Nhà thơ Trần Kim Hoa: Thơ tôi như chính con người tôi

Tôi biết nhà thơ Trần Kim Hoa từ khá lâu, có lẽ từ khi chị còn chưa trở thành nhà thơ, vì tôi làm hàng xóm "Quân khu Nam Đồng" với gia đình chị. Trần Kim Hoa vừa đoạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 với tập thơ "Bên trời". Cuộc trò chuyện giữa những người quen cũ bắt đầu từ cái cớ đó và mở rộng ra những chiều kích khác của công việc, nghề nghiệp, quan niệm sống và viết, đặc biệt là thơ.

Nhà thơ Trần Kim Hoa (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Trần Kim Hoa (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | Nguyễn Đình Toán

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Đầu tiên xin chúc mừng chị và "Bên trời" nhận được giải thưởng thơ danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam. Cảm giác của chị lúc này thế nào?

Nhà thơ Trần Kim Hoa (TKH): Xin cảm ơn anh. Trong tôi giờ vẫn trộn lẫn nhiều cảm xúc: vui, bất ngờ, và hơi... run. Vốn là người yêu văn chương, học (chuyên) văn từ khá sớm, nhưng hồi ấy tôi không dám nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn, cho dù lúc nào tôi cũng mong muốn được ở trong bầu trời ấy.

HV: Bầu trời ấy bắt đầu như thế nào?

TKH: Bố tôi làm biên phòng ở một tỉnh miền núi phía bắc, sau đó về quê làm đám cưới với một thôn nữ là mẹ tôi và sinh ra tôi. Năm 1973, bố tôi xung phong vào chiến trường miền nam. Mấy mẹ con tôi về quê. Khi đó tôi bảy tuổi. Phần lớn tuổi thơ tôi ở phía trong hàng rào khu tập thể cơ quan mẹ tôi. Mùa hè nào tôi cũng được về quê, với bà ngoại và các bác, các o bên nội, các dì và cậu bên ngoại. Bà ngoại là người làng nón Thạch Việt (Thạch Hà, Hà Tĩnh), thuộc rất nhiều câu ví, tích hát. Đêm nào bà cũng hát và kể chuyện cho tôi nghe và tôi thường thiếp đi với những hình dung non nớt về một thế giới cổ tích đẹp đẽ. Bố tôi – một người rất yêu văn chương, đã nhen lên ở tôi tình yêu với chữ nghĩa, sách vở từ rất sớm. Ngày tháng của tôi nối nhau bằng những cuốn sách và dần định hình trong tôi những quan niệm, những mơ ước mà đến tận bây giờ tôi thấy nó dường như vẫn còn nguyên đó, không mấy thay đổi. Văn chương trở thành một thế giới huyền ảo, kỳ diệu, cho dù sau này, tôi cũng như mọi người, lớn lên, va chạm và từng vỡ mộng, thất vọng, đau đớn vì nhận ra có những điều không hoàn toàn giống như mình nghĩ.

HV: Trong "Bên trời" có khá nhiều bài thơ hay viết về Hà Nội. Tự cổ chí kim đã có nhiều thơ về Hà Nội của những bậc đại bút, nên tôi tò mò muốn biết Hà Nội của Trần Kim Hoa thì thế nào?

TKH: Tôi thấy với nhiều người cầm bút, Hà Nội là một đề tài đầy sự hối thúc, quyến rũ đến như mắc nợ vậy. Sau gần 30 năm gắn bó, quãng năm 2009 - 2010, tôi mới thật sự ưng ý khi viết được Hà Nội tôi mơ, với câu kết: Nhĩ Hà chở ngàn năm trên ngọn sóng hoa văn/Cổ Ngư dệt chiều thu thảo... bởi những ám ảnh từ câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan và bởi Hà Nội - Tràng An nơi lưu giữ hồn cốt Thăng Long - Đông Đô, của từng ngọn heo may, từng viên gạch, từng nét rêu phong, đẹp trong từng ngọn sóng...

HV: 30 năm mới thật sự viết được về một vùng đất... Phải chăng sau từng ấy thời gian chị mới thấy mình thuộc về nơi này và mong muốn mãnh liệt viết về nơi ta thuộc về?

