Điểm tựa cho sáng tạo

Năm 2018 có lẽ là một năm đáng nhớ trong dòng chảy của đời sống mỹ thuật Việt Nam, khi xuất hiện nhiều tác phẩm của họa sĩ thời Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương trên các sàn đấu giá nước ngoài được người Việt ở trong nước mua lại, mang về cố hương.

Đô thị ảo I, Tranh của Đào Quốc Huy, sáng tác năm 2010.
Đô thị ảo I, Tranh của Đào Quốc Huy, sáng tác năm 2010.

Dấu hiệu hồi cố cũng xuất hiện cả trong lĩnh vực vốn kén người quan tâm là sách về mỹ thuật, với sự công bố nghiên cứu ban đầu về họa sĩ Thang Trần Phềnh, hay lần đầu tiên tái bản cuốn Nguyễn Gia Trí - Sáng tạo, tập hợp những suy nghĩ về nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí do một học trò của ông ghi lại... Thang Trần Phềnh và Nguyễn Gia Trí đều từng là sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... Những sự hồi cố này chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp hay hơn thế, dự báo điều gì, gợi suy nghĩ gì cho nghệ sĩ, cho người yêu mỹ thuật nước nhà?

Giá trị thực sống mãi

Sự ra đời của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay, là dấu mốc quan trọng đầu tiên của hành trình mỹ thuật hiện đại Việt Nam đi ra biển lớn của mỹ thuật thế giới. Tuy bỡ ngỡ trước lần đầu tiên tiếp xúc với nhiều kiến thức và kỹ thuật sáng tác phương Tây nhưng khát vọng sáng tạo cá nhân cùng với tình yêu dành cho cái đẹp, cho quê hương và những người thân yêu của nhiều họa sĩ thời đó đã thúc đẩy họ tìm kiếm ngôn ngữ tạo hình của riêng mình.

Điểm tựa cho sáng tạo ảnh 1

Hai thiếu nữ và em bé, Tranh của Tô Ngọc Vân, sáng tác năm1944.


Gam nâu sòng và những mảng lụa trắng ngà là chủ đạo, bố cục thiên theo vòng tròn với các mảng phẳng hài hòa, nhân vật chính là phụ nữ và trẻ em thôn quê, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) cùng tác giả lặng lẽ, thâm trầm đi qua nhiều chặng đường dài của lịch sử dân tộc. Ông dường như không hề bị thế sự ngoại cảnh tác động tới xúc cảm và lựa chọn nghệ thuật của cá nhân. Nếu biết thêm một chút về đời tư của ông, sẽ thấy rõ hơn rằng, nghệ thuật của ông được bắt nguồn và nuôi dưỡng từ chính tình cảm của ông với những người phụ nữ nông thôn lam lũ, hy sinh hết mực cho chồng con, là mẹ ông - người tần tảo một mình nuôi đàn con sau khi chồng mất sớm, là vợ ông cũng một mình lặng lẽ chăm lo đàn con để chồng được tự do với giấc mơ hội họa. Nguyễn Phan Chánh đã để lại hình ảnh một người sáng tạo trước sau như nhất với lựa chọn nghệ thuật của mình. Tranh lụa là nơi để ông thể hiện và cũng chính tranh lụa nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nơi ông. Ông vẽ là để tỏ bày tình cảm với người, với cuộc đời, như ông nói: “cái người ta để lại cho nhau duy nhất trong cuộc đời này chỉ là tình cảm”.

Nếu như Nguyễn Phan Chánh nhất mực với lụa thì Nguyễn Gia Trí lại nhất mực với sơn mài. Nếu như Nguyễn Phan Chánh vẽ là để bày tỏ tình cảm với cuộc đời và con người thì Nguyễn Gia Trí lấy việc vẽ như là phương tiện hành đạo. “Hội họa là vô cầu”, như tôn giáo vậy. Chính vì thế, dễ thấy trong hội họa của ông một thế giới tượng trưng của vẻ đẹp ảo diệu, vượt thoát khỏi tất cả những bất an, bấn loạn, hay khốn khó của cuộc đời, như một sự thanh tẩy tâm hồn.

Hay Nguyễn Tư Nghiêm, lặng lẽ và nghiêm cẩn với hội họa của chính mình. Ông miệt mài trên con đường riêng tới đích của một ngôn ngữ biểu đạt hiện đại, mang đậm dấu ấn cá nhân, trên nền tảng tri thức sâu sắc về mỹ thuật dân tộc. Với ông, hội họa còn cho thấy được sự tiến bộ của tri thức nghệ sĩ trên nền tảng văn hóa dân tộc mình và vì thế, con người sẽ không bao giờ chậm bước trước thời cuộc. Như ông nói: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

Mỗi cá nhân có con đường đi riêng nhưng tựu trung lại, họ gặp nhau ở một điểm: bền bỉ một tình yêu dành cho sáng tạo và kiên định hoàn thiện nhân cách trí thức trong và thông qua nghệ thuật. Họ là nghệ sĩ đồng thời là những trí thức tiến bộ, đã tạo nên những giá trị thật sự và độc đáo, trở thành “thế hệ vàng” (chữ dùng của nhà sử học Dương Trung Quốc) của mỹ thuật hiện đại Việt Nam ngay buổi ban đầu. Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí, tranh sơn dầu Tô Ngọc Vân, hội họa Nguyễn Tư Nghiêm,... đã trở thành những giá trị mặc định của mỹ thuật Việt Nam hiện đại không chỉ đối với chính các thế hệ sau của người Việt mà còn đối với giới thưởng ngoạn nghệ thuật quốc tế.

