Đọc & mách

Để sống lâu: Chuyện khó hóa ra không quá khó

Sống lâu nhờ gien thọ

Sống quá 100 tuổi sẽ trở thành một mục tiêu có thể đạt được, theo The Harvard Gazette, tiến sĩ Nir Barzilai của trường Y Albert Einstein đã tuyên bố như thế trong một hội thảo khoa học vào tháng sáu 2019.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Bài phát biểu của ông có tên: “Làm sao để được chết trẻ trung khi tuổi đã rất già”. Ông khảo sát sự chênh lệch giữa tuổi trên giấy tờ với trạng thái sức khỏe tương ứng của cơ thể và thấy rõ là có những người sống rất thọ. Theo ông, vấn đề nằm ở gien và những người mang gien sống thọ chưa chắc đã có lối sống lành mạnh.

Barzilai lấy thí dụ mấy anh em nhà Kahn ở Manhattan có bốn anh chị em thuộc hàng sống lâu nhất thế giới. Họ đều đã mất nhưng cậu út Peter mất lúc 103, hai chị Helen và Lee mất ở tuổi 109 và 101, cậu em Irving mất lúc 109 vào 2015. Chẳng ai trong số họ quan tâm đặc biệt tới sức khỏe: Irving ăn sinh nhật thứ 100 xong vẫn làm công việc tư vấn đầu tư căng thẳng ở Phố Wall; một trong hai bà kia hút thuốc liền tù tì suốt 90 năm. Nghiên cứu rộng hơn với nhiều người khác sống hơn trăm tuổi, Barzilai nhận thấy phong cách nhà Kahn không phải là hiếm ở những người này. 60% đàn ông trong số đó hút thuốc, chưa tới 50% số người ấy chịu tập thể dục và chỉ có 2% là ăn chay. Barzilai sững sờ nhận ra nhóm người ấy không hề làm bất kỳ thứ gì mà chúng ta vẫn khuyên bệnh nhân làm.

Nghiên cứu tiếp thấy không ai trong số các vị trăm tuổi này có một bộ gien hoàn hảo, một số người thậm chí mang gien bệnh run tay Parkinson và các bệnh khác. Tuy nhiên họ có một gien quan trọng - “gien sống thọ”-  kháng lại quá trình lão hóa. Thành phần chính xác của gien này vẫn còn chưa nắm được, nhưng những người mang gien này có một số điểm “khác người”, thí dụ có thay đổi trong nồng độ của một chất liên quan đến sống thọ và tim mạch tốt có tên là IGF (Chất này rất phức tạp, ta không nói thêm ở đây nhé!).

Sống khỏe tốt hơn là sống lâu

Thế nhưng sống thọ là sống thế nào? Trong một hội thảo năm ngoái, giáo sư S.Jay Olshansky của đại học Chicago bảo chúng ta nên tập trung vào sức khỏe hơn là vào sống thọ; rằng ta nên cẩn thận với “ước mơ trăm tuổi bạc đầu râu”, do sống lâu mà không có sức khỏe thì thành ra có hại. Ông nói chúng ta đừng nên cố sống cho lâu, nên nhắm tới sống cho khỏe thì tốt hơn; Cứ sống khỏe thì ắt có phần thưởng kéo theo là sống được lâu.

Câu hỏi là: nếu ta không có gien sống thọ, nhà lại nghèo không có nhiều thuốc bổ, đến tuổi hưu vẫn còn vất vả chăm cháu thì làm sao sống khỏe?

Làm sao để sống khỏe?

Cũng theo Harvard Gazette, năm 1938, người ta chọn ra 268 sinh viên năm thứ nhất của Trường Harvard để nghiên cứu về sống thọ. Không chọn nữ vì lúc đó trường toàn nam. Sau gần 80 năm thu thập dữ liệu về thể chất và tâm thần của các đối tượng này, nghiên cứu chỉ còn lại 19 người, tất cả đều đang khoảng 94 - 95 tuổi. Các nhà khoa học lại mở rộng đối tượng, thêm vào lứa con cái của những người kia. Đến năm 2017, con số này là 1.300 và đều 50 - 60 cả. Trong số đó, có người rất thành công nhưng cũng có những người rất thất bại... Kết quả vừa không có gì đáng ngạc nhiên lại rất đáng ngạc nhiên. Đó là vượt lên trên hết, trên cả lối sống lành mạnh “ăn ít tập chăm”, trên cả gien sống thọ Trời cho, chính niềm vui trong các mối quan hệ đã khiến người ta sống khỏe và sống thọ. Theo nhà tâm lý học Robert Waldinger, giám đốc của nghiên cứu dài nhất này, “Chăm sóc cơ thể là quan trọng, nhưng chăm sóc các mối quan hệ cũng là một dạng tự chăm mình”. Và theo ông, đó mới là một điểm để “giác ngộ”.

Nghiên cứu này cho thấy các mối quan hệ thân thiết giữ cho người ta hạnh phúc cả đời, bảo vệ người ta khỏi những lúc đời không như ý, giúp trì hoãn việc lão hóa tinh thần và thể chất. “Được sống trong yêu quý” là một chỉ dấu về sống khỏe sống lâu tốt hơn các tiêu chuẩn khác như giai cấp xã hội, IQ, tiền bạc, danh tiếng và thậm chí bộ gien.

