Văn hóa cuộc sống

Mùa đi trên phố

Đã từ xa xưa, phố cổ Hà Nội luôn đẹp và lãng mạn, đó là nhờ có đủ bốn mùa. Tất nhiên, ở một cách hiểu rộng rãi, khái niệm “mùa” trong tiếng Việt không cố định hẳn ở số bốn. Bởi nhiều khi nó không đơn thuần chỉ đo chiều dài mà còn đo cả chiều sâu và bề rộng của hồn cốt thời gian. Mùa nhãn mùa bưởi rồi mùa gặt mùa thi, thậm chí có cả một bộ phim nổi tiếng thời bao cấp lấy tên là “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Đặc biệt có những chữ khi được đứng cùng với “mùa”, thì lúc đọc lên thấy nao nao cả một khoảng không gian bao la bát ngát. Mùa mưa, mùa khô, mùa gió chướng. Nói chung, trong ngôn ngữ Việt, bất cứ chữ nào c&oa

Mùa đi trên phố

Ví như mùa Đông chẳng hạn, nó thường là nỗi nhớ nồng nàn da diết của những người Hà Nội tha hương. Chẳng ai có thể quên nổi cái liêu xiêu của gió lạnh đầu mùa, cái tím nhợt rét của chiều muộn bảng lảng trên từng góc phố. Rồi bờ hồ loang sương sớm, rồi ngõ nhỏ giăng mưa phùn. Và để những nỗi nhớ lẻ đấy kết tụ lại thành nhoi nhói hoài niệm thì cái cảm xúc quá vãng đấy phải cực kỳ độc. Quả thật, tiết lập đông ở Hà Nội độc đáo đẹp vô chừng. Mây lững lờ nhẹ xám như không muốn trôi neo lại trên mặt nước hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm. Loanh quanh các vỉa hè là từng xấp lá vàng bị gió loay hoay đẩy chấp chới xuống đùa mặt phố. Ghế đá thưa người làm những cặp tình nhân ôm nhau lâu hơn, hôn nhau chân thành hơn. Đã có một thời, người Hà Nội chống rét bằng cách âu yếm yêu nhau. Và để chống rét đầm ấm lãng mạn hơn thì không gì bằng quán phở rong đêm muộn nghi ngút khói. Còn tuyệt vời nhất vẫn là cùng mấy người bạn thong thả chén rượu bên bếp lò nhỏ than hoa nhấp nháp chả cá. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có hẳn một phố mang tên món ẩm thực tinh tế thượng thặng này. Ký ức mùa Đông thời bao cấp còn tặng riêng cho Hà Nội những dáng thấp thoáng phụ nữ ngồi đan. Mấy ngón tay mềm mại như có mắt, thoắt lên thoắt xuống. Hoặc ngồi một mình hoặc ngồi cả đám, quây quần linh tinh buôn chuyện. Thỉnh thoảng cũng có nàng cậy giọng trong, thầm thì tự hát. Hình như bây giờ phố cổ đã tuyệt truyền hết hẳn những kiểu dáng dịu dàng tần tảo ấy. Bên cửa sổ chỉ còn thấy nhan nhản các nàng mặt tròn chĩnh mỡ, há hốc mồm say mê xem phim Hàn Quốc nhiều tập.

Mùa Hè lại đem đến cho phố một nhan diện khác. Hồi đất nước còn đang gian lao vất vả “sáng chắn bão giông, chiều ngăn địch họa” thì nền mầu chủ đạo cho mọi con phố là một mầu đỏ bi tráng. Bài thơ nổi tiếng cảm động “Cuộc chia ly mầu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ đã sâu sắc khắc họa được “cái mầu đỏ như mầu đỏ ấy”. Bởi vào những mùa hè cuối cấp trung học, dưới chùm hoa phượng cháy đỏ là cuồn cuộn nồng nàn những cuộc chia tay. Cả trường, trừ vài đứa hiếm hoi được đi du học nước ngoài (chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu), rồi dăm ba đứa phải theo bố mẹ chuyển công tác nơi xa thì đông đảo nhất vẫn là những thằng con giai mà chỉ chừng khoảng tuần nữa thôi là lên đường nhập ngũ. Trời Hà Nội bắt đầu nhiều giông, liên tục những cơn mưa rào và bọn trẻ liên miên liên hoan. Quanh hồ Tây, hồ Bẩy mẫu, núi Nùng Bách Thảo, hầu như chỗ nào cũng ngập đầy đám học sinh tốt nghiệp cấp ba quần xanh áo trắng. Một hai thằng tập tọng hút trộm thuốc, đã diện kịp bộ quân phục mượn từ bố hay anh trai, trông chững chạc lạ kỳ. Bọn nó trải báo cũ trên mặt cỏ xanh ngắt thành mâm, tú ụ những là táo là mận là khoai lang luộc. Kinh hoàng sang trọng là thêm túi bánh kẹo Hữu Nghị. Chúng nó ngồi xen kẽ nam nữ như ở lớp, khe khẽ cầm tay nhau rưng rưng hát những bài hát “đỏ”. “Khi Tổ quốc cần thì ta phải xa nhau”. Vài đứa con gái có tình riêng, rụt dè dấm dúi đưa cho thằng bé bạn cái mùi xoa hay tờ thư liều lĩnh viết những điều khó nói. Tít tắp trên đầu bọn trẻ là mặt trời đỏ rực chiếu xuống những tia nắng lung linh trong veo.

Cho tới bây giờ, mùa Xuân ở phố là mùa ít chịu thay đổi nhất. Hà Nội luôn là Hà Nội khi đón Tết. Phố nào cũng thưa người, thanh thản thanh sạch. Phảng phất trong màn mưa phùn mìn mịn là mùi hương nhu hay lá mùi già. Nó càng đặc biệt thơm khi tiêu tao trong lòng phố rộng có thêm mấy thiếu nữ đi chợ hoa sớm, mặt mũi hớn hở vì mua được cành đào rẻ. Có một điều khá lạ, mươi năm gần đây khi phố đón Xuân đều thấy văng vắng thiếu những nhà “Hà Nội học”. Hình như bọn họ phải về quê ăn Tết.

Mùa đi trên phố ảnh 1

Mùa đáng kể nhất trong bốn mùa ở phố có lẽ là mùa Thu. Nắng Thu trên phố nhẹ vàng không bị dại nhạt, gió Thu qua cao ốc bê tông vẫn không bị lạnh khô. Cây ven đường gầy guộc tao nhã lấm chấm chút lá xanh làm lòng phố như mảnh mai sẫm hơn, mái phố như lãng mạn nâu hơn. Mùa Thu có những phẩm tính tuyệt vời như vậy là nhờ có trăng, cho dù hôm nay ánh trăng đã bị ánh đèn cao áp thủy ngân bắt nạt. Trăng trên phố trong trắng huyền ảo nhất là những ngày sát Rằm. Đó là lý do để chợ Trung Thu ở phố Hàng Lược, Hàng Mã đông nghịt người vào những ngày mười ba mười bốn. Ánh trăng thong thả nhân hậu sâu xa làm dịu đi những gay gắt thị dân tính toán mưu sinh. Có phải vậy chăng mà khi mùa Thu xuống phố thì số lượng thi sĩ trên facebook bỗng đột ngột tăng. Có điều khá khó hiểu là ngoài lác đác vài thiếu nữ thì đa phần đều là thiếu phụ, mẫu thân của thế hệ trăng Rằm.

Hà Nội ơi, hạnh phúc làm sao khi phố có đủ bốn mùa.

Minh họa | NGUYỄN THỊ HIỀN