Nhà văn Trần Đức Tiến:

“Coi viết cho thiếu nhi như nghề tay trái là ngạo mạn”

Nhà văn Trần Đức Tiến sinh ra và lớn lên ở Lý Nhân, Hà Nam. Năm 33 tuổi (1986), ông đưa gia đình vào thành phố Vũng Tàu, đến nay đúng 33 năm. Trần Đức Tiến thuộc tạng nhà văn “ẩn mình vào một chốn riêng” để viết và Vũng Tàu là nơi ông chọn. Ông đã xuất bản khoảng 20 đầu sách, giành nhiều giải thưởng văn học lớn, nhỏ cho cả sách “người lớn” lẫn sách “trẻ con”. Trong đó phải kể đến: Giải nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập truyện ngắn “Lỏng và tuột”... Gặp ông một ngày cuối năm tại thành phố biển, ông rủ tới quán cà-phê Ngọc Tước, vì “đó l&a

Nhà văn Trần Đức Tiến (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: VIỆT KHÔI
Nhà văn Trần Đức Tiến (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: VIỆT KHÔI

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Bây giờ bạn đọc nên gọi ông là nhà văn viết cho thiếu nhi hay người lớn?

Nhà văn Trần Đức Tiến (TĐT): Gọi là nhà văn thiếu nhi cũng được, vì phần viết cho người lớn cũng chỉ chiếm khoảng 50% sách của mình thôi. Không biết các nhà văn khác thế nào, chứ mình thích viết cho trẻ con lắm!

HV: Nhưng văn học thiếu nhi trong nước bây giờ đang có vẻ lép vế. Các bạn trẻ chủ yếu đọc sách dịch của nước ngoài…

TĐT: Tại mình cả. Có một cái dở là nhiều nhà văn hiện nay chỉ coi viết cho thiếu nhi như nghề tay trái. Kể cả những nhà văn tên tuổi, cứ tạm gọi như thế, dành lúc “giải lao” để viết cho thiếu nhi. Mình cho thế là rất ngạo mạn. Văn học cho thiếu nhi nếu hay thì chẳng thua gì văn học cho người lớn đâu! Đã là nghệ thuật, phải bình đẳng. Truyện của Andersen chẳng hạn, mỗi tuổi đọc ông lại phát hiện ra những tầng ngữ nghĩa mới. Bởi đó là một nhà văn rất lớn. Có những truyện cho trẻ con của ông, người lớn nghĩ vỡ đầu chưa chắc đã hiểu hết. Thí dụ một truyện thế này nhé: Bọn trẻ con xây cái lăng cho một con chó không may bị chết. Chúng lấy những mảnh sành, mảnh bát ghép lại và đặt ra luật lệ: đứa nào muốn vào xem phải nộp một cái khuy quần, khuy áo gì đấy, coi như vé vào cửa. Có một cô bé không tài nào có nổi chiếc khuy như thế, nên bọn canh cửa dứt khoát không cho vào. Cô bé buồn khổ quá, ngồi khóc. Chuyện chỉ có vậy. Andersen đứng ở trên tầng cao một ngôi nhà cạnh đó, nhìn thấy tất cả, và ông viết: “Khi ở trên cao nhìn xuống những chuyện đau lòng của người khác hay của chính mình, người ta không khỏi mỉm cười”. Phải có tâm thế một ông thánh thì mới viết ra được câu đơn giản ấy. Thấu hiểu cuộc đời, “đứng trên cao” nhìn tất cả trò đời diễn ra dưới mắt mình bằng tấm lòng vị tha, bao dung… Tác phẩm của ông được dịch ra hàng trăm thứ tiếng khác nhau trên thế giới, số lượng in chỉ đứng sau kinh thánh. Đến đất nước Đan Mạch, dường như cái gì cũng gắn với Andersen, từ cái lớn đến những thứ nhỏ tí teo.

HV: Có lần tôi nói chuyện với Vince Ford, một nhà văn nổi tiếng người New Zealand, chuyên viết truyện thiếu nhi. Ông ta hỏi, anh có biết thách thức lớn nhất với người viết truyện thiếu nhi là gì không? Tôi nói, lẽ ra câu này tôi phải hỏi ông chứ. Vince Ford bảo, điều đáng sợ nhất là suy nghĩ, hiểu biết, kiến thức của nhà văn bây giờ không bằng lũ trẻ, thậm chí thua đứt.

