Diễn viên, NSND Lan Hương

Nếu được làm lại, tôi vẫn chọn nghiệp diễn

Những ngày thu, của 38 năm về trước, cô gái trẻ Lan Hương (ảnh) ngỡ ngàng đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi Nhà hát kịch Việt Nam (NHKVN) đang tổ chức sơ tuyển Lớp diễn viên khoá I. Cũng mùa thu, của 38 năm sau, NSND Lan Hương vừa có buổi biểu diễn chia tay đong đầy cảm xúc, cũng chính trên sàn diễn được coi là “thánh đường của nghệ thuật hàn lâm” này.

Nếu được làm lại, tôi vẫn chọn nghiệp diễn

Nghề đã chọn tôi

Đêm chia tay sàn diễn NHKVN, cũng là chính thức rời cái nôi đã ươm mầm, vun xới và dưỡng nuôi tình yêu nghiệp diễn, chị có thấy những hình ảnh thuở chập chững vào nghề ùa về trong ký ức?

Ngày ấy, tôi vừa tròn 17 tuổi. Nghe bà chị họ rủ rê đi cùng tới buổi sơ tuyển Lớp đào tạo diễn viên khóa I do NHKVN tổ chức cho “có đồng bọn”, tôi đã thật sự choáng ngợp khi lần đầu bước vào không gian biểu diễn tuyệt đẹp này. Không có ý định đi thi, nhưng được sự động viên, chỉ bảo tận tình của các thầy cô - cũng là những diễn viên gạo cội làm nên thương hiệu “anh cả đỏ” của Nhà hát lúc đó, tôi đã vượt qua các vòng xét tuyển để trở thành một trong 44 học viên đầu tiên của khóa đào tạo hệ trung cấp kéo dài bốn năm. Sau một quá trình vừa học, vừa thực hành và chịu sự sàng lọc khắc nghiệt qua từng năm, chỉ già nửa số đó trở thành diễn viên của Nhà hát, số theo nghề đến tận bây giờ chưa tới 20 người.

Từ đó đến giờ, sàn diễn Nhà hát Lớn cũng đã gắn với mọi dấu mốc quan trọng nhất trong đời diễn viên của tôi. Từ buổi học đầu tiên, vai diễn đầu tiên, hai vai chính trong hai vở diễn tốt nghiệp (Tanhia trong Cuộc chia tay tháng Sáu và Thùy trong Người đá lạc đội hình) cho đến buổi biểu diễn chia tay do NHKVN tổ chức mới đây. Có thể nói, nghề đã chọn tôi, đã biến một cô bé cực kỳ nhút nhát (suốt cả thời học sinh chưa một lần dám xung phong lên bảng hay giơ tay xin phát biểu ý kiến) trở thành một nghệ sĩ có khả năng chuyển tải đa dạng cung bậc cảm xúc tới đông đảo khán giả như bây giờ. Chính tôi cũng thấy lạ lẫm, khi nhìn lại bản thân mình. Quả thật, sân khấu đã cho tôi một mối duyên, một cơ may và ngọn lửa yêu nghề vẫn bền bỉ cháy qua bao bước thăng trầm.

Nhưng hình như trong quá trình học, chị đã từng suýt bị loại, vì “không có khả năng”?

