Chúng ta thiếu trầm trọng nền tảng khoa học thường thức

Là bác sĩ hồi sức cấp cứu của Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai, lâu nay bác sĩ Ngô Đức Hùng (ảnh bên) được chú ý trong thế giới mạng với nickname Hung Ngo nhờ những truyền thông về y tế, chăm sóc sức khỏe... hữu ích. Ngô Đức Hùng cũng là một trong số những bác sĩ kiên trì đấu tranh và lý giải cho cộng đồng nhiều phương pháp chữa bệnh phản khoa học, gây tác hại tiêu cực cho nhiều người.

Chúng ta thiếu trầm trọng nền tảng khoa học thường thức
Chúng ta thiếu trầm trọng nền tảng khoa học thường thức ảnh 1

Họp báo ra mắt sách Để yên cho bác sĩ “hiền”.

Những ngày này, một bộ phận không nhỏ cư dân mạng đang theo dõi “cuộc chiến” của anh chống lại những người cổ xúy trào lưu “thực dưỡng chữa ung thư”. Vấn đề “nóng” đến độ có Đại biểu Quốc hội đã chất vấn trong kỳ họp thứ tám, QH khóa 14. Anh có thể lý giải tại sao một vấn đề vô căn cứ, thậm chí nhảm nhí lại được nhiều người tin, hơn tin vào các bác sĩ, rồi gánh về mình những hậu họa khôn lường?

Tôi làm bác sĩ đến nay được 15 năm, trong quãng thời gian ấy tôi đã gặp rất nhiều các trường hợp người bệnh tự nghe theo lời đồn, từ bỏ điều trị để theo các trào lưu và phương pháp điều trị vô căn cứ. Trong số đó có không ít người xuất thân là trí thức, có thứ bậc cao trong xã hội. Cho tới khi họ đến bệnh viện thì tình trạng đã khá nặng. Theo tôi, chúng ta đang thiếu kỹ năng tư duy phản biện và kiến thức nền tảng. Hiện nay mạng xã hội phát triển đồng nghĩa với sự bùng nổ thông tin. Trong đó không ít là tin giả. Đứng trước mỗi thông tin đọc được, mỗi người phải kiểm chứng xem thông tin ấy có độ tin cậy ra sao, có logic không, lấy từ nguồn nào và nhằm mục đích gì? Bên cạnh đó, kiến thức nền tảng về khoa học thường thức chúng ta đang bị thiếu trầm trọng. Hai lý do này khiến một người rất dễ rơi vào tình trạng ngộ nhận khi đọc các kiến thức “hổ lốn” trên mạng, đặc biệt mạng xã hội.

Chúng ta thiếu trầm trọng nền tảng khoa học thường thức ảnh 2

Thời gian qua, có rất nhiều phong trào xấu, đẩy lùi sự tiến bộ của loài người như antivaccine hay sinh con “thuận tự nhiên” - người mẹ tự sinh nở tại nhà mà không cần sự trợ giúp y tế..., lan truyền trên mạng, thu hút nhiều người a dua. Khỏi phải nói việc tẩy chay vaccine đã gây tác hại thế nào cho xã hội, mà điển hình là sự bùng phát dịch sởi và nhiều dịch bệnh khác. Anh là một trong những bác sĩ đã dùng trang facebook của mình cảnh tỉnh cộng đồng và tạo được sự lan tỏa rộng rãi. Có phải chính những bất cập của ngành y tế và dịch vụ khám, chữa bệnh đã khiến một số người mất lòng tin rồi ngả theo những điều độc hại?

Câu chuyện này có nhiều lý do, theo tôi dịch vụ y tế không phải là vấn đề cốt lõi. Trở lại cội nguồn các phong trào phản khoa học này thường xuất phát từ chính các nước phát triển, nơi hệ thống y tế và khoa học dự phòng tương đối hoàn hảo. Vì sao vậy? Vì hệ thống an sinh xã hội quá tốt nên các dịch bệnh bị đẩy lùi. Nước Mỹ trong gần 40 năm liền không có một ca bệnh sởi nào cho đến khi dịch sởi xảy ra do phong trào antivaccine xuất hiện, châu Âu cũng tương tự. Đây là câu chuyện nôm na như câu nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, đến mức một số nước như Australia, Italia đã ban hành luật tiêm chủng. Một loạt các nước khác cũng chuẩn bị các bộ luật tương tự. Sau rồi antivaccine lan đến Việt Nam qua các câu chuyện trên mạng xã hội. Tôi thấy đối tượng bị tác động chủ yếu là dân văn phòng ở các thành phố lớn. Rồi phong trào này biến tướng cực đoan hóa các vấn đề, kèm theo sự lợi dụng của những kẻ trục lợi, đa phần là dân bán hàng online muốn câu kéo người đọc, càng giật gân càng tốt. Ở các vùng nông thôn, người dân tuân thủ khá tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Các phong trào phản tiến bộ khác cũng tương tự như vậy. Họ đang tìm hiểu những điều vô căn cứ nhưng lại nghĩ rằng đó là “tinh hoa” của loài người. Khi người dân nhận thức ra vấn đề, các xu hướng xấu sẽ xẹp dần, antivaccine hiện nay đã giảm mạnh. Còn thực dưỡng trị bách bệnh lại bắt đầu bùng lên với cách thức và lý do tương tự. Bởi vậy, đổ lỗi cho sự bất cập của y tế chỉ là cái cớ thôi.

