệp phổ thông năm 1961, mình vào học trường Điện ảnh, khóa I. Bên diễn viên có Trà Giang, Lâm Tới..., đạo diễn có Bạch Diệp, Huy Vân, Huy Thành... Mình học biên kịch cùng Hoàng Tích Chỉ (đạo diễn phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012). Tí nữa thì mình “cua” cháu gái ổng! Ông Chỉ ở Bắc Giang xuống học, ở nhờ nhà người anh ruột là họa sĩ Hoàng Tích Chù. Ông Chù có cô con gái, cô ấy mến mình, mình cũng mến cô ấy, nhưng sau khi tốt nghiệp, mình vào chiến trường miền nam nên chuyện không thành.

Học đến năm cuối phải làm tác phẩm tốt nghiệp. Mới 19, 20 tuổi đầu, lấy vốn sống đâu mà viết? Mình bèn xin giấy giới thiệu vào kho tư liệu báo chí của Ban Thống nhất Trung ương, tìm báo miền nam đọc. Đọc miệt mài cả chục ngày, phát hiện có đoạn viết về ông đạo Dừa ở Bến Tre rất thú vị. Ông này sống ở trên cây dừa, tụng kinh, gõ mõ, khi đói khát hái dừa ăn. Đạo Dừa còn lên đó tu hành được, người cách mạng mình sao không? Mình nảy ra ý định viết về một cán bộ, khi địch lập ấp chiến lược, bị đánh bật ra, nay quay về bám địa bàn. Ông cán bộ không ở dưới hầm bí mật mà ẩn trên ngọn cây dừa. Thế rồi mình tiếp tục tưởng tượng ra việc bắt nối cơ sở, gây dựng lại phong trào... Kịch bản đem nộp, mấy ông thầy đọc bảo lạ quá, không hiểu thằng này lấy chuyện ở đâu ra? Ông Huy Thành (đạo diễn phim Nổi gió) nghe đồn, mượn về đọc. Ông Thành thích lắm, gửi kịch bản lên Hội đồng nghệ thuật của Cục, nếu được Hội đồng duyệt ông sẽ dựng thành phim. Ông Phạm Tuấn Khánh bấy giờ là Cục trưởng Cục Điện ảnh, đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng, đọc kịch bản xong, hỏi tác giả là ai? Thảo hả? Có phải cái ông oắt con hằng ngày đi qua đi lại trong cơ quan không? (Hồi đó mình ở trong khu nhà tranh tập thể của Cục Điện ảnh, nên ông Khánh biết mặt). Ông nói tiếp: Học ở đây là bồi dưỡng cho tương lai. Nó còn bé, đem kịch bản ra làm phim là tạo cho nó cái cớ tự cao tự đại. Ông gạt phăng. Huy Thành nghe thế buồn lắm, nhưng mình thì thấy không sao, hồi ấy chưa biết cay cú là gì cả.

Một hôm, có người xuống bảo, bác Hà Huy Giáp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, mời Thảo lên ăn cơm. Ủa, mình có quen biết ổng đâu! Mà không đi không được... Mở cửa là một ông già tóc trắng phơ phơ, mặt hồng hào như ông tiên, bảo cháu vô đây. Trên bàn đã dọn sẵn vài món. Vừa ăn, ông vừa hỏi đủ chuyện trên trời dưới đất. Sau bữa ăn, ông mới nói, bác nghe cháu viết cái kịch bản chi đó, mấy chú đánh giá cũng khá, nhưng cháu còn trẻ, cứ yên tâm học tập, bồi dưỡng thêm. Mình trả lời, cháu không thắc mắc đâu, cái đó tùy mấy bác mấy chú thôi. “Bây giờ cháu có nguyện vọng gì không?”. Mình xin bác cho quay về miền nam đánh giặc. Nói thế là thật lòng, vì ngày đó tôi đi tập kết một mình. Ở miền bắc không khí đi chiến trường rộn ràng, hừng hực, mình không thể đứng ngoài cuộc được... Bác Hà Huy Giáp cười cười, không nói gì. Về nhà, nghe mình thuật lại, mấy ông Hoàng Tích Chỉ, Vương Đăng Hoàng, Trương Tử Tần mắng mình, đồ ngu, sao không xin qua Liên Xô, học VGIK (Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô cũ) có phải sướng đời không. Thực ra hồi đó nhớ ba má, quê hương quá, chỉ nóng ruột được về miền nam thôi. Sau này mình mới nghĩ ra, các ông ấy gạt kịch bản của mình nên “đền” cho cái ơn được lên gặp ông Hà Huy Giáp mà mình không biết tận dụng!

