Xóm hẻm Sài Gòn

Người trong hẻm yêu quý nhau như tình làng, nghĩa xóm. Khi một người mới tới hẻm thuê nhà hay một cô gái về làm dâu luôn bị săm soi. Một người trong hẻm đi làm việc ở đâu, kinh doanh chỗ nào... cũng phải “báo cáo” hẻm! Không làm cái việc này dễ bị coi khinh mà làm được việc này thì người ở hẻm ủng hộ, đề cao. Ðặc tính ngụ cư của hẻm Sài Gòn tạo ra giá trị của hồn phố, nếp nhà.

Người trong hẻm làm đẹp cho người trong hẻm (ảnh chụp tại hẻm 51/10, đường Cao Thắng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Người trong hẻm làm đẹp cho người trong hẻm (ảnh chụp tại hẻm 51/10, đường Cao Thắng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh).

Chuyện tình tôi trong hẻm

Tý là tên gọi ở nhà. Vậy nhưng cư dân hẻm 92 đường Nghĩa Phát, quận Tân Bình khi kêu chuyện, gọi việc đều ới Tý. Tý có tên trong giấy khai sinh là Nguyễn Thành Luân. Tên đẹp! Tội nghiệp cho Tý. Tên trùng với vai diễn của diễn viên điện ảnh nổi tiếng, thần tượng của nhiều người, nên không ai gọi là Luân. Tý sinh năm dần, nay cũng hai mấy tuổi. Tý lấy vợ, hẻm vẫn gọi Tý với vợ thằng Tý!

Đám cưới Tý, cả hẻm đi dự ở nhà hàng tiệc cưới đối diện công viên Lê Thị Riêng. Chú rể Thành Luân, cô dâu Mỹ Linh ghi rành rành, vậy mà người trong hẻm lên hát mừng vẫn mào đầu: “Hổm này ngày vu quy của thằng Tý. Tui xin hát tặng...”. Tý bị “chết tên” vậy đó.

Cô Nhung, mẹ của Tý bán bún xào, bánh cuốn trước cửa nhà. Khách hàng là người trong hẻm. Mấy ngày đầu ai cũng mừng, cũng khen nhà có dâu bắc. Con gái ngoài đó chịu khó, chịu thương, ít ăn chơi. Thế nhưng ca ngợi chỉ được mười mấy ngày. Nguyên do vợ Tý cứ nghĩ người thành phố nhà nào biết nhà đó nên không chào ai. Cô phải đi sớm, về muộn. Hẻm lại ì xèo: “Làm chi mà về muộn vậy ta”? Rồi những lắc đầu ngao ngán: “Chị nói con dâu đi. Khuya rồi, chạy xe uỳnh uỳnh. Mất ngủ!”. Bà Nhung phân trần: “Thằng Tý nó ham vợ...”. Bà bực tức chuyện cư xử của con dâu. Khi con dâu, con trai ở nhà, bà lại nín thinh. Kệ nó!

Tấn Đức ở hẻm 27, đường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Hẻm cụt, vào ra chỉ một lối. Đưa người yêu về nhà chơi. Về hồi sáng thì tới chiều cả hẻm có chuyện để đưa tin. Đức ơi, bạn gái của con đó hả? Đức gật đầu, dạ tụi con quen nhau mấy tháng. Quen hả, chân dài quá ta. Nói với bạn con, ở hẻm này không bụi, không khói nha con. Đừng có để cái mặt khó nhìn. Ăn chửi đó.

Nghe các dì, các bác nói, Đức mới nhớ ra. Hồi sáng mình dẫn xe, bạn gái đi sau vẫn đeo khẩu trang. Khi bước chân ra khỏi nhà lại đeo khẩu trang luôn. Ra trường, bạn gái về Hậu Giang làm việc, hai đứa chia tay nhau. Người trong hẻm lại hỏi Đức bạn gái chân dài độ này đi đâu mà hổng đến chơi? Đức nói, tụi con xa nhau rồi! Ầu, được đó. Con học hành ngon chứ bộ, tướng mạo của con cũng ngon chứ bộ. Gái quê mà cũng nhiều chuyện quá ta. Lần sau, kiếm người đưa về đây nhớ cho các dì nhìn rõ mặt nghe con. Đừng như con nhỏ bịt mặt. Bê bối quá.

Đức kể chuyện tình đầu của mình ở quán cà-phê như vậy. Đức cười: “Ở hẻm là hay bị phê phán. Phải sống cho đúng mực nha. Có phê phán mới tiến bộ được” - Đức kết luận.

Chú Khánh xe ôm đầu hẻm Nghĩa Phát biết chuyện Linh vợ Tý. Chú chạy theo ngoắc nó dừng lại. Chú nói sự tình trong hẻm đang bàn tán về con. Ở hẻm này biết nhau hết đó, sáng đi làm thì mở lời với mọi người nha. Tối, đi làm về, con chạy xe trong hẻm đều đều thôi đừng ga mạnh, tiếng nổ to làm mọi người thức giấc. Mai mốt, có ngày nghỉ, con bảo chồng đưa đi chào mọi người trong hẻm một câu. Linh cảm ơn chú. Và thực hiện theo lời chú Khánh khuyên. Tới nhà ai, Linh cũng chào hỏi và nhận lỗi: tại con cứ nghĩ là ở phố... Không sao. Không sao hết. Mọi người xua tay. Mới có một ngày trôi qua mà “lịch sử” thay đổi, Linh đã được cả hẻm thương yêu.

