Ðạo của đạo

“Đạo”, nếu xét theo nghĩa thiêng liêng cao cả thì thường được gắn với Lão Tử, một triết gia có tuổi thọ rất dài nhưng chỉ duy nhất để lại một đại tác phẩm rất ngắn chừng vài nghìn chữ, “Đạo Đức kinh”. Để bàn về cuốn sách mỏng tới mức kỳ lạ này, đã có không biết bao nhiêu những cuốn sách dầy loay hoay uyên bác chú giải, nếu nhỡ có phải ngăn nắp xếp lại thì có thể đầy cả một thư viện. Theo những cách hiểu nôm na nhất, “Đạo” là con đường xuất xứ của mọi con đường. Những người giỏi đi trên con đường đấy, tự nhận mình là “đạo sĩ” và lập ra Đạo giáo.

Minh họa: Phạm Bình Chương
Minh họa: Phạm Bình Chương

Đây chính là một trong ba chân kiềng tư tưởng, tạo nên một ý thức hệ độc đáo “tam giáo đồng nguyên” của người Việt thời trung đại, “Nho, Đạo, Phật”. Người Việt vốn sáng tạo, nên khi tiếp nhận những giá trị tinh hoa khác lạ từ bất cứ nguồn nào, thì độc sáng tiếp biến nó thành của riêng mình. Cụ Tố Như thoải mái viết truyện Kiều, không hề câu nệ bản gốc của Thanh Tâm tài nhân, và đã tạo ra kiệt tác mang âm hưởng của riêng cụ. Một “tiếng kêu đứt ruột hoàn toàn mới”, (Đoạn trường tân thanh). Tương tự như thế, không phải ngẫu nhiên mà đã từ rất lâu, chữ Hán Việt đã thành di sản đúng của người Việt. Bởi đơn giản, nó được kết tụ từ tâm huyết mồ hôi nước mắt của không biết bao nhiêu thế hệ trí thức cha ông ta. Chỉ khi có tài năng, có sự chân thành tự hào tự tôn dân tộc, thì mới có thể thanh thản sở hữu được những giá trị văn hóa ngoại lai. Thế hệ kẻ sĩ Việt, đặc biệt là ở Hà Nội, khoảng giai đoạn cuối thế kỷ mười chín sang đầu thế kỷ hai mươi là một minh chứng. Họ là những người thấm đẫm cốt cách phương Đông thuần Việt nhưng ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận văn hóa phương Tây. Họ đúng là những người có Đạo.

Có điều, khoảng hơn vài mươi năm lại đây chữ “đạo” được nhan nhản dùng theo một cách xấu hổ. Đương nhiên, xét theo từ nguyên Hán Việt, tuy nó đồng âm nhưng khác mặt chữ. Nghĩa bóng bẩy của nó là thô bạo vay mượn. Nghĩa trắng trợn của nó là “thuổng”, là ăn cắp. Trong nghiên cứu học thuật ở ta, đặc biệt là bên khoa học nhân văn, “đạo sĩ” có nhiều. Nhưng có lẽ nhiều nhất là bên văn học nghệ thuật. Đạo thơ, đạo nhạc, đạo tranh... không còn là chuyện lạ mà đã thành vấn nạn. Thậm chí có vài “đạo sĩ”, còn mặt dầy leo lên truyền thông loanh quanh giải thích những nghĩa tích cực của “đạo”.

