Dòng máu Việt trong gia đình Hoàng thân  Souphanouvong

Trong gia đình Hoàng thân Souphanouvong lưu truyền câu chuyện khi ông còn bé, có nhà chiêm tinh ở cung điện Xuxavanna phán: Lớn lên, Souphanouvong sẽ trở thành một danh nhân và lấy vợ là người nước ngoài. Trong lần đầu tiên giáp mặt Hoàng thân, người con gái đó sẽ mặc áo mầu hồng. Lời tiên đoán định mệnh ấy như gắn kết mối tình đầy duyên nợ của Hoàng thân với vợ, bà Viêng Khăm Nguyễn Thị Kỳ Nam - Hoa khôi xứ Trung kỳ một thuở...

Ảnh cưới của Hoàng thân Souphanouvong và bà Kỳ Nam ở Nha Trang.
Ảnh cưới của Hoàng thân Souphanouvong và bà Kỳ Nam ở Nha Trang.

Hoa khôi xứ Trung kỳ trở thành đệ nhất phu nhân Lào

Khi biết tôi có ý định thực hiện chuyến đi dọc nước Lào, những người bạn ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi khuyên: Đến Vientiane, nhất định phải tìm gặp Xu Chính, Xu Đại, nhắn là bạn bè Việt Nam lúc nào cũng nhớ... Xu Chính, Xu Đại - cái tên dí dỏm mà lính Trỗi thường gọi những người con của Hoàng thân Souphanouvong, khi họ cùng trải qua những năm tháng thơ ấu trên đất Việt. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội bước vào ngôi nhà của một trong những gia đình Hoàng gia danh giá nhất nước Lào, được những người con của Hoàng thân đón tiếp như người thân đi xa mới về, được thắp hương cho vợ chồng Hoàng thân, và thấy mình lặng đi vì xúc động trong khoảnh khắc khi nhận ra bức ảnh thờ Hoàng thân là bức ảnh ông chụp chung với Bác Hồ giữa chiến khu Việt Bắc những ngày khó khăn nhất của Cách mạng hai nước. Những người con của Hoàng thân đều thờ cha mình và Bác Hồ bằng bức ảnh chụp chung đó trong nhà riêng của họ. Với họ, đó là lời nhắc nhở con cháu đời sau, dù thế nào cũng không được quên mối thâm tình với đất nước Việt Nam, không được quên trong huyết quản mình có một nửa dòng máu Việt...

Năm 1937, sau khi kết thúc quãng thời gian du học ở Pháp, Hoàng thân Souphanouvong bị Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm làm công chức Sở Công chánh An Nam Trung kỳ ở Nha Trang. Đến Nha Trang, bước chân vào khách sạn Bon Air với ý định xin nghỉ trọ, Hoàng thân Souphanouvong đã gặp một người con gái kiều diễm mặc áo hồng, mà sau này ông mới biết đó chính là tiểu thư Kỳ Nam - ái nữ của ông chủ khách sạn và cũng là hoa khôi xinh đẹp nức tiếng xứ Trung kỳ. Là nữ sinh Đồng Khánh được bao quan chức Pháp theo đuổi, lại là con gái nhà tư sản giàu có Nguyễn Văn Sung, nhưng chỉ sau lần đầu gặp Souphanouvong, dù chưa biết bất cứ điều gì về ông, tiểu thư Kỳ Nam đã nói với cha mình: “Nếu đó là một người thất nghiệp đang tìm việc làm hay là người nghèo khó, hoặc là người gặp chuyện chẳng may của gia đình phải đi ở trọ, thì xin cha cứ cho anh ấy ở lại. Nếu anh ấy nghèo khổ, không nơi nương tựa, không có tiền trả phòng trọ, thì lúc con học xong, đi làm có lương, con sẽ nuôi anh ấy...”. Kỳ Nam chẳng thể ngờ người mình vừa gặp là một vị Hoàng thân xuất thân từ dòng Tiền Cung cao quý của Hoàng gia Lào. Sau này kể lại với con cái, Hoàng thân Souphanouvong thường mỉm cười hạnh phúc: “Giây phút đó, ta gần như cấm khẩu, không thể nói và nghĩ được bất cứ điều gì. Vừa bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của tiểu thư ở trước mặt mình, ta lại vừa có cảm giác rất quen thuộc, cứ như là đã gặp nàng ở đâu đó từ rất lâu rồi...”.

Lúc còn nhỏ, Souphanouvong không mấy để ý đến lời của nhà chiêm tinh. Trong những giấc mơ thuở thiếu thời, ông thường thấy mình được đặt chân đến xứ sở của người Khôn Kẹo (tên người Lào gọi nước Việt thời đó) và được một thiếu nữ áo hồng đưa đi thăm thú khắp nơi. Ý nghĩ về giấc mơ và lời phán của nhà chiêm tinh năm nào đột ngột xuất hiện trong đầu Hoàng thân vào đúng khoảnh khắc ông mặt đối mặt Kỳ Nam. Như duyên tiền định, Souphanouvong luôn tin rằng cô gái ở khách sạn Bon Air chính là “cô gái áo hồng” mà số phận đã sắp đặt cho ông.

