A.I

Tôi đinh ninh gặp gã đâu đó ngoài đời mà không nhớ ra. Nhưng gã đã xuất hiện chỉ một lần trong giấc mơ của tôi.

Minh họa: ĐỖ HOÀNG TƯỜNG
Minh họa: ĐỖ HOÀNG TƯỜNG

Ở một cái tiệc nhỏ tầm chục người, tự dưng vợ tôi đi đâu không thấy. Tôi tìm đến một căn phòng thì gặp gã đang dùng tay xoa dầu gió vào bụng cho vợ tôi. Vợ tôi nằm ngửa trên giường, áo tốc lên quá rốn. Thấy tôi, vợ bảo tại đau bụng quá nên nhờ gã xức dầu. Xong gã nằm xuống bên cạnh vợ tôi, cả hai đưa mắt nhìn tôi như không biết sợ là gì.

Kết thúc giấc mơ tôi khựng lại, đạp hai gót chân xuống chiếu và tỉnh giấc. Một giấc mơ lạ đầy ức chế.

Tôi nghĩ cần phải kể giấc mơ này cho vợ biết. Nhưng một giấc mơ không có giá trị gì nhiều cho người khác. Vợ chắc chắn sẽ nhìn tôi đầy nghi hoặc rồi bảo tôi chỉ giỏi bịa chuyện. Nghề văn, thứ thật có thể thành giả, chuyện giả có thể kể như thật, sản phẩm là câu chuyện bằng lời nói hoặc bằng chữ viết, tuyệt không sờ nắm được. Vợ tôi đang chứa trong nhà một kẻ viết văn, trí tưởng tượng bay qua được mái ngói. Một ông chồng viết lách như thế thì mọi thứ kể lể bắt gặp đều bị vợ nghi hoặc, huống nữa là một giấc mơ.

Có quỷ mới tin anh. Tôi đã nghe vợ nói câu đó hàng chục lần, nên chuyện giấc mơ nếu kể ra, thì thêm một lần làm vợ mất niềm tin vào tôi mà thôi.

Đúng là có quỷ mới tin giấc mơ của tôi.

Làm gì có chuyện trong một cái tiệc nhỏ như thế mà đôi nam nữ lại kéo nhau đi biểu hiện tình cảm ở phòng bên cạnh. Một căn phòng không cửa khóa không rèm che. Và vô lý nữa khi anh chồng cũng đang có mặt trong bữa tiệc ấy. Thậm chí quá vô lý khi bị phát hiện mà hai kẻ ngoại tình lại không tỏ vẻ nao núng.

Chỉ có thể là muốn trêu ngươi tôi. Vợ và gã, cả hai đã thách thức tôi.

Tôi nhớ khuôn mặt gã, vóc dáng, cả áo quần gã trong giấc mơ. Một con người tôi đã gặp đâu đó ngoài đời mà không lục ra được. Ký ức đã phản bội tôi như chính vợ tôi trong giấc mơ.

Gã, có thể là một người bạn của tôi hoặc của vợ. Hình ảnh của gã đã thoáng qua một lần gặp, hay tôi đã nhìn thấy trong một bức ảnh nào đó.

Thời công nghệ thông tin, cái gì chưa rõ có thể lên mạng. Nhân thân một người nào đó cũng không còn là điều bí mật, chỉ cần người ấy có tài khoản facebook.

Tôi lục hết danh bạ facebook của mình và của vợ. Săm soi kỹ từng bức ảnh khuôn mặt. Không phải ảnh đại diện nào cũng chụp chân dung chính diện cận cảnh. Có nhiều bức chủ nhân nhìn nghiêng chỉ thấy nửa mặt, tôi phải mở ảnh phóng to để xem.

Dễ đến một ngàn khuôn mặt đàn ông trong hai cái facebook. Ngoài đời vợ chồng tôi không phải quảng giao để có nhiều bạn đến mức đó. Và sự nghi ngờ càng tăng lên khi trong danh bạ của vợ có quá nhiều người tôi không hề biết. Những gã đàn ông không phải bạn chung của vợ chồng tôi. Những người bạn riêng của vợ, vợ chưa từng kể cho tôi nghe về người đó, cần phải khoanh vùng những đối tượng này trong phương pháp tìm kiếm loại trừ.

