“Nhà hát online”- ý tưởng có khả thi?

Những ngày đầu tháng 9, dù làn sóng Covid-19 thứ hai đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam, thông tin hoãn - hủy hoặc chuyển sang hình thức biểu diễn không khán giả của hàng loạt các sự kiện nghệ thuật vẫn liên tiếp được đưa ra với cùng một lý do, “để phòng, chống dịch bệnh”. Cũng vì thế, những luận bàn tranh cãi về ý tưởng xây dựng “nhà hát online” một lần nữa được giới nghệ sĩ cùng đông đảo công chúng xới lại, với cùng một nỗi trăn trở: mô hình ấy liệu có thực sự khả thi?  

Music Home - dù quy tụ những gương mặt ca sĩ nổi tiếng nhất cũng chỉ thu hút được số lượt xem khiêm tốn.
Music Home - dù quy tụ những gương mặt ca sĩ nổi tiếng nhất cũng chỉ thu hút được số lượt xem khiêm tốn.

Những khán phòng trống rỗng

Sau nửa năm tạm xa khán giả, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) vui mừng thông báo đêm mở màn mùa diễn 2020 Season Opening Gala Concert sẽ diễn ra vào ngày 26-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Rất đông nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện cùng cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji với một nhạc mục đẳng cấp, dày dặn của hai nhà soạn nhạc thiên tài F.Liszt và J.Strauss. Nhưng năm ngày trước buổi diễn, VNSO đành ra thông báo hủy diễn và hoàn tiền cho số vé đã bán hết. Và không chỉ có vậy, chương trình VNSO Special Concert dự kiến diễn ra vào ngày 10-9 cũng cùng chịu chung số phận. Như một giải pháp mang tính tình thế, để sợi dây kết nối với công chúng yêu nhạc cổ điển không bị đứt đoạn, VNSO đành chuyển cả hai sang hình thức biểu diễn trực tuyến miễn phí, với một nhạc mục xinh xắn hơn, thời lượng đêm diễn cùng số lượng nhạc công góp mặt và chất lượng âm thanh đều khiêm tốn hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Chương trình đầu tiên thu hút được khoảng 13 nghìn người thưởng thức, qua trang Facebook của VNSO. Nhưng nhìn dàn nhạc lặng lẽ chơi đàn trong một khán phòng không khán giả và không tiếng vỗ tay nên vì thế thiếu vắng cảm xúc và cũng khó có thể thăng hoa, liệu bao nhiêu người sẽ chọn tiếp tục thưởng thức online trong đêm diễn kế tiếp?

Đất nước vui mừng chào đón ngày Quốc khánh lần thứ 75 bằng một loạt chương trình nghệ thuật hoành tráng, được đầu tư quy mô cả về chất và lượng. Thế nhưng cũng vì dịch bệnh, Giai điệu Tổ quốc - một chương trình hòa nhạc được VTV chuẩn bị rất công phu và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ do Bộ VH, TT&DL chủ trì cũng đành ghi hình phát sóng giữa một khán phòng Nhà hát Lớn trống trơn. Và Điều còn mãi - chuỗi chương trình đẳng cấp đã nhiều năm trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của công chúng Thủ đô mỗi chiều ngày 2-9 lịch sử buộc phải chọn phát sóng trực tuyến, trong không gian vắng lặng không một bóng người.

Đại dịch ào tới từ sau Tết Nguyên đán cũng đã khiến thủy đình của Nhà hát múa rối Thăng Long - sân khấu ăn nên làm ra nhất nhì Thủ đô dần trở nên khô kiệt. Rồi kịch mục đã lên lịch cụ thể trước đó hàng năm của Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ - những tụ điểm nghệ thuật thường xuyên sáng đèn trước kia phải hoãn hủy, thậm chí vô thời hạn. Ngay cả chùm kịch Lưu Quang Vũ, vốn được tổ chức thường niên vào tháng 8 cũng đành lỗi hẹn với công chúng Thủ đô. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phải tạm dừng toàn bộ lịch lưu diễn vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga. Và sau những tháng ngày luyện tập vất vả để chuẩn bị đưa kiệt tác ballet Romeo và Juliette đến với khán giả, vở diễn sẽ chính thức mở màn ngày nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Đại dịch cũng khiến Liên đoàn Xiếc Việt Nam, vốn đang dần khởi sắc trong vài năm trở lại đây phải thông báo hủy tới 38 buổi diễn tại sáu tỉnh thành. Nhà sản xuất của những vở kịch xiếc nổi tiếng trong và ngoài nước như À Ố Show, Làng tôi, Teh Dar... đành ngậm ngùi tuyên bố tạm ngưng biểu diễn tất cả kịch mục tại ba trung tâm thu hút khách du lịch lớn là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hội An.

“Nhà hát online”- ý tưởng có khả thi? -0
 Phim Ròm phải dời lịch công chiếu vì đại dịch.

