Văn hóa cuộc sống

Độc dược tin đồn

Văn hào người Đan Mạch là Andersen (1805-1875), với vẻ ngoài hom hem giống như trọng bệnh, có kể một chuyện rất hóm về tin đồn. Đại loại một nàng gà mái khi đang thanh thản dạo chơi ngoài vườn lộng gió, thì khẽ rơi một sợi lông cánh.
Minh họa: HẢI KIÊN
Minh họa: HẢI KIÊN

Một nàng gà khác vô tình nhìn thấy, quá vui mồm nên đem “buôn dưa lê” với một đám bạn gà rách việc cả trống lẫn mái. Cho dù hồi ấy chưa có mạng xã hội nhưng qua tai nghe của F1, F2... “dĩ ngoa truyền ngoa”, cuối cùng câu chuyện “rụng một cái lông” đã thành “một thiếu phụ gà mái vì quá mê một trung niên gà trống nên đã tự vặt trụi lông cánh của mình”. Nếu kết thúc ở đấy thì độc giả cũng chỉ bật cười, nhưng Andersen vĩ đại đã nhân văn rưng rưng cay đắng kể tiếp. Khi chính nàng gà mái đầu tiên (F0) nghe lại được chuyện đó, thì chu mỏ đi đâu cũng rêu rao, “có một nàng gà vì thất tình, đã tự vặt toàn bộ lông mình...”. Tất nhiên cả cộng đồng gà xôn xao cảm thán, ngủ không yên, ăn không ngon.

Trong bối cảnh cơn bão Covid-19 hôm nay, khi toàn thế giới đang nghiêm túc cẩn trọng trong từng việc đưa và nhận thông tin, thì cái thứ nhan nhản thất thiệt tin đồn chính là đại dịch. Không kể đám chủ động tung tin với nhiều động cơ thấp kém khác nhau, thì chính nạn nhân nhận tin vì vô ý thức rồi vô trách nhiệm truyền mồm, thường là tác nhân truyền bệnh. Và những người nguy hiểm nhất là những người mang vẻ dư dật hiểu biết có học. Bởi đơn giản họ luôn muốn tỏ ra mình là không nhạt, là mặn mòi, là uyên bác. Họ “chém gió” phần phật theo nguyên tắc của tiểu thuyết dã sử hai xu, “ba thực bảy hư”. Đám liều lĩnh chế “fake news” còn khoan khoái thêm mắm thêm muối tới mức ti tiện, bất chấp mình đã và đang hủy hoại lòng tin vốn dĩ mong manh ở những người trong trắng thiện lương. Thật ra, nói theo kiểu của Andersen, “các nàng gà mái” thích nghe rồi kể lại tin đồn đều khá đáng thương. Vì tầm thường về tri thức nên họ nhang nhác giống những tay kém bản lĩnh lên gồng kể chuyện ma. Giọng hồi hộp run run tự nửa tin nửa ngờ, chỉ cần trong đám nghe có tay nào thất thanh hù lại, thì họ hốt hoảng sợ đến xanh mặt.

