Lạc cánh

Chị nói cho tới trước hè rồi thì chị hoàn toàn không có cảm giác ly hương, dù định cư ở châu Âu gần chục năm với lý do ai nghe cũng đồng tình: Qua đó cho con học hành tử tế. Mười năm, tuyết dày ngoài cửa chẳng làm chị nhớ nhà. Mười hai giờ bay với chị không có nghĩa là xa. Ngủ một giấc, dậy ăn giữa bữa, ngủ thêm giấc nữa đến nơi. Mở mắt thấy Sài Gòn, nơi có căn nhà chị còn giữ đó, để tiện cho những chuyến đi về. Căn nhà như lời thề thốt khiến bạn bè vững tin chị chẳng dạt đi đâu. Neo còn ở đó, có vắng chỉ là một cú nới dây. “Tàu lượn gắn động cơ” mà anh em nhà Wright thử cho bay lên mây, đâu đơn thuần là làm nên một phương tiện di chuyển thần kỳ, mà còn xóa nỗi ám ảnh khoảng cách địa lý.
 

Nhưng máy bay, phương tiện giúp chị đi về dễ như không, thứ mà mỗi lần ngồi ở phi trường chị nghĩ chúng đan dệt khắp bầu trời, đột nhiên rủ nhau đậu ì một chỗ. Những lệnh cách ly, đóng cửa lan nhanh theo tốc độ của virus cúm không mùa. Câu “Thế giới sẽ không còn như trước nữa” được lặp đi lặp lại trên nhiều phương tiện truyền thông. Chị thấy câu ấy đúng với mình, khi mở bản đồ trực tuyến nhìn vào cái chấm nhỏ mang tên Sài Gòn. Ở định dạng vệ tinh, nhìn thấy rõ ràng chung cư, nơi có căn hộ khóa ngoài. Vài lần, chị vô thức chạm vào cái chấm nhỏ đó, đầu ngón tay in dấu lên màn hình máy tính. Cảm thấy mình xa Sài Gòn một ngàn năm ánh sáng.
 
 Tự dưng chị nhớ những nàng tiên bị lạc cánh, mắc kẹt giữa nhân gian trong mớ truyện cổ đông tây. Sơ ý một chút, bị người trần giấu cánh, tiên đành ở lại nhân gian buồn chán. Chồng của những nàng tiên cổ xưa giấu cánh nhân danh tình yêu, nghe còn đỡ, chớ giờ cánh lạc nhiều khi chẳng lý do. Như con virus nọ, ân oán gì mà nó nhốt chị ở Paris, nhìn mùa hè tàn rụi không cách chi cứu vãn.
 
 Hè năm ngoái buổi chiều chị hay chạy bộ ngoài bờ kè Nhiêu Lộc cùng với Xoáy. Nó luôn chạy trước một quãng rồi xoay tròn trong lúc chờ, cái đuôi dựng lên ngoáy tít. Con chó cũng là một trong những thứ khiến chị tưởng không có khoảng cách địa lý nào. Chị có vắng vài ba tháng nó cũng chào đón chị như là khi mới ngủ dậy. Cũng cái kiểu quá khích, hết lăn tròn rồi ngoáy đuôi, ủi cái mõm ướt vào khắp người chủ, dính dấp lên chị những tiếng kêu mừng.
 
 Hè năm ngoái nhỏ con học Vovinam ở võ đường gần nhà. Hè nào về Sài Gòn nó cũng học thứ gì đó, bơi lội, bóng rổ, làm gốm. Về Sài Gòn mẹ con chị ít gặp nhau, mỗi đằng đi mỗi ngả, ai cũng có bạn bè riêng cả. Trước bữa lên máy bay, nhỏ con đem trồng ngoài ban công một bụi trạng nguyên. Nó tính giờ đang mùa mưa chuyện tưới nhờ ông trời, chừng nắng tới thì nó cũng kịp nghỉ đông, và quay lại với cây.
 