Chuyện đó xảy ra khi kết thúc học kỳ I của năm thứ nhất, cũng bởi tính nhút nhát cố hữu của tôi. Nhờ cô giáo Nguyễn Thị Tần đã mạnh dạn cho tôi thêm một cơ hội, vì nhìn thấy sự chân thực trong diễn xuất của cô trò nhỏ, tôi mới tiếp tục được theo học. Trước mỗi buổi học, cô kiên trì bắt tôi phải hát, phải kể chuyện hoặc tập thể dục trước lớp, chỉ một mình tôi thôi. Sau này, tôi mới biết khả năng sư phạm tuyệt vời của cô đã giúp tôi dần chiến thắng được nỗi sợ hãi đám đông, để có thể nói và làm một điều gì đó trước cử tọa đông đảo mà không còn cảm thấy run rẩy. Nhờ cô, nhờ sự chỉ dạy tận tình của những “cây đại thu sân khấu” lúc đó (như các nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Mạnh Linh, Trọng Khôi, Nguyệt Ánh, Bích Thu, Mỹ Dung, Văn Hiệp…), tôi đã đạt kết quả học tập tốt và trở thành một trong sáu diễn viên vào biên chế Nhà hát đợt đầu tiên. Gần bốn thập kỷ gắn bó với Nhà hát, đây là nơi mà trái tim tôi luôn mãi hướng về.

Yêu nghề, nghề không phụ

Xin được hỏi thật, tình yêu sân khấu ấy có bao giờ bị thử thách, khi NHKVN đã trải qua biết bao thăng trầm và hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thưa chị?

Phải nói rằng, đời sống kinh tế của nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Nhà nước luôn rất khó khăn, xưa cũng thế và bây giờ vẫn thế. Vì thế, số người tâm huyết, sống chết với nghề cứ ngày một hiếm hoi. Sân khấu đi qua thời hoàng kim và rơi vào tình trạng èo uột, hoạt động cầm chừng. Cũng đã có lúc tôi thấy chán nản, thậm chí muốn bỏ nghề vì đời sống khó khăn quá. Ngày sinh cháu đầu tiên, lương của cả hai vợ chồng nghệ sỹ không đủ nuôi con, không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu trong gia đình. Tôi đã từng lăn lộn làm rất nhiều nghề, từ đan len, dệt len tới may đo, may hàng gia công để chồng tôi - diễn viên Đỗ Kỷ - đi bỏ mối. Anh Kỷ, rời sàn diễn cũng phải xắn tay làm đủ mọi công việc nặng nhọc, cũng chỉ vì gánh nặng áo cơm.

Nhưng tôi vẫn yêu nghề diễn vô cùng. Nghệ sĩ không thể rời sàn diễn, cũng giống con thiêu thân không thể cưỡng lại sức hút ma mị từ ánh đèn. Vì thế, hai vợ chồng tôi đã tìm xoay xỏa mọi cách, làm đủ mọi nghề miễn là liên quan đến nghiệp diễn, để có thể “lấy ngắn nuôi dài”. Sân khấu gặp khó khăn, tôi đi thu âm ở Đài Tiếng nói, dù cát sê ít ỏi, chỉ vài chục nghìn. Sàn diễn hiếm khi đỏ đèn, tôi đóng phim truyền hình, tham gia phim điện ảnh. Rồi làm MC cho chương trình Chuyện kể lúc 0h của kênh ANTV, rồi lồng tiếng cho các bộ phim dài. Để có thể tự hào, vợ chồng tôi hiện đã có thể sống được bằng nghề, thật sự.

Trong mắt tôi, Hương “bông” là một nghệ sĩ hiếm hoi tạo dựng được một hình ảnh gần như hoàn hảo trong mắt công chúng. Chị được khán giả yêu mến, được đồng nghiệp nể trọng. Chị có một tổ ấm hạnh phúc, một cuộc đời trong veo, không tì vết và miễn nhiễm với mọi thị phi. Nhưng chị cũng là người đi khá chậm, trên con đường đến với thành công?

Tôi chọn cách sống bình tĩnh, không bon chen, giành giật. Tôi chọn cách thanh thản làm việc và cống hiến hết mình, kiểu “chậm mà chắc”. Người muốn tiến nhanh sẽ phải đi tắt, phải đốt cháy giai đoạn, bằng nhiều cách. Phép tính của họ hoàn toàn không sai. Nhưng tôi nghĩ, nếu có thể điều tiết, kiềm chế được những ham muốn nhất thời của mỗi người, thành công gặt hái được sẽ bền vững, chắc chắn hơn. Biết mình luôn chậm, so với các bạn đồng lứa nhưng tôi không bao giờ sốt ruột. Trên đường đời, tôi đặt ra một cái đích và cần mẫn đi. Nếu gặp chướng ngại, tôi không lao đầu vào, cũng không chọn cách thối lui mà thường đi vòng một chút. Mất thời gian, công sức hơn nhưng cuối cùng cũng sẽ tới đích.

