Giọt nước mắt của Hoàng Dũng

80 tập phim truyền hình “Sinh tử” trên sóng VTV1 đã phát sóng tập cuối cùng. Cuộc đời biên kịch, mỗi khi đứa con tinh thần của mình thoát khỏi trang giấy qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn và đoàn phim để nó hiện hình hài trên màn hình và khép lại, dù hay dù dở bao giờ cũng để lại cho tôi những cảm giác bâng khuâng có chút hẫng hụt. Một sự kết thúc thường là như vậy.

Ký họa chân dung NSND Hoàng Dũng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung NSND Hoàng Dũng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Với “Sinh tử” hình ảnh Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Dũng trong vai chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa ở thời khắc cuối cùng của phim trong trạng thái khóc, cười cay đắng, nhất là những giọt nước mắt ân hận và đau đớn của sự sai lầm, thất bại quan trường, gieo vào tôi những xúc cảm mãnh liệt. Lúc đó dường như tôi quên mất mình là người đã tạo dựng ra nhân vật ấy. Nhân vật đã vượt qua vòng tay cha đẻ của nó và hơn thế nếu đủ sức sống nó sẽ bước ra khỏi được màn hình đi vào cuộc đời. Nếu làm được như vậy chỉ có thể là tài năng của diễn viên. Tôi không nói nhân vật Trần Nghĩa sẽ bước được ra khỏi màn hình nhưng có điều chắc chắn, NSND Hoàng Dũng, một tài năng đích thực, chỉ có ông mới đủ phẩm chất để cộng hưởng tạo ra những nhân vật như Trần Nghĩa.

“Sinh tử” là một bộ phim chính luận với hệ thống nhân vật quyền lực cấp tỉnh. Thú thật ở dạng phim này cái lo nhất là diễn viên cho những quyền lực chủ chốt. Khi manh nha “Sinh tử” từ gần chục năm trước tôi đã nghĩ đến Hoàng Dũng. Nói thêm chỗ này, biên kịch chỉ là người làm phim trên giấy. Quyền chọn diễn viên ai đóng vai nào là do đạo diễn. Thế nhưng khi viết ở những nhân vật quan trọng tôi hay nhắm đến diễn viên cụ thể. Hoàng Dũng là trường hợp như thế ở “Sinh tử”.

Làm nghề biên kịch tôi có điều kiện quen biết khá nhiều diễn viên. Thế nhưng có lẽ do đặc thù nghề nghiệp nên chúng tôi ít chơi với nhau. Bạn bè thân thiết là diễn viên với tôi hầu như không có. Nhưng không phải vì thế mà họ là những người xa lạ. Với Hoàng Dũng cũng vậy, tôi biết ông khá lâu ở những vai diễn đình đám trên sâu khấu kịch nói. Hoàng Dũng nổi từ kịch của Lưu Quang Vũ với “Tôi và chúng ta” và hai vở “Hà Nội đêm trở gió”, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai bằng cách diễn xuất xuất sắc.

Dạo sân khấu còn thời hoàng kim, những diễn viên như Hoàng Dũng luôn có đất để phất lên với những vai diễn để đời. Vốn là người yêu sân khấu từ nhỏ tôi đã tìm đến ánh đèn mê đắm của sàn diễn để may mắn được biết đến những thế hệ diễn viên xuất sắc các thời từ Lại Phú Cương, Trúc Quỳnh, Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Trần Tiến, Thế Anh... đến lớp sau của Hoàng Dũng và những thế hệ diễn viên kế cận. Tôi cứ nhớ mãi Hoàng Dũng với vai diễn Cả Khoa trong vở kịch “Cát bụi” do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng. Ấn tượng cách diễn của ông và dàn diễn viên trong một vở kịch đậm chất sáng tạo, tôi đã làm một việc chưa từng vốn không phải chuyên môn của mình là viết một bài phê bình sân khấu đăng trên báo Lao Động. Đó cũng là lần duy nhất tôi viết về sân khấu.

Cơ quan tôi là nơi sản xuất phim truyền hình nên hội tụ nhiều diễn viên. Trường Sân khấu và Điện ảnh vẫn đào tạo diễn viên thường niên nhưng nguồn diễn viên chủ yếu của phim ảnh lại đến từ các nhà hát kịch. Không ngoài trào lưu, NSND Hoàng Dũng tham gia một số phim, với tài diễn xuất của mình, khuôn mặt ông trở nên quen thuộc với khán giả màn hình. Là lãnh đạo Nhà hát kịch Hà Nội từ nhiều năm trước nhưng với niềm đam mê nghiệp diễn, Hoàng Dũng vẫn tranh thủ thu xếp công việc để đi đóng phim. Ở vị thế diễn viên gạo cội và trách nhiệm với nghề, Hoàng Dũng là người luôn kén vai. Năm 2011, tôi có kịch bản dài tập “Đàn trời” viết về một tỉnh miền núi. Đạo diễn Huy Thuần mời Hoàng Dũng vào vai chủ tịch Ấn, một quan chức có lối sống buông thả với kết cục bị xử lý pháp luật. Thói quen của Hoàng Dũng là ông chỉ nhận lời sau khi đọc kịch bản thấy mình hợp vai và đấy phải là một kịch bản thuyết phục được ông.

