Nhà văn “liền chị”

Tôi và không ít các văn hữu, nghệ sĩ luôn nhìn thấy ở nhà văn Ngô Thảo một tấm chân tình đặc biệt. Từ ông toát ra sự hiền hậu, độ lượng của một người chị dịu dàng, lo toan cho tất cả những ai quen biết, trong mọi quan hệ công việc cũng như tình cảm. Thật không sai chút nào khi tôi gọi Ngô Thảo là nhà văn “liền chị”. Một người chị đúng nghĩa, với không chỉ riêng tôi.

Chân dung nhà văn Ngô Thảo qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Chân dung nhà văn Ngô Thảo qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Một lần đã lâu, tôi và nhà văn Trung Trung Đỉnh đang uống rượu thì nhận được hung tin, Ngô Thảo bị tai nạn xe máy. Hai anh em bỏ cuộc nhậu, vơ vội chai rượu chạy vào bệnh viện. Thấy Ngô Thảo nằm cấp cứu, chai lọ dây dợ lằng nhằng, mặt mũi xây xước như miếng săm vá chín, sưng húp không thể nhận ra. Anh Đỉnh và tôi sờ nắn khắp người Ngô Thảo, nước mắt lưng tròng. Nước mắt của cảm xúc đau xót cho nhà văn đàn anh gặp nạn và cũng là hiệu ứng của trạng thái ngất ngây vì rượu. Ngô Thảo dáng chừng cảm động. Ông thều thào bảo không sao đâu, sứt sẹo tí thôi, hai đứa về đi, nhớ cẩn thận xe cộ. Đau thế, ngã dập mặt vẫn không quên nhắc vợ đưa chú Đỉnh, chú Tiến túi hoa quả, nhiều lắm mang về ăn hộ. Khốn khổ đi thăm người ốm không kịp mua quà lại thập thò cổ chai rượu trong túi dết, say khướt cò bợ hai thằng thập thõm ra về xách theo hai túi quà chị Lộc ấn cho. Tỉnh rượu chẳng hiểu sao mình lại làm thế. Thậm chí trong túi hoa quả đó còn có cả cái phong bì, ngượng mãi không thôi. Chuyện thăm người ốm Ngô Thảo đã thành giai thoại được nhắc suốt trong các cuộc vui. Sau đận đó, Ngô Thảo bỏ hẳn đi xe máy. Chiếc xe được ông cho một người có hoàn cảnh khó khăn. Dẫn chi tiết này chỉ để tôi nói về bản tính Ngô Thảo. Ông là vậy, trong hoạn nạn vẫn lo lắng, quan tâm cho người khác.

Tôi quen biết nhà văn Ngô Thảo từ hơn hai chục năm trước. Lúc đó ông là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ngô Thảo có thói quen mời khách đến nhà. Lần đầu tiên đến tư gia của nhà văn, tôi đã rất ấn tượng với bức ảnh cưới của vợ chồng ông. Trong ảnh chú rể mặc quân phục đeo quân hàm binh nhì. Một chú rể binh nhì là điều rất hiếm hoi. Từng là người lính, tôi đã xuýt xoa, đã ngưỡng mộ trước tấm ảnh cưới rất đẹp đó.

Sau này, khi đã biết rõ lai lịch nhà văn Ngô Thảo, thì tôi vẫn vẹn nguyên những trạng thái cảm xúc về bức ảnh cưới. Hóa ra Ngô Thảo nhập ngũ làm lính binh nhì khi đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (cũ) và công tác ở Viện Văn học. Thời điểm năm 1965, ai vào bộ đội cũng chỉ nhận quân hàm thấp nhất là binh nhì. Không như sau này, nếu đã tốt nghiệp đại học có thể được chuyển ngạch sĩ quan ngay. Về chuyện này đôi khi nhắc lại, Ngô Thảo tủm tỉm bảo, đến 1975, sau 10 năm thì anh lên được cấp trung úy, những sinh viên vừa tốt nghiệp nhập ngũ cũng nhận quân hàm tương đương. Để lên được hàm trung úy, Ngô Thảo chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên đến năm 1971 rồi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, làm biên tập viên, Ban Lý luận phê bình. Ngô Thảo rời quân đội năm 1986 khi đang đảm nhiệm vị trí Trưởng ban, với hàm thiếu tá.

