Đô thị Việt đi về đâu

Có một mệnh đề luôn ám ảnh triết học và tôn giáo, đó là “nhân loại từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu”. Trên lộ trình vừa vô thức vừa ý thức đi tìm sự trả lời cho câu hỏi mang vẻ siêu hình này, rất nhiều những bậc thức giả đã có những đóng góp đầy thực tiễn, mở đường thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Khoa học gia người Anh là Darwin chẳng hạn. Lý thuyết “tiến hóa luận” của ông là một trong ba trụ cột xây lên chủ nghĩa duy vật biện chứng, một học thuyết vĩ đại mà ngày nay trên thế giới vẫn được nhiều quốc gia áp dụng. Lịch sử kiến trúc hoặc cụ thể hơn, lịch sử xây dựng và phát triển đô thị cũng như thế thôi. Ngôi nhà đầu tiên v&

Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG

Ở ta, nếu chỉ nhìn từ khía cạnh thời gian, thì quá trình hình thành những đô thị đương đại đều không dài. Bởi Việt Nam thời phong kiến cũng như nhiều quốc gia theo văn hóa phương Đông khác, thì khẩu hiệu “trọng nông ức thương” được các thể chế quân chủ đương nhiên coi là mặc định. Mà thương gia bao giờ cũng là lớp thị dân đầu tiên. Kể cả tới ngày hôm nay, nhiều nét văn hóa làng xã vẫn tồn tại bền vững ngay trong lòng các đô thị hiện đại. Hội An là kiểu đô thị cổ kính thì không nói làm gì, nhưng cứ thử nhìn từng ngôi nhà trong mỗi phố cổ Hà Nội mà xem. Đôi khi câu trả lời cho một văn hóa đô thị Việt tương lai thấp thoáng nằm ở đó.

Lịch sử kiến trúc phong kiến ở ta không nhiều công trình hoành tráng, có lẽ do người Việt từ lúc lập nước cho đến thời kỳ cận đại, chẳng lúc nào được coi là người giàu. Dân mà nghèo thì đương nhiên, nhưng ngay cả giới quan lại, thậm chí cả những đại thần đầu triều cũng không hề dư dật. Vì thế đa phần người Việt nói chung thường có nết ăn nết ở bình dị, tùng tiệm. Không phải ngẫu nhiên mà một đoạn dài ở Hà Nội, kiểu nhà lòng ống ấm cúng cân xứng vừa tầm, phủ khắp mọi dãy phố. Sinh hoạt trong những cao ốc chung cư vẫn làm đa số người Hà Nội cũ bỡ ngỡ. Liệu đây có phải là một trong vài nguyên nhân làm nhiều dự án tái định cư nhằm quy hoạch lại khu phố cổ đã bị đổ vỡ.

Tất nhiên, truyền thống văn hóa nào cũng có hay có dở. Có điều, muốn biết mình sẽ đi về đâu thì cũng nên biết là mình từ đâu đến. Vậy cái bản sắc đô thị của Hà Nội đã đến từ đâu.

Có phải nó đã đến từ nghìn năm tuổi. Hay mới hơn trăm năm thôi, tính từ khi người Pháp mới vào thực dân. Bởi sâu xa trong ký ức của người Hà Nội, thì nỗi nhớ Thăng Long Đông Đô hay Kẻ Chợ luôn sắc nét chập chờn bất cần thời gian. Có thể đấy là đoạn tần tảo bao cấp, mong manh một quán chè chén bán rượu trắng “quả hồng” mẹ truyền con nối, lửng lơ ở đầu phố ngắn nào đó. Khách ngồi uống “thập loại chúng sinh”, từ viên chức nghèo đến sinh viên nghèo, thỉnh thoảng có thêm đám nghệ sĩ lại càng nghèo. Cũng có thể đó là mấy toa tàu điện xộc xệch, loay hoay vài thằng bé con nhảy “lá vàng rơi” trốn vé, trôi qua mấy gánh xôi chè, gánh bún đông nghịt chị em cũng xộc xệch. Nhưng cồn cào ám ảnh quyến rũ nhất, vẫn là thấp thoáng dáng của một vài mỹ nhân phố, ơ hờ trên lãng mạn ban-công rêu phong thấp thoáng giàn hoa giấy. Bọn họ đoan trang kiêu sa “lẳng” tới mức, khi mình đăm đắm nhìn thì họ hình như cũng nhìn trộm lại.