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Chuyện vào đời, vào nghề của ông thật hấp dẫn, như tiểu thuyết!

CDT: Để mình kể tiếp. Năm 1966, mình vào chiến trường Khu Năm, nhưng ở chiến trường, làm gì có đất cho biên kịch nên được một thời gian thì chuyển qua Tiểu ban văn nghệ cùng Chu Cẩm Phong, Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận..., và bắt đầu viết văn, làm báo. Lúc đầu chập chững lắm, ngày đó ở chiến trường có làm văn nghệ đâu, chủ yếu viết ca dao hò vè, tin bài phục vụ tuyên truyền là chính, chứ thời giờ đâu mà viết trường ca, tiểu thuyết... Dần dà, công việc rèn rũa cho mình, mình tự rút lấy kinh nghiệm, bắt đầu viết bút ký, truyện ngắn. Trường học chính của mình là thực tế chiến trường. Sau này có về học viết văn Nguyễn Du khóa I, chủ yếu là nghe, tích luỹ thêm kinh nghiệm sáng tác thôi...

HV: Bây giờ, nói đến văn học phi hư cấu, người ta cho rằng truyện - ký bất phân. Là người có nhiều thành công ở thể loại truyện ngắn và bút ký, ông có cách riêng của mình như thế nào?

CDT: Ký có hai loại: ký báo chí và ký văn học. Khi viết, mình cố gắng ngả về ký văn học, để cái tôi trữ tình được đậm đặc trội lên, tạo ra những khoảng trống cho người đọc thả hồn vào đó. Có những cái ký thật hay, đọc thấy còn sảng khoái hơn một truyện ngắn bình thường. Anh em đánh giá tôi viết ký đã đưa được cái thành công của truyện ngắn vào, còn khi viết truyện ngắn tôi lại sử dụng nhiều ký, có nhiều đoạn nó như là bút ký. Ở tôi là rõ, truyện và ký bổ sung cho nhau.

HV: Tôi hoàn toàn đồng ý “cái tôi trữ tình” là điểm khác biệt mấu chốt giữa ký báo chí và ký văn học. Sự vật hiện tượng như nhau, chỉ cái tôi trữ tình của mỗi người khác nhau mới làm nên sáng tạo... Bên cạnh đó, ký rất “tốn” chi tiết. Nếu anh không chịu khó quan sát, ghi chép, không ở trong lòng sự kiện thì không thể viết ký thành công.

CDT: Đúng. Muốn viết ký, anh phải từng trải, am hiểu, uyên thâm. Còn cái tôi trữ tình của nhà văn giúp làm đậm đà tác phẩm, mang lại không gian mỹ cảm cho người đọc liên tưởng. Toàn bộ bút ký của mình là những gì mình đã từng trải qua, từng thấy, từng sống. Nói bút ký bố cục tùy tiện là không đúng đâu. Nó có thế đứng của nó, anh viết như thế nào, chỗ nào cần lên cao trào, cần kết thúc thế nào để cái mỹ cảm khi đọc xong bút ký nó vào trọn vẹn trong anh, chứ không phải tùy hứng muốn viết sao thì viết. Nghề này lạ lắm, chẳng ai dạy ai được đâu! Khi mình đặt bút xuống, dường như có một người vô hình, thầm lặng dẫn dắt mình đi. Viết xong đọc lại, nhiều lúc ngạc nhiên không hiểu sao mình lại viết được như vậy!