Nhập ngũ được vài tháng, ông tổ chức lễ cưới với người bạn học phổ thông cùng lớp nhưng lại kém Ngô Thảo mấy tuổi. Cái sự học chậm này cũng là điều rất đặc biệt ở nhà văn Ngô Thảo. Ông vốn quê ở Vĩnh Linh, mồ côi cha mẹ ra Vinh ở với người chú. Lễ cưới được tổ chức khi ông nhập ngũ. Người bạn đời trong tấm ảnh cưới đã đồng hành cùng người lính binh nhì đi qua những chặng đường đời, từ gập ghềnh chiến tranh qua thời bình gian khổ để kết trái đơm hoa một gia đình bền vững, hạnh phúc với những đứa con thành đạt và hiếu thảo.

Tôi coi ngôi nhà có bức ảnh cưới của người lính binh nhì ở 60 Hàng Bông, Hà Nội là một câu lạc bộ nghệ thuật. Từng có mặt trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu ở đây, tôi đã được gặp gỡ nhiều thế hệ nghệ sĩ, thuộc đủ các loại hình nghệ thuật: từ nhạc, họa, sân khấu đến văn học, múa... Trong đó có những nghệ sĩ rất nổi tiếng và cả những người mới chập chững vào nghề. Tất cả đều có chung sự yêu mến chủ nhà. Ngô Thảo có lẽ là người duy nhất trong giới nghệ thuật được đông đảo nghệ sĩ quý mến, tin cậy. Điều đó xứng đáng với những gì ông ứng xử với mọi người.

Năm 2006, Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc tổ chức ở Ninh Bình, Ngô Thảo trong vị trí Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã làm một việc trước đó chưa ai làm là mời một số lượng đông đảo nhà văn chưa có đóng góp cho sân khấu tham dự hội diễn. Sau đó, ở một vài hội thảo nghề nghiệp, ông cũng mời các nhà văn tham dự, thậm chí là đầu tư sáng tác. Ngô Thảo luôn tạo ra những cuộc giao lưu giữa giới sân khấu và văn chương để kết nối. Tôi biết ở vị trí lãnh đạo Hội, Ngô Thảo muốn lôi kéo, dẫn dụ các nhà văn tham gia viết kịch bản sân khấu vốn cực khó nhằn. Tôi được quan tâm đầu tư vài đợt và dù rất cố gắng viết nhưng cho đến tận bây giờ lượng kịch bản được dàn dựng vẫn là con số không tròn trĩnh. Nhắc lại chuyện này, Ngô Thảo bảo, ai cũng như ông thì sân khấu sập tiệm. Tất nhiên sự kết nối này tạo ra một số nhà văn kiêm tác gia kịch có những tác phẩm giúp sân khấu liên tục đỏ đèn.

Ngô Thảo sinh năm 1941. Là nhà văn hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học và sân khấu, ông có nhiều tác phẩm giá trị, mà nổi bật là 12 tập sách với những giải thưởng hàng đầu như giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Điều đáng nói ở nhà văn Ngô Thảo là tấm chân tình của ông với các tác giả. Khi Ngô Thảo là lãnh đạo Hội, tôi từng chứng kiến sự chăm chút của ông với rất nhiều người nay đã thành danh. Một trưởng phòng cấp sở địa phương được ông dìu dắt trở thành lãnh đạo cấp cục. Một tác giả trẻ ở quê được ông giúp đỡ những bước đi ban đầu trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhiều lắm, với cánh viết văn đàn em chúng tôi, ông luôn dành cho những tình cảm sâu nặng như ruột thịt. Thật vinh dự khi qua ông, tôi được tiếp xúc với những nhà văn lớp trước như Thu Bồn, Nguyễn Quang Sáng, Ngụy Ngữ... Sự chiều bạn của Ngô Thảo đến mức trở thành giai thoại. Có lần ông tha loại nhóc như tôi đi tiếp các nhà văn đàn anh từ nam ra xuyên đêm suốt sáng, dù ông là người nghiêm cẩn luôn giữ nguyên tắc tiếp khách tại nhà.