TKH: Thú thật là tôi vừa cảm thấy mình thuộc về, vừa vẫn tiếp tục bỡ ngỡ trong từng ngày sống. Hà Nội còn rất nhiều góc phố, điểm nhìn, những số phận mà tôi chưa biết, bởi nếu biết hết rồi có khi tôi không viết được nữa! Đó là một Hà Nội không dễ dãi, đơn giản, luôn còn những tầng sâu văn hóa, ký ức khiến người ta cứ mãi rung động, mong muốn được khám phá. Từng mảng rêu xanh ở đây cũng không giống ở nơi khác, thâm nghiêm hơn, chất chứa hơn, với bề dầy những vết tích, những chuyện kể, những lai lịch, những thương đau và vật lộn...

HV: Tôi từng viết một tiểu luận về sự phân mảnh (fragment) thời gian đến từ áp lực của cuộc sống hiện đại, giống như sự phân mảnh ổ cứng máy vi tính. Thời gian bị xé lẻ, dồn ép, khiến tư duy, cảm xúc trở nên ì ạch, thậm chí "treo máy". Đang ở cương vị Giám đốc Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam, lại còn làm báo, làm thơ và làm một bà chủ gia đình, "24 giờ trong đời một người đàn bà" (tên một truyện ngắn nổi tiếng của Stefan Zweig) phải làm thế nào để chị phân đủ từng ấy vai mà không bị phân mảnh?

TKH: Tôi cho rằng mỗi công việc đều có những yêu cầu riêng nên việc phân chia thời gian, sức lực và sự quan tâm cũng khác nhau để không chồng chéo lên nhau, trong đó thách thức lớn nhất là vấn đề thời gian. Ưu tiên số một của tôi gần đây là bảo tàng, vốn đã ngốn gần hết thời gian mỗi ngày. Thời gian cho thơ rất ít, thường là khoảng nghỉ cuối giờ chiều, khi cơ bản đã vãn việc và trước khi tiếp tục những bề bộn ngày hôm sau. Về thơ, tôi chưa bao giờ "giao nhiệm vụ" cho mình. Đơn giản khi nó đến thì tôi có nó. Khi nó không đến thì tôi nghĩ về nó. Còn khi không thể nghĩ về nó thì tôi nợ nó...

HV: Tò mò một chút, độc giả thơ đầu tiên của chị là ai?

TKH: Tôi thường là độc giả đầu tiên của chính mình, lý do đơn giản vì tôi có nhiều việc khác đang đợi và hầu như không có thời gian sống cùng với những gì mình vừa viết ra, thường chỉ "gặp lại mình" dăm bảy ngày hoặc có khi hàng tháng trời sau đó... Ngoài ra, trong một số trường hợp, là những độc giả facebook, trong đó có nhiều người tôi chưa từng gặp họ!

HV: Quá bận bịu, phải đóng nhiều vai như vậy, thậm chí chỉ có thể dành cho thơ chút thời gian vớt vát cuối ngày, đã bao giờ tình yêu thuở ban đầu của chị với thơ ca bị lung lay? Đã bao giờ chị thoáng nghĩ, xong rồi nhé, thơ ơi, ta còn bao việc khác phải làm, chào mi...

TKH: Thơ với tôi là một người bạn, mà đã là bạn thì không bao giờ bỏ nhau cả. Thơ cũng như một người tình, dòng ánh sáng đến từ giấc mơ nào, vừa tinh khiết, trong lành, mà lay động, day dứt, đôi khi chỉ thế thôi cũng đủ khiến trái tim se thắt...

HV: Năm tập thơ trong vòng 30 năm, không quá dài mà cũng không quá ngắn. Chị có nhớ thời điểm nào là bước ngoặt trong sáng tác của mình không?