Hoặc giả nó đến từ những bi tráng của thi ca nhạc họa, từ những tinh hoa trí thức manh nha quý tộc, vừa mới trong trắng sinh đã nhàu nhĩ chết yểu. Hoặc nó đến từ những phố nhỏ ngõ nhỏ, nơi trùng trùng điệp điệp những mẹ những chị, tuy tần tảo vất vả nhưng vẫn giữ sâu trong mình một cách ăn cách mặc sang trọng tinh tế. Có lẽ do vậy, Hà Nội bây giờ thì chẳng của riêng ai cả, bởi ai cũng có một Hà Nội của mình. Hà Nội thì có sông, có hồ và quan trọng nhất là có người. Cho dù đúng là “người Hà Nội” hay mới chỉ là “người ở Hà Nội”, thì tất cả những thị dân đó đều nồng nàn yêu văn yêu nhạc yêu họa và đặc biệt là thơ. Hình như có một mặc định, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn đều chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Vì một lẽ tự nhiên giản dị, Hà Nội vốn là thành phố dày dặn văn hóa và nghệ thuật.

Và cái Hà Nội độc đáo đó liệu có phôi pha. Thường những gì đã cũ kỹ, thì phải phi thường lắm mới giữ nguyên được hình hài. Giờ đây, để lý tưởng hóa cuộc sống thị dân thì tùy theo hoàn cảnh riêng, mỗi người mỗi cách. Thế nhưng cho dù là ai hay làm nghề gì, đã là dân phố thì tất thảy đều ước ao có được một căn nhà riêng biệt. Bởi đơn giản, chỉ “an cư” thì người ta mới “lạc nghiệp”. Những thị dân trung lưu Việt hôm nay thường thực tế ít hão huyền, cho nên căn nhà trong mơ của họ cũng không quá hoang đường. Đại loại đấy là một căn hộ chừng hơn trăm mét vuông, ở một khu chung cư hay bị quen mồm gọi là “cao cấp”. Nó có cửa sổ lãng mạn nhìn ra con sông thơ mộng hình như bắt đầu ô nhiễm. Hoặc nó có thể ngó xuống một khu đất mướt mát cỏ xanh, lẫn lộn cả người và rác vì đang dang dở giai đoạn giải tỏa. Cầu thang máy thường xuyên đầy ắp “ô sin” đang bấm lên bấm xuống để nựng bọn trẻ ăn bột. Và khi cửa thang mở, người ở trong be be kêu chưa kịp ra thì người ở ngoài đã ồ ạt chen vào. Tuy nhiên, chỉ cần khách bước qua cánh cửa căn hộ nặng nề chắc chắn, bỗng chợt nhiên òa ra một nội thất phi thường. Đập vào mắt là khu bếp sang trọng hoàn hảo, bàn ăn được ngăn với ngồn ngộn xoong chảo nồi niêu treo phía trên một quầy giả “bar” rượu ốp xanh đỏ cẩm thạch. Phòng khách treo màn ti-vi 80 inches, đối diện treo bức sơn dầu sặc sỡ “hoa diên vĩ” cũng ngần ấy “ing” mua ở phố chép tranh Nguyễn Thái Học. Phòng ngủ cũng to tướng một màn ti-vi và tường đối diện là bức bột mầu vẽ “nuy” nhưng là sáng tác thật của chính họa sĩ đã chép tranh kia. Đâu đâu cũng thấy những thiết bị sinh hoạt tối tân, toilet có hẳn một dàn đấm đá mát xa Hàn Quốc. Nếu chủ nhà là trí thức hay yêu văn nghệ thì biết ngay, bên cạnh cây đàn piano bóng loáng không có vết tay người chơi là một tủ sách gỗ quý to đùng đựng toàn quyển dày cộp bìa cứng phủ bụi. Gia chủ hớn hở điềm đạm bảo, đã qua hết rồi cái thời trọc phú, “ăn hết nhiều ở hết mấy”.

Chúng ta đang nỗ lực để hình thành những đô thị thông minh, nhưng một đô thị thông minh thì bắt buộc phải có những cư dân tinh tế biết cư xử có văn hóa. Xây dựng một quốc gia thịnh vượng hay quy hoạch một dãy phố cao sang, thì nói cho cùng, mục đích nhân văn cuối cùng vẫn là hướng tới con người.