Theo bọn họ thì thuộc tính cao cả của sáng tạo luôn là cái mới, cái lạ, cái chưa từng thấy. Hai yếu tố Mới (tân) và Lạ (kỳ) tuy rất khó, nhưng nếu thật sự có tình cảm chân thành thì vẫn cố làm được. Và để tránh cái tiếng là “dẫm vào vết chân người đi trước”, khá nhiều nhạc sĩ đã vất vả cách tân bằng kiểu chèn “rốc” vào chèo hoặc nhét tuồng vào “ráp”. Nó hao hao giống như ở bên thời trang, các nhà thiết kế mạnh dạn suy tư cho yếm vào bikini, cho áo dài vào quần soóc. Hoặc như bên họa, đã có vài tập thơ tứ tuyệt được viết bằng tranh sơn dầu. Thảng thốt trong đám đó, đôi khi cũng có người làm nhạc thỉnh thoảng quá tay, loay hoay chui sâu vào những di sản âm nhạc cổ điển của Bach của Mozart, cấu nguyên một vài đoạn rồi xoay xở giai điệu đầu cuối tạo ra một thứ “xô nát” mang tên mình. Bảo là tinh tế vay mượn cũng được, bảo là thô sơ ảnh hưởng cũng được. Bọn họ lý giải, nghệ thuật vốn mênh mông lại phảng phất mơ hồ, nên với đa phần độc khán thính giả dễ dãi, nhiều khi thưởng thức chỉ vì cái tên của tác giả đã được truyền thông mài nhẵn. Chính vì thế mà bọn họ đã dẫn ra một giai thoại khét tiếng về L.Tolstoy. Ở những ngày cuối đời, chợt đại văn hào người Nga bỗng nghi ngờ thực danh của mình. Liệu có phải người ta đọc văn ông chỉ vì cái tên của ông. Nhà văn bỏ ra vài ba tháng kỳ công viết một truyện ngắn rồi ký tên khác, gửi đến một tạp chí nơi sẵn sàng đăng văn của Tolstoy, bất kể đấy là tạp văn đoản văn hay trường thiên văn. Một tháng, nửa năm bản thảo gửi đi vẫn tuyệt vô âm tín. Ông lẫm chẫm chống ba toong tới tòa soạn. Anh biên tập trẻ đẹp trai trán rộng có ba bằng tiến sĩ văn chương không đợi đại văn hào nói hết, chen ngang. “Con nói thật, cụ không viết văn được đâu. Tứ nhạt, ý lỏng. Đã thế văn phong hời hợt, nhang nhác bắt chước các đại gia”. Giai thoại không cho biết tên truyện ngắn, nhưng đã tâm huyết qua tay thiên tài thì không có đồ tầm thường. Lev Tolsoy là con sư tử trên đỉnh cao văn đàn Nga, một khi lên tiếng gầm thì dù gặp phải buổi ươn người cũng không thể giống tiếng mèo. Vậy mà. Có điều, đám “đạo sĩ” hoạt khẩu này vẫn cố né một điều tương đối minh bạch, Tolstoy muốn mượn văn mình để khẳng định mình. Nó hao hao giống như những cách tân tươi mới thường có ở những nghệ sĩ trẻ bắt đầu chân thành làm nghệ thuật. Cho dù có sâu sắc ảnh hưởng, thậm chí đôi chỗ có sống sượng vay mượn, thì những sáng tác đấy vẫn có thể được chấp nhận. Bởi sự trong trắng ở kiến thức, bởi sự hồn nhiên vô tư ở động cơ. Tạm chơi chữ, miễn cưỡng gọi là “đạo của đạo”.

Nó khác hẳn một thứ tha hóa, tạm gọi là “đạo của mượn”. Nó không những “đạo” nguyên tác phẩm của người ta mà còn ngang nhiên đề tên của người ta để vụ lợi. Hàng loạt những bức tranh “dỏm” theo phong cách của một họa sĩ lừng danh vẽ phố là một thí dụ đáng xấu hổ. Nó không những trắng trợn giả dối mà còn thô lỗ xấu xí. Theo Kinh Thánh, dấu hiệu đạo đức đầu tiên của loài người chính là sự xấu hổ. Đám “đạo sĩ” này hình như không bao giờ biết đỏ mặt. Họa chăng nếu có thì chỉ ở những hôm lúy túy lén lút uống say nhờ tiền bán tranh “đạo”.

Thế nhưng khủng khiếp hơn nữa là loại “đạo sĩ” càn rỡ hiên ngang mượn công sức của người khác để huênh hoang đánh bóng mình. Đám này thường dư dật vì đang được bon chen trong hoạn lộ. Họ sẵn sàng “mua danh ba vạn”, để từ “danh” mà kiếm thêm “lợi”. Cứ thử nhìn vào chất lượng thê thảm của một vài những luận văn thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ gần đây thì biết. Bởi ngay những người đi thuê viết, hầu như đều không biết rằng, những kẻ viết thuê sẵn sàng đi “đạo”. Có phải thế chăng giai thoại vỉa hè truyền khẩu rằng, luận văn thạc sĩ thường chất lượng hơn luận văn tiến sĩ. Bởi luận văn thạc sĩ thì nhờ tiến sĩ viết, và ngược lại.

Luật Sở hữu trí tuệ ở ta đã được Quốc hội thông qua từ cuối 2005. Theo đó, những xâm phạm quá lộ liễu sẽ bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, với những người đã lương thiện được vinh danh nhờ sáng tác, thì tòa án hành chính chẳng là gì nếu phải so với tòa án lương tâm. Với họ, “đạo” duy nhất chỉ mang nghĩa là con đường sáng, cho dù trùng trùng điệp điệp gian nan. Và chỉ trên con đường chông gai nhưng ngập tràn liêm sỉ đấy, người ta mới hình thành đức hạnh của nghề nghiệp.

Mà nôm na như ông bà ta đã từng nói, “có Đức thì mặc sức mà ăn”. Nhân cách thường có ở những đạo lý giản dị.