Tôi đi tìm kẻ tình địch vừa hồi hộp vừa lo lắng. Chỉ vài cú nhấp chuột nữa thôi, biết đâu khuôn mặt trong giấc mơ sẽ hiện lên. Hẳn tôi phải vui sướng như một điệp viên đã hoàn thành nhiệm vụ. Hay tôi sẽ phải sôi máu lên khi biết cái gã trong giấc mơ là một con người có thật ngoài đời, rất đàn ông.

Suốt một buổi mò mẫm nhấp chuột đến tê cả ngón trỏ vẫn không có được khuôn mặt nào hao hao gã. Vùng khoanh nghi ngờ được săm soi cẩn thận vẫn không tìm ra nét gì giống với gã trong giấc mơ. Tôi thất bại trong niềm lạc quan, hay là lạc quan trong thất bại. Ít ra tới giờ phút này gã vẫn chỉ là một sản phẩm của giấc mơ.

Nhưng nghề văn đã tập cho tôi thói quen tưởng tượng đến tận cùng, và tôi không bỏ cuộc.

Thật vớ vẩn khi phải đi tìm gã trên facebook. Bởi nếu ngoại tình, người ta sẽ xóa hết mọi dấu vết. Để tình nhân trong danh sách bạn bè há chẳng phải sơ hở sao?

Tôi quay sang hướng phán đoán khác. Rằng gã, nếu không phải bạn tôi, không phải bạn vợ thì phải là bạn của chủ nhà. Ông chủ ngôi nhà chắc chắn phải là bạn của tôi, hoặc của vợ, thậm chí cả hai. Phải như thế chúng tôi mới được mời đến đó dự. Nếu tìm được ông chủ ngôi nhà, chắc dễ tìm ra gã.

Nhưng chủ nhà lại không xuất hiện trong giấc mơ bữa tiệc, chỉ có ngôi nhà mầu vàng. Những tấm cửa gỗ, sàn gạch hoa văn tôi vẫn còn nhớ, và nó cũng quen lắm. Cửa sổ kiểu lá sách thời Pháp thuộc, sơn mầu xanh dương. Sàn gạch vuông cỡ gang tay, loại gạch hoa thập niên chín mươi chỉ nhà giàu mới có. Căn nhà một dạng kiểu nhà phố cổ, có nhiều phòng nhỏ bố trí ngóc ngách, các cửa vòm thấp, tạo cảm giác ấm áp nhưng cũng ngột ngạt.

Tôi lại bắt đầu lướt facebook để tìm ngôi nhà trong giấc mơ. Tìm nhà chắc dễ hơn tìm người. Hóa ra không dễ chút nào, thậm chí không tìm ra được cánh cửa giống giấc mơ. Nhà có cửa lá sách thì mầu sơn lại là trắng. Nhà có gạch men thì chỉ là những góc quán cà-phê.

Không tìm được nhà, không tìm được người, thì hẳn nó phải là một điềm gì đấy. Google biết mọi chuyện, trừ giấc mơ của tôi nó không giải mã được. Nó chỉ dẫn cho tôi đến một ông thầy chuyên đoán mộng.

Tôi không dễ tin một ông thầy đoán mộng. Kẻ viết văn đôi khi còn không tin câu chuyện mình viết ra, huống nữa là tin người bói giấc mơ.

Ngay cả khi đã đặt chân đến cửa nhà thầy đoán mộng, tôi vẫn phải quay về vì không muốn trình diễn cái nội tâm phức tạp này ra cho người lạ biết. Tôi sẽ trở thành một kẻ yếu đuối ngay khi kể câu chuyện giấc mơ cho ông thầy. Và ít nhất sẽ có một người nắm được bí mật của tôi, nắm đằng chuôi.

Chỉ là một giấc mơ thôi, đời người ai chẳng mơ, có gì mà phải bận tâm. Dặn lòng thế nhưng tôi cứ bị ám ảnh. Nếu được mơ thêm một lần như thế nữa, tôi sẽ nhìn thật kỹ gã.