Có mục đích thì sẽ sống lâu

Nhưng sống lâu, sống khỏe để làm gì, có người hỏi tiếp, khi mà con cháu bạn bè kém thọ hơn phải ra đi trước, tức các mối quan hệ đã khiến ta khỏe và vui không còn nữa; ta lại không có việc gì để làm, nói gì người khác cũng bỏ qua vì nghĩ đó là lời của người già?

Theo Sciencedaily, các nhà nghiên cứu của đại học Carleton (Canada) hồi 2014 đã lấy thắc mắc trên làm đề tài nghiên cứu. Họ “cảm giác” rằng việc tìm ra được một hướng đi cho đời mình, rồi lên kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đặt ra có thể giúp người ta sống lâu hơn, bất kể cái mục tiêu sống ấy được tìm ra khi còn trẻ hay khi rất già rồi. Dĩ nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nếu tìm ra mục đích và hướng đi từ sớm thì tác dụng “sống thọ” sẽ diễn ra sớm hơn. Họ đã xem xét dữ liệu của hơn 6.000 người tham gia, tập trung vào mục tiêu trong đời do chính những người này nói ra, kết hợp với những biến số tâm lý học khác của từng cá nhân... Trải suốt 14 năm theo dõi như thế, 569 người trong số đó đã qua đời, tức 9% tổng số mẫu. Đó là những người từng tự nhận là không thấy rõ mục tiêu sống trên đời cũng như ít mối quan hệ tích cực hơn so với những người còn lại.

Quan sát những người tham gia, nghiên cứu này thấy trừ việc gặp tai nạn, còn sống càng có mục tiêu thì tỷ lệ tử vong càng thấp và điều này đúng ở mọi giai đoạn: từ người trẻ tới trung niên tới người già; đặc biệt là người già - những người mới nghỉ hưu nên mất nguồn động lực để phấn đấu. Các nhà nghiên cứu nghĩ, phải chăng có một mục tiêu sống thì mới khiến người ta dễ thâu nạp cách sống lành mạnh và thế là sống lâu hơn!

Làm sao có được một mục đích?

Nếu coi “sống có mục đích” là một liều thuốc bổ, vậy thì tiếp tới là tìm cho ra mục đích. Mục đích nào, hướng đi nào nữa khi đã già?

Nói chung, người bi quan thì ngay lúc trẻ cũng đã ủ rũ không thấy có gì để sống tiếp. Người lạc quan có một mắt bị cườm thì lấy làm may vì mới cườm một mắt, vẫn còn một mắt ngắm phong lan. Người dịch và tổng hợp bài này từng gặp một cụ già lạc quan; cụ bảo, một ngày còn được sống minh mẫn và thân thể mạnh khỏe là một ngày “Trời cho”, cứ sống cho lâu vào và nuôi sự tò mò về thế giới, về thiên nhiên, đó là kho tàng lớn mà chúng ta hiện quá mải mê chuyện linh tinh đến quên cả khám phá. Sống để theo dõi bước đi của con người trong khoa học - những bước đi mạnh mẽ đến đôi lúc thô bạo. Sống để so sánh các thời đại, từ khí hậu đến sản vật... Đó là một mục đích.

Quả thực, nói chẳng phải an ủi nhưng nếu không ốm đau và nghèo đói thì tuổi già cũng là tuổi đẹp. Đầu tiên là không buồn vì tình nữa, không tranh đua danh vọng, không chịu áp lực thành công của xã hội và gia đình, ra đường không băn khoăn mình đang đẹp hay đang xấu. Đây là cái tuổi cho đi thoải mái. Cả một túi khôn nếu không cậy già, không “tinh tướng” thì sẽ rất có ích cho đời. Đó cũng lại là một mục đích.

Già rồi thời gian cũng nhiều, tha hồ học những thứ xưa còn trẻ không có thì giờ học. Biết bao nhiêu là môn chưa học, nếu vội thì hãy lướt qua mỗi môn nắm đại cương, hối hả vào như trẻ học thi đại học. Có người nói, già rồi học làm gì nữa? Thì như đã nói rồi, học để hiểu thế giới mênh mông này trước khi đi xa nó. Và nào ai biết được có một đời sống sau cái chết không (khoa học mỗi ngày đều tự ngỡ ngàng với một vài thứ trước giờ nó chưa hề biết) và nếu những gì ta tích tụ học tập từ đời này đều sẽ đem ra dùng ở một cuộc đời về sau thì đó chẳng phải là một mục đích có ích hay sao?

Còn nếu già rồi mà ốm đau, nghèo khổ nhưng Trời vẫn không cho chết đi được thì biết nghĩ thế nào? “Chưa tắt đèn chưa biết đêm đen”, người thực hiện bài này chưa đến tuổi đó, chưa rơi vào hoàn cảnh đó nên không thể nói mạnh, chỉ ước gì rồi sẽ được trải qua một tuổi già thật bình thường, được đọc ghi chép của những ai đang trải qua các cảnh sống của tuổi già, họ bình tĩnh quan sát và công bằng ghi lại, cũng chi tiết hệt như khi ghi nhật ký những ngày tuổi trẻ và đó sẽ là món quà vô giá của người già cho những kẻ đi sau.