TĐT: Có lý. Con trai một người bạn mình mới vào lớp một, cháu thích vẽ. Có lần mình xem cháu vẽ ngôi nhà, bên cạnh ngôi nhà là một bông hoa mọc trùm qua cả nóc. Chỗ ấy, bức tường nhà tự nhiên cong vẹo đi. Mình hỏi tại sao thì cháu giải thích, ngôi nhà phải nghẹo đi để lấy chỗ cho bông hoa mọc. Hay nổi gai ốc! Người lớn liệu có đủ sức tưởng tượng được như thế không? Lần khác, đang ngồi viết ở trong nhà, nghe đứa cháu ở ngoài hiên thất thanh gọi ông ơi, ông ơi! Tưởng có chuyện gì, mình hốt hoảng chạy ra. Nó bảo, có một con chó vừa bay qua nóc nhà. Mình phì cười, đó chỉ là con mèo nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác. Những nhầm lẫn đáng yêu như thế, làm sao người lớn nghĩ ra được? Nên nếu bắt gặp trong đời sống thì phải lưu lại sau này dùng để viết. Thí dụ từ câu nói của đứa cháu, mình viết được cái truyện mình rất thích: Có một con chó bay qua nóc nhà. Mà có thể lắm chứ? Con chó bay qua nóc nhà… Trên đời không gì là không thể.

HV: Nhất là trong thế giới trẻ thơ.

TĐT: Điều ông nhà văn New Zealand nói hơi cao siêu một chút. Theo mình thì có điều này nhiều người viết cho thiếu nhi không làm được, thậm chí bất lực. Đó là phải viết làm sao thật hồn nhiên, như cách viết của một đứa trẻ, nhưng tuyệt đối không được giả vờ là đứa trẻ, chúng sẽ phát hiện ra ngay.

HV: Phẩm chất ấy rèn luyện được không, hay cần có sẵn bên trong người viết truyện thiếu nhi?

TĐT: Phải có khả năng ấy, hoặc chí ít phải rất ý thức về điều ấy. Gần đây mình đọc cuốn truyện đồng thoại của một nhà văn Hà Lan, nó khiến mình thay đổi hẳn quan niệm văn chương nói chung, trước hết là văn học cho thiếu nhi. Xưa nay viết cho trẻ con, ta thường dựa vào cốt truyện, rồi từ đó tán rộng ra, tùy khả năng của người viết. Nhưng truyện ông nhà văn Hà Lan này viết lại chỉ như những lát cắt từ đời sống, thậm chí không có đầu có cuối gì cả. Có cảm giác đời sống thế nào, ông cứ thế bê nguyên si vào truyện, ta vẫn gọi đó là tự nhiên chủ nghĩa. Nhưng nó lại cực hay vì thật tự nhiên, không câu nệ cốt truyện, áp đặt thông điệp mang tính dạy dỗ. Đọc thì thấy nó sẽ ở lại trong tâm hồn độc giả trẻ. Nhà văn mà chỉ nhăm nhăm dạy cho trẻ con bài học gì đó là điều tối kỵ, khi ấy tác phẩm không phải một sinh thể mà là tác phẩm chết. Người viết văn giống như thả con cá xuống ao, con cá bơi lội, vẫy vùng còn người đọc đứng trên bờ ngắm. Mỗi người nhìn con cá một góc khác nhau, thấy những vẻ đẹp khác nhau thì đó mới là tác phẩm có giá trị.

HV: Chỉ sợ anh không thả được con cá nào xuống, hoặc chỉ thả con cá nhựa, nó nổi lềnh phềnh, chẳng đi đến đâu cả.

TĐT: Chính xác. Đó cũng là cách để phân biệt một người viết bình thường và một nhà văn thực thụ.

HV: Thế ông nhà văn Hà Lan đã làm thay đổi quan niệm văn chương của ông như thế nào rồi?

