Hoa hậu H’Hen Niê:

Hoa hậu không hàng hiệu

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 khép lại đã lâu nhưng truyền thông quốc tế và trong nước không ngừng lan tỏa những câu chuyện hào hứng, thú vị về người đẹp dân tộc thiểu số đến từ Việt Nam, cô gái Êđê truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng.

H’Hen Niê luôn tự hào về mầu da nâu đặc trưng Ê Đê của mình. Ảnh | MrAT
H’Hen Niê luôn tự hào về mầu da nâu đặc trưng Ê Đê của mình. Ảnh | MrAT

Đi ra từ buôn làng

Khi đã trở thành Hoa hậu, H’Hen Niê vẫn thích kể về những ngày thơ ấu, khi còn là một cô bé tóc cháy nắng, được ba dẫn ra đồng dạy cho cách cầm liềm gặt lúa. Lên lớp 7, cô đã quen việc xạc cỏ, bứt chồi cà-phê. Làm hết việc nhà lại đi làm thuê, được trả tiền công 60 nghìn đồng cho cả ngày lao động cật lực.

Hoa hậu không hàng hiệu ảnh 1

H’Hen Niê lan tỏa năng lượng sống tích cực cho giới trẻ. Ảnh | Huỳnh Trường Thiên An


Với H’Hen Niê, lần đầu tiên Việt Nam có một cô gái “nghèo rớt mùng tơi” đăng quang với mái tóc tém, làn da nâu sẫm, và phong cách mộc mạc hồn nhiên tới mức nhiều người gọi cô là “chân dài hoang dã”. Vì thế, không có gì bất ngờ ngay sau lúc cô đăng quang, cộng đồng mạng đã xôn xao, tung ra không ít lời chê bai, thậm chí ác ý.

Điềm tĩnh đón nhận mọi bình phẩm, tân Hoa hậu nhẹ nhàng cho rằng những lời chê bai càng giúp cô tăng thêm động lực rèn giũa. Tự xưng tối giản là “Hen”, cô không ngần ngại chia sẻ quá khứ gieo neo với báo chí, không phải vì cần tìm sự thông cảm, mà để những bạn trẻ đang hoang mang tìm hướng đi trong cuộc sống có thêm sự tự tin “Hen đã làm được, thì bạn cũng làm được”. Từ việc đi phát tờ rơi, giúp việc nhà để kiếm tiền học hành và hỗ trợ gia đình, tới chuyện phải vay mượn cả tiền lẫn quần áo để dự thi nhan sắc, cô đều cởi mở với nụ cười vui vẻ trên môi.

Sự cầu thị, lạc quan học hỏi mỗi ngày dù ở hoàn cảnh nào, càng khiến công chúng thấy rõ nhân cách vững vàng, đầy tố chất không ngừng vươn lên của cô. Thí dụ H’Hen lặng lẽ quan sát “kiểu dạy con rất hay của anh chị chủ nhà”, “nhờ làm oshin mình mới biết cách tổ chức cuộc sống trong gia đình văn minh, cách sử dụng trang thiết bị nội thất hiện đại phục vụ sinh hoạt của người thành phố”, v.v.

Sau khi H’Hen Niê được trao danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cuối năm 2017, phóng viên các báo đổ xô lên Tây Nguyên săn lùng gốc gác của cô, xem buôn làng H’Hen ở đâu trong tỉnh Đác Lắc? Buôn ấy, gia đình ấy ra sao, mà sinh ra một cô gái cá tính đặc biệt, nghị lực mạnh mẽ, chiều cao lý tưởng và gương mặt đẹp lạ như thế?

Nhiều người đã thấy khung cảnh đơn sơ nơi cô chào đời, lớn lên giữa bạt ngàn nương rẫy. Ở đó, H’Hen từng gùi củi, cuốc cỏ cà-phê, chân trần lội sình những ngày mưa bão để đến trường suốt 12 năm học phổ thông như mọi bạn bè đồng trang lứa. Chỉ khác biệt, là từ tuổi dậy thì cô đã cương quyết nói “không” với lời khuyên “lấy chồng sớm đi con” của mẹ. Xem ti-vi, cô khao khát được đến những chân trời mới, nên đã lẳng lặng tự tìm cho mình một hướng đi, mà không ai ở buôn Sut M’Đưng xã Cư Suê huyện Cư Mgar này có thể hình dung ra được.

Sut M’Đưng cách Buôn Ma Thuột chưa tới 20 cây số, lại khá trù phú với những vườn cà-phê, hồ tiêu sum suê hoa trái trên đất bazan màu mỡ. Nghe mẹ cô giãi bày, tôi hiểu vì sao ngày đó mẹ H’Hen mong con gái sớm lấy chồng. “Vợ chồng mình có sáu đứa con, Hen là đứa thứ ba. Từ nhỏ nó đã không giống ai. Con gái mà cao quá, hiếu động quá, dễ gặp chuyện không hay. Nó lấy chồng sớm, sống gần bố mẹ, thì mình yên tâm hơn. May hồi đó Hen bướng bỉnh không nghe nên tương lai mới tốt như bây giờ, giúp được nhiều người, trở thành niềm tự hào của buôn làng. Nghĩ lại ngày xưa khuyên con điều không đúng, mình ân hận lắm” - mẹ cô chân thành kể.

