Nhà văn Bình Ca - tác giả “Quân Khu Nam Đồng”:

"Khôn ngoan chẳng lọ thật thà..."

Truyện “Quân khu Nam Đồng” xuất hiện cách đây gần hai năm và ngay sau đó đã làm nên hiện tượng xuất bản khi cuốn sách liên tiếp được tái bản với số lượng in đến nay lên tới gần ba vạn bản. Tác giả với cái tên lạ lẫm Bình Ca kể từ khi ra sách tới nay vẫn quyết không tiết lộ danh tính thật, giữ kín hình ảnh và công việc của mình trong một thời gian dài. Như một ngoại lệ, đầu xuân mới, nhà văn Bình Ca đã dành cho Nhân Dân hằng tháng một cuộc trò chuyện trực tiếp, cởi mở và dù vẫn nhất quyết không tiết lộ “thân phận”, thậm chí không cho đăng hình ảnh hiện tại, nhưng khi đọc hết bài phỏng vấn này hy vọng bạn đọc có thể hình dung ít nhiều chân dung của ngườ

Nhà văn Bình Ca.
Nhà văn Bình Ca.
"Khôn ngoan chẳng lọ thật thà..." ảnh 1

Nhà văn Bình Ca năm 17 tuổi (bìa phải, hàng sau) cùng các nguyên mẫu: Khanh, Việt, Hoàng trong truyện Quân khu Nam Đồng.

​“Tôi viết theo bản năng”

Tôi sinh ra trong một gia đình không xa lạ với văn chương, chữ nghĩa. Dù là một con mọt sách, nhưng từ bé, tôi đã xác định mình sẽ không bao giờ theo nghiệp văn chương vì thấy nghề này đã nghèo lại còn khổ. Giữa năm 2014, sau khi dự kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khu tập thể quân đội Nam Đồng nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi nảy ý định ghi lại những câu chuyện thời chúng tôi ở “Quân khu Nam Đồng” để đưa bạn bè đọc chơi. Viết xong, gửi cho em trai tôi vốn là một nhà báo, nhà thơ đọc trước, cậu ấy đã khuyên tôi nên in thành sách. Nói thật, tôi hoàn toàn không nghĩ một cuốn sách, nói theo cách của nhà văn Bảo Ninh là “chẳng giống ai”, lại được nhiều người tìm đọc như thế.

"Khôn ngoan chẳng lọ thật thà..." ảnh 2

Đọc “Quân khu Nam Đồng” thấy dữ liệu ký ức tuổi thơ của tác giả rất dồi dào, dường như nó được kể lại, sắp xếp từ những câu chuyện có thật trong ký ức của “một lứa bên trời”. Ông gặp khó khăn gì khi phải lựa chọn sắp xếp những ký ức ấy?

Tôi viết hoàn toàn theo bản năng. Từ khi mở đầu tới kết thúc truyện, tôi không theo đề cương, bố cục, mà để ký ức tự do theo dòng chảy của nó. Tôi không có ý định in sách nên cũng chẳng quan tâm đến chuyện phải viết cho sao “chuyên nghiệp” - thú thật, đây là lĩnh vực tôi hoàn toàn không biết. “Quân khu Nam Đồng” là câu chuyện có thật trong một khu gia binh thời chiến. Tôi chỉ kể về những chàng trai, cô gái sống trong khu tập thể ấy theo cách của tôi. Nhưng nửa thế kỷ đã trôi qua, mọi thứ đều trở nên mờ mờ ảo ảo. Vì vậy, có những lúc tôi cho phép mình bay bổng trong ký ức. Một số nguyên mẫu nhận xét: “Vẫn biết là viết về chuyện của mình, nhưng không thể nào hình dung trang tiếp theo tác giả sẽ viết gì”. Có những chuyện, mọi người hỏi nhau “không biết thật hay bịa?” Rất nhiều chuyện thật hoàn toàn, họ đọc xong khẳng định là “bịa”, như chuyện Hoàng bế cô người yêu đi qua cầu Khỉ, rơi tõm xuống con mương dẫn nước thải ra hồ Xã Đàn. Còn những chuyện bịa 100% thì mọi người lại bảo “thật tới mức không thể thật hơn nữa”.​

Viết một cuốn sách phải chăng là cách “đi tìm thời gian đã mất”? Ông đã rút ra được điều gì khi ngược dòng thời gian bằng văn chương?

