Nhà văn, nhà báo Phan Quang:

Mùa xuân luôn có cái mới, đáng cho chúng ta chờ

Chờ đợi mãi, rồi cuối cùng ông Phan Quang (ảnh bên) cũng dành cho chúng tôi một cuộc hẹn vào ngày áp chót của năm 2016, ngay sau hôm ông vừa tham gia hội thảo Báo chí 30 năm đổi mới. Vui vẻ ân cần, nhưng ông nhẹ nhàng “lướt qua” tất cả những câu hỏi về mình. Thật khó để tin rằng, người đàn ông ngồi trước mặt tôi, vui vẻ hài hước, mạch lạc khúc triết, nhanh nhẹn và hoạt bát ấy tuổi đã 90.

Ảnh | HUY KHÁNH
Ảnh | HUY KHÁNH

Nghề báo của tôi: Đọc - đi - nghĩ - viết

Thưa ông, được biết, ông vừa có tham luận tại hội thảo Báo chí 30 năm đổi mới. Ông có thể chia sẻ vài điều cơ bản và tâm đắc mà ông nêu ra trong tham luận này?

Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề lớn, tham luận của tôi chỉ đề cập một khía cạnh: đổi mới và đạo đức báo chí. Có thể nói 30 năm qua đất nước ta đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có báo chí. Từ ngày “Gia Định báo”, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1865 đến nay, chưa có thời kỳ nào báo chí ta phát triển mạnh và tác động lớn đến cuộc sống như ba mươi năm vừa qua. Tuy nhiên, trong thành tựu ấy có mặt không vui: một bộ phận nhà báo chúng ta suy giảm đạo đức và sai lệch về nghiệp vụ cũng như tôn chỉ nghề báo, cần tìm cách khắc phục.

Nhưng có lẽ chúng ta không nên sa đà về chuyện này, đó không phải là nội dung câu chuyện chúng ta muốn trao đổi với nhau hôm nay.

Vâng, vậy ông có thể chia sẻ những kỷ niệm thời trai trẻ, khi ông còn là phóng viên và là cây bút nhiều gắn bó thực tiễn và đúc kết kinh nghiệm, có tầm nhìn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất ở tầm vĩ mô cho chính sách, quy hoạch?

Từ khi bước vào nghề ở tuổi 20, tôi vẫn quan niệm rằng nghề nghiệp của chúng ta, ngoài việc quán triệt nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của những tờ báo mà chúng ta đang công tác, về nghiệp vụ tôi tự đặt cho mình bốn từ: đọc-đi-nghĩ-viết.

Đọc để nâng cao kiến thức, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn. Đi để quan sát, trải nghiệm. Còn nghĩ là biến những điều đọc được, thấy được thành cái riêng của ta. Cuối cùng là viết: phải viết nhiều. Đối với người làm báo, nên ghi nhớ thành ngữ “dao có mài mới sắc”.

Tất nhiên, so với mấy chục năm trước thì bây giờ làm báo có nhiều phương tiện hơn, kỹ thuật hiện đại hơn. Nhưng, phương tiện gì, kỹ thuật gì thì cái chính vẫn là con người. Vẫn là lao động trí óc.

Tôi bắt đầu làm nghề báo bằng trang giấy và cây bút. Rồi cũng có thay đổi chút ít, dần dần, từ cái máy chữ tiếng Tây, rồi máy chữ xách tay có dấu tiếng Việt. Khi có máy vi tính thì mày mò học cách dùng máy vi tính. Những cái đó đã làm thay đổi gì ở tôi? Chắc chắn phương tiện hiện đại có giúp nhà báo làm việc nhanh hơn, tiện hơn, tiếp cận thông tin dễ hơn. Nhưng cái tâm, cái tầm vẫn là của con người ấy. Cái tâm hãy cố mà giữ vẹn. Cái tầm, cái hiểu biết thì không ngừng bồi đắp. Riêng đối với tôi làm báo bằng cách gì, tôi cũng ghi trong lòng bốn chữ nói trên (Cười). Tiếc là bây giờ tôi chỉ còn có ba chữ thôi, chữ “đi” đã biến mất rồi.

Mùa xuân luôn có cái mới, đáng cho chúng ta chờ ảnh 1

Ném pao - trò chơi dân gian truyền thống của người Mông Tây Bắc.

