Đọc & Mách

Đã có con thì phải chịu khó đọc sách (cho con)

Đã làm bố mẹ thì ai cũng sung sướng khi thấy con một ngày đẹp trời bỗng ôm một cuốn sách đầy chữ đọc say mê. Liếc vào thấy đó là sách văn học, dạng danh tác nữa thì ôi thôi rụng rời vì hạnh phúc. Con đọc sách đem lại bình an cho tâm hồn của bố mẹ, vì nó vẽ ra một viễn cảnh một đứa con yêu văn hóa, có vẻ trí thức. Vì con đọc sách, bố mẹ sẵn sàng rón rén làm hết các việc cho con, “để nó đọc”.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Thích thế đấy, nhưng theo một bài viết trên The Guardian, tại Anh, việc bố mẹ đọc sách cho con khi còn bé đã giảm rõ rệt. Nếu như hồi 2013, có 69% bố mẹ tối tối vào giường đọc truyện cho con trước khi đi ngủ, thì đến năm 2018 chỉ còn 51% (thế là quá nhiều đấy chứ!).

Hỏi vì sao không đọc sách cho con trong khi thích nhìn thấy con đọc sách, khoảng 20% người tham gia một cuộc điều tra cho biết, sau một ngày làm việc họ chẳng còn đâu năng lượng. Khoảng 15% bảo tại trẻ con thích làm việc khác hơn là đọc sách, một số người nói thấy ngộp khi vào nhà sách - lắm lựa chọn quá, và rất nhiều người cho biết do trẻ con đã dành quá nhiều thời gian đắm đuối trước màn hình.

Người ta thấy ở Anh có khoảng 1/5 số trẻ mới chập chững mà đã xem video trên mạng mỗi ngày, đặc biệt kênh Youtube. Trẻ con nước mình cũng thế thôi, xem clip hài trên đó cả ngày, cười rinh rích tưởng vô hại mà thật ra lâu dài là có hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đầu óc kém tập trung, thành thói quen lớn lên cái gì cũng làm kiểu vụn vặt, mỗi thứ một tí, “vui là chính”.

Phải làm sao?

Theo các nhà nghiên cứu, bố mẹ phải coi việc đọc sách cùng con, cho con như một công việc bắt buộc, chán cũng phải làm. Chẳng ai lạ cảnh mẹ đọc cho con mà mẹ cũng rũ rượi, con cũng rũ rượi vì buồn ngủ: đọc sách đã trở thành một công việc nặng nhọc của chúng ta. Nhưng phải làm.

Mỗi ngày chỉ cần chừng 15 phút thôi, mỗi tuần đọc cho hết một cuốn với nhau (dĩ nhiên đang đọc mà thấy dở quá thì thôi). Đừng ngại những trang tả cảnh, mặc dù với tâm thế ngày nay sẽ thấy rất sốt ruột. Đọc xong nhớ điểm lại một số chi tiết vừa mới đọc qua. Trẻ con sẽ loay hoay không yên - kệ chúng nó. Trẻ con sẽ đòi đi tiểu, đòi uống nước... như một cách phản kháng - kệ chúng nó, làm xong lại đọc tiếp. Có thể trong đầu ta cũng vơ vẩn một ý nghĩ, rằng những tác phẩm này lạc hậu quá rồi, không hợp thời nữa. Kệ, cứ đọc.

Vì sao đọc rồi mà chúng nó cứ ngáp?

Theo các chuyên gia, có những vấn đề sau khiến trẻ con chán ngán khi nghe ta đọc truyện cho chúng:

1. Người đọc đọc không sinh động, không “cảm” được

Trẻ con càng bé càng nhạy cảm với thế giới bên ngoài. Bố mẹ lại hay coi thường trẻ con, đọc cho chúng là làm lấy lệ. Họ đọc chữ trong sách cho con chứ không phải đọc truyện. Trong đầu họ là những ý nghĩ đâu đâu. Nhưng trẻ con nhận thấy hết...

