Đến chỗ tớ chơi nhé

Chuông điện thoại reo vang. Sóc Bông Lau vội vàng bốc máy. Đầu dây đằng kia, giọng Cóc Tía không giấu nổi vẻ hồi hộp:

Minh họa: Thuật Dương
Minh họa: Thuật Dương

- Cậu xuống ngay dưới này. Có việc cần.

“Việc quái gì thế nhỉ”?

Bông Lau chưa kịp hỏi thì Tía đã cúp máy. Nhả vội trái khế cắn dở, Bông Lau phóng như bay từ ngọn cây xuống gốc cây. Ai chứ Tía thì chỉ khi nào cấp bách lắm mới dùng tới điện thoại.

Tía đang đứng trong hang nhìn ra. Bên cạnh Tía là Thằn Lằn. Khi Bông Lau xuất hiện, cả hai ngầm ra hiệu cho nó lại gần.

- Có kẻ lạ mặt vừa xuất hiện ở xóm mình - Tía thì thào.

- Tướng mạo khả nghi lắm. Mà đuôi nó còn dài hơn đuôi tớ - Thằn Lằn hậm hực.

- Chính xác là cả đầu lẫn đuôi, nó phải dài gấp bốn lần cậu - Tía khẳng định.

“Thằng quỷ nào mà có vẻ nguy hiểm thế nhỉ” - Bông Lau nghĩ thầm.

- Ê! Nhưng nó đâu? - Bông Lau hỏi.

Vừa dứt lời, lập tức có tiếng the thé vang lên phía sau:

- Đây, “nó” đây! Chào các cậu.

Bông Lau giật mình quay lại. Ô, tưởng ai, hóa ra Rắn Nước!

Bông Lau chưa từng gặp Rắn Nước ngoài đời. Nhưng đã nhìn thấy trong ảnh. Những bức ảnh in mầu trong quyển sách viết riêng về họ nhà rắn. Nhiều bức khiến Bông Lau rùng mình, đuôi dựng ngược. Chính vì thế mà nó nhớ rất rõ. Cái thằng vừa chào sau lưng nó chắc chắn là Rắn Nước.

Ngoài đời, Rắn Nước trông hiền hơn trong ảnh.

- Cơn gió nào đưa cậu đến đây thế? - Bông Lau nín thở, mở đầu bằng giọng kiểu cách, như vẫn thấy trong sách vở.

- Tớ đi lạc. Giờ đang phân vân không biết quay về hay đi tiếp. Quay về thì áy náy, mà đi tiếp thì không biết đường -

Rắn Nước chán nản lắc đầu.

- Nhưng cậu định đi đâu?

- Tớ đến Hồ Lục Bình, thăm bác tớ ốm nặng. Chưa đến đó bao giờ nên lạc đường.

- Này, hai cậu, có cậu nào biết Hồ Lục Bình ở đâu không? - Bông Lau quay sang hỏi Tía và Thằn Lằn.

- Lần đầu tiên tớ nghe cái tên ấy - Tía nói - Nhưng đã là hồ thì hồ nào chả có lục bình? Bao nhiêu hồ lục bình. Làm sao biết bác cậu ở hồ nào?

- Tớ cũng chưa nghe - Thằn Lằn tiếp lời - Nhưng có thể hỏi chú tớ. Chú ấy đi khắp nơi, xó xỉnh nào chú ấy cũng biết.

- Chú cậu là ai?

- Chú Cú. Ông chim Cú!

- Hả? - Bông Lau kêu to - Cậu có họ với chim? Cái đứa quanh năm bò sát đất lại anh em bà con với người có cánh bay tít trên cao cơ đấy. Ha ha.

- Cậu không tin à? - Thằn Lằn tỉnh queo. Rồi nó đọc liền một hơi:

Bồ Các là bác Bồ Nông

Bồ Nông là ông Cò Bợ

Cò Bợ là mợ Cu Xanh

Cu Xanh là anh Bói Cá

Bói Cá là má Sáo Sậu

Sáo Sậu là cậu Chim Ri

Chim Ri là dì chim Cú

Chim Cú là chú Thằn Lằn...