​Có lẽ qua “Quân khu Nam Đồng”, tôi rút ra một điều: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Hình như điều này đúng cả trong đời sống lẫn văn học. Nếu sau này tôi có viết kỷ yếu, tản văn hay hồi ký gì đó, tôi vẫn sẽ giữ nguyên “kiểu thật thà”. Văn tức là người, nếu giả dối, dù chỉ một chút, người đọc sẽ nhận ra ngay. Có một bạn đã viết cho tôi mấy dòng như sau: Em vẫn “trăn trở” vì “Quân khu Nam Đồng”. Em nghĩ đến khái niệm “trung thực” của nghề viết. Cuộc sống thực tiềm tàng những điều kỳ diệu và sâu lắng chất văn chương hơn nhiều so với trí tưởng tượng của nhà văn và nghệ thuật hư cấu của văn học. Nếu người viết cứ hão huyền vẽ ra nhưng “xen” lâm li kỳ dị thì thực chất sẽ tuôn ra đời những trang viết gượng gạo và nhạt thếch...

Nhưng như ông chia sẻ, ông viết “Quân khu Nam Đồng” là viết chơi cho mình và cho bạn bè, vậy mà sao cuốn sách lại được đông đảo độc giả đón nhận?

​Gabriel Garcia Marquez từng nói: “Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”. Có lẽ “Quân khu Nam Đồng” với những câu chuyện hồn nhiên, trong sáng của tuổi hoa niên ngày ấy đã tình cờ chạm được tới trái tim số đông độc giả và gợi nhớ về những năm tháng tươi đẹp của một thời đã xa, rất xa...

Xuất hiện trên văn đàn đầy bất ngờ và thành công từ tác phẩm đầu tiên, vậy ông có ý định trở thành người viết chuyên nghiệp không?

​Ồ, câu trả lời luôn là không. Không bao giờ. Kể cả sau này có bỗng dưng nổi hứng, hay số phận xui khiến tôi viết thêm một hoặc vài tác phẩm, tôi cũng vẫn sẽ chỉ là một “tay ngang”. Tôi không viết theo những quy tắc học thuật tôi không biết, không viết vì “danh” hay vì tiền... Tôi sẽ chỉ viết những gì trong lòng tôi thôi thúc.

Phải chăng ông đang “sợ hãi” với những áp lực từ thành công của mình nên muốn làm một người “tay ngang” để nhận được ưu ái từ bạn đọc?

Lẽ nào một người viết “tay ngang” sẽ được độc giả ưu ái, nếu những điều anh ta viết ra không chạm tới trái tim họ?

Đọc “Quân khu Nam Đồng” thấy các nhân vật bị đẩy vào những ranh giới mong manh. Đằng sau những trận ẩu đả kinh hoàng kiểu đường phố là chất can đảm, xả thân vì bè bạn. Thêm một chút, sẽ thành côn đồ, hư hỏng. Bớt một chút, là èo uột, đớn hèn. Vì sao lại có những lằn ranh làm thót tim bạn đọc như vậy?

Đó là do những hệ lụy của chiến tranh. Khi đất nước dồn tất cả sức lực cho tiền tuyến, những bất ổn hậu phương đã nảy sinh. Các băng nhóm trộm cướp, trấn lột xuất hiện. Khí chất của con nhà lính cương cường, không chịu khuất phục, sẵn sàng xả thân bảo vệ bạn bè, bảo vệ lẽ phải đã khiến những đứa trẻ lao vào cuộc chiến và từng bước trượt chân mà vẫn nghĩ mình đang đi trên con đường đúng... Trong giai đoạn phát triển tính cách từ trẻ con thành người lớn, khi những cậu bé cần sự giúp đỡ, chỉ dẫn của cha mẹ nhất thì các ông bố - bộ đội lại không có mặt. Và những trận đánh kinh hoàng đã xảy ra...

Cũng có người hỏi tôi: Viết về những “trận đánh” của “Quân khu Nam Đồng” như thế có “dữ dằn” quá không? Có sợ tác động đến tình trạng “bạo lực học đường” đáng báo động như hiện nay không?

Tôi viết về những “trận đánh” chỉ để đưa ra một lời nhắn nhủ: Nếu các bạn trẻ không biết làm chủ bản thân, trượt ngã từ những bước đi đầu đời, các bạn sẽ làm hỏng cả tương lai. Đất nước cần những điều khác ở thế hệ thanh niên quả cảm, đầy nhiệt huyết và tinh thần nghĩa hiệp như các bạn, đó là dám đương đầu với cái xấu, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ bạn bè, sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ công dân, chứ không cần những người lười học, thích quậy phá, sống không có định hướng và lý tưởng. Tôi cũng muốn đề cập tới trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ - một thế hệ có “tuổi thơ dữ dội” như trong “Quân khu Nam Đồng”.

​“Những xuân xưa ấm áp...”

​Lại thêm một cái Tết và mùa Xuân mới sắp đến, ở tuổi này, ông có nhớ rõ những cái Tết và mùa xuân ở “Quân khu Nam Đồng” ngày đó?