 Hôm rồi bạn tới thăm nhà chị, nói mấy chậu cây kiểng ngoài ban công chết rụi. “Chỗ cửa sổ tường nhà mầy thấm nước, sắp mọc rêu rồi”. Chị có thấy chỗ thấm đó khi nó là một đốm nhỏ, nghĩ đi ít tháng, lúc về kêu thợ sửa. Nhưng giờ nó loang ra hết cả bức vách. Chị có thể thấy bụi lấp trên trường kỷ, tủ ly khi bạn huơ điện thoại khắp nhà cho chủ nó ngó qua. Bạn vẫy Xoáy lại nhưng con chó làm lơ, cắn ngùng ngoằng góc thảm trải sàn. Chị giao Xoáy cho bạn mỗi bận sang phía bên kia lục địa. Nhưng lần này về, chắc con chó quên mất chị. Nó sẽ chồm lên gầm gừ, thù nghịch như trước một kẻ lạ nào.
 
 Chấp nhận thực tại thôi, như chấp nhận hè cạn là thu tới. “Lúc này mà không thực hành chánh niệm, thì đợi tới lúc nào”, chị nói với cả nhà, và hơi quê độ khi chồng cười kêu bảo mặt trời không mọc nữa nghe có lý hơn. Hai chữ chánh niệm chị đọc được trong mớ sách thiền, quãng phong tỏa gắt. Một vị thiền sư nổi tiếng nói rằng ngày hôm qua qua rồi, ngày mai chưa tới, chúng ta chỉ nên sống cho hôm nay, yêu lấy cái thực tại này. Thực tại của chị giờ là Paris co mình lại vì dịch bệnh. Sài Gòn là quá khứ. Sài Gòn cũng là tương lai. Nhưng hai thứ đó đều xa. Chị đi siêu thị gần nhà, chậm rãi hít hà mùi bánh mì, mùi bạc hà, hương thảo, chị mua đồ về bày nấu những món cầu kỳ công phu, chị đan vài món đồ len đón thu đông sắp tới, rồi mua xương rồng mặt trăng, sen đá về trồng tưới. Khi chúng ra lá mới, là Trung thu.
 
 Không tính Trung thu của hồi năm bảy tuổi, Trung thu rồi của chị là đúng nghĩa nhất. Cả nhà cùng nhau nướng bánh, bày cỗ cúng ngoài thềm, sau đó ngồi ngoài sân ăn bánh nhìn trăng. Sự thật là trăng muôn đời ở đó, nhưng bận nỗi gì đó mà chị đã không ngước nhìn. Như thể Trung thu là của tờ lịch, trăng chẳng có chút quyền lực nào hết. Sự gặp lại trăng khiến chị hơi ngượng ngùng, buột miệng, “Sài Gòn Trung thu hay mưa, mà trăng không khuất trong mây thì cũng bị nhà lầu che mất, kiếm đâu ra”. Người nhà chị lăn ra cười, chánh niệm đó sao? Còn lâu!
 
 Những cô tiên bị giấu cánh trong những câu chuyện cổ, dẫu yên nơi ấm chỗ chốn nào, cũng sẽ có lúc bất giác ngó lên trời trong lúc ru con, lúc nấu bữa cơm trưa. Mấy cổ còn lâu mới vui trọn. Thời gian trở nên hữu hình, nó đầy gai, và những tờ lịch càng về phía cuối năm, càng làm xước rát lòng. Cũng có người về trên những chuyến bay đắt đỏ, chị cũng muốn tìm lại cánh của mình. Nhưng ý nghĩ có thể phải mắc kẹt ở đâu đó, khiến chị chùn lại. Mùa này không hẹn hò nào thành, không có gì chắc chắn. Mọi thứ bất định như bản chất cuộc đời, từ nguyên thủy đã vậy, tin sao được muôn năm.
 
 Đôi cánh của chị vẫn lạc đâu đó, nhưng sẽ tìm được nó thôi. Chị sẽ đi về qua những chỗ nứt gãy dễ như chơi. Nhưng chị sẽ không vô tư lự như trước nữa, bởi trĩu một nỗi sợ mình sẽ bị giấu cánh bất cứ lúc nào, và gia đình nhỏ bị xé nhỏ hơn nữa, chị sẽ bị kẹt ở đâu đó, và tập tành chánh niệm, một mình.