Một giấc mơ không đến lần thứ hai nhưng nó có thể in sâu trong tâm trí con người nhiều năm sau. Ba năm, tôi đã không còn nhớ khuôn mặt gã, không còn nhớ cảnh ngôi nhà. Riêng chi tiết gã xức dầu vào rốn vợ thì tôi không quên.

Tôi không còn tự tin nằm với vợ những buổi trưa. Những đêm chồm người lên vợ phải tắt hết đèn điện. Chỉ cần một chút ánh sáng, khi phanh áo vợ ra, tôi sẽ nhìn thấy cái lỗ rốn trong giấc mơ. Giấc mơ lại một lần nữa đè nén kìm hãm tôi.

Cả khi không còn chút ánh sáng nào, phòng ngủ như buồng tối tráng phim ảnh, cảnh trong giấc mơ vẫn hiện lên mồn một. Cứ như gã đang hòa vào cơ thể tôi, từ tóc đến bàn chân tôi chỉ là một cái hình nhân để nhập hồn. Những động tác nhấp nhổm lên xuống, rướn lùi đều được gã điều khiển. Tôi bị biến thành kẻ chứng kiến cuộc thổ lộ tình cảm, như trong giấc mơ. Cảm giác bẽ bàng ấy đã gặp lại ngoài đời và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Tôi nghĩ vợ biết gã. Nhưng tôi phải mô tả thế nào về gã để vợ nhận ra. Hoặc nếu nhận ra, chắc gì vợ đã dại lạy ông tôi ở bụi này.

Tôi âm thầm theo dõi vợ. Nhất là những khi vợ đi dự tiệc, biết đâu cơ sự giấc mơ là điều đến trong tương lai. Tôi theo dõi cả những tin nhắn điện thoại hoặc những cuộc dạo facebook của vợ.

Nửa đêm vợ trở mình bật điện thoại lên, tôi đã mừng thầm phen này sẽ túm được cả gã và cả độ thâm tình trong mối quan hệ. Nhưng vợ chỉ bật màn hình lên xem giờ. Vợ làm tôi thất vọng, hay vợ cũng đang cố tình chơi đểu tôi.

Vợ quay sang hỏi anh cũng khó ngủ sao. Tôi bảo dạo này anh ngủ rất tỉnh, ai làm gì cũng biết, cứ như có giác quan thứ sáu. Vợ không hề giật mình thót tim, ngược lại, chỉ nhếch miệng cười: “Điên”.

Tin tức báo chí thỉnh thoảng làm tôi bối rối. Những chuyện ngoại tình, ông này kẹp bà nọ vào nhà nghỉ. Đoạn phim nam nữ đồng nghiệp dìu nhau vào khách sạn để ủ ấm qua cơn sốt rét. Đọc tin xong tự nhủ đừng vội cười người, vì biết đâu chả tới lúc vợ mình cũng diễn một trò tương tự.

Thật xấu hổ, tôi lại bắt đầu lướt những đoạn clip nhạy cảm trên các trang mạng. Bất kể một đôi nam nữ nào đó cũng khiến tôi nghĩ đến cảnh trong giấc mơ…

Nuôi dưỡng sự nghi ngờ và sẵn sàng chụp ót bất cứ lúc nào, tôi tự nghĩ ra vài tình huống và giải quyết. Nhà văn vốn tự đặt vấn đề và giải quyết nó.

Chẳng hạn nếu lúc nào đó tôi chạm mặt gã đi cùng vợ tôi trên đường phố. Tôi sẽ xông vào túm cổ cả hai. Sẵn tay trái đẩy vợ ngã xuống đất. Sẵn tay phải cho gã một cùi chỏ vào bụng. Đám đông sẽ nhào đến chứng kiến và ủng hộ vụ bắt quả tang. Đám đông sẽ giúp tôi xử lý gã, cho gã biết đau và biết nhục.

Nhưng hình như làm như thế thì chính tôi mới là người nhục nhã nhất.