Cho đi không cần tính đếm

Tuy nhiên, cũng chính người mẹ lam lũ ấy đã khuyên con mình: Tất cả những gì con có được không bằng công khó, mà bằng sự may mắn “trên trời rơi xuống” thì con hãy cho hết, không cần giữ lại. Buôn mình còn nhiều gia đình rất khó khăn, cần con giúp đỡ.

Khi mới đăng quang, H’Hen nói cô sẽ dành 70% số tiền thưởng nhận được để làm từ thiện, trao học bổng, giúp trẻ em nghèo. Nhưng nghe lời khuyên của mẹ, cô đã tặng luôn cả những khoản thưởng nóng bạc tỷ. Cho cha mẹ trả nợ, cho cậu tiền xây nhà, cho buôn tiền sửa đường, cho học sinh nghèo các tỉnh thành hàng nghìn suất quà để động viên các em vượt khó vươn lên. H’Hen không tiếc, cũng không bận tâm tới việc phải dành giụm cho tương lai sau này. “Hen không nghĩ xa đến thế đâu. Giúp được người khác là vui rồi. Là người mẫu rồi thành Hoa hậu, Hen vẫn xác định mình không phải là cô gái phấn son hay hàng hiệu. Hen còn trẻ, cần cống hiến nhiều cho cộng đồng. Danh hiệu sẽ giúp Hen có cơ hội thử sức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thí dụ làm đại sứ cho các chương trình thiện nguyện, hay đóng phim nếu có kịch bản phù hợp. Chỉ cần cho Hen được sống đúng là chính mình, thì ngày nào Hen cũng thấy hạnh phúc!”.

Chỉ sau vài tháng “gồng mình” dịu dàng, duyên dáng “cho giống Hoa hậu” sau khi đăng quang, H’Hen đã nhận ra những kiểu cách khuôn phép đó thật sự không phải là cô. Và việc phải cố gắng sống cho giống ai chỉ là áp lực ảo, cô không cần phải chuốc lấy để gánh trọng trách đè nặng thêm lên đôi vai nhỏ của mình. Từ đó, nhiều người hâm mộ Hoa hậu H’Hen có thể thấy cô thoải mái mang dép lê ra chợ mua rau củ trái cây, hoặc cười nói thoải mái, tâm sự thẳng thắn chẳng cần đắn đo suy nghĩ trước mọi ống kính tò mò.

Mà một sơn nữ trong veo, thì có gì khuất tất cần che giấu? H’Hen chia sẻ căn nhà đẹp tại TP Hồ Chí Minh cô đang ở là tiêu chuẩn hai năm của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, với các dịch vụ kèm theo như spa, trang điểm, xe hơi có tài xế khi hết nhiệm kỳ cô sẽ trả lại. Cái còn mãi là danh hiệu Hoa hậu, sẽ giúp Hen trong nhiều việc khác. Cô biết cách tĩnh tâm, biết cần làm gì để tích lũy năng lượng tích cực cho mình nên luôn hài lòng với tất cả mọi thứ đang có.

Trong nhiều sự kiện, H’Hen thường cột ở cổ tay dải băng đỏ mang ý nghĩa chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. H’Hen còn đưa mẹ đến ủng hộ con gái tại nơi cô vận động mọi người góp sách để xây dựng thư viện cho thiếu nhi các buôn làng vùng sâu. Mỗi khi trở về làng, cô cùng mẹ nấu món canh cà đắng ưa thích, mang dép lê gùi quà đi phân phát khắp buôn. Gặp xóm giềng nào H’Hen cũng cười giòn giã nhưng mắt cô lại không ít lần rưng lệ trước tình cảm gắn bó chốn quê nhà. Gần đây, cô thú thật đã rung động trước một người, chỉ xin giữ bí mật tới khi nào cô có thể chính thức gắn bó với người ấy, để được sở hữu “cả một đội bóng và đàn chó đốm”, như H’Hen từng mơ mộng.

Ông Y Wem H’wing Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar hào hứng kể: Hen vào tới top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thì quá vinh dự, tự hào cho dân tộc Ê Đê. Trả lời phỏng vấn báo đài nào Hen cũng nói tự hào về màu da, tiếng nói và gốc gác Cư M’gar. Mình rất ủng hộ. Phải biết ơn cội nguồn đã cho mình bản sắc riêng, thì mới có cái mà thi thố với người ta chứ ! Hồi H’Hen mới đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cả huyện đã vui như Tết. Mình điện thoại chúc mừng và hỏi: Em muốn huyện đón kiểu nào? Không ngờ Hen trả lời: Em ước được về làng trên xe máy cày. Thế là mình nói xã tổ chức đoàn xe máy cày ra đón. Nghĩ gì làm nấy vậy thôi, ai biết rốt cục hình ảnh Hoa hậu về làng trên xe máy cày lại được hâm mộ và lan truyền khắp thế giới...