Những kẻ độc hành trong âm nhạc

NDO -

Ba nghệ sĩ - ba con đường khác nhau nhưng đều có điểm chung, mỗi người đều kiên định trên con đường mình chọn, không bị phân tâm bởi môi trường sôi động vây quanh. Chính vì thế, những đóng góp của họ cho nền âm nhạc khá rõ nét và mang đậm cá tính riêng. Sự say mê sáng tạo, cống hiến luôn vẫy gọi và đưa họ vượt lên trên những danh vọng, tiền tài nhất thời.

Lê Cát Trọng Lý.
Lê Cát Trọng Lý.

LÝ CHỈ THÍCH VUI

Lê Cát Trọng Lý chọn Hà Nội làm nơi lưu trú từ hơn một năm nay, không phải vì nơi đây cho cô nhiều show diễn hơn TP Hồ Chí Minh mà ngược lại. Thậm chí cô còn bỏ ý định du học ngành sản xuất âm nhạc để ra Hà Nội, thỏa mãn nhu cầu nâng cao kiến thức của bản thân. Quan điểm của cô là nên học cái gì ở gần, sẵn có bên mình trước đã. “Theo hiểu biết của tôi thì Hà Nội hiện là nơi có thể học được nhiều nhất về văn hóa dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Môi trường đó cũng thuận lợi cho công việc sáng tác của tôi” - Lý cho hay.

Lý là một nghệ sĩ trẻ đã sớm vẽ cho mình một chân dung độc lập. Cô tự sáng tác, hầu như chỉ hát những bài của mình và tự sản xuất album cho mình luôn. Lý để bản thân phát triển một cách tự nhiên. “Nghề nghiệp thì mình cứ phát triển thôi, nhưng cần giữ được cái chất- thứ khiến người ta yêu mến mình, khiến mình vui. Mà tôi thì thích vui”. Chả thế mà cô có hẳn một tour xuyên Việt mang tên Vui(2011). Khác với tất cả các nghệ sĩ khác phải làm chương trình trong nhà hát, Vuicủa Lý có thể diễn ra ở bất cứ đâu - bên bờ ruộng, trong trường học hay trong chùa...

Thông thường, nhạc sĩ chuyên nghiệp được quan niệm là người có thể sáng tác theo đặt hàng, sản xuất cho ca sĩ. Lý không chọn lựa hướng đi đó, cô nhấn mạnh: “Tôi chỉ hướng tới sự chuyên nghiệp hóa của một nghệ sĩ độc lập. Vì đường đó giúp tôi thoải mái nhất, đỡ phải lăn tăn, không phân tán năng lượng”.

Mai Khôi từng làm cả một CD hát nhạc Lê Cát Trọng Lý, đó hẳn là trường hợp đặc biệt. Vì kể cả ca sĩ có đặt bài theo phong cách của Lý, chưa chắc cô đã nhận. “Thường mình phải yêu mến họ lắm, họ có cái duyên gì đó, thấy thích quá thì làm.

Chứ đặt hàng kiểu công việc thì tôi chỉ viết nhạc quảng cáo nhưng cũng rất hiếm”. Giữ mình “chênh vênh” để gần với đời sống, để hết mình với âm nhạc, cũng vì thế mà niềm vui thuần khiết trong âm nhạc của Lý luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ.

KIM NGỌC: LÀM GÌ CŨNG VẪN PHẢI LÀ MÌNH!

Những kẻ độc hành trong âm nhạc ảnh 1

Kim Ngọc trình diễn tiết mục âm nhạc thị giác Tứ bình tố nữ tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội tháng 10-2009.

Kim Ngọc từng gây ấn tượng mạnh, ngay khi vừa tung ra vài ca khúc nhạc pop. Nhưng sau đó, cô nhanh chóng chuyển sang sáng tác và biểu diễn nhạc đương đại. Mới đó mà thấm thoắt đã gần 10 năm.

Không phải nhạc sĩ đương đại nào cũng viết được ca khúc, vì sao không tận dụng cả hai thế mạnh? Kim Ngọc lý giải: “Tôi có tính tập trung cao, nghĩa là không làm cùng lúc nhiều việc được. Tôi cũng thích sống như thế hơn. Cái gì đã không thấy tiếc thì mình đừng nên coi đó là sự từ bỏ, chỉ giống như là một ngả rẽ.

Tất cả những gì mình đã thu lượm trước đây không hề uổng phí. Nó sẽ trở thành hành trang, chất liệu sống hiện tại cho mình”.

Người ngoài nhìn vào có thể cho rằng Ngọc hơi cực đoan, khi tự bó mình trong một không gian âm nhạc ít người chia sẻ. Nhưng cô lại nghĩ khác: “Được tung hô thành công mãi mà mình không có thành tựu gì với bản thân, cứ đứng tại chỗ, thế mới gọi là đáng chán! Nghệ sĩ cần được trải nghiệm, khám phá, đi đến tận cùng những con đường mình đã chọn”.