Theo chuyên gia, trước lớp 8, ở một đứa trẻ bình thường, phần nghe sẽ mạnh hơn phần đọc. Chúng thích nghe: nghe nhạc, nghe tiếng các con vật, nghe đọc truyện. Đọc truyện cho trẻ con là phải “toàn tâm toàn ý”, như đọc cho... các cụ, nghĩa là phải lên bổng xuống trầm, đóng giả nhân vật, lúc tức tối, lúc vui tươi.

Chúng lại thích nghe ta đọc đi đọc lại một truyện, một đoạn buồn cười, nhiều khi với người lớn là rất nhạt. Nghe đi nghe lại, với chúng mới là “thấm”. Nhưng bạn yên tâm, đến lớp 8, phần đọc của một đứa bé sẽ cân bằng với phần nghe. Đến lúc đó chúng sẽ muốn tự đọc một mình, không muốn bị bạn “áp đặt” những cảm xúc lên trang sách và chúng sẽ tự đọc nhiều thứ khác nhau. Bạn có xin đọc cho chúng, chúng cũng không cho.

2. Mục đích của bố mẹ “cao cả” quá

Nhiều bố mẹ đọc sách cho con xong cứ gặng hỏi ý nghĩa của câu chuyện là gì, con nó nói không được lại tức. Trên thực tế, người ta thấy trẻ con chỉ hiểu được câu chuyện đó nói về nhân vật gì, đánh đấm ra sao..., chứ ý nghĩa cao thượng, sâu xa thì chúng chưa thể hiểu được. Tính khái quát hóa ở chúng chưa có, như một người trèo lên cái thang chưa đủ cao để nhìn bao quát tình trạng mái nhà. Bố mẹ lõi đời rồi, khi đọc sách lại chỉ muốn làm nổi bật ý nghĩa giáo dục của truyện, thành thử những đoạn trẻ con cười ha ha thì mình thấy nhảm nhí, trong lúc đọc đã có sự coi thường.

Ép trẻ con nói cho được ý nghĩa của điều vừa nghe thì quá như cho ăn cái kẹo xong bắt chúng nêu thành phần làm ra kẹo. Cái gánh nặng ấy khiến trẻ con sợ sách. Sách bắt chúng phải đối diện với sự “chưa biết” của chúng. Cũng như ta thôi, gặp một người uyên bác xong bị ông ấy gặng hỏi biết cái này không, cái kia không thì lâu dần ta cũng ngại gặp.

Giải pháp là gì? Là chỉ nhắm tới mục đích khiến trẻ con thích nghe đọc sách, làm sao trong mắt chúng, sách là “vui”, rồi tự cái vui ấy sẽ len lén mang kiến thức đến cho chúng. Cứ để chúng thích thú những chi tiết vụn vặt và ngây thơ của sách. Đừng vội vã bắt trẻ già nhanh, sâu sắc nhanh. Đời người ta, cái buồn và sâu sắc là cả một đại dương phía trước đang chờ đợi, không việc gì phải vội vã lao vào.

Với người lớn, đọc sách là “luyện công”

Chẳng thế bắt trẻ con yêu sách nếu bố mẹ thấy đọc sách là mất thời gian, là sốt ruột. Nếu thời trước việc đọc là để bước ra thế giới, thì đọc bây giờ là một phép luyện tinh thần, đóng cửa với cái náo loạn, trở về với thế giới bên trong tĩnh lặng của mỗi người.

Nếu trước mạng xã hội, trước những bản tin, đoạn video, trí óc ta đã quen với cái “nhanh, vui, hiểu ngay ý nghĩa”, thì đọc cho hết một cuốn sách, dù hay, cũng là một bài thể dục phải nỗ lực, và đáng để nỗ lực. Đọc sách giúp người ta suy nghĩ một mạch sâu hơn, tập trung hơn về một chủ đề. Nếu không thể đọc liền tù tì cả một buổi, thì mỗi ngày cũng nên có 15 phút mà tập “môn thể thao” này, và bước đầu là dành 15 phút ấy để đọc sách cho con.

15 phút đều đặn mỗi ngày, luyện cho con và luyện cho cả bố mẹ. Sau một năm, tác dụng sẽ rõ ràng. Còn nếu chưa thấy tác dụng ngay bây giờ, thì ít ra với khách đến chơi và ở lại nhà, khung cảnh ấy tạo nên hình ảnh đẹp!