Gặp “cô Lan” ở Bắc Kinh

Nhiều người gọi giáo sư Triệu Ngọc Lan là “học giả am hiểu Truyện Kiều nhất Trung Quốc hiện nay”; là giảng viên tiếng Việt và văn học Việt Nam của trường Đại học Bắc Kinh danh giá..., nhưng với tôi, bà luôn là “cô Lan” giản dị và ấm áp.

GS Triệu Ngọc Lan và GS Hoàng Mẫn Trung (thứ ba và thứ tư từ trái sang) tiếp đón các bạn Việt Nam đến chơi nhà.
GS Triệu Ngọc Lan và GS Hoàng Mẫn Trung (thứ ba và thứ tư từ trái sang) tiếp đón các bạn Việt Nam đến chơi nhà.

Có cách gọi thân tình này vì hơn 20 năm trước cha tôi dẫn đầu đoàn nhà văn Việt Nam sang Trung Quốc công tác, cô Lan làm phiên dịch. Sau đó, cô Lan lại sang Hà Nội nghiên cứu về ngôn ngữ gần một năm, thường đến nhà thăm bố mẹ tôi. Tôi hay trò chuyện, giúp cô sửa một vài cách diễn đạt trong tiếng Việt nên được cô gọi đùa là “tiểu sư phụ”. Giao thừa hằng năm cô luôn thức muộn (Việt Nam đón năm mới sau Trung Quốc một giờ) để gọi điện thoại chúc Tết tất cả các thành viên trong gia đình, không năm nào sai. Năm ngoái, cô Lan là khách mời chính thức dự lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du với tư cách tác giả cuốn sách “Kim Vân Kiều truyện” - Dịch thuật và nghiên cứu.

Những ai gặp cô Lan lần đầu sẽ không nghĩ cô đã 72 tuổi, thậm chí chỉ đoán cô mới ngoài 50. Cô nói chuyện rất sôi nổi và hài hước. Cô thường sải những bước đi nhanh nhẹn, khi cần có thể chạy như thanh niên. Dẫn chúng tôi tham quan Đại học Bắc Kinh, cô khiến mọi người mệt bở hơi tai mới theo kịp. Cô giải thích: “Người Trung Quốc quan niệm, con người ta bắt đầu già từ chân già đi, vì vậy tập đôi chân là quan trọng nhất”. Sáng nào cô cũng đi bộ nhiều ki-lô-mét. Cô bảo, phải tích cực rèn luyện sức khỏe vì mình đang giữ nhiều chức bộ trưởng nhất trong nhà: y tế, ngoại giao, nội vụ, tài chính..., mà bộ nào cũng chỉ có mỗi hai thành viên là cô và... thầy Trung. Cô vẫn quen gọi chồng theo cách như vậy vì giáo sư Hoàng Mẫn Trung là thầy giáo dạy cô thời sinh viên và cũng là một học giả rất giỏi tiếng Việt. Năm nay giáo sư Trung đã ngoài 90, các con lớn ở xa, việc chăm sóc ông do một mình cô đảm đương cả. Bà 70 chăm ông 90, đủ thấy cô vất vả thế nào. Vất vả nhưng tính cô luôn vui vẻ, lạc quan. Hôm chúng tôi đến chơi nhà, giáo sư Trung nói vui, mình thật tốt phước mới lấy được người vợ như cô Lan. Thế thì chắc em là người “vô phước” rồi, cô đùa lại khiến tất cả cười rũ. Dù nhận được nhiều lời mời giảng dạy và hội thảo cả trong nước lẫn quốc tế, tuy rất thích nhưng cô luôn từ chối chỉ vì không yên tâm để “thầy Trung” ở nhà một mình.

Cô Lan thuộc lớp phụ nữ trí thức điển hình thời xưa, quá ân cần và quá chu đáo. Hôm cô mời chúng tôi đến nhà chơi, trên đường đi cô liên tục gọi điện thoại nhắc nhở, mặc áo ấm chưa, đi tầu điện ngầm đúng ba ga thôi nhé, nhớ lên cổng phía đông, muốn ăn món gì để cô nấu... Tàu dừng, đã thấy cô sốt ruột đứng đón ở cửa lên xuống, vì lo chúng tôi lạc đường. Vừa bước vào nhà cô dắt ngay xuống bếp bắt rửa tay trước khi ăn, cứ như chúng tôi vẫn còn đang tuổi mẫu giáo. Trong lúc cô dọn bữa, chúng tôi tranh thủ khám phá căn hộ ba phòng của vợ chồng cô, tiêu chuẩn của các giáo sư có nhiều thâm niên giảng dạy mới được mua. Cách bài trí giản dị mà trang nhã. Cơ man là sách. Trên những giá sách ngăn nắp tôi đọc thấy: “Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu”, “Kiều học tinh hoa”, “Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều”...; rất nhiều từ điển: “Từ điển chữ Nôm”, “Từ điển Hán - Việt hiện đại”, “Bảng tra chữ Nôm”, v.v. Tất nhiên không thể thiếu cuốn “Kim Vân Kiều truyện” - Dịch thuật và nghiên cứu của cô do NXB Đại học Bắc Kinh ấn hành năm 2013. Nhìn vào kho tư liệu này có thể thấy thái độ khoa học nghiêm túc, cẩn trọng của tác giả, đã tra cứu và phân tích rất nhiều tư liệu khi dịch Truyện Kiều.