Văn hóa như dòng sông không bao giờ ngừng chảy

Ông có cho rằng có sự “đứt gãy văn hóa”, khi nhìn lại sau 30 năm đổi mới, chúng ta có những bước phát triển về kinh tế, thay đổi về mặt xã hội, nhưng văn hóa thì bị cho là đang xuống cấp?

Văn hóa là một dòng chảy không ngừng, như dòng sông vậy, mùa cạn nước thấp, mùa lũ nước dâng cao. Tôi nghĩ văn hóa dân tộc ta không bao giờ “đứt gãy”. Nó chỉ có lúc suy thoái, có lúc dâng trào. Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám thành công có thể nói là lúc văn hóa nước ta lên cao, dù 95% số nông dân lúc đó mù chữ. Bởi hồi đó dân tộc ta coi kháng chiến cứu nước là hàng đầu, muốn giành độc lập, phải chịu tổn thất hy sinh, xe chưa qua nhà không tiếc, người người thương nhau. Còn bây giờ một số kẻ có thể giết nhau chỉ vì một lời nói. Đây là lúc văn hóa xuống cấp. Nhưng chớ nên lo ngại. Hãy nhớ rằng dòng chảy ấy có lúc cạn nhưng không bao giờ kiệt, chỉ cần biết tìm cách khơi nguồn.

Ông vừa nói văn hóa như một dòng sông, không bao giờ ngừng chảy, đó có phải là sự tiếp biến văn hóa khi thay đổi từ cái cũ sang cái mới, tiếp nhận, dung hòa yếu tố văn hóa trong nước, di sản dân tộc với yếu tố ngoại lai trong sự hội nhập toàn cầu?

Tôi nhất trí với chữ “tiếp biến văn hóa”. Trong văn hóa không có “hội nhập”. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế chứ không hội nhập văn hóa quốc tế. Tiếp biến văn hóa là thế nào? Là giữ cái gốc của mình và tiếp thu tinh hoa nhân loại. Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh khái niệm bảo tồn văn hóa theo quan điểm của UNESCO, mà Việt Nam là thành viên tham gia soạn thảo và ký kết Công ước bảo tồn đa dạng văn hóa. Thuật ngữ “bảo tồn” gồm ba nội dung: giữ gìn, bảo vệ, phát huy. Không phải phát huy di sản văn là cứ làm mọi cách, rồi để cho nó lệch hướng. Tại sao nước mình nay có đến 8.000 lễ hội? Thời xưa quy định, làng nào ông thành hoàng có sắc phong của vua (tức ít nhiều đã có công với nước) mới được mở hội, còn những làng khác thì hằng năm chỉ tế ở đình. Trong hồi ký của ông Tô Hoài ông ấy có viết đi làng khác xem hội, ấy là vì làng Kẻ Bưởi của ông không có. Bây giờ nơi nào có cái gì hay hay là xin đăng ký di sản. Hình như chúng ta có phần dễ dãi trong việc công nhận di sản. Từ đó “khuếch trương” những lễ hội không cần thiết, tạo nên những cảnh không đẹp mà mọi người đã nói đến quá nhiều.

Thời nào Việt Nam ta cũng có các nhà văn hóa

Nhiều người cho rằng bây giờ là “thời thiếu các nhà văn hóa”. Có thể thấy rất hiếm hoi những con người như các nhân vật trong các bài ký chân dung của ông. Họ thuộc“thế hệ vàng” các nhà văn hóa. Ông có thể chia sẻ những ký ức, suy nghĩ của mình, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Tôi có cái may mắn là được phục vụ hoặc làm quen nhiều vị mà tôi kính trọng, ngưỡng mộ. Một điều tôi rất tự hào trong đời làm báo của mình là được phục vụ một số chuyến đi của Bác Hồ. Năm 1958, tôi được tòa soạn Báo Nhân Dân cử đi theo Bác Hồ về Hưng Yên. Trời nắng chang chang, mình là thanh niên vừa chạy theo Bác vừa chụp ảnh đã mướt mồ hôi, thế mà Bác Hồ thoăn thoắt đi bộ giữa cánh đồng, từ đội thủy lợi của làng này sang đội làng khác, đến đâu cũng dừng lại, bắt tay nói chuyện thân mật với dân. Tôi về viết bài tường thuật, rất thích thú chi tiết Chủ tịch nước đi bộ giữa cánh đồng, nghĩ là đắt giá lắm. Sáng hôm sau Bác Hồ cho gọi lên gặp Bác. Lúc đầu Bác động viên: Bài của chú viết hôm qua đọc cũng được. Nhưng Bác hỏi chú, viết Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng, thế xưa nay bác chỉ đi xe chứ không đi bộ bao giờ à? Việc Bác Hồ đi bộ thì có cái gì mà nói lắm thế trong một bài viết? Tôi nhớ đời lời Bác dạy. Văn hóa là đó, văn hóa ở cái nghĩ, cái nhìn của Bác Hồ...