Cũng chính vì thế mà Ngọc để ngỏ hướng đi của mình trong âm nhạc. “Có khi hai năm nữa, anh lại thấy tôi bắt đầu viết những ca khúc đơn giản, có giai điệu đầy đủ. Nếu viết cho sự tiến bộ của bản thân thì tôi không ngại gì mà không làm”.

Và ngược lại, kể cả vì sự tiến bộ mà không viết nhạc, Ngọc cũng sẵn sàng chấp nhận. Hơn một năm nay, kể từ khi thành lập và điều hành Trung tâm nghệ thuật Đom Đóm bồi dưỡng cho lứa nghệ sĩ trẻ làm nhạc đương đại, Ngọc tạm dừng sáng tác.

“Có thể mọi người nhìn vào thấy tiếc, nhưng tôi thì không. Nó cũng giúp thỏa mãn một nhu cầu sáng tạo của mình”.

Một thập kỷ hoạt động, các nghệ sĩ nhạc pop thường đã “giắt lưng” vài album, Kim Ngọc - đại diện hàng đầu của nhạc đương đại Việt Nam vẫn chưa ra đĩa đầu tay. Một lý do của việc chậm trễ là hình thức vở diễn âm nhạc (music theatre) mà cô chọn lựa. “Những vở đấy nếu chỉ lấy riêng phần nhạc ra album thì không đầy đủ. Lần nào diễn, tôi cũng quay video nhưng xem lại nó chẳng giống như mình tưởng tượng gì cả. Nếu muốn ra sản phẩm video, mình phải tổ chức quay trong studio, điều chỉnh kịch bản thế nào đấy để thể hiện đúng ý tưởng tác phẩm. Mà tôi thì chưa có điều kiện tiền bạc để làm vậy”.

ĐỖ BẢO VÀ “CÁCH SỐNG TỐI ƯU”

Những kẻ độc hành trong âm nhạc ảnh 2

Đỗ Bảo: Cách tốt nhất để sáng tạo là đơn độc.

Đỗ Bảo bỏ ra hơn một năm để sáng tác 12 bài mới tinh cho Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta - album cá nhân thứ ba với sự thể hiện của ca sĩ Trần Thu Hà. Là một trong số ít các nhạc sĩ trẻ giữ được phong độ sáng tác, có thể bởi anh hầu như không làm việc gì khác, trong khi khá nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa nhanh nhạy chạy show, làm nhà sản xuất, giám khảo, giám đốc âm nhạc...

và xuất hiện thường xuyên trên truyền hình. Nhìn bề ngoài thì cách này kiếm tiền tốt hơn, hâm tên tuổi nóng hơn (để tiếp tục nhận được nhiều show hơn). Còn Bảo ra đĩa với mong muốn vớt vát chút ít để sắm cây đàn mới.

Đỗ Bảo tâm sự: “Việc gì vui vẻ, có kết quả thì mình nên làm. Ngoài ra, việc đấy vẫn bảo đảm cho mình một cuộc sống tốt thì nên tiếp tục.

Tốt ở đây là tương đối toàn diện chứ không phải thiên lệch, mất cân bằng. Chọn cách làm quá thực dụng để giảm bớt khó khăn, tôi nghĩ đó không phải cách sống tối ưu”.

Anh cũng chia sẻ: “Tôi thấy đa số người ta tham gia vào showbiz để kinh doanh nhiều hơn, mà nguyện vọng của mình là đi theo con đường là nghệ sĩ. Tôi cũng có đầy đủ những dục vọng tiền bạc, nổi tiếng như bất cứ ai. Nhưng cần hiểu chúng được xếp hàng thứ mấy, cần biết cá nhân mình nên ưu tiên điều gì trước nhất.

Showbiz - với tôi không phải môi trường để bộc lộ những suy tư trong cuộc sống. Sự sáng tạo (viết hoa) và những suy tư cần bộc lộ ra - là một nhu cầu hàng đầu tôi phải có. Đó chỉ là sự lựa chọn rất tự nhiên, còn mình không phán xét cái nào là đúng cả.

Ai hợp việc gì thì làm việc đấy. Như thế để nói rằng tôi không phải gắng gỏi gì cả, chọn làm kẻ độc hành trên con đường âm nhạc cũng là rất bình thường”.

* “Người ta bảo, nghệ sĩ phải rất cô đơn, tôi cũng tin thế. Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất để sáng tạo là đơn độc. Ta phải đi lâu hơn, vất vả hơn, nhưng lại có tiếng nói rõ ràng hơn, thông điệp trọn vẹn hơn” - nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Ảnh trong bài: N.M.Hà, Tư liệu.