Họa sĩ Phạm Hà Hải với lặng bóng phương Ðông

Được biết đến như một họa sĩ kiên trì đeo đuổi đề tài tinh thần và thiên nhiên phương Đông, từng đạt được một số thành công bước đầu, họa sĩ Phạm Hà Hải (ảnh bên) chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng vài câu chuyện nghề lẫn những dự định sắp tới của anh.

Họa sĩ Phạm Hà Hải với lặng bóng phương Ðông

Gần hai thập niên đeo đuổi đề tài tinh thần và thiên nhiên phương Đông, anh thấy đạt được điều gì?

Tôi được cho là sớm định hình phong cách, ít loay hoay (cười...). Tất nhiên, ở mỗi chặng sáng tác tôi cũng có được những dấu ấn hội họa nhất định của mình. Nếu được nói một chút về thủ pháp thì đó là tôi không muốn diễn tả sự vật một cách thông thường mà muốn đưa ra hệ thống tín hiệu, dẫn dụ người xem vào cõi tĩnh lặng gần với thiền.

Để đạt tới điều đó chắc cũng là cả sự vật lộn, trả giá?

Đi tìm vẻ đẹp trong tinh thần văn hóa di sản lưu tồn là một hành trình vô tận. Nó có ý nghĩa trải nghiệm bản thân hơn là phục vụ một mục đích nào đó. Nghệ sĩ phải chấp nhận bỏ đi những vinh quang trào lưu, không lệ thuộc hoặc chịu sự điều khiển của thị trường. Tôi đã từng suy nghĩ nhiều và cuối cùng quyết định chọn con đường này!

Họa sĩ Phạm Hà Hải với lặng bóng phương Ðông ảnh 1

Hình & Bóng số 1602, 2016, Sơn dầu & Acrylic trên toan, 90 x 120 (cm).

Nếu được nói một chút về thủ pháp thì đó là tôi không muốn diễn tả sự vật một cách thông thường mà muốn đưa ra hệ thống tín hiệu, dẫn dụ người xem vào cõi tĩnh lặng gần với thiền.

Nhiều người cho rằng ở anh cả về hình, mầu, bố cục... đều ổn. Nhưng họ cũng nói thấy thiếu ở tác phẩm của anh sự tươi mới cùng nhịp điệu đời sống hiện tại, anh nghĩ sao về những cảm nhận này?

Nếu người xem biết đến nhiều hơn những tác phẩm của tôi từ đầu những năm 2000 thì có lẽ họ không nghĩ như vậy. Năm 2015, bức Giao mùa đoạt Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc là một vinh dự nghề nghiệp với cá nhân tôi. Người xem hay bắt gặp hình ảnh sen trong tác phẩm của tôi. Sen là đối tượng khá truyền thống, nhiều họa sĩ, nghệ sĩ các quốc gia gần Việt Nam cùng vẽ. Nhưng tôi kiến tạo cái không khí của sen chứ không miêu tả và với hội họa của mình, xúc cảm cá nhân là một hiện thực bên trong, có thể với bên ngoài có những điều trừu tượng. Nhiều đồng cảm yêu thích bức đó có lẽ do họ thấy được suy cảm bản thân trong đó. Tư duy liên tưởng trong hội họa là con đường tôi hướng tới, vì thế sự khơi gợi là điều tôi đeo đuổi. Cụ thể, khi xúc cảm thu, tôi nhớ hương, vị cốm, tôi lại không vẽ cốm trong cái hiện thực hình ảnh của nó mà chỉ gợi sắc cốm ấy, bức họa ngập sắc đó là đủ. Tôi cũng thường xuyên đặt tác phẩm trong tình huống đơn sắc, kiệm sắc... cũng là vì thấy chỉ cần vậy là đủ. Mỗi mầu sắc có giá trị truyền tải riêng đặc thù với thị giác, nó khiến liên tưởng những yếu tố cơ bản nhất của vạn vật, không gian, thời gian. Như vậy, sự đóng góp của tôi góp vào một vườn hoa lớn có lẽ khiêm tốn là nhành sen lặng lẽ thậm chí là cọng sen khô trong ban mai. Bất cứ họa sĩ nào cũng mong làm được sự mới mẻ và hay. Hiện tại cũng chính là một quá khứ mà thôi.

Họa sĩ Phạm Hà Hải với lặng bóng phương Ðông ảnh 2

Sớm đông đỏ, 2016, Sơn dầu & Acrylic trên toan, 40 x 50 (cm).

Anh mong muốn các tác phẩm tới đây của mình sẽ thế nào?

Vẽ series Cảm xúc tháng 10 mới đây là khi tôi suy nghĩ nhiều về hệ thống mầu của Việt Nam. Một gảy mầu đỏ bã trầu là gợi ý khóe miệng thắm của người phụ nữ xưa, (trong hệ thẩm mỹ da trắng, tóc đen, môi thắm..), cũng là một hình tượng trong hệ thống các giá trị thẩm mỹ, văn hóa truyền thống. Đây chính là hướng tư duy sáng tác trong loạt Hình & Bóng của tôi trong giai đoạn này. “Hội họa liên cảm” mà tôi xây dựng đòi hỏi khắt khe cả không gian và thời gian. Tiếp xúc thực với tác phẩm, tác phẩm cần có chiều kích thỏa đáng với xúc cảm chủ thể... và tôi trải nghiệm bản thân trong hội họa là những giao tiếp thế giới nội tâm của mình hằng ngày với thế giới khách quan. Nó sẽ là những câu chuyện nhỏ, như lời tự thoại lặng lẽ. Đoạn trước mặt tôi đang trải ra suy tưởng về bộ Hình & bóng di sản mà như đã bắt đầu với Bóng di sản (về tháp Chàm), Sông Hồng số 1... Trong năm 2017, tôi nghĩ mình sẽ bận rộn bởi ý tưởng ứ tràn...

Cách vẽ trừu tượng có hình anh đang thực hành có thể nói đang được công chúng yêu thích. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn ở cách thể hiện này?

Sự kiệm hình hoặc tan nhòa là điều tôi đang đẩy mạnh.

Thách thức lớn nhất với anh là gì?

Lối vẽ kiệm hình sẽ đòi hỏi chất cảm trong bức họa, với tôi, nó là khí! Như thế, cần năng lượng.

Cảm ơn họa sĩ Phạm Hà Hải đã chia sẻ!