HV: Tôi đọc truyện ngắn Thời gian (đã được trao giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983-1984) của ông, nhận thấy đây như một thí dụ cho những điều chúng ta vừa nói: trong truyện có ký, trong ký có truyện?

CDT: Truyện ngắn Thời gian được viết rất tình cờ. Sau giải phóng có một bà má tìm đến nhà mình, hỏi thăm về con bà, một bác sĩ, năm 1966 hành quân cùng mình vào chiến trường. Tới Khu Năm, mình ở lại khu ủy, còn anh ấy đi tiếp vào Khu Sáu. Được một thời gian thì anh bị mất tích, đến giờ vẫn chưa có tung tích. Chuyện thật như vậy, khi viết mình chỉ hư cấu thêm chi tiết tìm thấy bộ hài cốt được cho là của người bác sĩ. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đọc xong bảo, sao lại tìm thấy được nhân vật đơn giản thế, kết truyện phải cho chi tiết này mờ đi, vì đây không chỉ là cuộc tìm kiếm một con người mà còn là đi tìm sự thật. Mà đã tìm sự thật thì không hề dễ dàng, phải kết truyện sao để bà mẹ thấy đấy là con mình, nhưng người đọc thấy chưa chắc đã phải, và cuộc tìm kiếm còn phải tiếp tục. Mình cảm ơn, nghe theo. Kết truyện chỉ sửa có một câu mà thêm một tầng nghĩa nữa.

HV: Cái tình nghề thế hệ các ông dành cho nhau, thật cảm động. Truyện ngắn bây giờ có thêm thể loại, tạm gọi vui là “truyện ngắn in báo”. Dung lượng tối đa không quá ba nghìn chữ, nội dung vừa vừa, đèm đẹp, gai góc chút là tránh, sợ tòa soạn bỏ, mất công, không luôn cả nhuận bút. Nhưng cái nguy hơn là sáng tác theo đặt hàng hoặc đón trước các kỳ cuộc, viết sao cho hợp, dễ in...

CDT: Cũng có thể thông cảm vì bây giờ người đọc ít thời gian, người đọc văn học càng ít, truyện đăng báo đành phải chấp nhận. Nhưng khi in vào sách, nhất thiết phải gia công cho dày dặn hơn, đặt vấn đề cho vạm vỡ để thành tác phẩm thực thụ.

HV: Ông tham gia chiến đấu từ sớm, vào giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất. Sau này tác phẩm cũng có nhiều đóng góp, thành tựu, vậy mà việc được ghi nhận so với các bạn cùng lứa, dường như có chút thiệt thòi...

CDT: Cái ngày ở chiến trường, tụi mình thường phải chịu những cơn mưa chất hóa học do máy bay Mỹ phun mù trên đầu. Mình với Chu Cẩm Phong hai thằng vừa chạy, vừa vuốt mặt không kịp. Chạy đến suối, vục xuống rửa, thấy mặt bỏng rát, thì ra nước suối cũng đầy chất hóa học. Sau giải phóng có đợt kê khai nạn nhân chất độc hóa học, để lĩnh chế độ. Bà vợ mình nói: Ông như hiện nay cũng là được rồi, để tiêu chuẩn đó cho anh em, đừng có khai báo gì nữa. Bà nhà tôi có sống ở miền bắc ngày nào đâu mà còn nói được câu đó! Mình đồng ý, dẹp. Tính mình thẳng, nhiều người không ưa, nhưng mình không hay thắc mắc cho bản thân. Có lẽ, mình cũng chỉ là nhà văn cỡ này thôi, nên chuyện được thua hơn thiệt, để lại bên ngoài. Càng lớn tuổi, mình càng thích viết ký. Còn bao nhiêu thời gian, viết cho xong cái hồi ký là được...