Trong lúc phải bươn chải nhiều công việc khác nhau, tôi vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực diễn xuất để khi có cơ hội là có thể nắm lấy, khai thác và tạo đà bứt phá. Với một diễn viên, cơ hội hiếm hoi lắm nên phải tận dụng và khai thác tối đa. Tôi thường khuyên các đồng nghiệp trẻ như thế.

Diễn viên, NSƯT Kim Thư từng nhận xét: “Hương diễn như cuộc đời chị, đằm thắm, nhẹ nhàng”. Có lẽ chị cũng là diễn viên hiếm hoi trung thành với vẻ bề ngoài bao năm không thay đổi, trung thành với dạng vai người tốt luôn mang trong mình đời sống nội tâm giằng xé phức tạp. Chị có bao giờ sợ mình trở nên nhàm chán, trong con mắt khán giả?

Không như bạn nghĩ, tôi cũng đã từng đảm nhiệm một số vai phản diện. Như Hedda Gabler trong vở kịch cùng tên của H.Ibsen, như người đàn bà mưu mô, xảo quyệt trong Hồi chuông cảnh tỉnh. Hay mới nhất là bà mẹ chồng ghê gớm, nghiệt ngã trong phim truyền hình dài tập Sống chung với mẹ chồng của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Tôi cũng đã từng đề nghị các đạo diễn giao cho một dạng vai lạ, như kẻ buôn người chẳng hạn nhưng họ chỉ cười. Có lẽ họ sợ khán giả sẽ không tin một nữ diễn viên “đóng đinh” với hình ảnh “đằm thắm, nhẹ nhàng” có thể lột xác ngoạn mục như thế.

Nhưng tôi không sợ nhàm, vì công chúng vẫn yêu tôi qua những vai diễn tưởng như một màu đó. Tôi không sở hữu những kỹ năng diễn xuất siêu đẳng. Tôi chọn cách diễn nhẹ nhàng, đơn giản, để khi kể một câu chuyện sẽ khiến khán giả tin. Tin thì sẽ nhớ, sẽ yêu, dù vai đó chính hay phụ, lớn hay nhỏ. Yêu nghề và tận tâm, sống chết với nghề thì nghề không phụ. Tôi nghĩ thế.

Nhờ tình yêu của công chúng, chị cũng là nữ nghệ sĩ gạo cội phía bắc hiếm hoi có được một Fanpage với gần 1.000 thành viên, mà phần đa trong số đó rất trẻ. Họ ngưỡng mộ, cảm phục và coi chị như một tấm gương để soi vào. Nghề quả thật đã “không phụ” chị?

Các bạn trẻ đã lập trang Facebook cá nhân cho tôi, rồi sau đó là trang Fanpage. Có những bạn lặn lội từ miền nam ra, chỉ để tổ chức cho tôi một bữa tiệc sinh nhật nhỏ đầm ấm. Nhiều bạn coi tôi như người bạn tâm giao, như một địa chỉ tin cậy để họ sẻ chia và tham khảo ý kiến. Họ mang lại cho tôi niềm vui, sự ấm áp và tươi trẻ. Đó cũng là món quà vô giá mà nghiệp diễn đã tặng lại tôi. Bởi vậy, nếu được làm lại, tôi vẫn chọn nghiệp diễn.

Tôi chọn cách sống bình tĩnh, không bon chen, giành giật. Tôi chọn cách thanh thản làm việc và cống hiến hết mình, kiểu “chậm mà chắc”.