Nhà Chopin - một thiên đường tinh khiết

Có những cảnh đẹp ở châu Âu mà trí tưởng tượng của tôi chạm đường biên gợi cảm và từ vựng như “cạn” vì không biết ca ngợi gì hơn ngoài sự ngây ngất đến lặng người và vừa bước tới đã đến lúc phải ra về. Một trong những bối cảnh tuyệt mỹ ấy là nhà thơ ấu của thiên tài âm nhạc F.Chopin mà tôi đến mùa đông trước.
Tượng chân dung F.Chopin tại vườn nhà thơ ấu của ông ở Warszawa.
Tượng chân dung F.Chopin tại vườn nhà thơ ấu của ông ở Warszawa.

Nhà Chopin là điểm quan tâm hàng đầu của du khách khắp thế giới đến Ba Lan, niềm kiêu hãnh của người dân Ba Lan và những ai coi đất nước này là quê hương thứ hai.

Hằng ngày, tôi đều nghe nhạc F.Chopin khi sáng tác. Tôi rất thích giai điệu dào dạt ẩn khuất nỗi buồn nhưng chứa chan đằm thắm của bản valse mùa xuân của nhà soạn nhạc thiên tài này. Chỉ riêng bản này thôi đã khiến tôi ngưỡng mộ ông.

Chopin là niềm tự hào của mọi người Ba Lan, những ai coi Ba Lan là đất lành quê mới cho mấy đời sinh cơ lập nghiệp. Để theo đuổi nghệ thuật, cần nỗ lực, kiên trì, chịu khổ luyện; riêng với âm nhạc và thể thao, phải tập từ tấm bé, đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức tốn kém. Ba Lan đã có sáu nhà văn đoạt Nobel Văn học, nhưng chỉ một F.Chopin là đủ để đất nước “đại bàng trắng” kiêu hãnh. Từ sân bay quốc tế lớn nhất ở Thủ đô Warszawa kiến trúc hình đàn dương cầm, mang tên F. Chopin đến các bức tượng, nhà lưu niệm, bảo tàng... Hình như, chỉ không gian Ba Lan hợp để tỏa lan nhạc Chopin nhất, dù những tuyệt phẩm của ông đã và vẫn vang lên khắp hành tinh.

Ngôi nhà nơi ông sinh ra, lớn lên cùng ba chị em gái được gìn giữ, bảo tồn và đang hoạt động như một bảo tàng sống động, hấp dẫn và tâm hồn cao đẹp của thiên tài đồng nhất với âm nhạc của Chopin nổi trội và giá trị nhất là: tinh khiết, thánh thiện, tao nhã, bay bổng giữa một vùng thơ lắng, yên tĩnh hiếm hoi. Trang viên tĩnh mà không hiu quạnh, cô tịch bởi âm nhạc “mọc mầm” từ vòm cây, thảm cỏ qua nhiều chiếc hoa nhỏ giấu kín. Không rực rỡ sắc mầu như vườn hoa khổng lồ - tư gia và khuôn viên mê hồn của danh họa Claude Monet ở Giverny (cách Paris 70km) mà tôi đã đến trước đó, choáng ngợp đến mức nghĩ rằng: ở nơi đẹp thế mà không vẽ đẹp thì vô lý quá! Nhà Chopin là miền xanh thanh bình. Chỉ sự thinh khiết ấy mới nuôi được tâm hồn, cảm hứng sáng tác biểu diễn của thần đồng Chopin để sau này bừng trỗi thành một nhạc sĩ dương cầm vĩ đại. Tâm hồn ấy khơi từ người mẹ quý tộc Ba Lan nhạy cảm, thích chơi đàn, nhảy múa và hát dân ca. Nếu không phải quý tộc, không thể sắm vài cây đàn, thuê gia sư, hướng và đầu tư cho các con học piano từ bé. Nếu không khá giả, sao có thể khống chế sự ồn ã, nỗi lo tất tả áo cơm để tập trung tạo dựng cho các con, đặc biệt là Chopin, được sống, hưởng một không gian âm nhạc, văn hóa giữa một vườn cây - hoa sống cùng người hiền hòa êm ả.

Được mẹ nuôi trong không khí âm nhạc từ phôi thai, cho học dương cầm từ ấu nhi, cậu bé Frédéric Chopin bộc lộ tư chất thần đồng sớm. Thể chất hơi yếu, không ngăn cản được bộ não phát triển âm nhạc xuất chúng, bảy tuổi cậu bé đã viết Polonaise đầu tiên, được báo chí chú ý.

Nhờ sinh trưởng trong một “Thế giới vô nhiễm” tại làng Zelazowa Wola phía tây - cách Warsaw 30 km, mà Chopin được phát triển “nguyên chất” trong những vẻ đẹp thuần túy, để sau này, ông đã viết nên nhiều bản nhạc đẹp như cổ tích, những giấc mơ nhớ quê hương ám ảnh bảo lưu dĩ vãng là ước ao về tương lai, điều rất khó có ở chốn phồn hoa lắm tài năng tụ hội nhưng cũng đầy rẫy đố kỵ chen tranh thủ đoạn dối lừa. Khác với nhiều nhà soạn nhạc lừng lẫy khác, sử dụng thành thạo một hoặc một số nhạc cụ để phục vụ sáng tác (dạo thử giai điệu, khúc thức), thì F. Chopin từ nghề đi lên, ông vốn là một pianist (nghệ sĩ dương cầm) độc tấu thượng hạng ở Warsaw trước khi rời khỏi quê mẹ, làm phận lưu vong. Hoài niệm và ý thức sâu sắc về những bất hạnh trên mảnh đất quê hương, về giới quý tộc Ba Lan cổ được phản chiếu với sự phong phú và diễn đạt bằng lối sống tao nhã, tự thân vẻ lịch duyệt, đẳng cấp cao quý tự toát ra từ F. Chopin.

Trong ngôi nhà nhiều phòng của gia đình Chopin, một phòng lớn đặt ba cây đàn dương cầm, trong đó có đàn Kawai mà Chopin từng gắn bó. Các đồ vật được bảo lưu gần như nguyên trạng (hay cố giữ những trạng thái giống nhất khi chủ nhà đang sống). Khách tham quan bước chậm và khẽ, lời nói, dù thì thầm cũng là thừa, lạc điệu.

Chiếc đàn đang im, tôi khẽ mở nắp như muốn mời Chopin ngồi vào trình tấu điệu Valse mùa Xuân. Nhạc Chopin từ vườn len cùng nắng mỏng từng chùm xuyên rèm cửa, mỗi cửa sổ và cửa ra vào kiểu Pháp cũng được âm tưới thanh âm dào dạt. Một nhà thơ người xứ Nghệ ở Warsaw 30 năm đã chia sẻ cùng tôi, khi tới nơi, bất cứ ai nghe Chopin đều cảm nhận giai điệu quê mình, tâm hồn mình được cứu rỗi, tươi tắm thiên lương tươi đẹp, không chỉ là lãng mạn, mơ mộng mà đánh thức sâu thẳm khát khao...

Từ ngàn năm nay, thủ đô mỗi quốc gia luôn là nơi hội tụ tài năng mọi lĩnh vực. Riêng Paris còn đặc biệt hơn hết, bởi đã từng thu hút được nhiều nhân tài lỗi lạc của thế giới, từng được mệnh danh thủ đô văn hóa của châu Âu, vẫn được nhân loại tụng ca là Kinh đô Ánh sáng. Nhà soạn nhạc thiên tài F.Chopin là một ngôi sao sáng trong bầu trời tinh tú ấy.