Gốc của sáng tạo

Trị giá của một bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật có thể được đẩy lên cao trong thị trường nhờ vào một vài yếu tố “ngoài” nghệ thuật như lịch sử ra đời, vẻ huyễn hoặc của các truyền tụng, danh tiếng sẵn có của tác giả hay những cá nhân sở hữu. Những yếu tố ngoài nghệ thuật chỉ có ý nghĩa nhất thời. Cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tính nhân bản, tinh thần sáng tạo, sự tiến bộ trong tư duy của nghệ sĩ, mới mang giá trị lâu bền, đem lại sức sống cho tác phẩm qua thời gian. Sự trở lại của tên tuổi các họa sĩ thuộc thế hệ vàng của mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã cho thấy cách mà thị trường nghệ thuật và người yêu nghệ thuật hôm nay mong muốn tìm kiếm và sẵn sàng trả giá cao, hay dành thời gian nhiều hơn cho những giá trị thực.

Vậy gốc của sự sáng tạo có thể là gì, nếu không phải chính là nhu cầu sáng tạo nội tại của nghệ sĩ, là hối thúc tự thân của nghệ sĩ hướng tới sự tự do và tiến bộ trong tư duy để sống nhiều nhất và sống ý nghĩa nhất với cuộc đời này? Mọi so sánh có thể là khập khiễng nhưng nhìn vào đời sống mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay, không khỏi gợn lên những nuối tiếc khi nghĩ về “thế hệ vàng” một thuở... Giữa những biến động của thời cuộc, giữa sự vận động phát triển nhanh chóng của xã hội, giữa sự chiếm ưu thế của đời sống vật chất, nhiều nghệ sĩ đã không còn giữ được bình tĩnh và vô tình hay cố ý trở thành kẻ thực dụng trong nghệ thuật. Nghệ thuật đã không còn được chính nghệ sĩ coi là căn cứ cuối cùng của tri thức và thẩm mỹ xã hội nữa mà cũng chỉ là ngành nghề kiếm sống như mọi thứ nghề khác. Nghệ sĩ thậm chí trở thành một người bán hàng, nhân viên tiếp thị, lái buôn, người sao chép chính sáng tác của mình; biến nghệ thuật thành nơi chứa đủ những căn bệnh xã hội. Trong câu chuyện trà dư tửu hậu, có người còn bật cười hài hước “đổ tội” cho internet và mạng xã hội Facebook đã tạo cơ hội quá dễ dàng để thiên hạ chào hàng và “làm hàng” với nghệ thuật. Đáng buồn là ở một khía cạnh khác, trong khi chúng ta cứ mãi quanh quẩn với chuyện cơm áo nhờ vào nghệ thuật thì ở Singapore ngay bên cạnh ta thôi, người ta đã tiến những bước dài trong nhận thức về các giá trị phổ quát của nghệ thuật, đã ý thức rõ rằng: sự tiến bộ của tư duy nghệ thuật có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả ngành nghề tiên tiến như công nghệ sáng chế, cho thấy sức mạnh vượt trội của tri thức sáng tạo. Sự ra đời của Trung tâm nghệ thuật đương đại Đại học Công nghệ Nangyang - NTU danh tiếng từ năm 2013 là một thí dụ điển hình.

Như một cái cây, khi gốc càng mạnh mẽ, khỏe khoắn thì cành lá mới càng vươn cao, tươi xanh, hoa trái mới càng xum xuê. Nghệ thuật cũng vậy, khi gốc sáng tạo là chính cá nhân nghệ sĩ với nhu cầu nội tại mạnh mẽ, với khát vọng lớn lao vươn tới tự do và tiến bộ trong tư duy, nghệ thuật của họ sẽ tự nhiên vượt thoát khỏi những hạn hẹp của thực dụng cá nhân mà hướng tới chứa đựng giá trị nhân bản phổ quát và sâu sắc. Và như thế, nghệ sĩ và nghệ thuật sẽ chẳng có lý do gì mà không tự tin hòa vào đại dương nghệ thuật nhân loại.

Có điểm tựa nào không để hy vọng sớm có một “thế hệ vàng” tiếp theo của mỹ thuật Việt Nam?