Sáu tháng sau cuộc gặp đầu tiên, Hoàng thân kết hôn với tiểu thư Kỳ Nam. Ông đặt cho bà cái tên mới Viêng Khăm Souphanouvong - nghĩa là bức Thành vàng quý giá của dòng họ Soupha. Lấy chồng, hoa khôi xứ Trung kỳ đã từ bỏ cuộc sống an nhàn của một tiểu thư nhà giàu, chấp nhận dấn thân theo con đường của chồng - con đường mà ngay từ khi cưới nhau, Hoàng thân đã nói rõ với người vợ yêu của mình: “Sẽ là con đường của đấu tranh giành lại đất nước Lào thực sự độc lập cho người Lào”. Là người phụ nữ Việt về làm dâu nước Lào, bà Viêng Khăm Kỳ Nam đã trọn vẹn đạo vợ chồng với Hoàng thân Souphanouvong. Ngay cả khi ông gặp biến cố, hay trong những ngày kháng chiến gian khổ, bà vẫn luôn cận kề bên chồng. Khi Hoàng thân bị chính quyền phản động Lào bắt giam, bà lần hồi dắt cả đàn con nhỏ lặn lội từ Lào sang Hà Nội tìm gặp Bác Hồ, nhờ Người giúp đỡ giải cứu Hoàng thân. Sau này, dù ở cương vị phu nhân Chủ tịch nước, bà Viêng Khăm vẫn sống rất giản dị. Bà đích thân vào bếp nấu cho chồng con các món ăn Việt Nam và Lào mà bà dày công học hỏi. Bà dạy các con nói giỏi cả tiếng Việt và tiếng Lào.

Vynaythong (tên Việt là Nguyễn Văn Chính) - người con trai thứ ba của vợ chồng Hoàng thân kể rằng: “Nhiều lúc tôi cũng không thể nhận ra mẹ tôi là phụ nữ Việt hay Lào? Dường như bà là cả hai - vì bà sinh ra đã thế và vì tình yêu với cha tôi. Sáng nào cũng vậy, dù là đệ nhất phu nhân, nhưng bà vẫn dậy rất sớm như bao phụ nữ Lào khác, tắm rửa sạch sẽ, khoác tấm Cà Piêng đẹp nhất quỳ rạp trước cổng nhà, chờ đoàn sư khất thực đi qua và cung kính dâng lên các nhà sư lễ vật của gia đình mình trong nghi lễ không thể thiếu của người Lào mỗi ngày. Đó là lý do vì sao mẹ tôi luôn được người dân Lào yêu quý, dù bà là một bà Hoàng có xuất xứ ngoại lai”.

Dòng máu Việt trong gia đình Hoàng thân  Souphanouvong ảnh 1

Con trai thứ ba của Hoàng thân: Vinaythong Souphanouvong (Nguyễn Văn Chính)

Luôn tự hào về quê ngoại Việt Nam

Những người con của vợ chồng Hoàng thân đều nói: Cha họ dạy cho họ cảm giác về trách nhiệm của một người thuộc dòng họ Soupha với Tổ quốc, với nhân dân Lào; còn mẹ dạy cho họ sự dịu dàng, nhân ái và tình ruột thịt không thể chia tách với đất nước Việt Nam. Vợ chồng Hoàng thân có 10 người con. Tất cả đều được đặt tên Việt Nam, đều biết tiếng Việt và từng đi học ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Có những người con của Hoàng thân tiếp tục lấy vợ Việt. Ai cũng tâm niệm, trong họ có một nửa dòng máu Việt Nam và họ luôn tự hào về điều đó. Nhotkeomani (tên Việt là Kiều Nga) người còn gái thứ năm của Hoàng thân kế thừa được vẻ đẹp thuần khiết của mẹ. Khi còn nhỏ, Kiều Nga đã được mẹ dạy cho cách nấu các món ăn Việt. Mỗi khi có khách từ Việt Nam sang chơi, bà lại nấu những món rất Hà Nội như bún chả, phở, canh cua mùng tơi cà pháo, khéo léo không kém bất cứ phụ nữ Việt đảm đang nào, khiến những người Việt sang Vientiane vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngợi.

Dòng máu Việt trong gia đình Hoàng thân  Souphanouvong ảnh 2

Hoàng thân Souphanouvong và phu nhân năm 1976.

Sinh thời, Hoàng thân Souphanouvong đã từng xây đập thủy lợi Đô Lương (Nghệ An), đóng góp to lớn vào việc phát triển nông nghiệp ở mảnh đất miền Trung này. Năm 2008, kỹ sư Xivana Souphanouvong - con trai út của Hoàng thân đã thực hiện một chuyến “về nguồn” đặc biệt: Anh tự lái xe theo con đường số 13 từ Viêng Chăn về Trung Lào rồi theo đường số 8 về Vinh - đúng con đường mà khi xưa cha anh đã đi khi sang Việt Nam. Bon bon trên con đê làng mà cha mình từng góp phần xây dựng 70 năm trước, Xivana gặp một lão nông hơn 80 tuổi râu tóc bạc phơ đang ngồi hóng mát. Nghe giới thiệu về Xivana, cụ ông nắm chặt tay anh rưng rưng: “Thì ra cháu là con ngài Souphanouvong? Lão biết cha cháu từ khi còn trẻ. Ngài đã từng cưỡi ngựa đi theo con đê này để kiểm tra đập nước. Cháu cũng đẹp trai y như cha cháu ngày xưa...”.