Nhà văn là người giải mã lịch sử

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (ảnh bên) sinh năm 1938, quê Hải Dương, là tác giả hai pho tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Bão táp triều Trần (6 tập) và Tám triều Vua Lý (4 tập), tổng cộng hơn 6.500 trang. Hẹn ông nhiều lần mới gặp vì tuần trước vừa ở Hà Giang thì tuần sau ông đã lại Quảng Ninh và tuần tiếp theo là Nha Trang... Từ đâu nguồn năng lượng dồi dào để ông lão vóc người mảnh dẻ ở tuổi ngoại bát tuần vẫn miệt mài những chuyến điền dã, tìm kiếm những tư liệu ẩn khuất sau hàng nghìn năm lịch sử. Ông còn nổi tiếng là người thẳng thắn khi nói về chuyện đời, chuyện nghề.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (trái) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh trong bài | Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (trái) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh trong bài | Nguyễn Đình Toán

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Thưa ông, gần đây có nhiều nhà văn sáng tác về đề tài lịch sử, đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ trên mọi miền Tổ quốc. Ông nhìn nhận về hiện tượng này như thế nào?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (HQH): Vừa vui, vừa buồn. Vui, vì lịch sử lâu nay vốn bị lép vế, trong đó có văn học sử thì bây giờ đã có thêm người quan tâm. Buồn, vì văn học viết về lịch sử tuy có nhiều đầu sách nhưng không có nhiều thứ để đọc. Cho tôi nói thật, tiểu thuyết lịch sử bây giờ nhìn đầu sách nhan nhản, nhưng đọc để hình dung ra lịch sử, ra giai đoạn đó như thế nào, dường như lại không có. Vì sao? Bởi vì muốn viết được về lịch sử nó ngốn tri thức, văn hóa của nhà văn lớn lắm. Chúng ta thử đếm trên đầu ngón tay xem có bao nhiêu cuốn sách có thể in đi, in lại? Sách gì thì sách, 5 năm sau không được tái bản thì coi... chết. Nhà xuất bản không in vì không bán được và người đọc thì không còn nhu cầu. Lỗi này ở nhà văn. Anh không cuốn được độc giả về phía anh là lỗi tại anh chứ không phải tại độc giả.

Nhà văn là người giải mã lịch sử ảnh 1

HV: Tôi từng trò chuyện với nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà giáo dục..., hầu hết họ cho rằng việc bây giờ người ta lười đọc sách là do văn hóa đọc xuống cấp, bị văn hóa nghe nhìn lấn át. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe một nhà văn tự kiểm điểm, lỗi ấy thuộc về người viết.

HQH: Tôi bỏ tiền ra mua sách thì phải chọn cái gì có thể đọc được, không thì mua về vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, lại không có chỗ để. Nói thêm về việc trao giải thưởng văn học, bây giờ không hiểu vì sao bạn đọc không còn tin nữa. Ngày trước, một cuốn sách được giải, người ta tranh nhau mua còn bây giờ người ta chọn cách ngược lại.

HV: Vâng, nếu đúng như thế thì quả là đáng buồn. Tôi muốn quay lại câu chuyện chính của chúng ta bàn về văn học sử. Ông có nói, viết về lịch sử "ngốn" rất nhiều tri thức, văn hóa; người viết cần một quá trình tự tích lũy, tự rèn luyện bản thân bền bỉ, lâu dài. Quá trình đó diễn ra như thế nào, đây là quá trình tự thân hay phải có sự hỗ trợ của xã hội?

HQH: Thật ra, quá trình đó hình thành tự nhiên, thời nào cũng thế, không có ai hỗ trợ được đâu! Nó là nội lực. Các nhà khoa học còn dựa vào phương tiện nghiên cứu nhưng các nhà văn phải nỗ lực bản thân là chính, tự học là chính. Con tôi tốt nghiệp đại học, mang bằng loại ưu về, tôi bảo, từ giờ phút này bố mới công nhận con thoát nạn mù chữ. Ý tôi muốn nói là sự học phải làm suốt đời. Tôi có được học một giờ sử nào của các tứ trụ Lâm, Lê, Tấn, Vượng đâu, nhưng những gì viết ra chưa một sử gia nào chê trách viết sai, viết bậy, hay là so với chính sử ông bịa nhiều quá mà chỉ nói "ông giải mã tốt quá". Không phải tôi tài giỏi gì, tất cả là nhờ biết học hỏi và biết lắng nghe.

HV: Ông vừa nói đến hai chữ "giải mã". Có vẻ như đấy là quan niệm xuyên suốt trong sáng tác về đề tài lịch sử của ông?

HQH: Đúng. Chính sử cho ta điểm tựa về mốc thời gian, về một giai đoạn lịch sử để ta tham khảo một cách nghiêm túc, nhưng ta cũng phải nên nghiêm túc thấy rằng toàn bộ những cái được ghi chép đấy có phải là sự thật không? Lịch sử có đáng tin không, có, nhưng phải có lòng nghi ngờ, tức là không mù quáng. Nếu tin tất cả vào chính sử thì mình làm nô lệ cho chính sử. Ông Mạnh Tử nói câu rất hay: "Tín tận thư như vô thư" (Tin tuyệt đối vào sách thà không đọc sách còn hơn). Nếu nhiệm vụ của nhà sử học là chép lại trung thực lịch sử thì nhiệm vụ của nhà văn là giải mã lịch sử. Nhưng muốn giải mã tất phải có những căn cứ lịch sử.

HV: Vậy căn cứ để ông giải mã ở đâu?