Bông Lau ngẩn mặt. Thằn Lằn vẫn từ tốn:

- Cậu đọc nhiều, chả lẽ không biết ngày xửa ngày xưa cụ tổ tớ cũng có cánh? Cụ Thằn Lằn Bay ấy? Chim cò, thằn lằn các loại bây giờ, đều là cháu chắt chút chít cụ.

- Ừ nhỉ - Bông Lau sực nhớ - Thời của Khủng Long, Thằn Lằn Bay có đôi cánh vĩ đại bay lượn trong rừng già.

Không ai nói gì nữa, Thằn Lằn rút điện thoại, gọi cho ông chú.

Rắn Nước hồi hộp chờ đợi. Rồi nó vui sướng, uốn éo cả cái thân hình dài ngoằng khi nghe Thằn Lằn báo tin.

Chú Cú hẹn chín giờ tối sẽ đưa Rắn Nước đi. Chú quen đi đêm. Vả lại, đi đêm cũng an toàn hơn cho Rắn Nước, vì đường khá xa, lại có những đoạn phải băng qua làng mạc phố xá, ban ngày người xe tấp nập.

* * *

Ít lâu sau, một hôm Bông Lau, Thằn Lằn, Tía đang ngồi chơi dưới gốc khế, cô Gió ào đến, chuyển cho chúng bức thư. Cả ba chưa kịp cảm ơn đã thấy tà áo xanh của cô thấp thoáng trên ngọn cây lồng đèn ở cuối con đường rồi.

Thư mở ra, cả ba chụm đầu vào đọc:

“Bông Lau, Thằn Lằn và Tía thân mến!

Phải nói là tớ vô cùng may mắn được gặp các cậu. Nhờ các cậu nên tớ đến thăm bác tớ kịp thời. Lâu ngày gặp tớ, ông cụ vui quá nên khỏe lại ngay. Chú Cú tận tình lắm các cậu ạ. Chính chú ấy đã cho tớ cái địa chỉ của các cậu để tớ gửi thư, chứ hôm gặp nhau vội quá, đã kịp hỏi han gì đâu.

Giờ tớ lại quay về nhà rồi. Tớ chỉ mong một hôm nào đó cả ba cậu đến đây chơi với tớ. Đuôi dài đuôi ngắn, bay lượn hay bò toài gì thì bọn mình cũng là bạn của nhau, đúng không?

Địa chỉ của tớ: Rắn Nước Nhỏ, số nhà 17 ngõ Lênh Láng, đại lộ Đầm Đìa”...

- Thế nào, đến chứ? - Tía hào hứng.

- Thua rồi - Bông Lau tiu nghỉu - Đã biết đường đâu mà đi?

- Dễ ợt! - Thằn Lằn tỉnh bơ. Nó rút điện thoại, bấm số, rồi nói rất to vào máy - Chú Cú hả? Cháu đây...
 

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Với những câu chuyện trong sáng và sống động, nhà văn Trần Đức Tiến đã dựng lên những vẻ đẹp nhân tính trong chính đời sống của các sinh vật và dựng lên nỗi sợ hãi của những sinh vật trước con người. Đấy là một trong những thông điệp lớn gửi tới chúng ta trong đời sống đương đại với quá nhiều báo động. Nhưng đấy lại là “đường dẫn” tinh tế nhất đưa trẻ em về với thiên nhiên và tạo nên sự hòa đồng với thiên nhiên ấy. Bởi đời sống thiên nhiên ấy cũng chính là đời sống người.

Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến lúc nào cũng mang đến cho người đọc sự hấp dẫn, những bất ngờ và cuối cùng là tiếng vọng của câu chuyện vang mãi trong tâm hồn người đọc. Viết cho trẻ em mà không hấp dẫn, không bất ngờ thì trẻ em không đọc. Và đó là thất bại lần thứ nhất. Nhưng sau những câu chuyện hấp dẫn và bất ngờ ấy không làm cho tâm hồn trẻ em mở ra, bắt đầu những hành vi của nhân tính thì đó là thất bại cuối cùng và cũng là thất bại lớn nhất của nhà văn. Nhà văn Trần Đức Tiến đã đi qua những thất bại đó và ông trở thành nhà văn của trẻ em đúng với bản chất của thể loại này.