Khi phim phát sóng tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục về vai diễn chủ tịch Ấn. Những gì tôi gửi gắm sau những con chữ được Hoàng Dũng thấu hiểu và khai thác triệt để. Khi “Đàn trời” kết thúc, tôi gặp Hoàng Dũng ngỏ lời cảm ơn. Cũng thời điểm ấy, tôi triển khai kịch bản “Sinh tử” và nung nấu trong tôi vai chủ tịch Trần Nghĩa không ai khác có thể đảm nhiệm ngoài Hoàng Dũng. Bởi thế, sau nhiều năm ấp ủ, khi viết chính thức năm 2018, bằng những gì đã biết về Hoàng Dũng tôi dồn góp mọi thứ từ kinh nghiệm, kỹ thuật đến tình cảm vào nhân vật Trần Nghĩa trong hình hài Hoàng Dũng. Hình dung của tôi trong quá trình làm kịch bản là một “Hoàng Dũng” mạnh mẽ, quyết đoán, mưu lược thậm chí thủ đoạn, cơ hội không từ chối lợi ích như mẫu những quan chức hiện đại, nhưng sau cùng đó là một con người của công việc của phát triển xã hội nhưng chắc chắn sẽ mắc sai lầm, khuyết điểm. Bao nhiêu giằng kéo và đầy mâu thuẫn, một nhân vật khá phức tạp.

Viết gần xong thì tôi gặp Hoàng Dũng. Tôi hồ hởi khoe kịch bản và mời hai người vào vai bí thư Văn Thành Nhân và chủ tịch Trần Nghĩa. Hoàng Dũng nhắc lại vai chủ tịch Ấn trong “Đàn trời” vai mà ông cũng đầy thích thú có ý so sánh với vai chủ tịch Trần Nghĩa. Tôi tự tin khẳng định Trần Nghĩa quy mô hơn, đa diện, sinh sắc hơn và lẽ dĩ nhiên hay hơn là cái chắc. Hoàng Dũng cười cười xã giao nhưng có vẻ hứng khởi về vai diễn này. Khi kịch bản hoàn thành, tôi đề nghị NSUT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất Phim truyền hình Việt Nam về vai diễn Trần Nghĩa và Văn Thành Nhân. Đề nghị của tôi trùng hợp với dự kiến của vị đạo diễn rất biết kén măt trao vàng này. Chỉ tiếc Trung Hiếu không tham gia vì bận việc riêng.

Ít gặp nhưng lần gặp nào tôi cũng chứng kiến một Hoàng Dũng lịch lãm kiểu trai phố cổ. Nhà Hoàng Dũng ở phố Hàng Đường, có cửa hiệu do vợ ông quản giữ. Ông hay đùa cợt mình không có quê, tôi ngờ rằng Hoàng Dũng nói thế chỉ để “khoe” mình là dân gốc Hà Nội. Dù tôi chưa một lần đến tư gia của ông nhưng tôi biết ông thuộc típ người của gia đình. Nghĩa là nhà cửa, vợ con nền nếp không xê dịch, phóng túng. Hoàng Dũng hạnh phúc bên người vợ tảo tần và hai đứa con trai thông minh ngoan ngoãn. Con trai lớn của ông lại không theo nghề bố dù đó là một diễn viên có triển vọng, phát huy năng khiếu từ nhỏ.

Bề ngoài nom Hoàng Dũng mượt mà, kiểu mượt mà chải chuốt sang trọng từ quần áo, giày dép đến các phụ kiện như kính, bút, đồng hồ đều hàng hiệu đắt tiền. Với một người như Hoàng Dũng lại là trai phố cổ thì những thứ đó hoàn toàn phù hợp và xứng đáng. Nói thật đứng bên cạnh Hoàng Dũng tôi nom hệt như một anh xe thồ thô kệch. Biết làm sao được mỗi người có một phận phúc trời cho. Hoàng Dũng ngoài đời đúng như một cán bộ cao cấp từ dáng vẻ đến ăn nói. Với đồng nghiệp tôi được nghe nhiều diễn viên kính trọng và ca ngợi anh. Riêng với tôi khi gặp nhau bao giờ Hoàng Dũng cũng niềm nở, lịch sự một cách thân tình, quý trọng. Chỉ điều đó đã đủ cho tôi nhìn nhận anh là một người Hà Nội đúng chất.

NSND Hoàng Dũng tuổi Bính Thân (1956). Năm 2007, ông nhận danh hiệu NSND và chức vụ Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Nghề diễn cho ông nhiều thành tựu qua hàng trăm vai diễn ở cả sân khấu, điện ảnh truyền hình. Trước vai Trần Nghĩa trong “Sinh tử” Hoàng Dũng thành công vang dội với cuộc đời ông trùm Phan Quân trong phim “Người phán xử” và nhân vật ông Luật ở “Về nhà đi con”. Vẫn biết con đường nghệ thuật của Hoàng Dũng còn trải dài nhưng ở thời điểm này đã có thể nói sự nghiệp của người nghệ sĩ tài hoa này đã đơm hoa kết trái một cách rực rỡ bằng tinh thần lao động nghiêm túc đầy trọng thị nghề.