HQH: Nó ở ngay trong nội tại sự kiện và nhân vật. Ví dụ, Trần Thủ Độ là nhân vật mà từ đương thời cho đến Trần Trọng Kim chép, đều đánh giá là một con người tàn bạo, vô đạo đức. Ngay như ta một thời gian dài cũng chưa có ai phiên cho ông cái án ý cả. Nhưng trong Bão táp triều Trần tôi viết ông lừng lững như một người anh hùng. Từ đó đến nay chưa thấy ai phản bác, thậm chí Trần Thủ Độ ngày càng được tôn vinh, được đặt tên đường, đưa lên phim ảnh. Tôi giải mã ông ngay trong những chuyện mà lịch sử chép lại, nó ở ngay trong lịch sử, vấn đề là ta có nhìn ra hay không thôi. Có rất nhiều dẫn chứng, tiếc rằng, trong khuôn khổ cuộc trò chuyện này không nói ra hết được.

HV: Giải mã những câu chuyện ấy đã đành là rất hay, nhưng người viết không phải chỉ kể cho người ta thấy hay, thấy lạ mà phải gửi gắm được thông điệp nào đó liên quan đến thời đại anh đang sống?

HQH: Tôi đồng ý. Các Mác từng nói đại ý, nếu viết tiểu thuyết lịch sử mà không gửi đến người đương thời một thông điệp cần thiết thì coi như tác giả chỉ triệu về bóng ma của lịch sử chứ không giúp gì được cho đương đại cả.

HV: Để hình thành thông điệp gửi đến người đương thời, nhà văn phải làm gì, thưa ông?

HQH: Trước hết là nhận thức, phải phân biệt được cái thiện và cái ác, cái chính và cái tà, tuyệt đối không được để tà tâm vào lịch sử, không được yêu nhân vật này ghét nhân vật kia, mà phải coi như mình là vị quan tòa về văn chương; không được lấy cái thích thú riêng của bản thân mình mà phải có nguyện vọng làm rõ những vấn đề của quá khứ, không được thiên vị.

HV: Nhà văn viết truyện lịch sử không được bịa tạc vô căn cứ, câu khách, thiên vị hoặc chỉ để thỏa mãn thích thú cá nhân... Vậy họ phải làm thế nào, phải chăng cũng giống như ông, đọc hàng núi sách, đi điền dã bất cứ đâu, bất cứ khi nào có cơ hội, ngay cả khi tuổi tác đã vượt ngưỡng 80...?

HQH: Thật ra, con đường đi tới kết quả của một nhà văn không có mẫu số chung. Mỗi người có một con đường riêng, nhưng đích chung là phải đem lại cho người đọc cảm thụ văn hóa đẹp. Cụ Nguyễn Siêu nói rất đúng: Văn chương có những thứ đáng thờ, có những thứ không đáng thờ. Những thứ đáng thờ là văn chương viết vì con người, đem lại lợi ích cho người đọc, tức là đọc xong thấy rạo rực lòng yêu Tổ quốc, thiên nhiên, thấy như là được gột rửa tâm hồn, cái đẹp làm cho người ta như thế. Ngay việc cái dục, tức là sex, đã là con người ai cũng có nhu cầu ấy, nhưng nhu cầu một cách quá đáng thì trở thành con vật, không là con người nữa. Tại sao ông Garcia Marquez (tác giả Trăm năm cô đơn) viết rất nhiều, nói về sex một cách tàn bạo, nhưng mà lồng lộng nhân văn, tác phẩm của ông ta là nhân văn chứ không phải sex.

HV : Nói cho cùng là do cái tầm của nhà văn.

HQH: Vẫn ông Marquez nói, tại sao viết về nhân vật anh hùng không đạt là vì những người viết tầm tư tưởng thấp quá, không bén gót của người anh hùng thì làm sao biểu đạt được người anh hùng.

HV: Xin hỏi ông một câu thẳng thắn. Bây giờ người ta có xu hướng đọc ngắn, mà những tác phẩm văn học sử thường rất đồ sộ. Bão táp triều Trần và Tám triều Vua Lý dày tới 6.500 trang, có thể rất hay, sâu sắc, uyên bác, nhưng với thói quen đọc ngắn vì nhiều lý do thì đây có phải là "bất lợi" cho tiểu thuyết lịch sử?

HQH: Thật ra đây là vấn đề tâm lý. Tâm lý bây giờ tạo cho nhiều người suy nghĩ mì ăn liền, cứ chớp chớp trên mạng, cái gì cũng biết một tí nhưng đọc xong rồi quên hết, không đọng lại gì cả. Ở đây ta phải trở lại nền giáo dục căn bản, phải hình thành kiến thức nền, cái nền ấy không nằm ở internet, internet chỉ là phương tiện thông tin. Hai bộ tiểu thuyết của tôi đến nay vẫn tái bản đều đều, in đến đâu hết đến đấy. Như vậy vấn đề có phải là dài hay ngắn đâu, mà là nội dung, anh viết cái cũ nhưng bút pháp phải mới, thông tin phải nhanh, không lặp lại.

HV: Ông có thể tiết lộ bí quyết giữ được sức đi, sức viết, sức làm việc dày đặc như thế ở tuổi ngoài 80?

HQH: Trước kia trong người tôi nhiều bệnh, được như bây giờ là nhờ tập thiền mấy chục năm nay. Muốn giữ được cái tâm tĩnh lặng thì mình phải xả tất cả, không dính vướng, không xao động, thế là thiền. Ngoài không vướng mắc gọi là thiền, trong tĩnh lặng gọi là định. Muốn thiền định được, tâm phải sáng, không tham sân si, không màng danh lợi.

HV: Nếu nói một cách ngắn gọn thì bí quyết của ông là...?

HQH: Giữ một cái tâm nhẹ nhõm, không ham cầu và không sợ hãi.