Là bác sĩ hồi sức cấp cứu Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai, một nơi luôn căng thẳng giữa lằn ranh sinh tử của những bệnh nhân nặng. Anh đã chứng kiến, hoặc trực tiếp cứu chữa cho nhiều bệnh nhân dạng thiếu kiến thức này chưa?

Như tôi vừa nói, tôi làm bác sĩ cấp cứu đã được 15 năm, đã gặp rất nhiều tình trạng thương tâm do hậu quả của việc đi theo các trào lưu vô căn cứ. Đến khi vào viện đã quá nặng không còn khả năng can thiệp triệt để. Chứng kiến những câu chuyện đau lòng đó khiến tôi thấy mình cần lên tiếng.

Có những bệnh nhân ung thư, dốc hết tiền của, tài sản đi qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, thậm chí sang cả nước ngoài chữa bệnh, nhưng vẫn không qua khỏi. Trong cơn tuyệt vọng, họ trông chờ phép mầu ở những cách chữa bệnh kiểu “thực dưỡng” hay kinh nghiệm truyền miệng, cũng là điều phải cảm thông?

Tôi luôn nói rằng, chúng ta nên tôn trọng quyết định của người bệnh. Nhưng, những kẻ đi xúi giục người bệnh đang trong cơn tuyệt vọng là tội ác. Bởi tôi rất hiểu những người bệnh đó, sẽ có lúc ai nói gì cũng nghe theo, họ mong có phép màu xảy ra. Từ tâm lý ấy sẽ có nhiều kẻ nhẫn tâm trục lợi.

Những người vì mục đích này hay mục đích khác, tuyên truyền lôi kéo người dân theo những cái xấu, dù chỉ qua facebook, tùy hậu quả gây ra có lẽ cũng phải chịu một trách nhiệm, thậm chí một hình phạt nào đó, chứ không thể cứ bị phản ứng, bị tẩy chay lại đóng facebook là xong?

Tôi luôn tin tưởng pháp luật nghiêm minh và cần có chế tài cụ thể cho những trường hợp như vậy. Đến lúc chúng ta phải biết chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình, ngay cả trên mạng xã hội.

Công việc bận rộn căng thẳng, nhưng anh vẫn sở hữu và duy trì được trang facebook cá nhân được đánh dấu chính chủ, có hơn 120 nghìn người theo dõi. Facebook của anh được yêu thích có lẽ vì luôn truyền thông cho người đọc những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe, hiểu đúng về bệnh tật và tránh xa điều có hại... Anh lấy đâu ra nhiều thời gian và năng lượng thế?

Tôi có đọc đâu đó rằng xã hội trở nên tồi tệ không phải do quá nhiều kẻ xấu, mà do sự im lặng của những người tử tế. Và tôi muốn làm người tử tế. Công việc khá căng thẳng, tuy vậy chúng tôi luôn được ưu tiên có những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Với tôi, viết và tranh luận là cách xả stress khá hữu hiệu, vậy nên vừa chơi vừa làm. Tôi nhận thấy từ các cuộc tranh luận ầm ĩ ấy, mọi người đọc và sẽ tự nhận ra được bản chất của vấn đề.

Cuốn sách đầu tay “Để yên cho bác sĩ hiền” sau hơn một năm ra mắt, đã tái bản nhiều lần và đạt số lượng bản in kỷ lục. Tại anh viết sách có duyên, tại các đơn vị xuất bản sách PR quảng bá tốt hay đơn giản, do người đọc cuối cùng vẫn cứ là tin vào bác sĩ nhiều hơn các thế lực phản khoa học?

Tôi nghĩ rằng mọi người chào đón cuốn sách không phải ở việc nó hay. Bởi có rất nhiều người viết hay và thú vị hơn tôi. Lỗi ngữ pháp và trình bày ở đó cũng còn không ít. Nó được đón nhận có lẽ ở sự chân thành, các câu chuyện trong cuốn sách là những câu chuyện thật trong quá trình tôi sống và làm việc. Các đồng nghiệp tôi đọc và thấy một phần mình trong đó, còn các bạn đọc khác sẽ hiểu được công việc của chúng tôi hơn. Điều đó khiến tôi tin rằng, xã hội vẫn có nhiều điều tốt đẹp, tại sao mình lại không tìm cách lan tỏa cảm hứng ấy cho mọi người. Đó là động lực khiến tôi chống lại cái xấu, đương nhiên là trong phạm vi kiến thức chuyên môn của mình.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!