Sau trận B52 kinh hoàng tháng Mười hai năm 1972, chúng tôi trở về Hà Nội, và đón những cái tết cuối cùng trước khi rời ghế nhà trường. Tôi còn nhớ, từ ngày ông Công ông Táo lên trời, lũ trẻ con trong khu tập thể đã tưng bừng náo nức. Bên những thùng thép hình trụ dài, vốn là vỏ quả tên lửa nay dùng đựng nước, có một hàng xô chậu xếp dài vô tận. Từ tư lệnh quân khu, quân đoàn tới cụ bà và lũ trẻ ngồi la liệt chờ lấy nước. Suốt ngày, bọn chúng tôi gò lưng trên những chiếc xe đạp cà tàng giúp gia đình mua hàng Tết: gạo, thịt, miến, măng, mộc nhĩ, bánh kẹo và pháo tép. Tùy hoàn cảnh, dù to nhỏ khác nhau, nhà nào cũng có một bó hoa. Hoa ngày đó, chủ yếu là thược dược, đồng tiền, lay ơn, violet và đào... Thường là hai ba nhà nấu chung một nồi bánh chưng, nồi đặt ngay ở hành lang khu tập thể hoặc ngoài sân, dưới những gốc phi lao. ​Đứa nào cũng mong tới bữa cơm chiều 30 Tết - bữa cơm ngon nhất trong năm. Sau bữa cơm tất niên, tới phần mừng tuổi. Túi bố không bao giờ có tiền (vì đã bị mẹ tịch thu hết) nên bố thường mừng tuổi con trai một trong những thứ như mũ dạ, thắt lưng, dép đúc, mũ cối, đôi khi là cả cái áo đại cán... tất nhiên không phải lúc nào cũng mới tinh.

Tuy cuộc sống khó khăn nhưng mùa xuân những năm đó thật ấm áp. Bầu trời dường như cao hơn, lạnh hơn, mưa phùn dày hơn và lòng người thơ thới hơn. Đêm giao thừa nào chúng tôi cũng đi vòng quanh Bờ Hồ đông nghẹt người. Vẫn dép đúc, mũ dạ và áo đại cán, nhưng không mang theo búa và lê AK. Tết mà.​

Chiến tranh có hiện hữu trong những cái Tết của lũ trẻ ở “Quân khu Nam Đồng” không?

​Không phải tất cả đều vui khi Tết về. Đạn bom không còn rơi xuống miền bắc, nhưng chiến tranh vẫn luôn hiện hữu trong khu tập thể. Có đứa nhiều cái Tết không được nhận quà của bố vì bố ở chiến trường xa không về. Không ít đứa từ một tháng trước Tết, ngày nào cũng ra cửa ngóng bác đưa thư, mong nhận được thư của bố để biết bố vẫn còn sống. Có những đứa ngày Tết chỉ còn được gặp bố qua di ảnh, thắp cho bố nén nhang mà nước mắt chứa chan. Dù còn trẻ, nhưng chúng tôi luôn ý thức rõ ràng cuộc chiến đang đợi chúng tôi ở phía trước, và sẵn sàng đi tiếp con đường của bố mình.​

Đọc “Quân khu Nam Đồng” thấy chất hài hước rất đậm. Vì sao trong cuộc sống vất vả, thiếu thốn thời bao cấp, người ta vẫn giữ được tiếng cười trong trẻo, nhưng giờ đây khi cuộc sống no đủ hơn nhiều thì dường như lại thiếu vắng tiếng cười ấy, cả trong đời sống lẫn văn học?

Lớn lên trong thời bao cấp thiếu thốn, nhưng với thế hệ chúng tôi, những năm tháng tuổi thơ sống trong “Quân khu Nam Đồng” luôn là quãng thời gian đẹp nhất. Một cuộc sống hồn nhiên và luôn vui vẻ. Nhưng tôi không nghĩ cuộc sống bây giờ thiếu vắng tiếng cười so với thời bao cấp. Cho dù còn nhiều điều làm ta trăn trở, cuộc sống luôn vận động theo chiều hướng đi lên. Với tôi, cũng có lúc cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, thậm chí bức bối. Khi đó, tôi thường tự hỏi khi tỉnh dậy: “Nếu sáng nay mình buồn, mọi việc trong ngày có diễn ra tốt đẹp hơn không?” Câu trả lời luôn là “không!” Vậy thì sao lại phải buồn nhỉ? Và tôi dứt khoát không để nỗi buồn xâm chiếm khi bắt đầu một ngày làm việc. Buồn hay vui, là do cách chúng ta nhìn cuộc sống mà thôi. Nếu chúng ta mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống sẽ nở nụ cười với chúng ta.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!