TĐT: Mình đã bắt đầu viết theo lối ấy. Tất nhiên vẫn chưa thoát được ra khỏi hoàn toàn cái gọi là cái cốt truyện đâu. Truyện xoay quanh mấy nhân vật ở trong sân nhà mình. Một con sóc bông lau rất hay ăn khế, dưới gốc khế có con cóc, sống lâu đời cạnh bụi trúc với một con thằn lằn. Mỗi khi mình ngồi trên ghế đá con thằn lằn bò ra như muốn chơi với mình, nó nghển cổ nhìn, không hề sợ hãi. Phát hiện ra điều ấy mình khoái lắm, bởi lâu nay mình vẫn nghĩ, con người là một phần của tự nhiên, nếu anh ý thức được điều ấy thì sống hòa hợp với nó, nó sẽ mang đến cho anh niềm vui, hạnh phúc, an lành. Hiện nay, chúng ta đang tự tách khỏi tự nhiên một cách ngạo mạn, vô lối, sẽ phải nhận về những cơn giận khôn lường, từ bụi mịn, bão lũ đến sóng thần...

HV: Ông có lường trước được độc giả sẽ đón nhận tác phẩm mới thế nào không?

TĐT: Ít. Chắc sẽ ít. Nhưng mình vẫn làm điều mình thấy đúng. Mình thuộc tạng không câu nệ số lượng độc giả, không phụ thuộc vào ý thích của đám đông. Mình luôn nghĩ bản thân thuộc loại nhà văn ít bạn đọc. Nhưng cũng biết, những ai đã thích đọc mình thì sẽ rất thích, rất mê. Đấy là phần thưởng vô giá đối với nhà văn. Chính những bạn đọc như thế, dù ít thôi nhưng đã nuôi dưỡng tinh thần làm việc của mình.

HV: Tuy có nhiều cách quan niệm khác nhau về nghề viết, nhưng cơ bản thì nhà văn phải là người làm việc độc lập, trong môi trường đơn nhất. Sự đơn độc có thể “giết chết” nhà văn, hoặc làm cho anh trở nên thực sự lớn. Khi lựa chọn vào định cư ở Vũng Tàu ông đã nghĩ đến việc nhà văn phải làm việc một cách đơn độc thì mới tồn tại được?

TĐT: Mình hoàn toàn nghĩ như thế. Nhưng nếu mình không ở Vũng Tàu mà ở Hà Nội, hoặc TP Hồ Chí Minh hay những trung tâm văn hóa lớn, thì mình vẫn tránh xa những cuộc giao du vô bổ, tuy có khó hơn so với ở đây. Cũng một vài lần mình nói rồi, những chuyện đàn đúm trong giới, nhất là giới nhà văn, thích tụ tập nhậu nhẹt, một là mất thì giờ, hai là dễ dẫn đến những chuyện hết khôn dồn ra dại. Rốt cuộc là anh chẳng làm được cái quái gì cả.

HV: Có thể coi đây là quan niệm làm nên cá tính sáng tạo của ông không?

TĐT: Mình cho rằng, thế giới văn chương của mình cũng chính là thế giới nội tâm, tự mình hình dung ra thôi. Mình làm việc với tinh thần tự lực, hoàn toàn đơn thương độc mã, thấy làm được cái gì là cố chứ không dựa vào sự kích thích từ môi trường bên ngoài. Mà không chỉ môi trường bên ngoài, ngay cả việc dư luận, khen chê tác phẩm của anh, anh cũng phải rất thận trọng; điều này đến cái tuổi nào đấy anh mới hiểu ra. Lúc mình còn trẻ cũng thích nghe khen, khi bị chê thì thấy bực bội, khó chịu. Nhưng đến tuổi này, U70 rồi, mới thấy tất cả những điều ấy là vô bổ. Tất nhiên viết cái gì có người khen thì cũng vui, nhưng phải biết quên ngay đi để làm việc, và phải luôn luôn nghĩ rằng đấy chỉ là ý kiến một cá nhân. Thấy được điều ấy để còn tỉnh táo trong chuyện viết lách. Mình từng nói về truyện Harry Porter với mấy đứa cháu mình. Chúng nó rất mê, mê là phải, mình đọc cũng thích cơ mà. Nhưng mình vẫn nhắc chúng, các con đừng nghĩ bà ấy đông độc giả, bà ấy viết hấp dẫn như thế thì đã là nhà văn lớn đâu nhé. Chưa chắc bà đã lớn bằng những người chỉ có vài trăm bạn đọc. Đó là văn chương.