Cũng vì bóng ma Covid-19 ám ảnh, hàng loạt dự án phim điện ảnh phải hoãn ngày ra rạp. Bộ phim được trông đợi Ròm của gương mặt triển vọng Trần Nguyễn Thanh Huy hoãn chiếu trước dự kiến chỉ ít ngày. Tiệc trăng máu và Chồng người ta cùng thông báo lùi ngày công chiếu, trong tháng 8. Lật mặt 5 của nhà sản xuất Lý Hải quyết định dời lịch ra mắt sang tận Tết Tân Sửu 2021... Nguồn phim bị đóng băng cùng tâm lý e ngại chỗ đông người khiến không chỉ nhà hát mà rạp chiếu cũng chịu chung cảnh đìu hiu, vắng lặng.  

Và nhiều lo lắng, băn khoăn

Bốn tháng trước, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông đã có cuộc họp với Cục Nghệ thuật biểu diễn để triển khai xây dựng mô hình “nhà hát online”, ngay sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Ông khẳng định, việc có một kênh riêng để quản lý, giới thiệu đa dạng các loại hình nghệ thuật đến với công chúng là việc hữu ích và cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Với lộ trình xây dựng gồm nhiều bước, từ phối hợp các kênh truyền thông đến tìm nguồn hỗ trợ xã hội hóa, từ lựa chọn địa điểm thu phát đến thuê đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, dự kiến kế hoạch phát sóng..., dự án được coi là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm gỡ khó cho ngành công nghiệp biểu diễn đang kiệt quệ sau đại dịch. Như NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn từng thông tin thì để kết nối tác phẩm với công chúng, chi phí bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cùng thuê địa điểm sẽ được dự án hỗ trợ. Trên một kênh chung cho tất cả các nhà hát, chương trình sẽ được livestream, hoặc chia nhỏ từng phần để phát lại. Cơ quan quản lý cũng mong từ điểm bắt đầu này, các đơn vị sẽ hình thành thói quen chủ động quảng bá sản phẩm lên mạng.

Nhưng giải pháp có vẻ hiệu quả nhất trong thời điểm hậu Covid lại khiến lãnh đạo nhiều nhà hát lo lắng, thay vì mừng rỡ hân hoan. Đơn vị nào cũng lưu trữ khá nhiều băng hình ở dạng tư liệu, nhưng để phát trực tuyến thì không bảo đảm cả chất lượng nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Để có được nhà hát online, không phải cứ nói là làm được ngay. Nếu không có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, không khéo lại “lợi bất cập hại”. Rồi hình thức online ra sao, đưa trích đoạn nhằm giới thiệu quảng bá hay hào phóng cung cấp trọn vẹn tác phẩm? Bắc nhịp cầu để sản phẩm đến được với nhiều đối tượng khán giả thì ai cũng muốn nhưng đưa miễn phí thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư và duy trì đội ngũ nghệ sĩ, mà nếu có thu phí thì hình thức triển khai sẽ ra sao?

Tới nhà hát xem biểu diễn trực tiếp đã trở thành thói quen phổ biến bao năm qua. Sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ giúp nghệ sĩ thăng hoa trong từng đêm diễn. Không gì tệ hại bằng việc phải trình diễn thiếu khán giả, thiếu những tràng pháo tay cùng những bó hoa tươi thắm. Diễn trước máy quay, trong một nhà hát không có sự kết nối về cảm xúc thì khác gì đá bóng không khán giả - đó là tâm sự của NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Thật ra, mô hình nhà hát online đúng nghĩa đã từng xuất hiện tại Việt Nam từ trước khi đại dịch hoành hành. Music Home - chuỗi chương trình âm nhạc đạt tiêu chuẩn âm thanh và chất lượng nghệ thuật như ở nhà hát đã được Truyền hình FPT triển khai nhiều tháng trước.  Quy tụ những nhà sản xuất hàng đầu như Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Kiên..., những giọng ca đình đám như Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương..., khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức Music Home vào ngày thứ sáu cuối cùng của tháng, trên cả kênh truyền hình FPT lẫn ứng dụng FPT Play. Vậy mà cho dù đã tập hợp cả một bầu trời đầy sao với những chương trình đẳng cấp, Music Home cũng chỉ thu hút được số lượt views khá khiêm tốn (khoảng 37 nghìn cho Thanh Lam, 15 nghìn cho Tùng Dương, 58 nghìn cho Hồ Quỳnh Hương) và thuyết phục 7,2 nghìn người đăng ký (subscriber). Nhìn sang các loại hình nghệ thuật khác kén khách hơn như kịch nói, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật hàn lâm thì để thu được tiền từ số lượt xem, số lượng người đăng ký theo dõi kênh là một bài toán vô cùng nan giải. Những vướng mắc kể trên đã khiến “nhà hát online” trở thành mô hình rất khó khả thi trong tương lai xa.

Vì thế, thiết lập trạng thái bình thường mới, với những buổi diễn trực tiếp thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc phòng dịch sẽ trở thành sự lựa chọn tối ưu. Giãn cách khán giả, bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc việc sát khuẩn tay, đo thân nhiệt sẽ mở ra cơ hội để nhà hát, rạp chiếu đỏ đèn trở lại. Đó cũng là quyết định của Nhà hát Tuổi trẻ, khi chính thức công diễn hai vở kịch mới Bộ cảnh phục và Trại hoa vàng từ ngày 12-9. Số hóa nghệ thuật là một hướng đi tất yếu, cần được ưu tiên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhà hát không thể vận hành trơn tru, nếu những hàng ghế không được lấp đầy. Số đông nghệ sĩ và công chúng đều nghĩ vậy!