Hai tập ký chân dung “Thương nhớ vẫn còn” tôi in lần đầu lấy tên là “Những người tôi quý mến” - thật sự là những nhà văn hóa tôi kính trọng, quý yêu. Nói là “thế hệ vàng” cũng đúng. Bây giờ chúng ta có cả vạn giáo sư, tiến sĩ, có nhiều trí thức ưu tú, có cống hiến cho văn hóa, khoa học, nghệ thuật, sao bảo “thiếu vắng nhà văn hóa”?

Theo tôi thời nào Việt Nam cũng có các nhà văn hóa. Tuy nhiên, nếu bây giờ mong muốn có những nhân vật như các cụ Phạm Văn Đồng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Lương Định Của, Nguyễn Khắc Viện... thì cũng khó.

Thế hệ trí thức đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám từ nước ngoài theo Bác Hồ về nước, nhiều trí thức trong nước tự nguyện từ bỏ điều kiện vật chất tốt đẹp đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của nhân dân. Bởi đạo đức, phong cách của Bác Hồ có sức thuyết phục sâu sắc đối với họ. Bởi tinh thần yêu nước của nhân dân ta sôi nổi đã tác động đến họ. Theo tôi, để được gọi là nhà văn hóa cần có ba yếu tố: tài năng, cống hiến, nhân cách. Nói nhân cách theo nghĩa rộng, bao gồm quan điểm, lập trường, ý thức phục vụ nhân dân, lòng tự trọng. Và ngoài ba nhân tố “bên trong” mỗi cá nhân, cần có thêm nhân tố “bên ngoài” như môi trường xã hội, chính sách cụ thể, dần dần chúng ta mới bồi đắp được những cá nhân hội đủ yếu tố thành nhà văn hóa...

Hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm cũ, ông nghĩ gì về Tết, những hoài cảm về ngày xưa và suy nghĩ về những ngày đang tới?

Trên đời, nếu có cái gì cứ lặp đi lặp lại hoài mà không chán, đó chính là mùa xuân. Năm nào chẳng bắt đầu bằng mùa xuân! Xuân là đổi mới, là phát triển. Cây hoa của tôi ở trước sân nhà kìa, năm trước nở, năm nay nó lại nở, nhưng đóa hoa năm nay khác năm ngoái, có thể tươi đẹp hơn cũng có thể cằn cỗi đi, nhưng vẫn mang một vẻ đẹp mới.

Tôi nhớ một kỷ niệm sâu sắc trong đời cầm bút. Năm 1973, tôi được Báo Nhân Dân cử vào Quảng Trị ba tháng viết bài. Một sáng, ra khỏi căn hầm vẫn còn dấu tích bom đạn cày xới, tôi chợt nhìn thấy một đóa mai vàng chớm nở. Thật kỳ lạ! Một đóa mai vàng lẻ loi ngoi lên từ mặt đất, cánh hoa vừa hé nở đẫm hơi sương. Đóa hoa mai nhắc tôi nhớ Tết đang về, xuân đang tới. Thì ra dưới lòng đất do đạn bom cày xới, vùi lấp, có một cây mai bị chôn vùi nhưng nó vẫn sống, đến mùa xuân nó vẫn vươn lên để nở hoa. Nó biểu hiện sức sống của dân tộc ta. Cảm xúc mùa xuân trong tôi là vậy. Mùa xuân năm nào cũng đến, nhưng mùa xuân nào cũng có những cái đẹp bất ngờ đáng để cho chúng ta chờ đợi.

Vâng xin cảm ơn ông. Chúc ông một mùa xuân mới nhiều sức khỏe và niềm vui!