Ở thời tràn lan internet vừa phẳng vừa linh tinh phức tạp, có một nguyên tắc sơ khởi từng được dạy nhuyễn từ cấp học phổ thông, “tiếp nhận thông tin là một chuyện, xử lý thông tin lại là một chuyện”. Những người tiếp nhận tin đồn nửa chính nửa tà rồi hấp tấp xử lý kém, đa phần đều đáng chê trách, nhất là khi họ có bằng cấp cao. Cứ nhìn rất nhiều ứng xử sau cái đêm Hà Nội minh bạch công bố bệnh nhân “cô vi” thứ 17 thì nhiều người điềm đạm tử tế chợt nhiên buồn bã cười như mếu. Ở một siêu thị nườm nượp người loay hoay chen nhau đang trả tiền hàng đã mua, có một thiếu phụ hao hao như gà mái, mang vẻ đã tốt nghiệp đại học. Hẳn vì ngấm đẫm những tin đồn nhảm, nên nàng xông xáo khắp các kệ vét sữa, vét trứng, vét thịt lợn, vét mì tôm. Khi thanh toán bốn gói gia vị hay bột nêm gì đó, thì ông chồng đi cạnh chắc để khênh hộ, có bớt lại một gói với lý do hình như nhà vẫn còn. Bỗng có một thiếu phụ khác chộp luôn. Kể từ đấy cho đến lúc lạch bạch trĩu nặng hả hê ra xe hơi của nhà mình, nàng vợ quang quác mắng chồng. Ông chồng với vẻ ngoài công chức nhẫn nhịn mở cốp xe. Chúa ôi, trong đó đã là hai bịch tướng gạo, sáu thùng mì ăn liền, cả đống bắp cải, su hào, cà rốt... Và ngạc nhiên nhất là một túi ni-lông căng phồng chừng mười cân đủ loại rau mùi, rau thơm đã chơm chớm úa vàng. Ông chồng như bàng hoàng nhớ lại cái ông xếp hàng sau mình. Ông này mặt mũi sáng sủa, có lẽ đã tốt nghiệp thạc sĩ, liên tục ngong ngóng lướt facebook. Ông ta bối rối đứng ở quầy rau tươi còn nhõn hai quả bí đỏ dập cuống thì tần ngần nhặt nốt. Cứ nhìn vẻ lưỡng lự ở ông ta, rất dễ đoán là cả đời ông này chưa bao giờ ăn bí đỏ.

Trong diễn biến đầy phức tạp của dịch Covid-19, thì chưa lúc nào lại cần những người xử lý chính xác thông tin như lúc này, đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu chuyên ngành và các nhà lãnh đạo đầy tâm huyết. Họ là những người đủ vị thế kiến thức và thường có trách nhiệm lên tiếng đúng lúc. Công cuộc “chống dịch như chống giặc” ở ta tuy gian nan, nhưng chắc chắn sẽ thắng lợi, đó là nhờ chúng ta có không ít những con người đáng yêu như vậy. Thật ấm áp khi được nghe những thông báo chính thức từ Bộ Y tế, các con số ngay ngắn minh bạch về những bệnh nhân dương tính vừa được điều trị khỏi. Rồi những tin tức rưng rưng cảm động về các bác sĩ trẻ quên mình cứu người. Tất nhiên, chẳng ai có thể chủ quan, nhưng cũng đừng bị tin đồn làm hoang mang tới mức tranh nhau xếp hàng đi tích trữ bí đỏ.

Một trong những nỗi sợ “cô vi” là vì nó chưa có thuốc đặc trị. Có điều, cứ bình tĩnh nhớ lại lịch sử tồn tại của loài người, không ít lần chúng ta đã phải đối diện với các dịch bệnh nan y tuyệt không thuốc chữa. Và nhân loại vẫn lạc quan vượt qua. Không phải cứ trong hoàn cảnh độc hại thì con người sẽ bị nhiễm độc. Bởi sâu xa trong mỗi chúng ta luôn hiện hữu một thiêng liêng sinh lực để cao cả thăng hoa sống. Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật có điềm đạm giải thích. “Như một bàn tay lành lặn ngâm trong bát thuốc độc, nó không bao giờ bị nhiễm”. Ý của đấng Đại Trí Đại Giác rất rõ ràng, đừng nhiễu loạn giống như những nàng gà mái. Ngoài việc thường xuyên rửa tay giữ cho lành lặn, thì trong lúc bát nháo thông tin ở ngày nay, người tiếp nhận thông tin nên giữ cho tâm trí mình luôn lành mạnh. Ngoài các chế tài nghiêm minh từ pháp luật, thì cao hơn hết vẫn là ý thức tự giác về vai trò công dân trong mỗi người. Và một trong những cách đơn giản nhất để duy trì nó là thực hành Bát Chính Đạo (tám điều đúng) của Đức Phật đã dạy. Mà ba điều đầu tiên nôm na là : cách nhìn đúng (chính kiến), cách nghĩ đúng (chính tư duy), cách nói đúng (chính ngữ). Một tâm thế công chính thông minh trong trắng, chắc chắn sẽ không bao giờ bị vẩn đục bởi độc dược tin đồn.