Thay vì lộ mặt xông ra, tôi nên âm thầm đi theo hai người. Nam nữ ngoại tình chắc chắn sẽ đi nhà nghỉ, đi khách sạn hoặc đi chỗ nào đó có thể nằm với nhau. Tôi sẽ đứng ngoài cửa phòng chờ một lúc và đạp cửa xông vào. Cảnh lúc ấy như giấc mơ và trần trụi hơn cả thế. Trong tình huống đó, tôi không biết mình sẽ phải làm gì thêm nữa.

Mọi thứ khi đã ngoài tầm tay thì cố gắng gì nó cũng tuột, nên chắc phải dùng lời nói. Lời nói đọi máu. Lời nói để giấu sự thất bại, thay vào đó chứng tỏ cao thượng: “Em muốn theo người ta thì anh sẽ không giữ nữa”. Một câu nói để chấm dứt tình cảnh đớn đau bấy lâu nay, kể từ giấc mơ đã hành hạ tinh thần tôi đến rệu rã.

Trong tưởng tượng đó, vợ tôi đã gật đầu. Một cái gật đầu làm tôi chảy cả nước mắt.

*
* *

Toàn bộ câu chuyện trên là của anh bạn tôi, một nhà văn trẻ. Chúng tôi từng học cùng nhau ở trường đại học tổng hợp bên xứ tuyết, cậu bạn ở khoa ngôn ngữ, tôi lại ở khoa toán ứng dụng. Tréo ngoe chuyên môn nhưng chúng tôi chơi thân với nhau. Và bạn kể hết ra những lo lắng ghen tuông ấy mong nhờ tôi lý giải.

Ba năm kể từ giấc mơ là ba năm bạn sống trong ám ảnh. Và nếu như bạn mất ba năm đau đáu giấc mơ ấy, thì tôi cũng mất nửa năm trời đau đầu để tìm cách giải thích, vì tôi làm khoa học tự nhiên.

Một ngày cuối năm 2018 tôi chợt chạy đến tìm cậu bạn và reo lên: “Mày có óc tiên tri cũng nên. Rồi sẽ sớm có ngày mày sẽ được nhìn thấy cái gã tình địch ấy, hình ảnh sống động nhé, chứ không chỉ là mơ”.

Tôi bật máy tính lên, mở đoạn phim của nước ngoài về hình ảnh chàng dẫn chương trình đầu tiên được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI*).
“Chỉ cần kết nối những suy nghĩ trong đầu về một ai đó, máy tính sẽ tạo ra hình ảnh con người. Rồi một ngày không xa mày sẽ thấy gã tình địch bằng cách này”.

Cậu bạn gật gật đầu, như tìm ra được chút manh mối, chút hy vọng le lói thắc thỏm. Rồi cậu chợt ngẩng lên hỏi:

“Nhưng cái con người bằng trí tuệ nhân tạo đó, cái AI đó có bước ra đời thật được không”.

Tôi đáp rất có thể, công nghệ giờ đi nhanh lắm.

Và gã lo lắng ra mặt.

“Chẳng biết tới lúc đó vợ mình đã kịp già chưa”.

---------------------------
(*) AI – từ viết tắt tiếng Anh: artificial intelligence - Trí tuệ nhân tạo.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Một truyện ngắn được cấu trúc hiện đại, các chi tiết hấp dẫn và ám ảnh, tình thế truyện phát triển rất nhanh, bất ngờ nhưng lại tạo ra độ sâu của những suy tưởng. Truyện ngắn này là một tác phẩm đa văn bản và tôi đã đọc với một văn bản tác động tới tôi mạnh nhất. Đó là văn bản chứa đựng một cảnh báo đáng sợ về tương lai của con người. Không phải cảnh báo “vấn đề ngoại tình” hay sự mất lòng tin vào các mối quan hệ của con người mà là cảnh báo về một ngày có một thứ có thể thay con người, biết được mọi bí mật bên trong của con người... Thứ đó là gì? Là máy móc - một sản phẩm do chính con người làm ra.

Tôi thật sự bị ám ảnh bởi câu chuyện này vì thấy sợ hãi khi con người không còn bất cứ bí mật gì trong đời sống. Sự phát triển công nghệ nếu cứ theo mục đích làm ra những sản phẩm thay thế con người đến tận cùng, thì thế giới người sẽ trở thành cái gì?