BHD là một thương hiệu lớn về văn hóa giải trí trong đó có mảng sản xuất phim nhựa và truyền hình. Đây là công ty lấy tên tắt “Bình Hạnh Đan” của các con ông lập ra. Khi đã về hưu, có một dạo ông giữ chức Chánh văn phòng trong công ty của con. Vẫn là sự tận tụy chăm sóc khách hàng. Ông xăng xái đặt hàng các nhà văn viết kịch bản. Dù có nghề biên kịch và thành công ở không ít tác phẩm, nhưng không hiểu sao với BHD tôi lại kém duyên. Bộ kịch bản vài chục tập vẫn nằm đắp chiếu. BHD tạm ứng một phần. Tất nhiên thiệt hại cho cả hai bên nhưng vẫn là Ngô Thảo với những ứng xử chân tình đủ để cả tôi và các con ông chẳng hề bận tâm đến những thiệt hại. Vẫn là những bữa cơm quây quần vào dịp Tết, với đại gia đình ông cùng những vị khách chung thủy như chúng tôi. Thật khó quên cảnh nhà văn già đi xe taxi gửi quà Tết của BHD là chai rượu với tấm thiệp chúc năm mới đến tận tay những người cộng tác. Tôi biết một phần sự thành công của BHD là nhờ các con ông được sống trong môi trường nghệ sĩ từ nhỏ và có được bố mẹ tuyệt vời dạy dỗ, chỉ bảo.

Ít năm trở lại đây, Ngô Thảo mắc căn bệnh hiểm nghèo - K đại tràng. Nghe tin, cánh chúng tôi rất buồn. Ông được vợ con tận tình đưa sang Singapore điều trị. Thật may sự phát hiện sớm, điều trị kịp thời đã đẩy lùi được bệnh tật. Có chuyện thế này. Dạo ông chữa bệnh tại Singapore có cặp họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải ở Huế được ông nhận là con nuôi sang thăm. Nghe nói trước khi đi, hai nghệ sĩ nổi tiếng “quậy đến trời phải sợ” theo cách nói của một nhà văn, nhờ thầy bói xem chân mạng của bố nuôi. Thầy phán sống khỏe. Hai người bèn bay sang thăm. Tôi hỏi nếu thầy phán không cứu được có sang không? Cả hai cười rổn rảng bảo, đầu tư một chuyến sang thăm nhất định phải có kết quả. Nhưng tôi biết, họ tếu táo thế thôi chứ thẳm sâu Thanh - Hải kính trọng và thương xót nhà văn Ngô Thảo thật sự mới làm nổi cái việc nghĩa tình đó.

Hiện tại ở tuổi 77, Ngô Thảo vẫn sống lạc quan, khỏe mạnh. Vẫn tham dự những sự kiện của văn đàn và sân khấu, vẫn quan tâm đến bè bạn, anh em như ngày nào. Nhà văn “liền chị” Ngô Thảo và chị Lộc, người vợ dịu dàng, chung thủy đảm đang của ông cùng ngôi nhà 60 phố Hàng Bông vẫn là đích đến của chúng tôi, trong những dịp lễ lạt của sự quần tụ yêu thương, tình nghĩa.

Yêu quý xiết bao, nhà văn “liền chị” Ngô Thảo.