Gặp “cô Lan” ở Bắc Kinh ảnh 1
Gặp “cô Lan” ở Bắc Kinh ảnh 2

Những tác phẩm về Truyện Kiều trên giá sách nhà GS Triệu Ngọc Lan.

Tính đến nay có không dưới 11 bản dịch Truyện Kiều sang Trung văn, nhưng theo đánh giá của giới nghiên cứu thì “Bản dịch của Triệu Ngọc Lan là sự kế thừa và phát huy có hiệu quả các bản dịch của những người đi trước và có thể nói là bản thành công hơn cả. Nếu như bản dịch của Hoàng Dật Cầu dù giữ được hơi hướng cổ điển và tính điển nhã của thơ ca nhưng lại tồn tại nhiều sai sót; bản của La Trường Sơn và Kỳ Quảng Mưu do chú trọng lối diễn đạt gần gũi, dễ hiểu nhằm thỏa mãn độc giả hiện đại mà vô tình “thông tục hóa” tác phẩm; thì bản dịch của Triệu Ngọc Lan đã dung hòa được hai cách dịch trên, vừa giữ được cả cái “cao nhã” và cái “thông tục”, lại khắc phục được nhiều sai sót của các bản dịch trước, cho nên, dù chưa thể nói là hoàn hảo, nhưng có thể khẳng định đây là bản dịch sang tiếng Trung có chất lượng nhất cho đến thời điểm này”.

Điều đặc biệt trong cuốn sách này là ngoài phần “dịch thuật” còn có phần “nghiên cứu” gồm ba bài viết với những đánh giá mới mẻ về Truyện Kiều khác với những người đi trước, đó là: “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và một số vấn đề suy ngẫm”, “Bàn về dịch Kim Vân Kiều truyện sang Trung văn”, “Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc”.

Cô chia sẻ: “Xuất phát từ sự tôn kính và cảm phục đại thi hào Nguyễn Du, đi đôi với công tác giảng dạy, mà chúng tôi đã đi sâu vào nghiên cứu Truyện Kiều và dịch sang tiếng Trung, để cho độc giả (Trung Quốc) được đọc và thưởng thức tác phẩm kinh điển có “duyên nợ” mật thiết với văn hóa Trung Quốc... Trong Truyện Kiều, việc đúc rút và vận dụng các nhân tố văn hóa Trung Quốc của Nguyễn Du đã đạt tới ngưỡng xuất thần, văn chương điêu luyện đặt bút tuôn trào”.

Tôi hỏi cô, dịch Truyện Kiều mất bao nhiêu lâu. “Chừng sáu đến bảy năm, cháu ạ!”. Dịch thơ đã khó, dịch đại kiệt tác thơ như Truyện Kiều càng khó bội phần. Sáu, bảy năm dịch sách nhưng là cả một đời nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Cô Lan được coi là người đóng vai trò cầu nối quan trọng trong giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung - Việt nhiều năm qua. Ngoài dịch tác phẩm Truyện Kiều, cô còn là tác giả của “Giáo trình dịch Việt - Hán”, “Tuyển tập văn học Việt Nam hiện đại”, cùng nhiều công trình nghiên cứu khác về văn học Việt Nam.

Tôi tò mò hỏi thêm, sắp tới cô có tác phẩm mới nào không? Cô mỉm cười, lắc đầu “không”, rồi chỉ tay sang giáo sư Hoàng Mẫn Trung: “Thầy Trung lớn tuổi rồi, bây giờ, đây là tác phẩm quan trọng nhất của cô”. Thật hạnh phúc cho những ai có một người tri kỷ tận tụy, hy sinh như thế! Đến lúc đó tôi mới hiểu sâu sắc hơn vì sao giáo sư Trung nói mình là người tốt phước.

Có một điều thú vị nữa là cô Lan sinh năm Dậu. Trên giá sách nhà cô, ngoài những món đồ lưu niệm gợi nhớ về những chuyến đi sang Việt Nam còn có một bức tranh gà rất đẹp. Theo sách xưa, người tuổi gà thường là người trung hậu và thủ tín. Trong chuyến đi Trung Quốc công tác cách đây chưa lâu, được gặp lại cô Lan ở Bắc Kinh là một trong những thu hoạch lớn nhất của tôi.