Giấc mơ “quốc tế” của phim

Giấc mơ bay cao trên bầu trời quốc tế là giấc mơ cháy bỏng, chính đáng của khoa học, của bóng đá, của văn hóa Việt Nam. Nghe đến hai chữ “quốc tế”, khối người run sợ, khối người tự hào, khối người xúc động và lắm kẻ kiêu hãnh. Nhưng than ôi, nếu cái gì cũng có ba bảy đường, thì “quốc tế” có khi tới bảy mươi đường, đặc biệt là trong điện ảnh, nhiều đạo diễn, nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở lĩnh vực “Cinema” đã, đang và sẽ còn khoe nhiều giải thưởng do thiên hạ trao tặng một cách oang oang, mà không hề biết, hoặc vờ như không hề biết những thứ “toàn cầu” đó là giá trị vớ vẩn.

 Giấc mơ “quốc tế” của phim

Theo nhiều số liệu, cứ mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn ba nghìn liên hoan phim hay ít nhất cũng có vài trăm. Nghĩa là không ngày nào trên hành tinh này không có một “Festival” phim quốc tế khai mạc.

Nếu như ở Việt Nam, muốn tổ chức một liên hoan phim phải làm hồ sơ, phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép, vô cùng rắc rối và gần như không thể được, bằng chứng là cho đến nay cũng chưa từng có một liên hoan phim tư nhân nào được tổ chức, thì ở “quốc tế” bất cứ ai từ anh Tèo đến chị Tý, muốn lập ra liên hoan phim, muốn mời ai đến dự, muốn cho ai làm giám khảo và muốn phong mình là giám đốc hay chủ tịch đều được hết, vấn đề là làm sao để các phim lớn, các đạo diễn lớn tham gia mà thôi.

 Giấc mơ “quốc tế” của phim ảnh 1

Minh họa | Lê Trí Dũng


Rất nhiều liên hoan phim do tư nhân tổ chức, cứ nộp lệ phí là được tham gia, cứ nộp lệ phí là có giải, và giải... không ma nào biết, có biết cũng chỉ cười. Thậm chí một nước ở gần chúng ta, nếu tôi không nhầm, tới giờ phút này chưa sản xuất một bộ phim truyện nào, cũng đã từng có Liên hoan phim quốc tế... cách đây hơn chục năm.

Cho nên, nếu bạn ra hàng băng đĩa, bạn sẽ thấy rất nhiều phim chả ma nào xem, hoặc xem khó hiểu, hoặc xem dở ẹc, hoặc vừa khó hiểu vừa dở ẹc, được in la liệt các vòng nguyệt quế trên bìa, nghĩa là đã nhận rất nhiều giải quốc tế. Nếu bạn là một nhà làm phim độc lập, bạn không có ai nhận phát hành tác phẩm của mình cả chỉ vì khi chiếu chỉ có mỗi bản thân bạn hiểu, cứ mạnh dạn, cứ phấn khởi lên mạng tìm địa chỉ rồi gia nhập “cái chợ” quốc tế, bạn trước sau gì cũng được bỏ tiền túi ra mua vé và được lãnh giải.

Đừng bao giờ ngạc nhiên khi thấy một bộ phim Việt Nam mình xem xong thấy chán ơi là chán, tự nhiên được giải ở Angola, ở Afghanistan...

Trừ giải Oscar, trên thế giới hiện nay chỉ có ba liên hoan phim hạng nhất, ai đoạt giải rất danh giá là giải Cannes tức Cành Cọ Vàng, giải Berlin tức Gấu Vàng và giải ở Venezia tức Sư Tử Vàng. Những liên hoan phim này tuyển chọn tác phẩm rất kỹ, mỗi lần chỉ chấm mười mấy bộ phim và những phim đó phải chưa bao giờ chiếu ở đâu hết. Còn những siêu phẩm cứ đi khắp năm châu bốn biển cả năm trời, nhận chỗ này một giải, chỗ kia một giải thì rất khả nghi!

Cũng chỉ có ở ta, mới tồn tại thứ phim để chiếu cho khán giả và thứ phim để đi thi. Thật ra, bất cứ một nghệ sĩ nào làm xi-nê cũng mong mỏi được công chúng đón nhận. Chẳng có ai muốn làm phim cho bạn bè xem, cũng như chẳng có họa sĩ nào muốn vẽ tranh rồi treo trong bếp nhà mình. Nhưng một khi bị rạp chê, bị khán giả quay lưng, hoặc đoán rằng sẽ không ăn khách, bèn tuyên bố tôi làm để ra “quốc tế”, đấy là một cách chạy tội hoặc một cách chữa ngượng mà thôi.

Nhưng cũng không thiếu anh bịp bợm, cách đây mấy chục năm đã có một đạo diễn Việt Nam làm ra một bộ phim tài liệu về thể thao mang đi dự thi ở Italia. Được giấy chứng nhận đã tham gia, trên giấy đó có in hình nguyệt quế mà anh ta cứ tưởng là cành cọ nên vội vã tuyên bố vung vít là mình đoạt Cành Cọ Vàng. Khi bị phát hiện ra đạo diễn suýt đòi tự tử. Trường hợp này đến bây giờ vẫn còn nhiều người nhớ.

Và ngay cả có đi thi, có được giải ở một liên hoan phim lớn đi nữa, tác phẩm ấy chắc gì đã giá trị vì văn hóa có tính đặc trưng rất cao, thí dụ như áo dài Việt Nam chắc gì người Nhật đã thấy hết vẻ đẹp, ngược lại kimono Nhật Bản chắc gì con gái Việt Nam đã thích, do vậy khi ban giám khảo ngoại quốc trao giải cho ta họ có thể nhìn ở những góc độ mà ta vô cùng thấy khác biệt.

Một nhà văn đã viết “Hãy đi tới tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Không thể làm phim ở Việt Nam mà không quan tâm tới tâm hồn Việt Nam, chỉ mong chờ vào sự công nhận của một nền văn hóa xa lạ khác!