TKH: Đầu những năm 2000, cuộc sống của tôi có những xáo trộn. Lúc ấy tôi thực sự thấm thía việc người ta có thể ngẩng cao đầu sống tiếp khó khăn đến thế nào. Và thơ đã ở bên tôi. Tôi tự thấy những lúc buồn, thơ không bỏ rơi tôi. Chắc anh cũng nhận ra trong thơ tôi không nhiều bài vui. À mà tôi rất ám ảnh với câu chuyện về "Người đàn bà cá" trong truyện Con chó khoang chạy ven bờ biển của Aitmatov mà tôi đã đọc từ thời sinh viên! Thơ tôi cũng có những hình mẫu lý tưởng, thấp thoáng không rõ ràng, và tôi luôn muốn đối thoại và chia sẻ với những thấp thoáng đó, mỗi khi chỉ có một mình trước giấy trắng...

HV: Cuối cùng thì những xáo trộn ấy đã "ngoặt" thơ chị như thế nào?

TKH: Tôi bắt đầu cảm thấy những câu chữ mềm mại, nhịp điệu êm đềm không diễn đạt được tình cảm của mình nữa. Trong tôi có những giằng xé, day dứt, những khát vọng cũng như tiếc nuối, khiến tôi bước đi một bước giây giây lại dừng... Tôi thấy mình giống như một con tằm phải thoát xác, phải đối mặt và dàn xếp lại với chính bản thân mình bởi những điều tốt đẹp phía trước. Khó nhất vẫn là tự dàn xếp với mình, bởi không ai có thể làm thay: Mặt trời tự mình dập tắt đám cháy... Trước đây cuộc sống của tôi đơn giản, nhẹ nhàng, thơ tôi cũng vậy. Ở hai tập thơ gần nhất Họa mi năm ngoái và Bên trời, bằng chính những trải nghiệm thực tế, tôi thấy mình đang dự phần vào một cuộc sống phức tạp hơn, đau thì cũng đau hơn, buồn cũng buồn hơn, và cần đến sự thấu hiểu, vị tha và mạnh mẽ. Và khi tuổi trẻ đã lùi xa, thời gian ngày càng ít, mỗi giây phút sống càng trở nên quý giá, mọi thứ đã an bài, cảm nhận về thời gian cũng trở nên đặc biệt hơn. Có lẽ vì thế mà Bên trời nặng về ký ức, về dấu ấn thời gian đã qua, chỉ còn lại ta và những gì đã có, không bị giằng xé nhiều bởi những gì không thuộc về mình...

HV: Thời gian luôn mơ hồ, nó chỉ cụ thể khi gắn liền với kỷ niệm hoặc công việc, sự kiện nào đó...

TKH: Nhưng thời gian cũng gắn với những giấc mơ, với những điều không làm lại được nữa, đồng thời vẫn cho ta cơ hội cảm nhận về tất cả một cách bình tĩnh hơn. Đến tuổi này tôi rất thấm thía, thời gian mới là bất tử. Thời gian cho tôi độ lùi để lắng lại, để hướng tới cuộc sống giản dị và giúp tôi tốt hơn.

HV: Tốt hơn so với...

TKH: Chính mình. Tôi không có những câu thơ như dao cắt xuống đất như mật rót vào tai mà chỉ có những câu thơ day dứt về những nỗi đau mình biết chắc đã qua, những mong muốn biết rõ là làm được hoặc không, ở khía cạnh tốt đẹp nhất: Sau những mùa lá rụng/ Thấy mình đơn sơ hơn/ Sau tháng ngày dài rộng/ Tim đau từ tốn hơn... là thế. Càng ngày tôi càng thấy cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhõm luôn cần cho thế giới và những người phụ nữ như tôi...

HV: Chị nghĩ thế nào về đổi mới thơ?

TKH: Ở tập thơ trước Họa mi năm ngoái, nhà thơ Trúc Thông sau khi đọc đã nhận xét giọng thơ của tôi là đậm-sắc truyền-thống, nghĩa là ông chưa thừa nhận thơ tôi mới. Tôi tự thấy một cách chính xác là hai khái niệm cũ và mới không thực sự chi phối tôi. Tôi không chạy theo hình thức, hoa mĩ; tôi chỉ muốn lắng nghe và lưu lại những tiếng nói, những cảm xúc có thật, khi chúng cất lên trong tâm tưởng, là những gì đúng với cảm nhận của mình nhất. Chỉ một chữ sai, một nhịp bằng trắc khác đi, không phải giọng mình nữa. Thơ tôi như chính con người tôi vậy.