Xóm hẻm Sài Gòn ảnh 1

Hay - dở phân minh

Hẻm nào cũng có chuyện. Chuyện hẻm kéo dài theo ngày, theo tháng, theo năm. Người mà ăn ở không ra gì bị hẻm soi, hôm nay có chuyện này, mai có chuyện kia, mốt thêm chuyện nữa. Sau đó ôn lại chuyện cũ, tổng kết tính cách con người. Không có điểm dừng cho mọi câu chuyện tốt xấu. Một người biết cư xử, nhà có người ốm đau sang thăm, đi đâu xa về có chút quà mọn thì cái xe máy của khách có sơ ý để nắng hoặc dầm mưa cũng có người mang dù, bạt che dùm. Con chó nuôi trong nhà có tuột xích chạy ra ngoài, có người bắt lại đem trao tận tay. Bao thư mà địa chỉ có ghi nhầm số nhà cũng được người trong hẻm giữ lại để xác minh có đúng của anh, của chị không. Muốn ăn cái gì, mua ở đâu cũng được người trong hẻm tư vấn. Giá rau củ ngoài chợ vừa nhích lên cũng được người hẻm mách cho. Có người quê tới tìm cũng được hẻm thông báo để biết. Trẻ nít đi lạc trong phố mà gặp người trong hẻm coi như gặp được người nhà.

Trong các con hẻm ở quận 3, quận 4, quận Tân Bình, Gò Vấp... luôn là những phân xưởng nhỏ của gia đình. Đóng giày dép, may mặc, mài, cơ khí, thêu, đan... Có nhiều người nắm vững nghề nghiệp, phát triển được một số khách hàng thì ra các quận huyện thuê đất rộng mở xưởng. Có người không nghề nghiệp mở hàng ăn tập tè trong hẻm. Khách hàng cũng người trong hẻm. Hàng chưa ngon khách vừa ăn, vừa dạy bảo. Bí quyết nấu ăn hay cư xử với khách hàng cũng người trong hẻm truyền cho. Khi tay nghề đã dẻo, nấu ăn thuần thục, vốn liếng tích cóp hòm hòm liền bung ra mặt phố thuê cửa hàng bán cho khách phương xa.

“Chòm xóm” có nhau

Khi ngoài phố có những biển hiệu trưng trổ hàng Tết, hoa kiểng lượn tới lui thì người trong hẻm cũng chuyển đề tài. Tết này, người nào về quê, người nào đi du lịch. Cái chuyện thịt đông ngoài bắc nấu xong không cần cho vô tủ lạnh vẫn đông, ăn rất ấm mồm thành câu chuyện khó tin nhưng có thật. Hư thực nữa là chuyện trong hẻm trên đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, quân Bình Thạnh có anh chữa xe quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Anh cũng là hàng quen của tôi. Mỗi khi tăng sên, thay vỏ, bỏ dầu đều tới chỗ anh. Quê anh đang sốt chuyện bộ lư đồng mấy trăm tỉ, anh hỏi tôi có chuyện đó thiệt không? Anh chị không biết in-tơ-nét thì chuyện lư đồng đăng trên báo mạng khác chi chuyện kể trên trăng có chị Hằng Nga!

Ông Nhâm người Thanh Miện, Hải Dương, cựu chiến binh của thời chiến trường khói lửa. Thấy tôi là ông như thấy bạn xưa. Chú nhà báo đấy hả. Ngồi đó chờ tôi vào pha trà nhé. Nhìn thấy người bắc là có bạn uống trà mạn, vui quá. Không như lần trước, hỏi công tác đâu, chuyện Đảo Cò quê tôi, chú có thông tin? Mùa đông đã đến, gió bấc đang về ngoài kia, ông so vai rụt cổ, hơn ba mươi năm ở đất Sài Gòn vậy mà nhắc đến mùa đông như đang quanh đây, gần đây vậy.

Con hẻm ở Sài Gòn dài hay ngắn, cụt hay thông, người trong hẻm đủ mọi tỉnh, thành về cư ngụ. Vậy nhưng chỉ cần một người bán báo đi qua ba ngày thôi. Và một sáng không thấy người bán báo, họ đã hỏi nhau xem sao? Một em nhỏ bán xổ số cũng được nhớ đến. Một chị mua ve chai cũng không ai quên. Một hàng bánh mì đầu hẻm cũng thành chuyện gửi gắm một suất ăn sáng. Một xe đẩy rau đi qua cũng thành cuộc hẹn của ngày mai mang rau gì tới. Một đứa trẻ trong hẻm rong chơi lêu lổng được người trong hẻm răn dạy. Một cô gái qua cuộc thi nhan sắc thành danh cũng được hẻm tự hào. Một biểu hiện cá nhân hư hỏng được cả hẻm lo lắng. Một thành tích được cả hẻm chung vui. Bao nhiêu con hẻm trên các đường phố Sài Gòn? Thật khó thống kê. Hẻm xe hơi hay hẻm nhỏ, hẻm lắt léo hay đơn giản... đều giấu trong mình một câu chuyện kể thân thương. Quần cư đô thị sau mặt tiền dù mới hay cũ đều luôn quan tâm đến nhau, mong cho nhau thành công. Sống trong hẻm cũng lây nhiễm tính cộng đồng của hẻm. Một ngày không ở hẻm nữa lại thấy lòng mình đang buộc vào chốn thân thương. Ai đó, thờ ơ với hẻm Sài Gòn thì không thể biết nội tâm trong các con hẻm ấy, rất ư... quê nhà!

Một biểu hiện cá nhân hư hỏng được cả hẻm lo lắng. Một thành tích được cả hẻm chung vui.